Qua rồi thời lạm dụng kịch tính
Sao nhập ngũ, Thử thách trốn thoát, Quý ông hoàn mỹ, Cơ hội cho ai là những chương trình truyền hình thực tế đang thu hút sự quan tâm của người xem. Tuy nhiên, trong khi phản ứng khán giả dành cho Sao nhập ngũ, Thử thách trốn thoát, Cơ hội cho ai khá tích cực, thì Quý ông hoàn mỹ lại bị “ném đá” khá nhiều. Nguyên nhân là chương trình này lạm dụng khai thác các tình huống mâu thuẫn trong nội bộ để gây sốc, tạo kịch tính để lôi kéo người xem. Đây là phương thức câu khách khá xưa cũ.
Qua năm tập đã lên sóng, người xem chưa thấy các chàng trai bộc lộ tố chất trong một chương trình tìm kiếm người mẫu nam, mà chỉ chứng kiến những màn tranh cãi gay gắt giữa các huấn luyện viên: người mẫu Xuân Lan, Hà Anh, hoa hậu chuyển giới Hương Giang, dược sĩ Tiến. Họ công khai cà khịa, đá đểu, xúc phạm nhau trước ống kính máy quay lẫn trên trang cá nhân, bằng những lời lẽ nặng nề, thiếu tế nhị, thậm chí đề cập cả chuyện… “tới tháng” của phụ nữ.
|
Thử thách trốn thoát được khán giả yêu thích nhờ chuyển tải thông điệp ý nghĩa về vấn nạn bạo hành trẻ em |
Ở chiều ngược lại, Sao nhập ngũ, Thử thách trốn thoát, Cơ hội cho ai ngoài format độc đáo, mới mẻ, còn đem đến những giá trị giáo dục, nhân văn. Với Sao nhập ngũ, sức hút không chỉ nằm ở tên tuổi người nổi tiếng tham gia mà còn do chương trình đem đến nhiều hình ảnh, câu chuyện nhân văn về sự khó khăn, hết mình của người lính. Nhờ vậy, người xem có cái nhìn thiết thực hơn về đời sống quân đội. Chương trình Thử thách trốn thoát bắt đầu từ tập 4, gây ấn tượng mạnh khi lồng ghép chủ đề bạo hành trẻ em rất thời sự vào các thử thách. Đây là điều gần như chưa từng có ở một chương trình truyền hình có nội dung giải đố.
Cơ hội cho ai - chương trình truyền hình thực tế về việc làm - qua ba mùa phát sóng không chỉ giúp người lao động tìm được việc, mà còn cung cấp cho giới trẻ, người lao động những kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc, xử lý tình huống. Ngoài ra, câu chuyện của những thí sinh đi tìm việc cũng có tác dụng truyền cảm hứng. Chương trình còn mang lại ý nghĩa to lớn cho xã hội, khi giải quyết câu chuyện việc làm ở giai đoạn tình hình kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch.
Hướng đến giá trị chân thiện mỹ
Các chương trình truyền hình thực tế luôn là thực đơn giải trí không thể thiếu. Vì bản chất là những chương trình mang tính giải trí cao, nên nhà sản xuất thường cố tình đưa vào những yếu tố kịch tính, bằng cách xoáy vào những mâu thuẫn, phản biện của người chơi, giám khảo. Thị phi trở thành “đặc sản” của truyền hình thực tế, và hai chữ “thực tế” cũng bắt đầu gây ra nhiều hoài nghi từ phía người xem. Trải qua một thời gian tung hoành, các chương trình truyền hình thực tế cũng bắt đầu tìm kiếm phương thức, cách làm, chủ đề mới để nâng chất, duy trì sự hấp dẫn. Những yếu tố giáo dục, nhân văn, trí tuệ là tầm cao mới mà các chương trình mong muốn hướng tới. Hướng đi này cũng nhanh chóng nhận được sự ủng hộ, ngợi khen của người xem.
|
Sao nhập ngũ cho người xem cái nhìn thiết thực hơn về đời sống quân đội |
Ông Lê Đình Trọng - cố vấn chương trình Thử thách trốn thoát - cho biết: “Khán giả ngày càng có nhu cầu cao hơn, đòi hỏi nhiều hơn đối với các chương trình truyền hình. Ngoài yếu tố giải trí, chương trình còn phải chuyển tải đến người xem những giá trị chân, thiện, mỹ. Ê-kíp viết kịch bản của Thử thách trốn thoát có đến 12 người để nghĩ ra đường dây câu chuyện lồng vào các thử thách. Một khi đã tính đến việc đưa vào yếu tố nhân văn thì phải làm cho tốt, nếu không sẽ như diễn kịch. Ở các tập tiếp theo, người xem sẽ thấy nhiều vấn đề thời sự khác lồng ghép vào các thử thách, chẳng hạn chuyện bạo hành học đường”.
Tập đầu của Sao nhập ngũ mùa mới nhanh chóng đạt top 1 trending với gần 7 triệu lượt xem chỉ trong hai ngày. Tập 4 của Thử thách trốn thoát cũng là tập đầu tiên đưa vào chủ đề bạo hành trẻ em, có lượng người xem tăng gấp 1,5 lần so với tập 3, đạt mức 5.0 trên toàn quốc. Trên fanpage của chương trình Cơ hội cho ai, một khán giả đã để lại lời khen: “Cơ hội cho ai đã vượt ra khuôn khổ của một ti vi show khi mang đến cơ hội đổi đời thật sự cho người tham gia. Tôi đánh giá rất cao tính nhân văn, giá trị xã hội mà chương trình mang lại. Tôi đã được lắng nghe rất nhiều câu chuyện khác nhau. Có những bạn tham gia, ngoài việc tìm kiếm việc làm, còn truyền cảm hứng cho cộng đồng thông qua câu chuyện của chính họ”.
Trailer Sao nhập ngũ:
Ở Sao nhập ngũ, Thử thách trốn thoát người xem vẫn thấy tính giải trí qua quá trình thực hiện nhiệm vụ, những màn tương tác giữa các thành viên nổi tiếng. Cơ hội cho ai kịch tính nhờ mỗi phần thi, hai ứng viên có trình độ chuyên môn, tuổi tác hoặc ngành nghề tương đồng, sẽ cùng tranh luận và chất vấn nhau dựa trên kiến thức chuyên môn, trải nghiệm cuộc sống. Hình thức này vừa tạo điều kiện để ứng viên thể hiện hết trình độ, năng lực bản thân, vừa mang đến nhiều thông tin thú vị cho khán giả.
Nếu như trước đây, chương trình truyền hình thực tế chỉ có tính giải trí, thì hiện nay một số chương trình đã bước lên một tầm cao mới, đó là văn hóa, giáo dục, trí tuệ, nhân văn… Việc lồng ghép những giá trị tốt đẹp đó đã “thổi” một làn gió mát lành vào đời sống văn hóa, khi các chương trình giải trí, gameshow đang ở giai đoạn bão hòa, “vàng thau lẫn lộn”.
Hương Nhu