Niềm tin
Vừa vào công ty, nàng sực nhớ sáng đi chợ đã để quên bó rau mình trả tiền rồi. Chiều đi làm về, nàng mệt mỏi vào chợ để mua bó rau khác. “Sáng em để quên bó rau nên chị bán cho người khác rồi”. Nghe tiếng, nàng quay người lại, thấy chị bán rau trả cho mình đúng số tiền mua rau lúc sáng.
Từ chợ về nhà, nàng luẩn quẩn với suy nghĩ: “Bây giờ người ta còn nhẫn tâm giết đến mấy mạng người một lúc chỉ vì vài trăm ngàn, hay vì mấy quả chanh. Người ta cũng dễ dàng giết nhau chỉ vì đánh mất niềm tin tốt đẹp vào người khác.
Thế nhưng, chỉ cần một hành động nhỏ nhặt thể hiện sự tử tế, cũng đủ để lấy lại niềm tin giữa người với người”. Nàng chợt thấy nhẹ nhõm rằng mình vẫn chưa đánh mất niềm tin vào con người vì những chuyện cỏn con như một số người khác…
Hy sinh
Đứa bé bốn tuổi chạy quanh căn nhà mới, rồi bất chợt hỏi mẹ: “Mẹ ơi, nhà rộng và đẹp nhưng sao không có bố? Con chả thích tẹo nào!”.
Người mẹ rơm rớm: “Vì bố bay về trời mất rồi con”.
Đứa bé hí hửng: “Vậy lớn lên con sẽ làm phi công như bố, mẹ nhé”.
Người mẹ cười hiền: “Ừ. Và con cũng sẽ dũng cảm như bố đã từng”.
Đứa bé hồn nhiên: “Con sẽ dũng cảm để nhà mình lại đông người đến thăm, để người ta đến quay phim chụp ảnh, để những người con chưa hề quen cũng đến”.
Rồi đứa bé nhìn xa xăm hỏi lại mẹ: “Mà sao lúc bố còn sống không thấy những người lạ đó đến chơi nhà mình, mẹ nhỉ?...”.
Làm gương
Ông bố đi nhậu về thấy cậu con trai đang ngồi học bài trong phòng khách. “Đời bố lên tới chức tiến sĩ thì con cố gắng thành giáo sư cho nó oách, con ạ! Mà ngày xưa bố chả được ngồi học bài có bóng đèn sáng trưng như vậy đâu”.
Cậu con trai hỏi lại: “Ơ, thế ngày xưa ông bà nội có hay phải đến nhà thầy cô giáo chủ nhiệm của bố không ạ?”.
Ông bố chợt biến sắc, quát: “Hỏi linh tinh! Học kỳ này ông mà để tôi phải đến nhà cô chủ nhiệm xin xỏ là đừng có trách”.
Vừa nói ông bố vừa xiêu vẹo bước vào phòng ngủ, đuổi theo là tiếng làu bàu của cậu con trai: “Năm nào bố chả nói câu đó!”.
Chữ hiếu
Cuộc họp gia đình diễn ra rất sôi nổi. Con trai cả cứng giọng: “Nhà thằng A xây cái bia mộ gần 500 triệu thì nhà mình phải 700”. Cô con gái thứ hai cũng hùng hổ: “Vợ chồng tôi xin góp hẳn 50 triệu để xây bia mộ cho bố mẹ, miễn sao làm được cái bia mộ đẹp nhất làng để các cụ ở suối vàng được mát mặt!”.
Cậu con út chợt hỏi ngược lại: “Thế lúc ba mẹ còn sống, hàng tháng xin vợ chồng chị chỉ 500.000 đồng để ăn uống thuốc thang, sao chị bảo không có tiền; còn bảo bố mẹ ở nhà ai thì người ấy lo?”. Những cặp mắt cụp xuống như không dám nhìn vào người khác. Bàn thờ lạnh lẽo như đã lâu không có mùi khói hương…
Chữ Trinh
Cưới nhau mới ba tháng nhưng người vợ cương quyết ly hôn. Nguyên nhân, sau đêm tân hôn anh chồng luôn hỏi tại sao tấm drap giường không thấy gì. Dù lúc đó người vợ đã mang thai hơn một tháng. Một thời gian sau, anh chồng cưới vợ mới. Đêm tân hôn, anh hả hê sung sướng khi thấy cái dấu hiệu của lần đầu tiên…
Vài năm sau, gia đình anh gặp biến cố. Cha anh vướng vào một vụ hối lộ, tài sản bị nhà nước tịch thu, còn phải ngồi tù. Vợ anh bỏ nhà đi, để lại tờ đơn ly hôn kèm lời nhắn: “Em đã quen cuộc sống vật chất sung sướng, nên giờ…”. Anh lặng người.
Ngoài phòng khách, chợt nghe tiếng mẹ anh nói vọng vào: “Hôm qua mẹ lên trại thăm ba, có gặp vợ cũ của con, còn dẫn theo thằng Tí. Tội nghiệp thằng nhỏ, sáu tuổi rồi mới biết mặt ông bà nội”.
Mua Iphone
“A lô, mẹ gửi cho con thêm ba triệu nữa đi”.
Bên kia đầu dây giọng người mẹ thều thào: “Tuần trước mẹ mới gửi hai triệu rồi mà?”.
Tiếng nó vùng vằng: “Trời ạ, hai triệu đó mới đủ để con đóng tiền nhà với tiền ăn thôi. Gửi gấp thêm ba triệu cho con đi!”.
“Ừ, để mẹ ráng!”.
Nghe tới đó, nó cúp máy cái rụp. Trong nhà tắm, tiếng bạn nó vọng ra: “Mày mua nhanh không hai hôm nữa hết khuyến mãi đó. Chỉ cuối năm Iphone mới khuyến
mãi thôi”.
Ở quê, mẹ nó đang vật lộn giữa trời đông giá rét để kiếm tiền gửi cho nó.
Phản ứng dây chuyền
Vừa nhìn thấy cậu con trai áo quần xộc xệch, mặt mũi lấm lem, ngồi trong góc phòng giám thị, người mẹ cất ngay lời la mắng: “Mẹ vất vả kiếm tiền cho con ăn học, chứ có phải cho con đi đánh nhau đâu?”. Thầy giám thị kể: “Con trai chị thường xuyên đánh bạn, cả cùng lớp và khác lớp. Hôm nay camera của trường đã ghi lại được, mời chị xem”. Vừa nói, thầy giám thị vừa bật clip quay cảnh đánh bạn của cậu con trai.
Chẳng biết sao người mẹ lại thấy hiện ra hình ảnh từ ký ức tuổi thơ trong tâm trí mình, khi ngày nào bà cũng bị bố mình đánh. Rồi bà lại thấy hiện ra cảnh mình cũng thường xuyên đánh cậu con trai; như những gì ngày xưa mình từng chịu đựng. Bất giác, người mẹ ôm chặt con trai vào lòng, như muốn ôm giữ lại chính tuổi thơ của mình. Nước mắt cứ thế tuôn trào.
Bà bán rau
Đôi vợ chồng dừng lại trước tín hiệu đèn đỏ. Tín hiệu báo còn 60 giây. Tan tầm mọi người mệt mỏi chen nhau để nhanh chóng về nhà. Anh chồng nhìn ngang, nhìn dọc giết thời gian. Cô vợ ngồi sau cằn nhằn: ”Lại kẹt xe!”.
Bất chợt trong mớ âm thanh ồn ào, anh chồng nghe một giọng nói yếu ớt vang lên ngay cạnh mình. Anh nhìn lại. Là một bà lão bê giỏ rau muống. “Cô chú mua giùm tôi ít rau để tôi có tiền đi xe buýt về”.
Cô vợ bĩu môi: “Rau vừa già vừa héo thế mang về cho lợn ăn à?”.
Anh chồng thoáng lặng đi, nhẹ nhàng: “Bà cho con mua hết số rau này nhé!”. Trên đường về, cô vợ liên tục cằn nhằn.
Vào đến nhà, anh chồng kéo cô vợ đến trước bàn thờ, nói to: “Vì ngày xưa mẹ cũng bán rau như thế để nuôi anh được như hôm nay”.
Mái tóc của ông ấy
Sau khi gội đầu và sấy khô tóc cho bà cụ, cô chủ tiệm nói: “Bà ơi, tóc bà giờ chỉ còn lưa thưa vài cọng, hay bà cắt ngắn cho dễ chăm sóc, lại trông trẻ ra vài tuổi”.
“Không được đâu cháu! Ông rất yêu mái tóc này của bà”.
Cô chủ tiệm hỏi lại: “Thế cụ ông năm nay bao nhiêu tuổi rồi bà?”.
“Ông ấy mất năm năm rồi!”. Giọng bà cụ bỗng nhỏ lại, mái tóc bạc trắng lưa thưa phất phơ trước luồng gió quạt máy…
Tư duy quân short
Quần tây hay mỉa mai quần short: “Cái thứ anh người ta chỉ mặc trong phòng ngủ và phòng vệ sinh thôi. Tôi thì lúc nào cũng được người ta mặc đến những nơi sang trọng”. Quần short ngậm ngùi không cãi lại một tiếng.
Nhiều lúc, quần short ngẫm nghĩ, mình bị người ta coi thường chỉ vì tư duy chưa cởi mở, chứ ở phương Tây thì quần short, quần jeans hay quần tây đều được coi như nhau, mỗi thứ có giá trị riêng. Quan trọng là người mặc có mang lại được điều gì ích lợi cho xã hội không thôi.
Quần short cứ an ủi mình như vậy cho đến ngày, trong buổi học tại một trường đại học lớn, lần đầu tiên trong đời quần short được một ông thầy mặc lên giảng bài, để chia sẻ ý tưởng về sự sáng tạo và tư duy cởi mở. Quần tây há hốc mồm ấm ức, chụp lại ngay cảnh ấy đưa lên facebook để bêu xấu, dè bỉu nhân phẩm của quần short. Nhiều anh hùng bàn phím hùa theo, góp phần rao giảng đủ thứ gọi là chuẩn mực.
Góp tiếng dạy bảo hùng hồn thế, nhưng chẳng mấy người trong số đó biết, quần short chỉ được xuất hiện một lần đó, như một cách thể hiện cho việc thế nào là tư duy sáng tạo, dám phá bỏ mọi giới hạn của những định kiến. Có thể, khi dân trí được nâng cao hơn, quần short mới thoát được cảnh bên trọng bên khinh, vì nhiều người sẽ hiểu hơn chuyện mỗi thứ trong cuộc sống đều mang trong mình giá trị riêng.
Trần Trà My