Truyện Kiều trở lại trong nhiều dự án nghệ thuật

31/03/2018 - 10:52

PNO - Các dự án về phim ảnh, ca nhạc, hội hoạ... liên tục sử dụng 'Truyện Kiều' của Nguyễn Du làm nguồn cảm hứng, mang đến diện mạo mới mẻ, hợp thời đại với khán giả tiếp nhận.

Nếu như khoảng thời gian trước, Truyện Kiều được dịch sang nhiều thứ tiếng với mong muốn truyền tải giá trị tốt đẹp của văn học Việt Nam thì gần đây, làng nghệ thuật Việt lại sôi động hẳn khi hàng loạt dự án nghệ thuật được công bố, nhằm khoác lớp áo mới cho tác phẩm kinh điển này.

Truyen Kieu tro lai trong nhieu du an nghe thuat
Tác phẩm Truyện Kiều với diện mạo mới nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du

Mới đây, Cục NTBD đã có Giấy phép số 133/GP-NTBD ký ngày 28/3/2018 cho phép phổ biến 2 tác phẩm về Kiều của nhạc sĩ Lam Phương có tên Trước lầu Ngưng Bích và Tu là cõi phúc - Tình là dây oan. 2 sáng tác này đều mang thể loại trường ca, thích hợp cho dựng hoạt cảnh sân khấu. Đặc biệt, 2 trường ca này được Lam Phương sáng tác cách đây 20 năm (1997 và 1998). Theo một số đoạn nhạc được tiết lộ, Lam Phương vẫn có sử dụng những cụm từ trong tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du để miêu tả vẻ đẹp của nàng Kiều.

Trước đó vài ngày, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng bất ngờ chia sẻ việc dựng Truyện Kiều thành một bộ phim truyền hình. Giai đoạn mà ông chọn lựa để tái hiện là khoảng thời gian Thuý Kiều bị bán vào lầu xanh để khắc họa được thân phận của người phụ nữ, số phận tài hoa bạc mệnh của Thúy Kiều cũng như tố cáo xã hội cũ với giá trị của con người bị xem nhẹ.

Truyen Kieu tro lai trong nhieu du an nghe thuat
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh

Lưu Trọng Ninh cho biết trong hơn nửa thế kỷ qua, khi phim ảnh ngày càng phát triển nhưng chưa có ai khai thác tác phẩm kinh điển của Nguyễn Du, mà lẽ ra họ phải nên làm từ lâu như một sự giữ gìn, trân trọng tài năng của bậc tiền nhân. “Tôi sẽ là người đặt viên gạch đầu tiên. Tôi có thể sẽ gục ngã. Nhưng phải có mình thì mới có người thứ 2 làm tốt hơn”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh chia sẻ.

Đầu tháng 3 vừa qua, vở Múa Kiều do dàn diễn viên trụ cột của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) trình diễn chính cũng đã ra mắt khán giả. Đây là tác phẩm có sự hợp tác giữa biên đạo Hàn Quốc Chun Yoo Oh, đạo diễn Jung Sun Goo, công ty Y.O Saigon Dance Ensemble phối hợp cùng HBSO thực hiện. Cả phía Việt Nam và Hàn Quốc đều dành khoảng 1 năm để chuẩn bị, luyện tập cho vở diễn này.

Truyen Kieu tro lai trong nhieu du an nghe thuat
Các diễn viên trong buổi tập luyện cho vở múa Kiều

Trước đó, cuối năm 2017, 15 bức tranh Truyện Kiều do hoạ sĩ Thành Chương cùng 14 hoạ sĩ khác gồm: Nguyễn Quân, Đỗ Hoàng Tường, Phan Cẩm Thượng, Đặng Tiến, Đặng Xuân Hòa, Phạm Quang Vinh... đã được bán đấu giá online, thu về hơn 360 triệu. Các chủ đề xoay quanh bộ tranh này như: Kiều ở thảo am, tu cùng sư Giác Duyên sau khi được cứu, Mã Giám sinh đưa Kiều về Lâm Truy, Kiều mắc lừa Bạc Bà, Bạc Hạnh… Trong đó, bức tranh Đoàn viên của hoạ sĩ Thành Chương được giá đấu cao nhất là 65 triệu đồng. 

Truyen Kieu tro lai trong nhieu du an nghe thuat
Hoạ sĩ Thành Chương và quyển sách gốm 15 tranh đương đại minh hoạ cho Truyện Kiều

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh, nhóm tác giả của vở Múa Kiều hay hoạ sĩ Thành Chương đều có chung quan điểm rằng khi tái hiện Kiều với một hình thức mới, tác phẩm đó bắt buộc phải mang hơi thở của thời đại.

Lưu Trọng Ninh cho biết Kiều trong phim của anh phải là của ngày hôm nay chứ không thể là Kiều của mấy trăm năm trước. Trong suốt tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du, phần lớn là những trăn trở, tâm tư của Kiều nhưng khi mang hình ảnh nhân vật này lên màn ảnh thì một bài toán khó được đặt ra là làm sao phải để những hành vi đời thường được miêu tả một cách chân thực, dễ chịu nhưng cũng mang tính nghệ thuật. Đặc biệt, Lưu Trọng Ninh còn muốn mang đến cái kết hoàn toàn khác biệt so với bản gốc của Nguyễn Du. 

Truyen Kieu tro lai trong nhieu du an nghe thuat
Lưu Trọng Ninh có quyết định khá mạo hiểm khi muốn làm khác đoạn kết trong phim so với nội dung của Truyện Kiều

Với vở Múa Kiều vừa qua, thông điệp không chỉ dừng lại ở câu chuyện của nàng Kiều trong tác phẩm của Nguyễn Du mà hơn hết người xem có thể thấy một câu chuyện của xã hội được thu nhỏ. Đó là những cô dâu Việt đang sống ở Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… đến với hôn nhân không vì tình yêu, để rồi cuộc sống của họ phải đầy rẫy những phong ba, bão táp. Nhưng cuối cùng, cuộc đời họ vẫn còn những trang hy vọng như kết thúc có hậu của Truyện Kiều.

Truyen Kieu tro lai trong nhieu du an nghe thuat
Thành Chương và các hoạ sĩ khác trong buổi ra mắt 15 tác phẩm tranh đương đại minh hoạ cho Truyện Kiều

Trong một khoảng thời gian ngắn khá nhiều dự án, tác phẩm mới liên quan đến Truyện Kiều ra đời như một sự chung tay, góp sức để những giá trị truyền thống được lưu giữ đến hôm nay và mãi mai sau. Tuy nhiên, việc khoác áo mới cho Kiều cũng là câu chuyện khá gian nan khi tác phẩm này đã trở thành biểu tượng trong lòng người dân Việt. 

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI