Mỗi đơn vị kinh doanh rau tự dán một kiểu tem truy xuất riêng, khiến người tiêu dùng (NTD) từ rối chuyển sang... nản.
Tem rau: mạnh ai nấy dán
Hiện tại TP.HCM có hai đơn vị thí điểm áp dụng dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm (SP) rau là Hợp tác xã (HTX) Phước An và HTX Phú Lộc. Đơn vị hỗ trợ xây dựng mã vạch QR code là công ty TNHH Công nghệ cao DAA.
Tuy nhiên, hiện nay tem dán trên SP rau là do các HTX, đơn vị kinh doanh rau “tự xử” từ việc in ấn, dán nhãn, kiểm tra… Thậm chí, có đơn vị còn phải in tới bốn loại tem truy xuất nguồn gốc khác nhau tùy theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Đến siêu thị Co.op Mart Phú Lâm (Q.6), trên kệ rau chỉ có SP VietGap của Co.op Mart với tem của TraceVerified. Trong khi đó, những hệ thống khác của Co.op Mart và các siêu thị Lotte Mart, Big C, VinMart… có SP của hai HTX Phú Lộc và Phước An nhưng tem trên SP không phải của DAA mà đủ loại…
Chị Thu Hoài, ngụ Q.Phú Nhuận cho biết: “Vừa rồi tôi đi Co.op Mart Rạch Miễu mua bó rau thì thấy dán tem truy xuất nguồn gốc của Công ty DAA. Nhưng thời gian sau, cũng mua cùng loại rau đó nhưng lại thấy tem của TraceVerified.
Vào siêu thị khác cũng thấy tình trạng một loại rau, một HTX nhưng có lúc lại là tem của siêu thị, có khi tem của chính HTX. Tôi quả thật bị rối và nghi ngờ các con tem. Giờ tôi chả biết tin ai nên cũng lười ngó con tem trước khi mua”.
Không chỉ người mua hoang mang, ngay cả HTX trồng rau cũng quay cuồng với tem. Ông Nguyễn Quốc Toản - Phó giám đốc HTX Phú Lộc kể khổ: “Mỗi ngày, HTX đưa ra thị trường từ năm - sáu tấn rau có dán tem TXNG (16 chủng loại) cho các siêu thị của hệ thống Co.op Mart, Lotte, Aeon… và một số đơn vị khác.
Trong đó, chúng tôi phải in cho Co.op một mã tem riêng, các siêu thị khác một mã riêng với số liệu, mẫu mã, màu sắc, kích thước khác nhau. Ngay cả thời hạn sử dụng trên tem cũng phải khác, có siêu thị yêu cầu hai ngày, có nơi đòi ba ngày nên rất tốn thời gian, công sức.
Chưa hết, nông dân khi làm nhật ký ruộng đồng ghi trên một phần mềm, đến khi nhập vào dữ liệu truy xuất lại làm trên một phần mềm khác nên rất dễ sai sót”.
|
Mỗi HTX, đơn vị kinh doanh rau có một con tem riêng, khiến người tiêu dùng hoang mang, dẫn đến lười… truy xuất |
Cho rằng các HTX cung ứng rau cho siêu thị đóng gói không đảm bảo chất lượng, Co.op Mart đã yêu cầu HTX cung cấp rau và tem để siêu thị tự đóng gói và dán tem. “Đầu tháng 5 này, chúng tôi sẽ có xe kiểm nghiệm di động, xuống tận vườn để kiểm tra nhanh các SP rau an toàn trước khi đưa về bán.
Nếu phát hiện có sai phạm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly, chúng tôi sẽ không tiếp nhận lô hàng và cắt hợp đồng nếu đơn vị cung cấp vi phạm nhiều lần” - đại diện Co.op Mart cho hay.
Đại diện Xí nghiệp Rau quả trực thuộc Satra thông tin, rau trong siêu thị này có hai dạng: một loại do Satra tự sơ chế, in và dán tem truy xuất nguồn gốc riêng của Satra, dạng còn lại của nhà cung cấp chưa được dán tem.
Tương tự, ông Trương Văn Bảo - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp kỹ thuật Việt cũng cho biết: “Chúng tôi có trại rau đạt chuẩn Global GAP ở H.Củ Chi, mỗi ngày đưa ra thị trường từ 110-200 tấn. Chúng tôi tự trồng rau, tự làm tem và dán nhãn trên SP của mình trước khi đưa ra thị trường. Do đảm nhận các khâu từ A-Z nên nếu rau có vấn đề gì sẽ dễ truy trách nhiệm”.
Khi heo đeo vòng ”ma”
Sau khi triển khai đề án, Sở Công thương nhận được đăng ký của 25 cơ sở giết mổ ở TP.HCM và các tỉnh. Nhưng số cơ sở giết mổ có kiểm soát, kích hoạt khai báo thông tin nguồn gốc chỉ 10/25 cơ sở. Số cơ sở thực tế tham gia so với số đăng ký tại tất cả các địa phương rất thấp, cao nhất là Đồng Nai 50%, thấp nhất là Long An, chỉ 25%.
Đã có 297.331 con heo được đeo vòng nhận diện đưa vào các cơ sở giết mổ nhưng chỉ có 150.387 con heo đã xẻ thịt (tương ứng 300.774 mảnh heo) được kích hoạt khi xuất ra khỏi cơ sở giết mổ và có vòng niêm phong. Như vậy vẫn còn 146.944 (49%) thịt heo khi xuất ra khỏi cơ sở giết mổ không được cập nhật thông tin nguồn gốc.
Ông Lê Văn Tiễn - Phó giám đốc chợ Hóc Môn cho biết, khi mới triển khai đề án, mỗi đêm có 5.000 con heo vào chợ và 100% heo được đeo vòng. Nay lượng heo về chợ tăng lên 5.500-5.700 con, nhưng chỉ 49% được đeo vòng. Trong số đó, 20% số vòng trên heo kích hoạt được, các vòng còn lại đều trắng thông tin.
Còn tại chợ đầu mối Bình Điền, khi triển khai có 113 thương nhân đăng ký thực hiện và làm rất tốt. Nhưng càng ngày, số lượng thương nhân thực hiện đúng quy định càng giảm.
Có tình trạng heo đeo vòng nhưng chẳng có thông tin. “Nguyên nhân là do 80% heo nhập từ Long An, do các thương lái mua từ các hộ nhỏ lẻ. Các hộ này chỉ nuôi vài chục con, khu vực chăn nuôi không có sóng wifi, 3G nên bà con không kích hoạt vòng nhận diện” - đại diện chợ đầu mối Bình Điền lý giải.
Chi cục Thú y TP.HCM thừa nhận, chỉ có 45% số heo đeo vòng có đầy đủ thông tin về nguồn gốc, trang trại, cơ sở giết mổ… Số còn lại mang tính đối phó, không ghi đầy đủ thông tin.
Thậm chí có heo đeo vòng nhưng chẳng có thông tin gì. Đến nay, lượng heo nhập về cơ sở giết mổ tại TP có vòng nhận diện chỉ chiếm 9%. “Hiện nay đề án chưa có quy định về xử phạt, chưa có cơ sở pháp lý và văn bản quy phạm pháp luật quy định, do đó cơ quan thú y chưa có cơ sở để xử lý vi phạm theo đúng quy định của đề án, chỉ dừng lại ở việc lập biên bản nhắc nhở” - đại diện Chi cục Thú y TP.HCM nói.
Sẽ siết chặt việc quản lý tem
Câu hỏi được đặt ra là khi rau do người sản xuất trồng trọt, chế biến, tự in và dán tem, chưa có sự quản lý, giám sát của cơ quan chức năng thì liệu thông tin đến tay NTD có đáng tin?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản nói: “Điều quan trọng cốt lõi vẫn là làm thế nào để quản lý thật tốt toàn bộ quá trình từ sản xuất, đóng gói đến dán tem. Việc HTX không tự tay dán tem mà giao cho một đơn vị khác dán thì phải theo dõi sát sao. Nếu doanh nghiệp có lương tâm thì không nói, nhưng vì chạy theo lợi nhuận mà có “trộn hàng” hay vì một lý do nào khác, nếu bị phát hiện thì đơn vị chịu trách nhiệm cuối cùng vẫn là nông dân, các HTX”.
Bà Huỳnh Thị Kim Cúc - Phó ban Quản lý ATTP TP.HCM cho biết: “Mục tiêu của truy xuất nguồn gốc là để minh bạch thực phẩm, giúp NTD yên tâm, người sản xuất có trách nhiệm, chứ không phải để bán được nhiều SP hơn. Nhiều doanh nghiệp nói với tôi, họ muốn bán rau sạch của nông dân, nhưng rất lúng túng, lo lắng về nguồn gốc.
Do đó, chúng ta phải làm thế nào để thực phẩm được đảm bảo từ trang trại đến bàn ăn. Đó không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là ý thức của mỗi người dân; phải sản xuất an toàn và hướng đến mục tiêu xuất khẩu”.
Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định: "Dù kết quả đạt được không như mong muốn, nhưng vẫn kiên trì với chủ trương của TP. Để khắc phục những khó khăn, sắp tới sẽ thực hiện một cách đồng bộ, không chỉ riêng trách nhiệm của Sở được giao mà từng đơn vị có kế hoạch lộ trình cụ thể, mục tiêu cụ thể".
Ông Tuyến đề nghị Ban quản lý ATTP sớm tham mưu quy định áp dụng tem truy xuất nguồn gốc, nói rõ thẩm quyền, các xem xét công nhận cụ thể, chứ không sẽ dẫn đến tình trạng tràn lan, mạnh đơn vị nào nấy làm. Thậm chí có trường hợp sẽ lợi dụng tem truy xuất nguồn gốc này để hợp thức hóa thực phẩm không sạch.
Hai chợ Bình Điền và Hóc Môn phải tăng cường vận động, tuyên truyền, giải thích, đề xuất chính sách hỗ trợ cụ thể cho thương nhân để họ ý thức, tự giác thực hiện. Phải hạn chế lượng heo vào chợ không có vòng nhận diện hoặc có vòng mà không có thông tin. Ông Tuyến đề nghị Chi cục Thú y TP.HCM cải tiến kỹ thuật để phương tiện truy xuất nguồn gốc hiệu quả tiện lợi, tiết kiệm nhất và người dân áp dụng dễ nhất.
Thanh Hoa