Truyện ngắn - Ái luyến

27/01/2025 - 18:20

PNO - Tôi quen một người tình cờ trong đợt sinh hoạt hè lúc còn là sinh viên, khoảng năm 1976-1980. Giai đoạn đó trong đời tôi có thể tóm tắt trong một từ “đói”.

Nhà bạn này gần cái chùa nhỏ, bạn thường qua “ăn chùa”, nên tôi nghe bạn rủ đi “ăn chùa” cũng ráng đạp xe theo, qua một cái đò, rồi đạp xe quanh co một hồi nữa. Bây giờ tôi không nhớ chính xác địa chỉ, chỉ nhớ chắc chắn có qua đò, vì lần đầu tiên đi đò, tôi lóng ngóng với chiếc xe đạp, đứng ngồi gì cũng không yên, sợ tới chóng mặt ói mửa.

Chùa chỉ là một gian nhà nhỏ ngăn đôi, phía trước có bàn thờ Phật ở giữa. Phía sau hình như là chỗ ở của một ni sư, tôi không hề vào bên trong nên không biết như thế nào. Phía sau chùa có gian nhà nhỏ hơn được che thêm mái thấp 2 bên và phần nối với chùa cũng được che chắn. Lần đầu và tất cả chừng 3, 4 lần sau đó, khi đến chùa tôi chỉ vô gian nhà nhỏ, nơi bà Hai ngủ nghỉ nấu nướng tiếp khách kể chuyện. Nghe bạn kêu bà Hai, tôi kêu theo, nhưng có lẽ lúc đó bà chừng ba chục tuổi.

Qua chuyện kể của bà thì chồng đi lính chết, bà giao đứa con cho bà ngoại rồi “đi ở” cho người ta lấy tiền nuôi mẹ, nuôi con. Thời đó chưa hòa bình. Ban đầu bà ở nhà ba má ni sư gần 1 năm, rồi được ba má ni sư thuyết phục, tăng lương, cho ra ở chùa. Bà nói bà đi ở chớ không phải đi tu. Người tu là một ni sư còn rất trẻ, được cha mẹ cất cho cái chùa nhỏ ở ven đô. Bà Hai đi ở trong chùa, bình thường không có công việc gì nhiều, trừ khi cúng giỗ hay lễ tiết gì đó. Cái lần đầu tôi đến chùa là nhằm ngày cúng, có mấy người đem đến gạo dầu rau củ tương chao, rồi xúm nhau gọt rửa xào nấu dưới cái chái lá của gian nhà nhỏ. Tôi góp công bưng 3 cái mâm lên chùa đặt trên các bàn thờ.

Lần đầu, mà có lẽ là lần duy nhứt tôi gặp ni sư chào hỏi, là khi sư đi ra ngồi đối diện bàn thờ Phật đọc kinh. Đọc xong sư đi vào, tôi cùng mấy người khác bưng mâm về chái lá chia nhau ăn. Bà Hai luôn có mâm để riêng cho sư, không phải đồ cúng. Bà Hai là người duy nhứt mỗi ngày năm ba lần ra vô cái buồng sau của chùa, bưng cơm xách nước, lấy áo quần đem giặt. Ni sư cũng ít khi đi đâu ngoài gian trước và gian sau của cái chùa nhỏ. Hầu như chỉ ngồi trong chùa đọc kinh sách.

Hồi đó tôi 19 hay 21 tuổi? Từ khi hòa bình, bà Hai đã mất liên lạc với cha mẹ ni sư. Chẳng những không được lãnh lương mà bà Hai còn phải tự xoay xở chi phí để duy trì sự sống của 2 người trong chùa. Tôi nói, giải phóng rồi mắc gì bà còn “đi ở”? Bà nói ở với ni sư quen rồi. Giọng nói nhỏ nhẹ khiến tôi nhớ tới bà ngoại. Bà bị ông ngoại say rượu đánh hoài, nhiều lần phải chạy qua nhà hàng xóm tránh mặt. Đến khi dì tôi lấy chồng giàu, năn nỉ rước bà về thành phố ở, bà lại không nghe. Bà nói “ở với ổng quen rồi”…

Tôi thấy thương bà. Nhứt là khi bà dặn đi dặn lại lúc tôi ra về: “Mai em qua ăn cơm xà bần nha”. Tại vì tôi thấy lúc lặt rau, gọt củ bà Hai không bỏ đi những đầu thừa đuôi thẹo mà để dành trong một cái rổ cũng thuộc loại đáng bỏ đi. Bà giải đáp thắc mắc bằng một nụ cười tôi không bao giờ quên: “Bỏ uổng, để mai làm cơm xà bần”. Đó là món bà thường ăn, gần như mỗi ngày: Sau khi chọn những thứ tinh khiết nhứt, non tươi nhứt, nấu trong những nồi niêu sạch nhứt, bày trong mâm món nào ra món nấy để dâng cho ni sư, bà Hai mới mót đồ còn lại cho vô một chảo xào thành một món xà bần. “Mình nấu mình ăn, nêm nếm quen miệng, ăn ngon lắm” - bà cười, ôi nụ cười! Tôi nói bữa nào cho ăn thử, bà sốt sắng rủ rê. Nên tôi đã trở lại, đã ăn rồi ghiền cơm xà bần.

Mỗi lần tôi đạp xe vô chái lá, bà Hai đều bảo tôi lên chùa lễ Phật. Tôi nói, thật lòng, với hiểu biết đơn sơ, rằng Phật không ở trong chùa, mà ở đây nè, dưới chái lá này nè. Bà lắc đầu nhìn tôi bảo tôi đừng nói vậy. Ôi ánh mắt!

Hình như hết mùa hè hay hết thời đi học, tôi không đi “ăn chùa” nữa. Từ nhà tôi mà đạp xe tới bến đò qua đò rồi đạp xe tiếp, chỉ tính thời gian đi gần 2 tiếng đồng hồ. Bà Hai hay ép tôi ăn thêm vì đi xa như vậy mà ăn có nhiêu đó là “lỗ” á. Tôi thường được mời ăn một tô khi tới nơi và một tô nữa trước khi về. Không phải kể khổ quá khứ, mà chỉ muốn người không trải qua thời bao cấp hiểu ý nghĩa của việc ăn 2 tô cơm chùa: mỗi nhân khẩu ở nội thành mỗi tháng được mua 9kg gạo, ở ngoại thành chỉ công nhân viên chức mới có tiêu chuẩn gạo và nhu yếu phẩm. Cái chùa nhỏ đó không có tiêu chuẩn gì hết, phật tử quanh vùng cũng vậy, tôi không biết bà Hai kiếm đâu ra gạo rau để nấu cho ni sư và còn lại cái gì để ăn sau khi nhường cho tôi 2 tô cơm xà bần. Tuổi trẻ vô tâm, nhưng đến lần thứ tư hay thứ năm thì tôi hiểu. Nhiều năm sau, cuộc sống dễ thở hơn, tôi chở gạo rau tìm về chùa nhỏ, nhưng đi lạc hoài.

***

Âu cũng là duyên nợ, cái người bạn tôi quen hồi đó bỗng nhiên liên lạc lại với tôi sau hơn bốn chục năm mạnh ai nấy sống. 2 đứa hiện tại đều già, không nói chuyện tương lai, chỉ kể chuyện quá khứ, nhắc tới ai thì người đó đã chết hoặc đi xa không tin tức. Tôi sực nhớ bà Hai ở chùa nhỏ, nay mà còn sống chắc cũng trên tám chục tuổi. Người quen cũ xác nhận: bà còn sống, tám mươi mấy tuổi, vẫn ở chùa. Nhưng do quy hoạch của thành phố, chùa đã dời đi chỗ khác, cũng ở gần nhà mới của người tôi quen.

“Bà Hai còn nhớ tôi không? Hồi còn là sinh viên tôi có đi chùa nhỏ mấy lần”. “Nhớ chứ sao không”. Tôi suýt ứa nước mắt. “Bà thử nói coi tôi là ai?”. Lòng tôi rưng rưng chực “òa vỡ” nếu bà nói tôi là người đi chùa để ăn chực cơm xà bần. Nhưng bà nhoẻn miệng cười, móm mém không răng. Đôi mắt đã kéo mây mờ mờ không chắc nhìn ra nhân ảnh trước mặt. Có chăng chi tiết “sinh viên” chạm trúng nút bật lên ký ức. “Em là người thích bông súng, hay ngồi dưới chái lá chờ mặt trời lặn kể chuyện Hoàng Tử Bé với hoa hồng”.

Tôi sửng sốt ngồi trân ra nhìn bà, không nói được lời nào. “Em đi xe đạp tới, mồ hôi đầm đìa, tóc rối xù. Tui vô trình với sư. Khách nào tới tui cũng trình với sư, chùa của sư mà. Lần nào sư cũng bảo có gì ăn được đem ra mời em ấy. Ở với sư từ hồi nào cho tới khi sư tịch, không hề nghe sư nhận xét ai hay thăm hỏi người nào, cha mẹ cũng không hề nghe sư nhắc tới. Chỉ một lần, một lần thôi, sư nói dạo này bông súng nở nhiều mà em sinh viên không đến”.

Lý do, theo lời người quen cũ, là lúc đó anh không muốn quen tôi nữa! Tôi chưng hửng nghe anh kể: Anh là con trai cả, lúc đó đã hăm mấy tuổi, đứa em gái kế nhỏ hơn mười mấy tháng, nghĩa là cũng hăm mấy tuổi, tiếp theo là nửa tá em gái và em trai tuổi từ mười mấy đến 20. Mẹ anh rất sốt ruột, muốn cưới dâu cả trước để gả mấy đứa con gái đã có người ngấp nghé, hối thúc anh đưa bạn gái về giới thiệu. Anh quen tôi nhưng chưa ước hẹn gì cũng không dám ngỏ ý, rủ tôi đi “ăn chùa” theo mưu kế của mẹ: hôm đó bà qua chùa giúp bà Hai nấu món kiểm để xem mặt mũi tướng tá nàng dâu tương lai. Tôi vô tư nên không giữ ý tứ gì cả. Lần gặp đó mẹ anh chỉ nói tôi còn trẻ con quá. Lần sau anh rủ đến nhà ăn cơm, mẹ anh lại nấu món kiểm tôi rất thích. Tôi ăn no cành hông mà bà vẫn tiếp thức ăn vào chén tôi liên tục. Khi tôi về rồi, bà nói với con trai là thấy tôi cũng thật thà, nhưng tôi ăn nhiều quá ai nuôi nổi.

Tôi cười đau bụng luôn. Ai cũng cười. Thiệt tình tôi hoàn toàn không nhớ những chi tiết đó, thậm chí không nhớ tình cảm mình đối với người quen hồi đó như thế nào, nhưng cũng chấp nhận lời giải thích của anh với bà Hai. Hồi đó không có điện thoại, mạng xã hội, hay tin nhắn, email, thậm chí thư gởi bưu điện cũng bị lạc hoặc chậm nửa tháng. Cách duy nhứt anh hẹn hò tôi là đứng ở cổng trường canh tôi ra vô, có khi gặp có khi không. Sau mấy lần liên tiếp không gặp tôi, và vì mẹ anh cũng không ưng tôi, anh nản chí quen cô khác.

Từ bến đò vô tới chùa nhỏ vốn không có đường chính, chỉ là những lối mòn quanh co nhằng nhịt, anh khẳng định, không có người địa phương dẫn thì làm sao tôi biết đường đi tới chùa. Vậy ra tôi đã tìm cách về nơi hò hẹn cũ mấy lần à. Người quen cũ nhìn tôi xót xa áy náy. “Phải chi…”, anh bỏ lửng câu nói, tôi cũng không gặn hỏi. Ra về, tôi dặn: “Tụi mình ra cổng chùa một lượt, người quẹo trái người quẹo phải, đi luôn không được ngoái nhìn lại người kia nha”.
Cho tôi ngoéo lại một xíu câu chuyện kể như xong rồi này. Khi những trận cười đã ngưng, bà Hai đã mệt, bắt đầu nói lẫn, tôi không hỏi thêm gì được về ni sư, chỉ biết người đã dặn hỏa táng nhục thể rải tro xuống sông, không thờ cúng giỗ kỵ. Tôi tự hỏi: Tại sao có những ngày tháng đẹp vậy, ni sư đọc kinh trong chùa, bà Hai đi loanh quanh mót rau củ, tôi ngồi dưới chái lá chờ mặt trời lặn kể chuyện Hoàng Tử Bé với hoa hồng, mà tôi lại để mất đi vì một lý do tào lao.

Lý Lan

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI