- Guys! Look! It’s her again! (Anh em! Nhìn kìa! Lại là bà già đó!)
- The old hag by the window! The old hag by the window! (Bà già bên ô cửa! Bà già bên ô cửa!)
- What a weirdo! (Bả dị ghê!)
Đám nhóc đủ màu da vàng, trắng, đen mà bà già hay gọi là “nhóm tam thể” cứ đúng giờ đó lại quàng vai bá cổ đi ngang. Chúng chỉ trỏ về phía khung cửa chớp mở hờ của căn nhà, mặt mày hí hửng, cười đùa hô hố. Giọng vịt đực của đám thiếu niên mới lớn khiến lũ ngỗng trời rúc trong bụi cỏ nháo nhác giật mình, vừa đập cánh phành phạch vừa lạch bạch chạy theo lối đi bộ, chớp mắt đã bay khuất khỏi tầm nhìn.
Bà già tặc lưỡi, kéo cửa lại rồi quày quả quay vào. Trong bếp còn nồi thịt kho đang liu riu đợi cạn, trên sô pha là đống quần áo chưa kịp gấp, còn phải chuẩn bị bữa xế cho 2 thằng giời con sắp tan học về. Bà già lầm bầm nhẩm lại những việc cần làm, chưa chi đã thấy tất bật.
Nhưng tất bật cũng có cái hay của tất bật. Ít nhất, bà già có việc để làm, có cớ để bận rộn và bớt đi rất nhiều thì giờ ngồi rầu rĩ bên cửa sổ chỉ để nghĩ ngợi những chuyện không đâu. Như là vì sao đất này thênh thang thế, trời này vời vợi vậy, người xứ này cũng lành lạnh như gàu nước vớt lên từ giếng sâu, ngay cả ruột thịt chung nhà cũng phải khách sáo, dè dặt, nhìn mặt đoán ý nhau mà sống.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok |
Nồi thịt trên bếp đã cạn, nước thịt sóng sánh nhưng nhàn nhạt. Kể mà có tí nước hàng cho đậm màu, đậm vị thì đắt cơm phải biết. Bình thường ở nhà, bà già luôn thắng nước đường đến ngả màu cánh gián, hương thơm nức mũi, cái mùi hơi cháy quyện cùng vị ngòn ngọt pha chút đăng đắng rất nhẹ. Nhưng ở đây, người ta ăn uống kiểu Tây, lỡ tay nêm thêm chút đường, chút mắm là thế nào cũng bị “góp ý”.
Đấy, hương thịt kho mới chỉ thoang thoảng lạt lẽo thế thôi mà 2 đứa cháu ngoại vừa mở cửa bước vào đã chun mũi khó chịu. Bố chúng nó đi đằng sau cũng nhíu mày hỏi:
- Nay nhà mình nấu thịt kho hả mẹ?
- Ừ, thịt kho tàu cái Thúy dặn làm từ tối qua. Nó bảo hồi ở Việt Nam anh thích món này nhất mà!
- À, dạ…
Con rể ngượng ngùng đáp rồi quay về phòng. Bà già cúi đầu, giấu vẻ mặt đắc ý cùng cái bĩu môi dè bỉu. Gớm! Ở Việt Nam ăn mắm ăn muối mãi chẳng thấy ốm đau gì, giờ có quốc tịch Tây lại sinh ra thói học đòi văn vẻ, chê nặng mùi, chê không tốt cho sức khỏe. Đúng là cái đồ sính ngoại!
Nghĩ đến đây, vẻ kiêu hãnh như con gà trống thắng trận trên mặt bà già bỗng nguội lạnh đi, khóe môi giương giương tự đắc cũng mím lại. Nói con rể thế nhưng bà già thì có khác gì? Nếu không sính ngoại, bà đã chẳng ở đây vừa làm mẹ, làm bà vừa làm “ô sin không công” như thế này.
Bà già thở dài thườn thượt.
***
Nhớ năm ngoái lúc mới được cấp visa, bà cũng vui mừng và háo hức lắm, còn giấu kín một niềm kiêu hãnh bí mật. Trong cái ngõ nhỏ nhà bà, có mấy ai từng được đi nước ngoài? Huống chi bà già còn được đi theo diện con gái bảo lãnh sang để an hưởng tuổi già. Người ta bảo Canada giàu có, sống sướng như tiên, đến chó còn được luật pháp bảo vệ. Trẻ con sinh ra có chính phủ nuôi, trưởng thành đi làm được hỗ trợ đủ thứ, về già được đi khám miễn phí, còn có tiền trợ cấp hằng tháng. Con gái bảo bà qua đó ở một thời gian rồi nó sẽ lo liệu giấy tờ nhập tịch. Sau này, bà già sẽ là công dân xứ sở văn minh, có lương người già để lãnh. Hàng xóm láng giềng nghe vậy, không ai không xuýt xoa ngưỡng mộ bà già, khen bà có phước, con cháu ở Việt Nam ngoan ngoãn hiếu thảo mà con gái lấy chồng xa tận xứ người cũng không quên ơn mẹ.
Ban đầu, bà già cũng khấp khởi mừng vui nhưng không vì thứ người ta gọi là “vinh hoa phú quý” ở trời Tây ấy. Buôn bán cả đời, bản thân bà cũng tích cóp được chút của cải, chia một phần cho con cháu, phần còn lại đủ để ông bà no ấm tới khi nhắm mắt xuôi tay. Cái khiến bà vui là việc con gái vẫn nhớ đến mình. Kể cũng tội, hồi ấy con gái bà không thích học cũng chẳng giỏi buôn bán. Nghe người ta nói đi nước ngoài có thể đổi đời, bà già bèn nảy ý nghĩ cho con “qua bển” kiếm đường ra. Ngày tiễn con qua cổng sân bay, bà già khóc hết nước mắt, tưởng đâu như sinh ly tử biệt. Mà có khác gì khi từ bấy đã mấy mươi năm con gái sống tha hương nơi đất khách, hiếm hoi lắm mới về Việt Nam được một đôi lần. Thương con thiệt thòi nên khi nó “chat” về nói nhớ bà, cần bà, mặc cho ông già nhất quyết không chịu xê dịch, bà vẫn tay xách nách mang vượt đại dương sang sum vầy với con.
Thấy ý bà đã quyết, còn hăm hở đặt mua đủ thứ đặc sản thời trân đặng hút chân không mang sang cho con gái, ông già chỉ biết im lặng thở dài. Ông bảo ở nhà bà hét ra lửa, con cháu chẳng đứa nào dám trái. Sang bên ấy có con rể và anh chị em nhà nó; tính bà mạnh mẽ, hiếu thắng, chỉ sợ xa thơm gần thối, chung đụng thành ra mất vui. Lỡ có chuyện gì xảy ra, xa xôi cách trở như thế, ai mà dỗ, mà bênh bà được. Bà già phẩy tay ra chiều ông lo nghĩ nhiều quá, con gái, con rể mình chứ có phải đứa ất ơ nào đâu, xích mích đến mấy cũng không rách trời được. Vả lại, con nó đã nài nỉ như thế rồi, mẹ nào lại nỡ lòng từ chối?
Hậu quả của việc chẳng đành chính là chuỗi ngày phải giả câm vờ điếc của bà già nơi trời xa xứ lạ. Lạ từ thời tiết khô hanh lạnh lẽo, lạ đến cái ăn cách mặc, kiểu nói điệu cười. Không biết tiếng, ngoài dăm câu chuyện trò mỗi tối khi con gái, con rể tan làm về, bà già hầu như chẳng có dịp mở miệng với ai. Không biết đường, ngoài sân trước, vườn sau cùng quẩn quanh 2 tầng nhà, bà già cũng chẳng thể dạo bước tới đâu. Cả một thế giới muôn màu bỗng chốc thu bé lại bằng con đường vắng vẻ cùng vòm trời bàng bạc lấp ló sau tán thông rậm rạp ngoài ô cửa. Làm bạn với bà già, ngoài cái trò kim cương mà đứa cháu gái ở Việt Nam cài giúp vào điện thoại thì cũng chỉ còn việc nhà, từ giặt giũ, nấu nướng, quét dọn cho tới chăm bẵm 2 đứa cháu ngoại.
Những ngày tẻ ngắt và buồn tênh ấy, bà già đã sống được ngót nghét 1 năm. Bà đặt chân tới mảnh đất này đúng dịp lá phong trải thắm những cung đường, chịu đựng qua mùa đông tuyết rơi ngập lối, giờ đã cuối xuân đầu hạ, bồ công anh bay bổng trong gió mà nỗi cô đơn, lạc lõng của bà vẫn rậm rạp như cỏ dại um tùm ngoài kia. Bà già nhớ phố xá nhộn nhịp, nhớ ngõ hẻm quanh co, nhớ chợ sớm người qua kẻ lại, nhớ từng tiếng rao, tiếng nói bổng trầm thứ ngôn ngữ mẹ đẻ. Bà già nhớ rau cỏ ngon nõn mà rẻ bèo, nhớ cà muối, mắm tôm, chẩm chéo nồng nàn vị quê hương. Bà già nhớ bạn đời, nhớ mấy đứa con trai và đám cháu nghịch ngợm nhưng hiếu thảo, ngoan ngoãn. Dăm bìa đậu rán chấm gia vị hay bát cơm nguội trộn muối vừng chúng nó cũng coi như sơn hào hải vị mà khen lấy khen để khiến lòng bà như nở hoa.
***
2 đứa cháu ngoại gốc Việt mà thuần Tây đang ngốn ngấu đĩa bánh mì vòng. Chúng chê bánh nướng cháy nhưng lúc cần hạ miệng thì thứ gì cũng ăn lấy ăn để. Bà thấy bơ chảy nhoe nhoét lên khăn trải bàn trắng tinh mới giặt, thấy vụn bánh vung vãi khắp nơi, thấy áo khoác, giày, cặp… vứt lăn lóc một góc nhà mà lắc đầu ngao ngán. Phải chi đang ở Việt Nam thì bà đã cho mỗi đứa một cái cốc đầu răn đe. Ở đây thì không được. Mỗi lần chúng nó bày bừa hay hỗn hào, bà chỉ mới hơi nhăn mặt là 2 thằng giời con đã xì xà xì xố thứ tiếng bà không hiểu, nghe mẹ chúng bảo là 2 đứa đang đòi báo cảnh sát. Ở đây, dạy con dạy cháu thôi mà sơ sẩy là cũng mang tội.
Bà già tỏ vẻ bất mãn. Luật gì mà kỳ, người lớn uốn nắn con cháu nên người cũng không cho. Con gái bà chỉ biết an ủi “Tây nó vậy” rồi lại bận bịu công việc ngoài tiệm. Tiệm nail của cô mới đi vào hoạt động vài tháng nay. Trời ấm lên nên khách đến cũng đông, cô cứ phải đầu tắt mặt tối cả ngày, nhà cửa chồng con đành phó thác hết cho bà già. Thấy con gái hôm nào cũng khuya khoắt mới về, người mệt lả, đói meo, bà già xót xa lắm, chẳng nỡ phàn nàn thêm điều chi khiến con phải bận lòng. Cô con gái thấy nhà cửa được thu vén gọn gàng, chồng con ăn no ngủ đủ nên cũng điềm nhiên cho là gia đình vẫn êm ấm hòa thuận, lại càng thêm chuyên tâm sự nghiệp. Cô không nhận ra bà già ngày càng lầm lũi, ít nói ít cười, khuôn mặt lộ rõ vẻ cô đơn và mất hứng. Thi thoảng bà già bóng gió nói ở nhà buồn chán quá, cô cũng chỉ nghe chứ chẳng để trong lòng. Đối với cô, người già hẳn sẽ thích bầu không khí trong lành, yên tĩnh và nhịp sống thư thả ở xứ này.
Cuộc sống không được như ý khiến bà già bực bội, con gái không hiểu lòng mình càng làm bà thêm tủi thân. Nỗi ấm ức nghẹn ở cổ họng, chiêu bao nhiêu ngụm trà mát gan cũng không trôi xuống được. Bà hờn dỗi vứt toẹt cái khăn lên bàn bếp rồi bỏ về phòng nằm, chẳng thiết tha cơm nước gì nữa mà cứ trằn trọc tới tận khuya.
***
Ngẩng nhìn đồng hồ, lúc này ở Việt Nam đang là buổi chiều, bà già mở cái ứng dụng màu xanh trắng trên điện thoại để gọi cho ông già. Tầm này chắc ông đã ngủ xong giấc trưa.
- Bà đấy à? Làm gì mà dậy sớm thế?
Ở ta làm bà đầm thép, sang Tây thành bà mặt lạnh, vậy mà vừa nghe giọng hồ hởi của bạn đời, bà già bỗng vỡ òa. Bà nghẹn ngào nói nhớ Việt Nam, nhớ ông và đám con cháu; rằng bà ở đây khổ quá, tù túng quá; rằng bà muốn về nhà.
- Bà bình tĩnh đã, có gì từ từ nói tôi nghe. Chúng nó lại làm gì khiến bà phật ý à?
Thấy bà bỗng nức nở, ông già cũng lo sốt vó nhưng chẳng biết đầu cua tai nheo ra sao mà an ủi.
Mất một lúc bà già mới hòa hoãn được cơn tức tưởi. Bà khịt mũi, lau mặt rồi nhỏ giọng kể lể những bất mãn dồn nén suốt thời gian qua, càng kể lại càng ngỡ ngàng nhận ra mình đã ôm vào lòng quá nhiều phiền muộn.
- Bà này, nếu ở bên ấy không thoải mái thì bà về đi. Con cháu nhớ mong bà lắm. Lần trước bà kể bà Nhâm bạn bà bên ấy cũng chuẩn bị về Việt Nam đúng không? Bà bảo con Thúy đặt vé để 2 bà về cùng chuyến cho có bạn có bè, sau cũng đừng sang đó nữa.
Nghe vậy, bà già bỗng lặng đi giây lát. Bà nhớ tới bà bạn tên Nhâm, quen nhau trên máy bay rồi từ đó giữ liên lạc tới giờ. Chắc vì cùng cảnh cô đơn trong “nhà tù” mang danh gia đình nên 2 bà thường xuyên tìm nhau kể khổ. Bà Nhâm nhà ở xa lắm, “De Lô Nai” (Yellowknife) hay “De Lô Hươu” gì đó. Nghe kể 1 năm ngày lạnh nhiều hơn ngày ấm, đất rộng người thưa nên còn đìu hiu, vắng vẻ hơn cả vùng ngoại ô gần Toronto nơi bà già đang sống. Lần trước trò chuyện, bà Nhâm bảo không chịu nổi nữa, muốn về Việt Nam.
Già rồi, sống sao cho an vui, tội gì đày đọa bản thân. Bà già lại nghĩ về mình, về chuỗi ngày vò võ chỉ biết ra ra vào vào căn bếp nhỏ, về mối quan hệ mẹ vợ con rể bằng mặt không bằng lòng, về cô con gái bận tối tăm mặt mũi nên thành ra vô tâm. Bà có đang tự đày đọa mình không?
- Mấy anh chị em thằng Toàn đều ở đây, mỗi con Thúy nhà mình thân cô thế cô. Từ sáng tới tối nó khom lưng chà chân cho người ta, về nhà lại phải hầu chồng hầu con, hầu cả các em chồng. Có tôi ở đây, ít nhiều đỡ đần được chút việc dọn dẹp, bếp núc. Tôi mà về, mình nó lo sao xuể? Thôi, ông chuẩn bị cơm nước đi, tôi nằm thêm một lát...
Theo tiếng cúp máy, căn phòng cũng yên ắng lại. Bà già tựa đầu bên ô cửa sổ sát giường, bàn tay khô khốc lần mở tấm chớp. Rạng sáng nhá nhem, chân trời ủ rũ một màu xám khói. Lũ ngỗng giờ này chắc đang yên giấc bên hồ, cũng chưa tới lúc “nhóm tam thể” túm tụm ngang qua. Chúng phiền thật nhưng lại mang theo tiếng nô đùa khuấy động chuỗi ngày tẻ ngắt của một người già xa xứ.
Đỗ Thùy Linh