PNO - PN - Sau những chương trình truyền hình thực tế dành cho người lớn tràn ngập giờ vàng các kênh và có dấu hiệu bão hòa, có vẻ như trẻ em đang trở thành lối thoát cho cỗ máy kiếm tiền này. Với sự xuất hiện thêm ba chương trình dành...
edf40wrjww2tblPage:Content
Vũ công nhí trong một cuộc thi
Những con số biết nói
Ngày 26/4, chương trình Bước nhảy hoàn vũ nhí (BNHV nhí) đã bắt đầu vòng sơ tuyển tại Hà Nội với ba giám khảo là kiện tướng Khánh Thy, biên đạo Viết Thành và Phan Hiển. Theo nhà sản xuất, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có một chương trình truyền hình thực tế (THTT) về nhảy múa dành cho đối tượng nhí, lứa tuổi từ 6 - 13. Tương tự như một số chương trình THTT khác, các thí sinh (TS) nhí sẽ trải qua ba vòng thi: Audition, Đối đầu và Trình diễn theo chủ đề. Sau mỗi phần thi, các TS sẽ được giám khảo nhận xét, khán giả nhắn tin bình chọn, được hướng dẫn bởi các huấn luyện viên… Gọi là BNHV nhí, nhưng về định dạng, chương trình này không giống chương trình BNHV dành cho người lớn. BNHV nhí gần như là một phiên bản khác của Got to dance - Vũ điệu đam mê của cùng một đơn vị sản xuất.
Một phiên bản khác của Thử thách cùng bước nhảy - So you think you can dance dành cho trẻ em cũng vừa được sơ tuyển tại Hà Nội. Chương trình không mang tên gọi là Thử thách cùng bước nhảy nhí như dự kiến ban đầu mà được gọi là Vũ điệu tuổi xanh. Với tám tuần phát sóng, Vũ điệu tuổi xanh sẽ có mặt vào khung giờ vàng mỗi Chủ nhật hàng tuần trên HTV7.
Một chương trình khác là Master Chef năm nay cũng có thêm một phiên bản dành cho trẻ em, dự kiến phát sóng sau khi phiên bản người lớn kết thúc. Cùng với ba chương trình này, Giọng hát Việt nhí sau mùa đầu tiên gây ồn ào vừa tuyên bố quay trở lại và đã xong phần sơ tuyển tại Hà Nội. Chương trình tìm kiếm tài năng ca hát nhí là Đồ Rê Mí, sau khi thay đổi kết cấu, được gọi là Đồ rê mí đôi vào năm ngoái, cũng đang rục rịch chuẩn bị tuyển sinh cho mùa năm nay.
Việc chuyển hướng sang đối tượng thiếu nhi gần như là điều tất yếu, khi cùng với sự bùng nổ về số lượng, THTT dành cho người lớn đang bị tuột dốc. Được dự đoán sẽ gây bùng nổ không thua gì Giọng hát Việt mùa đầu tiên, nhưng Nhân tố bí ẩn - X-Factor lại có lượng rating (người xem chương trình) thấp đến mức ngạc nhiên. Nếu thang số rating hiện nay được chia thành ba nhóm thì chương trình này nằm ở nhóm thấp nhất, theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường TNS. Cũng theo khảo sát này, chương trình mới toanh Tuyệt đỉnh tranh tài (format gốc của Na Uy là The Ultimate Entertainer) với sự tham gia của mười ca sĩ đã có chút tên tuổi trong showbiz cũng có lượng rating rất thấp. Ngôi sao Việt - một chương trình THTT về ca hát vừa mới xuất hiện năm nay, phát sóng vào mỗi thứ Bảy hàng tuần trên VTV3, có phần thưởng lên đến hơn bảy tỷ đồng gần như nằm sát đáy rating. Cùng với mức rating ở hạng chót này là chương trình ca hát đã có thâm niên năm mùa giải và mùa năm nay sắp kết thúc là Vietnam Idol.
Lối thoát và nạn nhân
Không quá khó để nhận ra những con số trên có lý do từ đâu. Việc khán giả được cho ăn quá nhiều trong cùng một lúc, từ năm này sang năm khác với những chương trình na ná nhau thì bội thực là chắc chắn. Mặt khác, lòng tin vào cái gọi là THTT của khán giả cũng đã giảm sút, nhiều khán giả chuyển hướng lựa chọn của mình sang gameshow tìm tiếng cười. Chưa kể, việc quá nhiều chương trình phát sóng trong cùng thời điểm thì việc bị chia thị phần khán giả là đương nhiên. Đã gọi là tài năng thì số lượng phải có hạn, dù là ca hát hay nhảy múa, nhưng việc khai thác dày đặc đã đẩy THTT vào tình trạng vơ vét cả vàng lẫn thau. Nhiều gương mặt được gọi là Quán quân, như Thảo My của Giọng hát Việt mùa thứ hai, Hải Châu của Tôi là người chiến thắng mùa đầu tiên, Trung Kiên của Vietnam’s Got Talent… hoặc biến mất không tăm tích, hoặc sau đó chẳng được ai nhớ đến.
Vì thế, việc THTT chuyển sang “tấn công” vào trẻ em được xem là một lối thoát. Đáng nói là những cuộc chơi như thế đã đẩy trẻ em vào tình thế phải đối phó với lịch học, mà lý ra đó là việc người lớn phải đặt ra hàng đầu: Chẳng hạn, việc phát sóng của Giọng hát Việt nhí năm nay sẽ kéo dài đến cuối tháng 10/2014 - thời điểm các em đã nhập học hơn một tháng. Trong đó, chỉ có vòng Giấu mặt là được ghi hình và phát sóng vào tháng Sáu. Các vòng thi sau, TS đều phải hát "live", truyền hình trực tiếp. Giải thích tại buổi họp báo giới thiệu chương trình, ông Lại Bắc Hải Đăng - đại diện VTV3, giám đốc sản xuất chương trình cho biết: “Ảnh hưởng việc học các em là chắc chắn, nhưng chúng tôi sẽ giảm thiểu hết mức”. Sự giảm thiểu mà ban tổ chức nói đó là sẽ cho TS nhí tập luyện tại nhà, gần cuối tuần mới phải tập trung về TP.HCM để thi. Thực tế, đó chẳng hề là giải pháp. Lẽ nào lịch học tập, sinh hoạt và tâm lý thi đấu của TS ở tỉnh sẽ không bị ảnh hưởng khi tập luyện tại nhà, rồi mỗi thứ Năm hàng tuần lại “bay” vào TP.HCM? Lý do vì sao lịch phát sóng chương trình không gói gọn trong mùa hè, ông Lại Bắc Hải Đăng giải thích đơn giản là vì không tính toán được khi sóng truyền hình đã được nhiều đơn vị mua sẵn từ trước.
Mặt khác, không khó để thấy những cuộc chơi trao quyền quyết định ai thắng ai thua về khán giả như thế này vốn là một cuộc chiến, nhưng không phải là cuộc chiến của trẻ em mà là của người lớn, như Giọng hát Việt nhí đã từng minh chứng. Người lớn yêu thích, người lớn bình chọn, người lớn bình phẩm, người lớn thóa mạ nhau… để rồi cuối cùng đối tượng bị tổn thương, bị ảnh hưởng tâm lý, bị nhận thức sai lầm về giải trí-kiếm tiền-nổi tiếng… lại là trẻ em. Phương Mỹ Chi, Quang Anh… sau Giọng hát Việt nhí “được” tìm hiểu tận chân tơ kẽ tóc, thậm chí bị “dí” đến tận trường học, bị phán xét ngay cả cách ăn mặc, bị so đo số tiền kiếm được… Nói chung, các em đã được “tặng” cho một cuộc sống không còn sự hồn nhiên.
Rất khó trông đợi việc cỗ máy kiếm tiền THTT tránh xa trẻ em khi đối tượng trẻ em đang trở thành lối thoát như hiện tại. Vai trò của cơ quan quản lý trong việc điều tiết vấn đề này là câu hỏi không thể không đặt ra.