PNO - PN - Chuyện biên tập, dàn xếp, cắt cúp trong truyền hình thực tế (THTT) Việt một lần nữa lại bùng lên sau tập đầu tiên của chương trình (CT) Vua đầu bếp, khi thí sinh (TS) lên tiếng tố cáo những khuất tất của ban tổ chức (BTC)....
edf40wrjww2tblPage:Content
Chí Công và vợ tại Vua đầu bếp
Vụ việc thí sinh Chung Chí Công tố BTC CT Vua đầu bếp, cho rằng phần thi của anh trên sóng truyền hình không hề giống như những gì diễn ra trong thực tế một lần nữa nối dài thêm những nghi vấn về việc các CT THTT phát sóng đã có sự cắt cúp các phần thi theo ý của NSX.
Đây không phải là lần đầu tiên một CT bị “tố” về việc cắt cúp không đúng sự thật. Sau khi tập 7 của Cuộc đua kỳ thú 2014 phát sóng, TS của các đội đua đã lên tiếng tố cáo BTC ưu ái cho một đội đua khác trong thử thách nhặt phân voi, rằng đội đua kia không hề nhặt phân voi như các đội khác mà là hốt bùn (nặng ký hơn phân voi nên nhanh hoàn thành thử thách hơn). Thực tế, trong clip giới thiệu của tập này (giới thiệu vài ngày trước khi tập 7 phát sóng), hình ảnh đội Vàng xúc bùn được nhìn thấy rất rõ, nhưng khi phát sóng thì hình ảnh hốt bùn này lại không có.
Hiện vẫn chưa biết cáo buộc này có đúng sự thật hay không, hay đã có một diễn biến khác lý giải thuyết phục cho điều này nhưng không được đưa lên sóng do thời lượng CT. Dù vậy, việc này đã cho thấy, những cái được gọi là THTT nhưng thực chất tính thực tế trong đó có tỷ lệ bao nhiêu thì phụ thuộc vào NSX. Dĩ nhiên, khái niệm biên tập ở đây không chỉ là xén bớt thời lượng hình ảnh CT. Ở Vietnam Idol 2010, khi TS Đăng Khoa phát biểu xin rút lui, người ta thấy các giám khảo tỏ vẻ ngạc nhiên và có phần sửng sốt, nhưng trong những chia sẻ sau đó, TS này cho biết, việc xin rút lui của anh đã được thông báo cho BTC trước đó. Nghĩa là, thái độ sửng sốt đó chỉ là... “diễn”. Ở đây, việc biên tập diễn biến chi tiết đã chuyển sang biên tập cảm xúc.
Đội vàng (Trang Khiếu - An Đinh) hốt bùn trong đoạn quảng cáo ngắn (teaser) Cuộc đua kỳ thú 2014
Thời lượng các TS tập luyện, trình diễn ngang bằng với thời lượng TS cãi nhau chuyện ăn, ngủ, vệ sinh… là những gì đã có ở nhiều mùa Vietnam's Next Top Model, thậm chí là tố nhau… không rửa chén như TS Kim Thoa tại mùa năm 2013. Những lần cãi nhau, thậm chí xúc phạm nhau nảy lửa được thấy nhiều không thua gì những bước chân đua tại Cuộc đua kỳ thú, như Linh Chi - Nhan Phúc Vinh năm 2013 khiến họ bị ném đá, trong khi đội này còn có những hình ảnh dễ thương như chia sẻ tấm lòng cùng một bà cụ bán chôm chôm nhưng lại không được phát sóng; việc đả kích, nói xấu TS khác được khai thác triệt để tại Người giấu mặt 2013…
Cũng ở CT này, những lời nhận xét của Thu Thảo về Quỳnh Trang đã được BTC mở loa cho Quỳnh Trang nghe (trong khi bình thường điều này không hề có) làm nảy sinh mâu thuẫn giữa hai TS này. Khó có thể có lời đánh giá nào khác ngoài việc đây là một sự sắp đặt của BTC làm tăng kịch tính của CT… Điều này cho thấy, việc nhấn vào yếu tố nào và xem nhẹ yếu tố nào, thực chất cũng là một cách dàn dựng diễn biến theo ý mình của NSX.
Trước khi đến với CT, mỗi TS đều phải ký vào một bản cam kết không tiết lộ thông tin về nội dung và đó chính là phần lưỡi dao mà TS đã nắm. TS Kim Thanh (thuộc đội Tím) của Cuộc đua kỳ thú 2014, sau cuộc đua cũng cho biết có rất nhiều điều để nói và nhiều điều không giống như mọi người đã nhìn thấy, nhưng vì những cam kết với BTC nên không thể lên tiếng. Việc nhà tổ chức cắt cúp, dựng lại các CT THTT là việc khán giả có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, điều quan trọng là những sự biên tập dàn dựng đó phải với mục đích làm cho các CT đầy đặn hơn, khai thác được những yếu tố nhân văn, tạo nên những cảm xúc đẹp cho khán giả. Nếu như thế, hình ảnh những TS tham gia, trong đó có cả những người nổi tiếng sẽ trở nên đẹp hơn trong mắt công chúng.
Thí sinh chương trình Người giấu mặt
Đáng tiếc là với sự cạnh tranh về lượng người xem truyền hình, không ít đơn vị vì mục đích thương mại đã cố tình tạo ra những scandal, lợi dụng hoàn cảnh, những điều kiện bất lợi của TS để thu hút sự quan tâm của dư luận. Hình ảnh đẹp được công phu xây dựng của nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng sau khi tham gia một CT THTT đã thành đổ sông đổ biển vì hiện ra “lem nhem” trong mắt người hâm mộ. Sự bức xúc của người trong cuộc thường rơi vào im lặng bởi chưa có đơn vị chức năng nào có thể can thiệp, mà hoàn toàn phụ thuộc vào “ sự tử tế” hay không của NSX.
Dĩ nhiên, những phẫn nộ với THTT không chỉ diễn ra tại Việt Nam. Việc biên tập để khán giả tăng cảm xúc hoặc gây ác cảm với một TS nào đó là chuyện gần như nước nào cũng có. Không chỉ thế, năm 2012, kênh ABC (Mỹ) còn bị cho là đã nhúng tay vào kết quả bình chọn của khán giả; hay tại The Voice của Anh, hai giám khảo Jessie J và Danny O’Donoghue bị nghi ngờ về việc đóng kịch cứu TS, mà thật ra họ đã thỏa thuận trước; American Idol, Britain’s Got Talent thì bị nghi ngờ vòng casting chỉ là màn kịch, một số TS của CT đã được chọn ra từ trước đó theo một tiêu chuẩn phi tài năng…
Bỏ qua những khuất tất và bỏ qua những NSX can thiệp thô bạo vào CT nhằm hướng kết quả diễn ra theo ý mình với một mưu tính nào đó, chỉ riêng việc cắt cúp CT theo cách nhìn của riêng mình, mà những cái nhìn riêng đều chứa đựng một sự chủ quan, thì những gì có trên sóng truyền hình, thực ra cũng là diễn biến do chính NSX muốn cho khán giả thấy.