Trái với dự đoán, truyền hình thực tế (THTT) không bị bão hòa mà ngày càng được nhập về Việt Nam nhiều hơn. Bên cạnh việc chạy đua mua format (định dạng) ăn khách, các nhà sản xuất (NSX) còn phải tìm ra được đúng đối tượng khán giả mới mong “ăn tiền”.
Hiện mỗi tuần có không dưới 20 chương trình THTT được phát sóng, trong đó, nhiều nhất là trên đài truyền hình Vĩnh Long (THVL) với khung giờ buổi tối kín từ thứ Hai đến Chủ nhật. Trên các đài đang có nhiều chương trình “thâm niên” như Giọng hát Việt, Thần tượng âm nhạc Việt, Gương mặt thân quen, Thử thách cùng bước nhảy, Vua đầu bếp… cùng “tân binh” như Tuyệt chiêu siêu diễn, Biến hóa hoàn hảo, Giải mã cơ thể, Người hùng tí hon, Thách thức danh hài, Thiên đường ẩm thực, Siêu bất ngờ, Siêu hài nhí, The Face, Thần tượng âm nhạc Việt Nam nhí, Con biết tuốt, Ai tỏa sáng, Tài năng DJ, X-show, Siêu mẫu nhí, Ca sĩ giấu mặt, Kỳ tài thách đấu, Kỳ phùng địch thủ… Sắp tới có thêm các chương trình Giọng hát hay nhất - Sing my song, Vua làng cười Việt - The King of Comedy…
Hệ lụy xảy ra là có hàng loạt chương trình “song sinh”. Sau khi Gương mặt thân quen đem về cho NSX lượng người xem “khủng”, các phiên bản na ná xuất hiện: Người hóa thân số 1, Biến hóa hoàn hảo… Thậm chí, Gương mặt thân quen và Biến hóa hoàn hảo cùng là nghệ sĩ hóa thân thành nghệ sĩ, phát sóng cùng thời điểm, cùng một người dẫn chương trình là Đại Nghĩa.
Sau Tuyệt đỉnh song ca, một chương trình tìm kiếm song ca khác xuất hiện. Hết Người hùng tí hon, thấy có Biệt tài tí hon với cùng định dạng. Sau Người bí ẩn với trò đoán nhân vật thì Giọng ải giọng ai? lên sóng với cách thức tương tự. Kết thúc Ca sĩ giấu mặt có ngay Ai tỏa sáng? giống cách chơi đoán giọng ca sĩ…
|
Trường Giang - Trấn Thành xuất hiện khắp các chương trình |
Các chương trình này hầu hết được mua bản quyền từ nước ngoài. Chúng na ná nhau về định dạng, giống cả người chơi, giám khảo, MC… khiến người xem bội thực, ngán ngẩm.
Giờ đây, những chương trình tìm kiếm tài năng ca hát như The Voice, Britain’s Idol đã xuống giá, nhường chỗ cho các chương trình đậm tính giải trí. Ông Đỗ Văn Bửu Điền - giám đốc công ty Điền Quân cho biết, chỉ tính riêng về ca hát, trên thế giới có vài chục ngàn chương trình ăn khách. Các chương trình này na ná nhau, chọn mua cái nào là quyết định sống còn đối với NSX.
Một NSX cho rằng nhận diện được chương trình nào phù hợp với văn hóa, thị hiếu khán giả Việt Nam là do độ nhạy riêng của từng đơn vị. Không phải cứ chương trình ăn khách ở nước khác về Việt Nam sẽ thành công. Hai chương trình Thách thức danh hài và Người hùng tí hon đạt mức độ thành công ở Việt Nam cao hơn so với tại bản xứ hay các nước khác.
Trong khi đó, Căn hộ trong mơ (The Apartment) tuy là chương trình đình đám thế giới, có giá bản quyền cao ngất ngưởng hai triệu USD nhưng không đạt hiệu ứng như tại các nước. “Chúng tôi đưa The Apartment về ở thời điểm này là hơi sớm. Chừng ba năm nữa sẽ phù hợp hơn, khi khán giả quan tâm đến các vấn đề khác nhiều hơn ngoài giải trí”, ông Bửu Điền thừa nhận.
Việc xác định thời điểm và định vị khán giả là bài toán khó, làm không ít NSX dở khóc dở cười dù chương trình có lượng người xem không thấp. Bởi, với các NSX, đây là thương vụ kinh doanh, cốt lõi nằm ở việc lấy được tiền của các nhãn hàng - quảng cáo.
Đầu bếp đỉnh (Top Chef, từng rất thành công trên kênh truyền hình Bravo của Mỹ từ năm 2006 và ăn khách ở nhiều nước khác) về Việt Nam có lượng người xem không nhỏ. Nhưng khán giả xem chương trình chủ yếu là nam giới, trong khi các nhãn hàng mà NSX nhắm tới để khai thác quảng cáo lại có khách hàng mục tiêu là nữ giới.
“Chỉ cần định vị sai khán giả mục tiêu là coi như thất bại, dù rating chương trình là bao nhiêu. Ví dụ, làm chương trình cho trẻ em, nghĩa là nhắm đến đối tượng mục tiêu là các bà mẹ, nhưng cuối cùng chương trình lại chỉ thu hút khán giả teen, là thua”, ông N.V. - đại diện một NSX nói.
Trong việc định vị khán giả, khoanh vùng đối tượng phát sóng được xem là yếu tố quyết định. “Khi quyết định mua một chương trình, NSX đã tính được chương trình đó sẽ phát sóng trên đài nào, miền nào”, bà Lê Vân, đại diện truyền thông của TV Hub cho biết.
Solo cùng boléro và Thần tượng boléro là hai thái cực điển hình của việc định vị này. Cùng thể loại âm nhạc, cùng định dạng, nhưng Solo cùng boléro trở thành hiện tượng về lượng người xem, mở đầu cơn sốt về boléro trên THTT, còn Thần tượng boléro thì ngược lại. Sự khác nhau này là do Solo cùng boléro phát sóng trên THVL - khu vực khán giả mê chuộng boléro, còn Thần tượng boléro phát sóng trên VTV3.
Một NSX có nhiều chương trình về hài cho rằng: “Việc định vị khán giả rõ nét nhất là ở chương trình về hài, giới sản xuất đều nằm lòng hài miền Nam không giống hài miền Bắc, từ đó mà Việt hóa nội dung cho phù hợp”.
Nếu chỉ cứ đường mòn mà đi, giẫm nhau mà đi như hiện tại, các NSX tự lôi nhau đi xuống. Không phải cứ nhiều chương trình thì khán giả được lợi. Cái mà họ nhận được chỉ là những món thiếu vị, thiếu nét riêng trên một bàn ăn toàn món giống nhau ngày này sang ngày khác.
● Nguyễn Ngọc Long - GĐ Công ty truyền thông Trăng Đen: “Rõ ràng cái gì có lợi thì NSX mới làm, vì đây là kinh doanh. Khi nào khán giả còn thích, nhà tài trợ còn đồng ý thì NSX còn mua những định dạng ấy. Khi họ còn làm thế nghĩa là thị trường này còn lớn, họ còn khai thác được.
Trong làm ăn người ta có hai hướng, một là món hàng quyết định thói quen người tiêu dùng, hai là người tiêu dùng quyết định món ăn. Việc đua nhau mua những định dạng ăn khách na ná nhau, là họ đang đưa ra món hàng theo thị hiếu khán giả. Thời điểm này khán giả thích hát, họ sẽ làm chương trình về hát. Thời điểm nọ khán giả thích hài, NSX sẽ làm hài.
Mà, với khán giả hiện tại, họ cũng chẳng quan tâm chương trình này ai làm, mua từ đâu, họ chỉ quan tâm đến việc tôi muốn xem cái gì. Một ngày nọ, nếu các NSX làm khác đi, nghĩa là thị hiếu khán giả đã khác đi. Khó lòng bảo rằng các NSX hãy làm để định hướng khán giả đi, vì họ đang kinh doanh mà”.
● Theo bà Vũ Hương - PGĐ điều hành Công ty Đông Tây, không hẳn chỉ cần đáp ứng được về tiền thì sẽ mua được định dạng. Mỗi chương trình có những yêu cầu khác nhau về đơn vị sản xuất cũng như phạm vi phát sóng.
Trong đó, những chương trình đã nổi tiếng trên toàn thế giới như The Voice, Britain’s Idol… ngoài việc yêu cầu chương trình bản địa phải phát sóng trên kênh truyền hình lớn nhất nước đó, đơn vị sở hữu định dạng còn xem xét năng lực của NSX thông qua các chương trình mà NSX đã sản xuất trước đó.
Giá cả tùy thuộc vào độ ăn khách của chương trình gốc và bản địa hóa tại các quốc gia khác. Có chương trình chỉ 30.000-40.000 USD nhưng cũng có chương trình 200.000-300.000 USD, thậm chí, có định dạng lên đến hàng triệu USD.
Những chương trình triệu đô đã có mặt ở Việt Nam như The Apartment, Next Top Model, Shark Tank… Nếu mua theo gói nhiều năm, giá sẽ khác, nếu mua trọn combo (như Vua đầu bếp và Vua đầu bếp nhí) sẽ có nhiều ưu đãi hơn so với đàm phán từng chương trình.
Nguyên Vĩnh