Truyện ngắn - Ai may mắn?

08/06/2023 - 19:59

PNO - Nhìn cái nồi méo ám đen trên bếp, bên trong còng queo 2 con cá nục bằng đầu ngón chân trắng nhách, Ly nghe cay mắt.

Cô đưa tay vơ mấy cây củi và đám lá khô, hí húi nhóm bếp, mắt nhìn lên mớ chai lọ lộn xộn trong cái kệ nhựa màu xanh đã cũ. Ly lấy muỗng đường đổ vào cái nồi khác, nấu cho đường ngả màu cánh gián rồi thêm nước, thả mấy con cá vào nồi. Cá kho rồi, giờ kho lại cho đỡ trắng thôi chứ không được thơm ngon như kho cá mới.

Sau hè có luống rau muống mọc chen chúc với đám cỏ, Ly xắn quần hái rau tiện tay nhổ đám cỏ quăng ra xa. Là tiện tay thôi chứ tuần sau quay lại sẽ thấy cỏ xanh hơn rau.

- Để đó đi con, lo về sớm kẻo chồng con bây lại trông. Thằng đó cục mịch nhưng chịu khó, biết thương vợ thương con. Đàn ông mấy ai làm được như nó. Đàn bà cũng chỉ mong vậy.

Chú nói như nói ai, hẳn chú lại nhớ thím. Ngày xưa khó khăn thiếu thốn, chú ngán cảnh vợ kêu con khóc cha mẹ than thở nên đã đi làm ăn xa khi Đức mới 3 tuổi. Mấy năm đầu, chú đều đặn gửi tiền về. Hồi đó, ai cũng nói ông bà nội Đức có phúc, mẹ con Đức sướng nhất xóm. Tiền chú gửi về thím mua này sắm kia, còn sửa nhà. Khi ấy, nhà thím to đẹp nhất xóm, đám con nít tụi Ly thường đến sân nhà Đức chơi vì hay được thím cho bánh. Được vài năm, tin chú mất biệt, tiền cũng không thấy. Người ta nói chắc chú có vợ mới chứ đàn ông dễ gì chịu ở một mình.

2 mẹ con thím lại quay về cảnh khó. Lúc này mới thấm thía câu nghèo lên giàu thì dễ chứ giàu xuống nghèo khó sống, đã vậy bà nội Đức lại đổ bệnh phải nằm một chỗ. Bà nội mất, ông nội Đức đi sau bà 3 tháng. Đức vừa lớn, nghe người ta nói về ba, thấy mẹ thường khóc thầm nên Đức đã tin mẹ con mình bị bỏ rơi.

Không có người thứ ba nào hết. Chú bị tai nạn không làm việc được nên bị chủ đuổi, phải lay lắt gầm cầu sạp chợ suốt mấy năm. Trí óc lúc nhớ lúc quên nhưng chú không muốn quay về. “Về làm gánh nặng cho vợ con thì về làm gì” - chú nghĩ.

Cuối cùng chú cũng về, khi thím như ngọn nến sắp cạn. Ly gọi điện lên thành phố báo tin, Đức lạnh lùng: “Tui với ổng có quan hệ gì đâu, bộ tính bắt tui chăm hay gì?”. Ly biết Đức giận chú vì Đức phải nghỉ học khi mới lớp Tám, phải đi phụ việc ở xưởng cưa, bị cưa nghiến mất 1 đốt ngón tay. Những chuyện đó, chú là người chịu trách nhiệm.

Chú về được hơn 1 năm thì thím buông tay. Đợt đó Đức có về nhưng không nói câu nào với chú. Ly thương chú quá, khẽ trách thì Đức trợn mắt quát Ly đừng xía vào chuyện gia đình anh.

***
Từ ngày Đức lên thành phố, cô đã thấy anh đổi khác. Đức nói muốn ở thành phố, quyết chí làm giàu chứ anh chán xứ quê heo hút này lắm rồi. Thư từ điện thoại cho Ly lơi dần. Đức cấm cô qua lại với chú, nói anh sẽ không quay về trừ khi đã giàu, dặn: “Mai kia Ly có lấy chồng đừng lấy mấy đứa nghèo, nhục lắm”.

Di chứng của đợt tai nạn khiến chú đi lại khó khăn, nói chuyện hơi ngọng và nhớ quên lẫn lộn. Chú quên những chuyện hôm qua hôm kia nhưng chuyện về vợ con hồi 15-20 năm trước, chú nhớ hết. Ai mướn gì chú cũng làm, từ làm cỏ vườn, chặt cây cho đến bốc vác, phụ hồ. Người ta nói sau lưng, chú không quan tâm, chỉ có Ly nhảy lên xua đuổi những người lớn xấu bụng ác miệng. Chú cười nói Ly tuổi đó lấy chồng có con được rồi, kệ người ta.

Ly không kệ được, vẫn thường xuyên qua lại thăm chú, cùng chú trồng rau ở khoảnh vườn bấy lâu nay cỏ mọc. Rau ăn không hết, Ly cắt đem ra sân bán. Chú nhìn Ly nói: “Nhà ai rước được con về thật có phúc, giá thằng Đức biết nhìn người…”.

Ly cười nhẹ an ủi ngược lại chú, nói: “Duyên số ai biết được, con với anh Đức là bạn đó giờ mà. Hông ấy chú coi con như con gái chú đi, mấy việc này con tiện tay thôi”.

Hồi đó, Hải hay qua nhà Đức. Chú nói Hải là đứa giỏi giang chân chất đáng tin cậy. Hải tới lui 2 năm, Ly đồng ý theo anh về xóm dưới.

Lấy chồng, Ly về nhà Hải nên cách xa nhà chú, tuần 1 lần Ly vòng lên chợ xóm trên, tiện ghé về thăm ba mẹ và chạy qua chú ngó một cái, thu vén chỗ này chỗ kia, thi thoảng ghẹo: “Chú lấy vợ đi để bả chăm lo cho, đàn ông ở một mình nhếch nhác quá”.

Chú cười mắng yêu: “Con quỷ nhỏ nay lại dám ghẹo chú. Về lẹ đi kẻo chồng trông, đừng thấy người ta thương chiều rồi xỏ chân lỗ mũi nó”.

Ly bật cười, Hải hiền thật. Hải nói ngày nhỏ anh thường kiếm cớ lên xóm trên chơi để nhìn Ly. Ly tinh nghịch, vui vẻ, có nhiều bạn bè. Ở xóm dưới, Hải bị mọi người gọi là ông cụ non vì cái nết im im. 

Hồi Ly về làm dâu, mẹ chồng ngó chừng kỹ lắm. Rồi mẹ quay qua thương Ly, hẳn vì thấy con trai mình thương vợ. Đàn ông nhà người ta đi về có cơm ăn sẵn, chưa cơm nước là đá thúng đạp nia, đâu như Hải đi làm về là tạt qua nhà mẹ đẻ coi có gì lấy được là đem về cho vợ. Mẹ chồng hờn: “Thôi mày đem vợ qua ăn luôn cho nóng chứ lấy đồ về cũng phải khói lửa mệt à”.

Mẹ nói mát mà Hải nghĩ thật, anh kéo Ly qua nhà mẹ ăn cơm. Đúng dịp đó Ly có bầu, anh danh chính ngôn thuận nói vợ chồng anh sẽ ăn luôn bên này tiện cho mẹ chăm con dâu cháu nội. Chén dĩa ăn xong anh cũng không cho Ly rửa, sai em Út làm. Có bầu, Ly tròn quay như con cá heo vì được cả nhà xúm vô chăm. Ba mẹ Ly thấy vậy cũng mừng. Tuần 2 lần mẹ Ly đem rau trứng thịt xuống, tới khi ba mẹ chồng phải nói hờn: “Anh chị sợ vợ chồng tôi không chăm sóc con gái anh chị hay sao?”, ba mẹ Ly mới thôi. 

***

Vậy mà đôi khi Ly lại tự hỏi, nếu là Đức, Ly có được thương chiều như vậy không. Hồi nhỏ, Ly đòi gì Đức thường làm cho Ly ngay. Thím đi chợ mua 2 cái bánh thì Ly có 1 cái. Hôm nào thím mua 1 thì cái bánh sẽ là của Ly. Mấy lần thím ghẹo Đức khôn nhà dại chợ, Đức nói Ly còn nhỏ, phải ăn nhiều mới mau lớn. Những chuyện sau này Ly làm, cũng có người xì xèo nhưng Ly nghĩ mình đang cảm ơn những cái bánh ngày trước thím dành cho Ly.

Ly lắc đầu mắng mình nghĩ tào lao nhưng không hiểu sao thi thoảng vẫn nghĩ. Càng nghĩ Ly càng nhận ra mình với Đức chưa hề có một lời nào… Hôm cưới, Ly mời nhưng Đức không về. Ly sinh con, Đức không nhắn nhủ hỏi han gì còn chú khệ nệ đem tới cái xe bằng gỗ chú tự đóng.

Mải thu vén cho chú, Ly về nhà khi trời đã trưa, con gái thấy mẹ òa lên khóc nức nở, hẳn đợi mẹ lâu lắm. Hải đưa con cho Ly, dắt xe vào hiên, lấy mấy túi đồ trên xe xuống đem vô bếp, mặt như giận.

Ly ẵm con đi rửa mặt, thấy Hải từ dưới bếp đi luôn lên nhà, không nói câu nào, tự dưng cảm thấy tủi thân. Trời nắng nóng, Ly mới về tới, anh quăng con cho Ly rồi bỏ đi. Là anh xót con thôi, chứ đâu quan tâm Ly. Đám bạn Ly nói đàn ông nhanh thay lòng, khi yêu son sắt lắm nhưng khi về một nhà sẽ khác, quen rồi sẽ chán. Chính vì cái quen đó đàn ông mới đi tìm thứ lạ bên ngoài.

Đâu phải Hải không biết Ly đi đâu. Chuyện ghé thăm chú, Ly có giấu ai bao giờ. Cả tuần đi dạy, cứ thứ Bảy, Ly lại đi chợ xóm trên, ghé qua ba mẹ lấy mấy món Ly nhờ mẹ làm, ít trứng gà nuôi cho con gái và thăm chú. Ly thương chú lắm. Bằng tuổi chú, ba mẹ Ly hay ba mẹ Hải đã nhà cửa đàng hoàng, có cháu ẵm bồng, một mình chú cô độc với những ân hận. Vậy nhưng chú có làm gì, có sửa sai bao nhiêu, Đức vẫn không chịu tha thứ. 

Ngủ trưa dậy, Hải hỏi Ly chuyện này chuyện kia nhưng Ly chỉ im lặng. Ly lẳng lặng ủi áo dài cho tuần sau - đây là việc Hải thường giành làm. 4 năm nay Đức không về, Ly cũng không thư từ liên lạc gì, chuyện của Ly chắc chắn Hải biết. Ly những tưởng anh tin Ly nên không để ý mà đâu phải, anh vẫn rất để ý, là chưa nói ra thôi. Ly đến thăm chú, biết đâu trong mắt anh sẽ là con dâu hụt đến chăm ba chồng hụt nên thái độ của anh khi sáng cũng là bình thường.

Hải ẵm con đi, lát sau quay về với mấy hộp đồ ăn, chắc anh nói Ly mệt nên ba mẹ giữ con bé lại, kêu anh đem bữa tối về cho con dâu. Ly nằm xoay mặt vào tường giả bộ ngủ. Ly biết mình làm vợ anh nhưng vẫn có một góc khuất nhỏ không dành cho anh. Đôi khi Ly vẩn vơ nghĩ và có chút ỷ lại khi được anh và cả gia đình chồng thương chiều. Như hồi Ly sinh con gái, có ai đó nói Ly đứa sau ráng kiếm con trai cho nhà chồng, mẹ chồng gạt đi nói: “Cứ con cháu nhà tui tui thương, trai gái không quan trọng”. Sự việc sáng nay khiến Ly cảm giác như mình vỡ mộng, rằng Ly đã tưởng thế nhưng sự thật không phải thế.

Giường hơi lún xuống, giọng Hải nhè nhẹ ngay cạnh tai Ly: “Hồi sáng bé Ti nóng đầu, ông bà nội với cô Út dỗ nhưng con không chịu uống sữa, cứ khóc đòi mẹ. Ba xót con nên có chút giận, mẹ đừng để bụng nha!”.

Anh tìm bàn tay Ly: 

- Anh sai rồi!

- Anh thừa biết tui ở đâu mà, sao khi đó không gọi điện kêu tui về? Tới hồi tui về mặt chằm dằm. Tui ngốc lắm, anh làm mặt vậy tui không hiểu đâu, anh cứ nói thẳng ra đi.

- Mẹ đang thăm chú mà ba gọi điện giục về thì kỳ quá. Chú nghĩ ngợi tội chú. Dù gì mẹ với Đức cũng là bạn bè từ nhỏ, chú muốn nghe chuyện con trai chú cho đỡ nhớ.

Thấy Ly im im, anh nhận lỗi ngay. Còn Ly, thay vì biết lỗi, lại đi giận ngược. Có phải Ly đang xỏ chân lỗ mũi anh không?

Bé Ti vừa khỏe lại thì tới đợt thi học kỳ, Ly phải tập trung cho đám học trò, mấy tuần không đi chợ. Lúc thu bài thi, nhìn đám trẻ ùa ra sân, Ly mới sực nhớ gọi điện cho mẹ. Mẹ khoe mới mua được ít mãng cầu ngon, mai ba mẹ đi đám giỗ ngang qua sẽ ghé biếu ông bà nội bé Ti. Mẹ nói tuần trước chú bị té ở sân sau, may có hàng xóm qua mượn cái cuốc mới phát hiện. Chú nằm viện 1 tuần, mới về nhà hôm kia. Ly lặng người hỏi: “Sao mẹ không báo con biết?”. Mẹ gắt: “Biết để làm gì? Một bên con ốm, một bên việc dồn, còn chuẩn bị cho đám cưới em chồng. À, có thằng Hải lo hết rồi. Nó về không nói gì sao? Không biết nó mua cho chú cái bảo hiểm y tế từ hồi nào nên chú nằm viện không tốn kém bao nhiêu. Thằng Đức vậy mà tệ. Gọi cho nó, nó nói kệ ổng và không về thiệt. Khi còn sống, người ta cứ dằn vặt làm khổ nhau, đợi mai kia người mây người núi mới ân hận…”.

May mẹ không biết chuyện Ly giận chồng suốt 3 ngày. Nếu biết, chắc mẹ tìm đến tận nhà chồng để dạy dỗ Ly. Hình như ba mẹ chồng và cô Út đoán ra. Không ai nói gì Ly nhưng lâu lâu nói xiên nói xỏ Hải. Tội Hải. Anh có thanh minh cũng chẳng ai tin vì trong mắt mọi người, nếu vợ chồng Ly có chuyện thì lỗi chắc chắn do anh.

Sáng, Ly vừa ra sân đã thấy Hải nổ máy xe chờ sẵn.

- Nay ba chở mẹ đi chợ rồi ghé thăm ngoại thăm chú.

- Em hẹn cô Út rồi.

- Cô Út có chú Út rước đi lo chuyện khác rồi.

Lúc vòng tay ôm bụng chồng, Ly hỏi: 

- Về ngoại sao không cho con theo?

- Bữa khác thong thả, nay anh phải giúp ông ngoại sửa hàng rào kẻo gà bay qua, tiện sửa cái bếp điện rồi chuyển chỗ nấu vào nhà cho chú. Chú già rồi, ra ngoài gió máy không ai biết…

Ly vòng tay ôm lưng chồng, hít hà mùi mồ hôi quen thuộc, hỏi bâng quơ:

- Anh mua bảo hiểm y tế cho chú khi nào?

- Từ năm ngoái, anh nhờ cô Út làm, ba mẹ cũng biết nữa! Thằng Đức tệ nhưng chú cũng như ba mẹ mình.

Ai cũng biết chỉ mình Ly không biết. Mọi người làm chuyện đó một cách hiển nhiên cũng như chuyện hằng tuần Ly ghé thăm chú. Hình như Hải đang “đề phòng” Ly nên lôi ba mẹ chồng và cô Út ra làm lá chắn. Bộ Ly là người ngang ngược không biết phải trái hay sao? 

Trước đó, Ly có giận anh 1 lần khi 2 đứa đang chuẩn bị đám cưới, Hải nói anh phải cảm ơn Đức vì nhờ Đức lên thành phố với quyết tâm làm giàu nên anh mới có Ly. Ly nghĩ anh đang nói Ly là thứ hàng dạt nên bỏ về, tránh mặt anh suốt 1 tháng, trả lại hết những thứ mới sắm, đòi chia tay. Lần thứ hai này thực ra có mình Ly giận, làm mặt lạnh với anh suốt 3 ngày. Trong 3 ngày đó, anh vừa phải dỗ dành vợ, vừa phải nghe những lời trách móc của ba mẹ và em gái. Giờ nghĩ lại, Ly cảm thấy mình thật vô lý. Thật may Hải lành tính và bao dung. 

Ly dựa má vào lưng chồng, ngước mắt nhìn bầu trời ban sớm trong xanh nghĩ Hải nói đúng. Nếu Đức không lên thành phố, có lẽ mọi chuyện sẽ khác. Không biết Hải may mắn hay Ly may mắn. Gặp anh hẳn do duyên, rạch ròi làm gì. Từ giờ, Ly sẽ không nghĩ vẩn vơ nữa. Ly có bao nhiêu người, bao nhiêu việc cần quan tâm và còn bao nhiêu tháng ngày êm đềm đang chờ. 

Nguyễn Thị Thanh Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI