Truyện ngắn - Ai cũng có tết

17/01/2023 - 18:11

PNO - Đời con người luôn có những khúc cua, ngã rẽ mà ngoặt một cái đổi luôn cả đời.

Tám chắc mẩm con Trân thất nghiệp. Đó là một chiều đầu Chạp trời trở gió ngang qua từng góc phố. Con hẻm nhỏ lọt thỏm giữa quận ven đô đêm đêm còn nghe tiếng ếch nhái kêu. Thành phố phát triển tứ bề, đô thị giăng khắp lối. Khu trung tâm toàn những tòa nhà chọc trời, mấy khu mua sắm, vui chơi. Chục năm trước, các xí nghiệp, nhà máy đều dời ra ven đô.

ảnh: gia hân
Ảnh: Gia Hân

Người ta giải phóng mặt bằng làm khu công nghiệp. Công nhân bốn phương tám hướng tụ về thị thành tìm thuê nhà trọ gần công ty để tiện bề đi làm. Mấy khu trọ mọc lên với giá rẻ, chen chúc trong đó toàn dân tứ chiếng. “Chắt chiu lắm đó Tám. Chớ Tám nhìn coi, lương công nhân chừng 6-7 triệu đồng, tháng nào hàng nhiều thì mới dư mà phòng thân. Tháng nào hàng ít chỉ đủ tiền nhà trọ, tiền gửi về quê, tiền ăn là bóp bụng lại, ăn mì gói cầm hơi…” - có lần, con Trân than với Tám như vậy. Bận con Trân nói với Tám là bữa công ty nó cắt giảm chừng trăm đứa, Tám thở dài thườn thượt. 

Vậy nhưng chỉ sau chừng tuần lễ là con Trân mặt ỉu xìu đi về ngang đầu cổng nhà cũng không thèm chào Tám một tiếng. Bữa đó, Tám đang ngồi coi ti vi thông báo lịch nghỉ tết, rồi quy hoạch đường hoa, nghe đâu năm nay xây thêm cái cầu kính bắc ngang con đường đi bộ cho ngộ hơn mọi năm. Tám ló đầu ra cửa sổ nhìn con nhỏ uể oải mở cửa phòng trọ rồi lặng lẽ chốt lại liền, chừng như nó không muốn nói chuyện với ai.

Từ bữa đó, sáng sáng, Tám hổng thấy nó đi làm. Chiều chiều, Tám thấy nó chạy xe ra, có khi sáng hôm sau mới thấy về. Có lần Tám chặn đường thằng Ngữ hỏi thì thằng nhỏ lắc đầu: “Con biết gì đâu Tám. Con nhỏ nớ ở một mình xưa giờ. Nó đi về kiểu này là thất nghiệp rồi. Chừ mấy khu công nghiệp quanh đây không có hàng, hắn cho nghỉ lai rai đâu mấy chục ngàn người. Tám còn hỏi chi nữa? Tính tăng tiền trọ hỉ? Thôi đi Tám!”. 

Thằng nhỏ miền Trung cố nói giọng Sài Gòn cho dễ nghe xong rồ ga vọt ra cổng. Ngữ làm kỹ thuật điện lạnh cho một công ty, chiều về bật app xe ôm công nghệ chạy kiếm thêm. Tám chưng hửng nhìn theo. Bỗng điện thoại reo. Tám bắt máy, không rõ đầu bên kia nói gì mà Tám mếu máo, tay run run, môi lập bập. Gió tháng Chạp luồn vô xóm trọ. Gió mùa này hiu hắt. Tám ngó dọc dài hai dãy nhà trọ của mình. Trời thần, sao vắng hoe im ỉm vậy chèn! Chiều sẫm trời mà hổng thấy ai về. 
***
Đám khách trọ nói nhỏ với nhau rằng bà Tám tên thiệt là Tiền nên bả hổng ham tiền thì ai ham. Nói xong cả đám im re. Ờ, ai mà hổng ham tiền! Mình tụ về đây không vì tiền thì vì cái gì? Nghèo khổ mới tha hương xa xứ tới đây chớ có tiền thì bôn ba chi. Đâu nơi nào bằng xứ quê mình. Thằng Thiệt nói vậy rồi kéo tay thằng An vô phòng, đóng cửa cái rột. Đám khách trọ giải tán, còn cha nội bolero cười khùng khục. Chả rót ly rượu rồi ngồi xuống băng ghế đá sát căn phòng trọ cuối dãy, ôm đàn hát. Cha bolero toàn chọn mấy bản nhạc buồn như cuộc đời của chả. 

“Nhà trọ thì để trọ. Ở trọ có nghĩa là mình gá tạm phận mình thôi bây ơi! Mong cầu gì cái bền vững mà đòi hỏi cho nhiều. Tao ở đây từ hồi bả mới dựng dãy nhà trọ này nên rành bả sáu câu. Coi vậy chớ có chủ trọ nào tốt bụng được như bả. Tao nói thiệt mà sao bây cười?” - bữa đẹp trời bán hết vé số, cha nội bolero kể đám khách trọ nghe chơi. Đám khách trọ bu lại nghe cha nội bolero kể ron rót: “Tám người miền Tây, gái Nha Mân nên chân dài, da trắng, dáng thon.

Hồi nẳm, Tám gật đầu ưng thằng cha kỹ sư cầu đường. Dạo đó, miền Tây được đô thị hóa. Khúc đường làm ngang qua quán bán đồ ăn sáng của má Tám. Buổi gặp gỡ ban đầu, thằng cha kỹ sư ưng lòng, rồi bắt đầu lui tới. Chừng hết công trình, thằng chả ngỏ lời, qua lại đâu chừng một năm sau thì cưới hỏi rồi rước Tám lên Sài Gòn. Làm dâu thị thành với đứa con gái quê nó nhiêu khê cực khổ lắm bây à!”.

Đời con người luôn có những khúc cua, ngã rẽ mà ngoặt một cái đổi luôn cả đời. Tám đâu biết mình chỉ là thế thân của một cuộc tình vụng trộm, một góc khuất mà chồng và cả gia đình chồng luôn cố gắng che đậy. Tất cả chỉ là một cuộc cờ đầy toan tính. Nếu chấp nhận thì Tám không cần phải lo gì; ngược lại, thì bơ vơ xứ lạ, còn cực khổ hơn hồi dưới quê. Vậy là Tám im lặng, chịu khó đi học nghề may, rồi được nhà chồng cho tiền mở tiệm.

Chừng vài năm sau, gia đình chồng cho Tám miếng đất nhỏ này. Hồi đó, vùng ngoại ô toàn đồng không mông quạnh, cỏ mọc lút đầu người, miếng đất đó là đồ bỏ, đâu dè hai chục năm sau, nó thành khối tài sản chục tỉ đồng. Tám cứ chắt mót từ tiền công may, bám đất này mà sống. Chắc nhờ trời thương, cứ vậy mà Tám xây hết cái phòng trọ này đến cái phòng trọ kia. Chừng ngó lại, dãy phòng cũng được hai chục cái, mỗi tháng cho thuê kiếm mấy chục triệu đồng sống khỏe re. 

Cha nội bolero nhấp rượu đế cái ót, cười khà khà. 
***
Tám chỉ kịp ghi giấy dán vội ngoài đầu cổng báo tin rồi phóng vô bệnh viện liền. Phòng cấp cứu đông nghẹt. Trời nhá nhem tối. Dò hỏi ngay quầy trực, Tám mới biết con Trân nằm giường nào. Tám run run đi vội tới cái giường. Đầu nó băng một vòng vải trắng, hai cánh tay trầy xước lốm đốm máu bầm tụ. 

“Hồi nãy đập đầu xuống đất, cái đầu nó quay vòng vòng, tưởng chết không hà. May sao người ta đưa con vô cấp cứu rồi chụp hình, nói tạm ổn, nằm chờ theo dõi hết đêm, nếu không ói thì người ta cho về. Chắc ông bà độ con, chớ cái nón bảo hiểm nát nhừ luôn đó. Biết kêu ai đâu, giờ này dãy nhà trọ mình có Tám là còn tiền. Tám đóng viện phí giùm con, rồi mai mốt khỏe con đi làm trả lại” - con Trân nói quá chừng làm Tám hoảng. Ai đời cái đầu đập xuống đất mà nói leo lẻo vậy. Bình thường có nghe nó nói nhiều vậy đâu.

Tám đưa tay rờ đầu nó coi có nóng sốt hay bất thường gì không mà kỳ thực nó tỉnh queo. Nó còn biết nhờ bác sĩ gọi điện báo tin là mừng. “Ủa mà nè, sao mày biết tao có tiền? Tao già cả mần gì đâu mà tiền nhiều?” - Tám cắc cớ. “Tám không có tiền, mấy đứa công nhân thất nghiệp tụi con chắc có à?” - Tám nghe con Trân cãi lại thấy con nhỏ này nói phải, ít ra nó vẫn tỉnh là mừng, liền tiếp: “Thôi, cô nương nằm đây tịnh dưỡng, bác sĩ cho về thì về, chuyện tiền bạc để đó từ từ tính. Khổ thiệt, tết nhứt tới nơi mà xui tận mạng”. 

Mấy người bên ngoài ngơ ngác nghe cuộc nói chuyện rồi thắc mắc sao ngộ ghê, mắc gì bị tai nạn lại đi kêu bà chủ nhà trọ. Người thân đâu? Con Trân nghe câu này liền ứa nước mắt. Nó xoay người úp mặt vô gối. Tám kéo cái mền đắp ngang ngực nó rồi quay qua giọng nhỏ vừa đủ như phân trần: “Cả dãy nhà trọ tụi nó chuyện gì cũng kêu tui hết. Đứa nào cũng tứ cố vô thân, tha hương bôn ba tới đây mà mọi người. Lúc người ta ngặt nghèo, mình giúp được thì giúp. Người ta ở trọ nhà mình, thiệt tình cũng như người trong nhà. Ở đất Sài Gòn này, dù một mình mà hổng ai cô đơn hết. Người nương tựa người, người nương tựa đất…”. 

Tám chưa dứt câu thì nghe điện thoại reo. Giọng cha già bolero, giọng thằng Ngữ, rồi năm ba giọng khác nháo nhào hỏi thăm. Con Trân trở mình lau vội nước mắt. Tám quay qua thấy nó cười, liền giả bộ cằn nhằn. 
***
Con Trân xuất viện về được hơn tuần. Một bữa, dãy nhà trọ đang yên ắng bỗng lao nhao tiếng cãi lộn. Chục cái đầu lú ra coi, vậy mà hổng thấy Tám đâu. Cha nội bolero mới đi bán vé số về chắp tay sau lưng lững thững ghé phòng trọ giữa dãy thấy thằng An ngồi một góc khóc, thằng Thiệt hậm hực đứng ngoài cửa, thì ló đầu vô khuyên: “Thôi bây ơi, cự cãi chi đó? Anh em phải thương nhau chớ. Có chuyện gì từ từ nói”. Thêm năm ba lời khuyên lơn của mấy người bạn trọ. Thằng đứng, thằng ngồi ngượng ngùng khi cả xóm trọ bắt đầu bu đen bu đỏ khuyên nhủ, can ngăn. Một người nhìn vô phòng hai đứa thấy giỏ quà tết, thêm thùng mì gói chưa khui, liền nói: “Chắc là chuẩn bị quà về quê ăn tết phải hông bây? Thôi, tết nhứt tới nơi, chuyện cũ bỏ qua, chuyện buồn quăng hết. Anh em hòa thuận mới vui vẻ mà làm ăn lo cho gia đình…”. 

Lời chưa dứt thì đã nghe giọng quen thuộc: “Cái gì vậy? Tui đi vắng là có chuyện. Cái nhà trọ này thiếu tui là không bình yên hay sao?”. Câu hỏi của Tám khiến cả đám giãn ra, chừa vị trí trung tâm cho Tám len vô. Tám đẩy thằng đang đứng lùi vô nhà, thì thầm: “Vô năn nỉ nó đi. Cả chiều nay nó cặm cụi đi chợ nấu nướng, ra vô ngóng miết chờ mày về. Nó tâm sự với tao là nay sinh nhật mày nên nó làm mấy món mày thích cho mày ăn. Mày lết đi nhậu với bạn tới giờ mới về thì nó giận là đúng rồi. Nói thương nhau mà vậy đó hả?”. 

Đám nhà trọ ngó nhau như muốn hỏi sao cái gì bà Tám cũng biết. “Hai thằng kia hổng phải anh em hả Tám? Ủa, vậy hổng lẽ…?”. Tám xua tay đẩy mấy đứa nhỏ đang bắt đầu tụm bầy nhiều chuyện: “Ủa rồi hổng lẽ gì? Thời nào rồi bây ơi! Người ta đâu ai chọn cửa sinh. Mỗi người một số phận mà bây. Miễn cứ sống vui với cuộc đời mình, sống tử tế với cuộc đời này là tốt. Ai có ý kiến gì mời lên phường, không thì mỗi phòng trọ được cấp một phiếu đi chợ tết 0 đồng. Tao lên hội phụ nữ phường xin trầy trật mới đủ cho cả dãy nhà trọ mình đó. Năm nay, nhiều đơn vị tài trợ nên mỗi phiếu được lấy 5 món nhen bà con. Dù ít dù nhiều cũng là tết. Tết là phải vui”. 

Ờ thì vui, đám nhà trọ lục tục nhận phiếu. Tám cười trong gió tết, cảm thấy lòng ấm áp. 

ảnh: THANH THẢO
ảnh: Thanh Thảo


***
28 tết, mùa xuân dường như hối hả theo từng bước chân. Người Sài Gòn nô nức sắm tết, xóm trọ cũng bắt đầu rục rịch chuyện về quê ăn tết. Chiều rót nắng vàng như mật lên khoảng đất trống giữa hai dãy nhà trọ. Tám bắc ghế ngồi ngay đầu cổng. Hai thằng con trai bữa trước gây lộn nay đã vui vẻ cột đồ đạc quanh xe, khệ nệ ôm thêm cây quà bự chảng chạy ra cổng chào Tám. Tám nói với theo: “Ờ thôi về ăn tết vui nghen bây, cho tao gửi lời hỏi thăm sức khỏe tía má tụi bây nghe”. Đường về miền Tây mùa này dập dìu vui như hội. “Chắc lòng hai đứa nhỏ cũng phơi phới” - Tám nghĩ rồi bật cười thành tiếng.

Một lát sau, con Trân khệ nệ khiêng đồ ngồi sau xe thằng Ngữ, nhờ chở ra bến xe về Cà Mau. “Nè nè, khoan bây ơi” - Tám lật đật đứng lên níu nó lại rồi nhét vô tay nó tờ 200.000 đồng: “Tao lì xì cho thằng nhỏ con mày nè. Về ăn tết khỏe nhen mậy”. Con Trân lí nhí cảm ơn: “Hổm rày con thất nghiệp đi gọt gừng, gọt me cho mấy chỗ làm mứt để kiếm tiền về quê nên hổng đủ trả tiền phòng, Tám thông cảm nhen!”. Tám vội xua tay: “Thôi thôi, qua năm có việc thì trả. Đi lẹ hông thôi trễ xe kìa”.

Càng cận tết, dãy nhà trọ càng thưa vắng. Có đứa hỏi sao Tám hổng về quê ăn tết, Tám chỉ cười cười: “Tao về rồi mấy đứa còn bám Sài Gòn mần tết nó buồn. Tao kho sẵn nồi thịt, nhà khi nào cũng có bánh tét, mứt dừa này nọ, hổng thiếu gì. Coi như tao cũng có tết. Tết nhứt cha già bolero vẫn đi bán vé số, hai vợ chồng thằng cá viên chiên năm nào cũng bán tết kiếm thêm để nuôi mấy đứa con tuổi ăn tuổi học. Rồi hai mẹ con bà ngoài Bắc vô đi mần nhà hàng, tết cũng có nghỉ đâu. Vậy chứ tụi tao gom lại ăn tết cũng xôm tụ nhen”. 

Tết mà, người về cũng tết, người ở lại cũng tết. Đất này nào giờ vẫn vậy, lưu dân tứ chiếng hay thị thành chánh gốc, ai rồi cũng có tết khi năm hết xuân về. Tết mà, vui đều, vui chung mới là tết, phải không? 

Tống Phước Bảo

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI