Truyện ngắn - Anh còn ở đó phải không?

18/10/2024 - 17:02

PNO - Đó là lần đầu nàng đi dự đám cưới sau 40 năm rời quê nhà.

40 năm ấy, nàng phải trải qua biết bao nhiêu giai đoạn của cuộc sống, từ một cô gái trẻ nay đã nghiêng đời về phía núi. Một hành trình dài của đời người, một hành trình dài xa quê hương, mãi đến nay nàng mới trở về.

Nàng vui lắm, bởi đám cưới có lẽ là nơi ai cũng quần áo đẹp và không gian ở đó luôn làm cho người tham dự vui vẻ. Trước kia, nàng còn quá nhỏ và có thể khi đó đám cưới vẫn tổ chức theo kiểu tự nấu nướng ở nhà, mời khách đến. Những đám cưới tổ chức tại nhà thường đơn giản và ít ấn tượng. Ở Mỹ, nơi nàng sinh sống, cũng chẳng có những đám cưới với vài trăm người tham dự, bởi khoảng cách địa lý từ nhà này đến nhà kia xa xôi và ai cũng bận bịu trong cuộc mưu sinh.

Hồng Anh bảo nàng: “Chiều nay tao tới đón mày đi đám cưới”. Nàng lựa chiếc áo đẹp trong vali, nôn nao đợi Hồng Anh. Hồng Anh đi chiếc xe máy rất thấp, chở nàng vòng ra biển trước khi vào nhà hàng. Hồng Anh giải thích cho nàng biết là giấy mời ghi 5g30 chiều nhưng có khi tới 7g tối mới bắt đầu tiệc, cứ tận hưởng cái đã. Biển bây giờ khác với thuở nàng còn nhỏ. Hồi đó, cả bãi biển chỉ toàn là cát trắng và những cây rau muống biển, cây me dương tự do mọc. Bây giờ, biển có một thảm cỏ xanh, dừa được trồng thật nhiều và cả những chiếc ghế của các khách sạn cho khách tắm biển ngồi nghỉ.


Nàng cứ tưởng chuyến về sẽ chỉ một mình vì nàng đâu còn ai ở Việt Nam. Thời gian nàng rời xa quá dài, mà cuộc sống thì biết bao biến động, liệu ai còn nhớ tới ai?
May mà có Facebook… Nàng lọ mọ tìm những bạn học cũ. Nàng viết lên đó, báo nàng sắp về, mong được cà phê cùng bạn bè. Dòng tin như ném vào khoảng không, có thể vì Facebook của nàng ít đưa thông tin và cũng ít bạn bè, cho nên chỉ Hồng Anh nhắn: “Khi mày về, mình gặp nhau nhé”. Bao nhiêu năm rồi ở thành phố nàng từng sinh ra và lớn lên chẳng còn một vương víu, nàng rời bỏ và mãi đến nay mới trở về, giống như câu hát cũ một hôm bỗng loang trong trí nhớ nàng. Câu hát loang ra trong một buổi chiều muộn, khi nàng ngồi đợi xe buýt, vang ra từ chiếc điện thoại của cô gái ngồi cạnh. Nàng không nhớ lời nhưng đại khái bài hát nói về một mối tình học trò không trọn vẹn. Trở về nhà, căn phòng nhỏ che kín, chỉ có lan can nhìn xuống những ngôi nhà, những con phố, nàng lên mạng tìm mãi mà không ra bài hát đã nghe.

Chỉ có Hồng Anh trả lời, có thể bởi ngày xưa, nàng và Hồng Anh từng có những ký ức, dẫu những ký ức ấy chỉ vừa đủ để nhớ về. Trang Facebook của Hồng Anh cho thấy hiện Hồng Anh chỉ một mình và có đứa con gái đã lập gia đình. Nay Hồng Anh đã mở một spa nhỏ để mưu sinh. Ở Việt Nam bây giờ, mở spa rất thịnh hành, nhờ thế Hồng Anh sống khá thong thả.

Chuyến bay mười mấy giờ đồng hồ không quen với nàng, bởi 40 năm nay nàng có đi máy bay đâu. Ngay thủ tục ra cửa máy bay cũng làm nàng luýnh quýnh. Giữa đám đông, may mà nàng gặp được một khách đồng hành ngồi cạnh là một cô gái trạc tuổi 30. Cô ấy tên Lan. Lan nói: “Cô cần gì thì nói với con nhé”. Cô ấy là du học sinh, sau khi ra trường đã ở lại làm việc, lấy chồng. Đây là chuyến cô về thăm ba mẹ. Nàng có Facebook nhưng chủ yếu chỉ để xem thông tin của người khác bởi nàng chẳng có gì để đưa lên trên đó, chẳng lẽ kể chuyện một mình trên đất khách quê người?

Nàng thèm trở về ghê gớm, không phải như mọi người kháo nhau là về để chứng tỏ mình thành đạt, chứng tỏ mình là Việt kiều, rồi rủ bạn bè đi ăn, phát ít tiền cho họ hàng... Nàng thèm trở về bởi quay quắt trong lòng nàng có hương vị của một loại trái - trứng cá. Cây trứng cá vốn được trồng hoặc mọc tự nhiên ở nhiều nơi, trái cứ chín đỏ quanh năm, cắn vỡ có vị ngọt nhẹ thật thơm. Kỳ lạ cho mỗi một thương nhớ. Có người thèm ăn phở, mì Quảng, bún riêu, bánh xèo, bánh ướt…, nàng lại thèm ăn trái trứng cá.

Trứng cá là một loại cây trồng trước nhà hay có khi ở một khu đất trống nào đó để che bóng mát, gần như mọc theo những con chim đem gieo hạt. Ngày còn nhỏ, nàng ở một làng quê có những con đường quê trồng rất nhiều cây trứng cá. Buổi trưa, nàng cùng lũ trẻ trạc tuổi thường đi hái trứng cá mà ăn.
Mùi vị ngọt nhẹ của trái trứng cá chín là nỗi nhớ của nàng trong biết bao năm xa xứ.

Năm lớp Mười, nàng về phố học, là những ngày xa nhà, tập làm quen với công việc phụ bán cà phê cho một quán nhỏ để kiếm tiền trang trải việc học. Căn phòng trọ nằm hút sâu trong một con đường nhỏ. Nơi đây giống như một khu phố trọ với nhiều người từ nhiều nơi chốn khác nhau. Nàng ở ghép với 2 bà chị lớn tuổi đã đi làm. Nói chung là cả 3 người dẫu ngẫu nhiên gặp nhau nhưng rất vui. Hằng tuần và có khi nửa tháng, nàng lại đón xe về nhà. Nhà nàng nằm ven quốc lộ, mẹ nàng bán cà phê và thức ăn sáng cho người qua đường. Về nhà, nàng phụ mẹ bán quán, cũng chẳng có thời gian đi chơi.

“Ghế này có ai ngồi không?” - một giọng đàn ông vang lên. Đó là chiếc ghế trống bàn nàng ngồi, chếch về bên phải. Có thể người đàn ông này là khách mời đi một mình và đến trễ, bây giờ tất cả các bàn đều có chỗ ngồi, chỗ ngồi này gần như là duy nhất. Ánh đèn lấp lóa không làm nàng chú ý đến người đàn ông vừa đến đó. Nàng đang nghĩ đến chuyện ngày mai sẽ đi tắm biển, bởi lâu rồi nàng không đi tắm biển. Còn Hồng Anh đang mở ví lấy chiếc gương nhỏ ra soi để tô lại màu son môi.

Nàng nghiêng mắt nhìn về phía người đàn ông. Cảm giác quen thoáng hiện. Rồi nàng nhủ, làm sao quen được, bởi nàng xa quê lâu rồi, hẳn đó chỉ là cảm giác thôi. Nhưng lạ thay, trong thoáng chốc ấy, nàng lại nhớ ra ký ức xa lắc xa lơ, ký ức của con đường làng và nàng đang ngồi sau chiếc xe đạp cùng một chàng trai đi qua những ruộng lúa đang mùa.

Đó là Hoan, chắc chắn là Hoan. 40 năm đã làm thay đổi một con người, không dễ dàng nhìn ra nhau. Cuộc bể dâu là vậy, có khi ta quên mất tên một người, như Hoan đã không còn lưu trong ký ức của nàng. Hoan của mênh mông xa. Nàng khẽ gọi: “Phải anh là Hoan không?”.

“Mỹ Linh” - người đàn ông ấy nhìn nàng và bật thốt tên nàng. Đã 40 năm trôi qua và họ gặp nhau trong một tiệc cưới.
***
Đó là ký ức, là con đường từ quốc lộ vào tận trong một khu dân cư mà ngày xưa là cánh rừng. Nhà nàng khuất sau vườn cây ăn trái do ba nàng trồng, là mảnh đất được cấp khi ba nàng chọn lựa đi kinh tế mới. Ngôi trường nằm cạnh một ruộng lúa. Ruộng lúa tùy mùa mà vàng màu lúa chín hay xanh lá mạ. Sáng sớm, nàng đi bộ đến trường, con đường đi bộ dài hơn 2 cây số. Rồi Hoan xuất hiện với chiếc xe đạp cũ kỹ. Đó là một anh chàng với chiếc áo trắng đã chuyển màu. Hoan rất hồn nhiên: “Để tui chở giùm tới trường”.

Chỉ là chở giùm tới trường, quãng đường có mùi gió lộng thơm mùi cỏ mùi lúa. Chở nhau rồi quen nhau, rủ nhau vào rừng hái trái rừng. Trong rừng có rất nhiều cây xoài, cây ổi dại có lẽ do chim tha hạt gieo trồng. Đặc biệt là cạnh con suối nhỏ lại có rất nhiều cây ớt sim, quanh năm trái chín. Lúc đầu chỉ là hái đem về nhà ăn, sau đó, Linh hiến kế hái đem ra lộ bán. Vậy là vào ngày nghỉ, Hoan hẹn Linh chở đi hái ớt sim, rồi cùng chở nhau ra đường lộ cách nhà cả chục cây số bán cho khách qua đường. Tiền bán chẳng được bao nhiêu nhưng là một món tiền để Linh có thể mua này mua nọ.

Ký ức về chiếc xe đạp cũ và chàng trai với bộ quần áo bụi bặm ấy vô tình trôi vào lãng quên khi Linh rời nhà ra phố. Hoan ngưng việc học, đi học nghề thợ sắt. Linh ra phố, Hoan ở lại vùng đất của con suối với những trái ớt sim rơi vào thị tứ, rơi vào cuộc sống cứ sáng chiều phải lo chuyện áo cơm. 2 cô cậu học trò thời thơ dại đã thay đổi môi trường sống. Hoan ở lại với miền đất cũ, còn Linh bước vào một thế giới của những ánh đèn màu.

Có lần, Hoan tìm đến căn nhà Linh ở trọ, mang theo một túi trứng cá chín, thứ trái cây mà Linh thích rồi cả hai ra một quán cà phê nhỏ gần đó. Là cuộc gặp gỡ của bạn bè hơn là cuộc gặp của một mối tình. Nhưng khi về nhà, Linh thấy một lá thư Hoan để trong đó, một lá thư tỏ tình: “Anh yêu Linh. Nếu Linh đồng ý, mình sẽ về lại Xóm Nhà Cháy gầy dựng tương lai”. Nơi Hoan gọi Xóm Nhà Cháy là mảnh đất kinh tế mới. Nó mang tên đó vì có lần một trận hỏa hoạn xảy ra thiêu rụi cả mười mấy căn nhà.

“Anh còn ở đó không?” - Linh hỏi Hoan. Hoan cười, nếp thời gian hằn trên gương mặt người đàn ông ấy. Hoan không trả lời, chỉ nhìn Linh. Trong đám cưới, âm thanh của những giọng hát từ khách mời át cả những lời đối thoại. Ở không gian đó, ký ức của 40 năm xa lắc, của chiếc xe đạp chở nhau đi học, của những ngày hái ớt sim rồi ra lộ bày bán tràn về. Có thể khi đã già và khi cuộc sống trở nên lặng lẽ, gặp lại người của thời xưa cũ ấy, tất cả ký ức lại tràn về.

Linh cũng không kịp nói cho Hoan biết tại sao mình đi Mỹ đột ngột với một cuộc hôn nhân vội vã và tại sao 40 năm sau mới trở về. Mà cũng không thể giải thích, bởi biến động của một đời người giống như một con sông cứ len lỏi tìm cách vượt bao thác ghềnh ra biển. Minh - chồng Linh - đã qua đời sau 1 năm họ định cư. Từ đó, Linh giống như chiếc lá cứ chao trong gió… Vậy mà cũng đi qua được 40 năm.

Nhủ lòng sẽ hẹn gặp lại nhưng khi Linh vào nhà vệ sinh trở lại bàn, chỗ ngồi của Hoan chỉ còn là chiếc ghế trống.
***
Có thể khi cuộc sống để lại cho chúng ta những trống rỗng, ta chỉ còn kỷ niệm. Bao nhiêu năm ở xứ người, Linh chỉ thèm được ăn 1 trái trứng cá, loại trái cây hằn lên ký ức. Là mùi thơm của những trái ớt sim hái ở ven suối. Và bây giờ, nàng lại nhớ về mùi tóc khét nắng của Hoan năm 16 tuổi.

Khách sạn nàng ở khá nhỏ, nằm trong một con đường nhỏ. Ô cửa sổ khách sạn nhìn xuống con đường nhộn nhịp. Thành phố nàng ở bây giờ trở thành nơi chốn của bao người tìm tới tận hưởng. Tự dưng nàng muốn tìm gặp Hoan. “Anh có còn ở đó không?” - nàng đã hỏi Hoan như thể…

Nàng nhắn tin cho Lan. Lan có mặt tại phòng lễ tân khi nàng vừa đi biển về. “Con chở cô đi cô nhé” - Lan nói. Chỉ là gặp trong một cuộc hành trình nhưng Lan sẵn sàng chở nàng đi tìm ký ức.

Con đường đi qua mùa này lúa chín, thoáng ven đường là ngôi trường ngày xưa nàng học đã được xây lại. Cuối cùng, 2 cô cháu cũng tới được ngôi nhà đó. Ngôi nhà bao năm tháng vẫn không thay đổi, có khác chăng là trước nhà có trồng một cây trứng cá đang rụng trái đầy. Nàng gọi vọng: “Anh Hoan, anh Hoan có nhà không?”. Nàng hình dung Hoan sẽ mở cửa bước ra, nàng hình dung nàng sẽ bảo Hoan ra bờ suối, chắc nơi đó vẫn còn những cây ớt sim dại.
Người hàng xóm thấy nàng tần ngần trước sân, nói vọng: “Căn nhà đó bỏ hoang gần 15 năm rồi”. Nàng hỏi trong gió: “Vậy bác có biết bây giờ anh Hoan ở đâu không?”. Bà hàng xóm lắc đầu: “Nghe nói nó vượt biên nhưng từ đó không có tin tức gì nữa”.

Nàng vói hái những trái trứng cá chín, bà hàng xóm vào nhà lấy cho nàng một chiếc túi để đựng. Nàng hái một túi đầy, khẽ cắn vỡ trái trứng cá trong miệng. Vị trứng cá hôm nay sao như có vị của nước mắt.

Khuê Việt Trường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI