Truyện ngắn - Anh sai rồi!

11/10/2020 - 17:27

PNO - Điện thoại reo, Vy cuống cuồng bò dậy như một thói quen đã có từ lâu. Lúc chạm chân xuống đất, Vy mới nhận ra đó không phải là tiếng chuông báo thức. Di di chân trần trên mặt gạch mát rượi, Vy nhớ là mình đã ở nhà. Ở nơi này, Vy không cần phải dậy theo những hồi chuông reo, ép mình phải mở mắt trong khi cả người nặng trĩu.

 ***

Vy về nhà giữa cả niềm vui và nỗi buồn của bố mẹ. Sau mùa dịch, nhà máy cầm cự được tháng rưỡi rồi cũng phải tạm thời đóng cửa vì thiếu nguyên liệu. Mỗi người được thanh toán hết tiền lương. Ai ở trọ thì được công ty hỗ trợ ba triệu đồng, coi như tiền thuê nhà hai tháng. Khi nào tình hình khả quan, sẽ có điện thoại gọi về cho từng người. 
Nhìn ông sếp mặt đỏ bình thường hay quát to rơi nước mắt, cúi đầu xin lỗi anh chị em công nhân, mấy anh đàn ông quay mặt đi ngậm ngùi, mấy chị mấy cô thì mắt ngân ngấn nước. Ông nói, đây là điều không ai muốn nhưng ai có nguyện vọng gì cứ nói, ông sẽ cố gắng thực hiện. 

Nén cơn ói chực ào tới, Vy giơ tay xin phép từ chối không nhận khoản hỗ trợ nhà trọ. Vy nói ngày mai Vy sẽ về quê, không ở trọ nên không cần.

Chị Trâm huých: 
- Con này dại. Ba triệu bạc chẳng là gì nhưng mình cũng cần phải sống mà.
Vy cười, len lén nhét cây kẹo vào miệng:
- Em về quê, phụ bố mẹ trồng rau. 

Vy không cười nữa. Có mấy người cũng từ chối nhận như Vy. Một lần nữa, ông sếp lại gập người cảm ơn. Vy nhìn chỏm tóc lơ thơ trên đầu ông. Nhớ mấy lần đi họp Vy ngồi cạnh, cứ ông lên tiếng là Vy giật mình, có lần ông phải vỗ đầu Vy trấn an. Ông bảo Vy thông cảm, dưới xưởng lúc nào cũng ồn ã tiếng máy nên nói to quen rồi. Những lần sau này khi đi họp, ông thường bảo Vy ngồi xa ra, còn trêu Vy yếu bóng vía. 

Sau khi làm công việc dọn vệ sinh và dán niêm phong, mọi người được về sớm. Vy ghé qua chợ mua mấy thứ, nhắn cho Hưng chiều nay về sớm, bữa tối có mấy món anh thích.

Tin nhắn của Vy không được trả lời. Đến tận mười một giờ mà trên cái bàn con vẫn còn nguyên dĩa cá chép om dưa, tô canh chua, dĩa chả giò đã ỉu xìu và chén nước mắm ớt. Vy úp tất cả lại, đi ngủ. Hưng không trả lời tin nhắn về ăn cơm, hẳn Vy cũng không cần nhắn thêm rằng mai Vy về quê.

Vy thu dọn thật sạch căn phòng nhỏ, nồi niêu bát đũa xếp gọn gàng trên cái kệ nhựa, chai dầu ăn mới mua, gói bột nêm mới khui, chai nước mắm còn hơn nửa. Gối mền cũng giặt giũ, còn nửa thùng gạo và ít thịt cá rau xanh trong tủ lạnh, Hưng về cũng có đồ để nấu ăn. 
***
Hơn nửa năm trước, Vy đã trả phòng thuê bên kia để chuyển sang đây ở chung với anh. Hai đứa bàn tính tết sẽ cùng về quê Hưng. Nhưng rồi ông chú Hưng mất sát tết, anh không đi đâu được. Bố mẹ Vy đã chờ, song khi nghe lý do, ông bà cũng vui vẻ cho qua. Tang ma sinh nở nào ai nói trước được. 

Hưng cũng tỏ vẻ áy náy, hẹn hè sẽ về, còn đùa anh mà về nhà em mùa này chắc anh trải nệm trên đống lúa để ngủ. Hai đứa còn lên kế hoạch mỗi tháng sẽ dành dụm bao nhiêu tiền…

Nhưng kẻ thứ ba đột nhiên xuất hiện khiến Vy trở tay không kịp. Hôm nhà chị Thảo có đám giỗ, Vy đã thấy nhờn nhợn muốn ói nhưng lại nghĩ do ăn nhiều đồ nếp với mấy cái chả giò ngấm quá nhiều dầu. Cảm giác ấy kéo dài cả tuần cộng với chút linh cảm phụ nữ khiến Vy lờ mờ nhận ra, lại muốn cả anh cùng biết tin.

Nhưng thái độ của Hưng khiến Vy sụp đổ. Anh nói đáng lẽ Vy phải biết phòng thân, hai đứa đã có gì đâu, giờ có con thì sống làm sao. Chi phí cho một đứa trẻ ở thành phố này không ít đâu. Anh không muốn con anh sinh ra trong phòng trọ mười sáu mét vuông không cửa sổ. Hai đứa còn trẻ phải tranh thủ làm. Không có đứa này sẽ có đứa khác, tụi mình bình thường hết mà. Anh hứa sẽ cho mẹ con em cuộc sống tốt đẹp sung sướng.

Chỉ mười lăm phút từ khi biết tin mình sẽ có con, Hưng đã quyết định xong số phận của nó.

Vy muốn suy nghĩ kỹ. Hưng nói Vy cứng đầu, ngoan cố. Có gì mà phải nghĩ, đằng nào cũng đau, thà đau sớm cho vết thương nhanh lành. Vy nhìn anh. Vết thương nào cũng có thể lành, cả vết thương trong tim. Nhưng với phụ nữ, vết thương này suốt đời sẽ không lành được. 

Hưng im lặng, bữa tối vẫn ăn cùng nhau nhưng anh chỉ quấy quá tí rồi bỏ đó, lông mày cau nhíu vào nhau, ánh mắt luôn cụp xuống. Vy chợt nhận ra quanh Hưng là quầng sáng ảm đạm như ngọn đèn cạn dầu, ánh lửa không còn vui vẻ nhảy nhót. Vy đứng lên dọn bát, nói anh ăn cho xong bữa đi đã. Hưng cáu.

- Em nghĩ anh nuốt trôi được hay sao. Cứ nghĩ em đi làm về đã mệt, người lại đang mệt như thế mà phải cơm nước, giờ còn… Em kệ anh đi, cho anh yên tĩnh chút.

- Anh có nghĩ đàn ông và đàn bà về sống chung một nhà vì lý do gì không? Ngoài việc ở chung ăn chung ngủ chung còn tạo ra những đứa con chung để thành một gia đình.

Đứa trẻ này có thể đến sai thời điểm, nhưng là do bố mẹ nó chứ nó đâu muốn. Anh cũng không cần phải lấy lý do áy náy thương em mệt mỏi. Em tự thu xếp được. 

- Vậy thì tùy em.

Và đã ba ngày Hưng không về, cũng không báo tin đi đâu, ở đâu. Vy biết anh có về qua nhà, lấy đi mấy bộ quần áo, bỏ thêm tiền vào cái hộp giấy chuyên để tiền đi chợ. Không biết Hưng về lúc nào mà còn lau nhà, chà sàn nhà vệ sinh, kéo thẳng tấm drap. Nhưng Hưng không lưu lại chữ nào cho Vy. Hẳn anh muốn Vy cầm số tiền này đi giải quyết hậu quả.

Lúc kéo vali ra ga, Vy đã không ngoái lại. Có bữa tiệc nào không tàn, chẳng qua bữa tiệc của Vy và Hưng tàn hơi sớm. Lúc ngồi ở ghế chờ tàu đến, Vy bấm ngón tay tính hai đứa đã sống chung được hơn nửa năm sau ba năm yêu nhau. Trừ lần Vy đi liên hoan được đồng nghiệp nam đưa về, có lần này là Hưng nổi cáu. Anh luôn chăm sóc Vy. Là đàn ông nhưng anh không nề hà bất cứ việc gì, dọn dẹp, cơm nước hay chạy ra tiệm tạp hóa đập cửa giữa đêm mua cho Vy gói băng vệ sinh. Một người như Hưng dư tiêu chuẩn để làm chồng. 
***

Bố giận dữ vớ cái chổi với cánh tay giơ cao hết cỡ. Mẹ ôm chặt Vy chìa lưng về phía bố, miệng không ngừng sao dại thế con, thôi, về với mẹ là được rồi. Nó là con ông đấy. Giờ ông muốn giết hay đuổi nó đi. Nó về thì ông giận dữ, hẳn ông muốn người ta gọi ông ra nhận xác mẹ con nó ở bờ sông nào đó hay sao.

Hẳn câu nói của mẹ khiến bố tỉnh lại. Ông ném cái chổi vào góc nhà, ôm mặt ngồi xuống cái ghế gỗ và im lặng. 
- Không cần nghĩ nhiều. Cháu mình mình nuôi. Mày đã về đây rồi thì cứ ở nhà, làm được gì thì làm, sinh nở cứng cáp xong rồi tính.
- Hàng xóm có hỏi, thì nói tôi sắp có cháu ngoại. Thêm người thêm của. Ai nói mặc xác người ta, tôi chống mắt xem ông nào bà nào đủ cơm gạo để nói chuyện nhà khác mãi.

Hằng ngày, Vy chỉ ở nhà cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, tước dây chuối cho mẹ bó rau. Mỗi sáng sớm, bố mẹ Vy đều ra đầm rau muống, cắt đủ hai thuyền sẽ mang ra chợ. Bố đi bỏ cho mối rồi về trước với cái làn lủng lẳng treo cổ xe. Trong ấy là những đùm những nắm bằng lá chuối xanh ngắt. Hôm thì xôi, hôm thì bánh ướt, bắp ngô, củ khoai… Dặn, thích ăn gì cứ nói bố mua cho. Đừng để thèm kẻo sau này đứa bé nó rớt dãi.

Một tuần, Hưng không gọi điện cũng chẳng nhắn tin. Vy cầm hình siêu âm của con, ước gì Hưng sẽ thấy nó một lần. Nhưng có lẽ Hưng không cần, cũng không mặn mà. Hẳn Hưng nghĩ hậu quả đã được giải quyết. 

Thi thoảng, Vy nhận được điện thoại của mấy chị đồng nghiệp, hỏi thăm Vy về quê thế nào. Nhà máy mới đóng cửa một tuần mà đi qua đã thấy tiêu điều lắm. Lá xà cừ trải vàng trước cổng. Trong sân đầy hoa lộc vừng dày như tấm thảm. Con mèo hoang sống ké trong nhà máy, thấy người thường cúp đuôi chạy, nay thong thả ra sân chơi với đám lá vàng. Chị Trâm trọ gần đó thi thoảng mang sang cho nó cái đầu cá hay mớ xương.

Bố lịch kịch dựng xe, xách làn vào bếp gọi với lên, thay quần áo đi bố chở đi tiêm phòng. Bố vừa đi qua trạm xá, nay xã có lịch tiêm, mà cứ từ từ, ăn bát bánh đúc đi đã. Bà Hợp biết mua cho mày, bà ấy cho thêm bao nhiêu là lạc. Thằng Huy nhà bà ấy giờ làm trên thành phố chưa vợ con gì, mỗi lần về đều hỏi thăm mày. Bố nhìn ra sân, khẽ thở dài. Vy nheo nheo mắt nhớ anh Huy hơn Vy bảy tuổi, từ bé đã luôn bảo vệ Vy; leo lên cây hái được quả ổi, chùm nhãn thế nào cũng dành cho Vy quả ngon nhất. Nhà có gì Huy cũng mang sang cho Vy. Huy lên huyện học cấp III rồi đại học, Vy ở nhà chậm rãi qua thời thiếu nữ rồi quên mất anh.

- Đeo khẩu trang vào, cứ phải cẩn thận. Phòng cho mình cũng như tránh cho người ta. 
Trước cổng giàn hoa giấy ba màu vàng hồng cam nhà Vy có mấy bà hàng xóm đang tụ tập. Thấy bố dừng xe, một người chỉ tay:

- Đấy, bố con ông ấy về rồi.

Đằng sau đám đông ấy, sát cánh cổng sắt, Vy nhìn thấy Hưng. Cái túi du lịch đen để dưới chân, ba-lô còn đeo trên lưng. Bố quay nhìn Vy, cười với các bà:
- Đứa cháu họ xa ghé chơi. Cảm ơn các bà.

Vy mở khóa, Hưng tiến tới kéo rộng cánh cổng rồi khép nép lùi ra cổng. Bố chạy xe vào sân, cởi mũ, quay nhìn ra: 
- Mời cậu vào nhà.

Vy không nhìn Hưng, đi thẳng xuống bếp, biết anh đang nhìn theo. Đám cua thả trong thau nhôm bò lạo xạo, Vy đổ ít nước vào thau, lấy que cời khuấy cho đám cua dính chùm vào nhau, cầm rổ ra vườn. Lúc lơ đãng nhìn vào, Vy thấy Hưng đang chăm chắm nhìn về hướng này. Bố gọi điện nói mẹ gửi rau hay bán rẻ cho ai rồi về nhà có chuyện. Hình như mẹ hỏi lại gì đó, bố cáu: “Đã bảo về thì cứ về đi. Về thì biết”.

Mẹ về rất nhanh, hẳn vì câu “về thì biết của bố”. Hẳn mẹ nghĩ con gái ở nhà có chuyện gì. Hai bố con vừa đi khám về, hay là…
Ba người nói rất nhỏ, Vy căng tai nghe tiếng được tiếng mất, xé xong thau cua, ngâm đám rau tập tàng vừa bòn ngoài vườn vào thau nước, Vy len lén vào buồng ngồi rồi ngủ thiếp. 

Từ ngày về nhà, Vy chỉ thèm ăn và thèm ngủ, thi thoảng nhờn nhợn muốn ói nhưng kiếm thứ gì ăn kịp thời là hết. Trong buồng, bàn nước, dưới bếp chỗ nào cũng có cái gì đó cho Vy bỏ vào miệng. Người ta bầu bì xanh xao sút cân thì Vy hồng hào béo tốt. Một tuần mà Vy tăng gần hai cân. Mẹ bảo ăn kiểu này mai kia đẻ ra con lợn. Bố cáu bảo mẹ mày nói chuyện có duyên thế, cháu mình mà bảo lợn với heo.

Mùi thơm xào nấu đánh thức Vy dậy, Hưng vẫn ở trong nhà, vẫn bộ quần áo khi nãy, túi xách với ba-lô để sát cửa ra vào. Thấy Vy, Hưng vội đứng dậy có ý đón. Vy vung tay:
- Em có yếu ớt hay bệnh tật gì đâu.
- Anh xin lỗi. 

Vy nhướng mắt. Hưng xin lỗi vì đã coi Vy là người bệnh hay xin lỗi vì đã vội vàng quyết định.
- Anh đã rất lo lắng và hoảng sợ. Anh không biết làm thế nào…
- Và anh chọn cách bỏ trốn, để lo lắng mình em chịu. Anh còn không dám về nhà, em gọi điện thoại anh không nghe, nhắn tin không trả lời…
- Anh sai rồi, may mà…
- Cái sai của anh, con em phải gánh, nó còn đến ngày hôm nay là do em không đành. Còn anh, anh đã đánh mất nó rồi.

Nếu ngày ấy Vy cũng như Hưng, muốn nhanh chóng xóa đi tội lỗi của mình, thì nay tiếng xin lỗi ấy sẽ treo ở đâu, sẽ vọng vào đâu?
***

Lần đầu tiên từ ngày quen nhau, Vy nặng lời với Hưng. Nhìn anh cúi mặt, Vy lững thững ra sân. Mẹ ở trong bếp đang vần nồi cơm vào đống trấu, bảo có chùm nhãn cô Liên mang cho đấy, ăn đi. Vy nghe mẹ lầm bầm, cứ ăn ngọt thế này là sinh con trai cho xem, con mẹ nó đã rắn mày rắn mặt thế, con trai rồi dạy ốm. Vy nhe răng cười nhìn nồi cơm được thả vào đám trấu nóng rực. Mấy hôm nay Vy thèm ăn cơm cháy, mơ đến nỗi nửa đêm òa khóc. Mẹ bảo nó tham ăn như mẹ nó, bố bảo con nó thèm ăn là tốt, mai làm cho nó ăn.

Bữa trưa có canh cua cà pháo, Vy thèm ăn cà chấm mắm tôm, mẹ giao hẹn chỉ được ăn hai quả. Nhưng lúc mẹ lúi húi cạo cháy, Hưng lén gắp thêm cho Vy một quả, bố thấy nhưng không nói gì. Ăn cơm xong, Hưng với bố ngồi uống nước. Vy không biết bố mẹ đã nói gì với Hưng, thái độ không ra lạnh ra nhạt. Hưng ngồi nhìn lơ vơ, thấy dưới ngăn bàn uống nước là mấy cuốn album nên lấy ra nhìn. Bố đang rót nước, gần như giật lấy:

- Anh phải xem từ cuốn này này. Trong này toàn là hình con gái chúng tôi. Từ lúc mới sinh đến bây giờ, cơm gạo không ít đâu.

Rồi bố đặt lên trên cùng, cuốn album mới nhất nhưng mỏng nhất: 
- Chúng tôi trông mong cuốn này sẽ mỗi ngày một dày lên. Dù anh cần hay không cần, nó vẫn là cháu ngoại của tôi.

Vy biết trong cuốn album đó mới có hai tấm hình đen trắng bé tí với một nửa là chữ. Đó là hai tấm ảnh siêu âm, một cái từ tháng trước, cái mới nhất hôm qua. Không biết bố mua quyển album lúc nào.

Vy thấy Hưng mở ra và khóc. 

Nguyễn Thị Thanh Bình

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI