Truy xuất nguồn gốc thịt heo: Vì sao chưa được hưởng ứng?

02/08/2017 - 10:30

PNO - Kế hoạch truy xuất 100% thịt heo về hai chợ đầu mối của TP.HCM từ ngày 1/8 không thuận lợi khi phần lớn số heo về chợ vẫn không có vòng truy xuất.

Không nhận được sự ủng hộ

Trong số báo trước chúng tôi đã phản ánh, khi sát thời điểm quy định heo từ các lò mổ trong và ngoài TP.HCM về hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn phải được truy xuất nguồn gốc, nhiều tiểu thương, thương lái ngành hàng này bày tỏ không “tâm phục” với việc thực hiện theo yêu cầu của đề án.

Theo Sở Công thương TP.HCM thì không chỉ thương lái, tiểu thương mà cả cơ quan quản lý các địa phương, lực lượng thú y và người tiêu dùng (những người được xem là hưởng lợi nhiều nhất từ đề án này) dường như cũng dửng dưng trước đề án được đặt nhiều kỳ vọng này.

Truy xuat nguon goc thit heo: Vi sao chua duoc huong ung?
Đa phần heo về các chợ đầu mối sau ngày 1/8 vẫn “quên” đeo vòng truy xuất

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, 85% nguồn heo đưa về TP.HCM đến từ các tỉnh thành xung quanh TP.HCM. Và Tổ đề án từ nhiều tháng trước đã đến nhiều tỉnh thành (Đồng Nai, Long An…) để làm việc với cơ quan quản lý địa phương, chủ trại nuôi, đầu mối thu mua heo để trao đổi, tập huấn về quy trình đeo vòng truy xuất cho heo.

Tuy nhiên, đến tối 30/7 vẫn có tới 65% các cơ sở chăn nuôi cung cấp heo cho thị trường TP.HCM tại các địa phương vẫn chưa thực hiện việc đeo vòng và kê khai thông tin về heo trước khi xuất bán, đồng nghĩa với việc họ chưa sẵn sàng chịu trách về sản phẩm của mình bán ra. 

Dù chỉ có 35% số heo ra khỏi trại được đeo vòng truy xuất, nhưng khi về đến các lò mổ chỉ có 21% số heo được điền đầy đủ thông tin kiểm soát của lực lượng thú y vào vòng nhận diện. Khi về đến chợ đầu mối, con số tiếp tục giảm xuống còn 13%. Dù biết trước, từ ngày 1/8, các lô heo không có vòng truy xuất có nguy cơ không được vào chợ nhưng nhiều chủ hàng vẫn không thực hiện quy định.

Ông Hòa cho biết, số heo bị “bốc hơi” chủ yếu có nguồn gốc từ Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre. Tính ra, cứ 10 con heo từ các tỉnh đưa về TP.HCM tiêu thụ thì chưa đến hai con được gắn vòng truy xuất.

Không chỉ người nuôi, thương lái, đơn vị thú y… ngay cả người tiêu dùng dường như cũng không hào hứng với đề án. Có khoảng 800 điểm bán thịt tại các kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) nhiều tháng qua bán thịt heo được truy xuất nguồn gốc thông qua con tem có mã QR.

Truy xuat nguon goc thit heo: Vi sao chua duoc huong ung?
Qua thời gian triển khai bán thịt heo được truy xuất nguồn gốc, hiện lượng người dùng truy cập vào phần mềm truy xuất thịt heo còn rất hạn chế.

Tuy nhiên, theo ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM, tính đến cuối tháng Bảy, lượng người tiêu dùng truy cập vào phần mềm truy xuất thịt heo được đơn vị này ghi nhận hiện rất hạn chế. Ông Trung không tiết lộ con số cụ thể. Ngày 1/8, dù lượng heo đeo vòng về chợ đầu mối đã tăng từ 35% lên 70%, nhưng so với mục tiêu 95-100% như kế hoạch đặt ra thì mới đạt được 2/3.

Đề án “cá biệt”

Ông Nguyễn Ngọc Hòa thừa nhận, đề án chưa đạt được kết quả như mong muốn và đưa ra lý giải. Không chỉ thịt heo, mà nhiều loại nông sản, thực phẩm tiêu thụ tại TP.HCM đến từ các tỉnh, nên khi thực hiện đề án này phải kêu gọi sự giúp đỡ từ các địa phương.

Các tỉnh chưa phân công cụ thể cơ quan đảm nhiệm để hỗ trợ đề án của TP.HCM. Người nuôi, thương lái vốn quen với việc chăn nuôi, mua bán tự do, nhiều người còn gian dối (chẳng hạn người nuôi dùng chất cấm, chất tạo nạc, thương lái bơm nước ăn gian trọng lượng), nay đưa họ vào khuôn khổ nên họ chưa sẵn sàng hợp tác (?). 

Nhiều người nuôi heo tại Đồng Nai khi được hỏi, họ cho rằng tốn kinh phí là một chuyện, họ còn lo ngại con heo khi ra khỏi trại có thể khỏe mạnh, an toàn, nhưng vào tay thương lái có khi thành heo bơm nước, heo tiêm thuốc an thần… Khi xảy ra sự cố, truy ra có thể thương lái lại đổ lỗi cho trại. 

“Đối với số liệu người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc thịt còn rất hạn chế, có thể do người tiêu dùng đã quen với chương trình, và yên tâm khi sản phẩm đã được kiểm soát thông qua vòng nhận diện nên lượng người truy cập vào ít hơn. “Hy vọng sau khi áp dụng truy xuất nguồn gốc với mặt hàng trứng và thịt gia cầm sẽ thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng hơn…”, ông Hòa lý giải.

Trong khi đó, nhiều người nuôi heo tại Đồng Nai khi được hỏi, họ cho rằng tốn kinh phí là một chuyện, họ còn lo ngại con heo khi ra khỏi trại có thể khỏe mạnh, an toàn, nhưng vào tay thương lái có khi thành heo bơm nước, heo tiêm thuốc an thần… Khi xảy ra sự cố, truy ra có thể thương lái lại đổ lỗi cho trại. 

Còn với lượng heo “bốc hơi” dần từ trại về cơ sở giết mổ rồi ra chợ đầu mối, tổ đề án cũng giải thích có thể do cán bộ thú y quên nhập và kích hoạt dữ liệu vào vòng nhận diện sau khi thực hiện các quy trình kiểm soát thú y, hoặc do thiếu thốn trang thiết bị (điện thoại thông minh, máy chuyên dụng…).

Một giải pháp đang được nhiều người đặt giả thiết là tại sao không áp dụng quy định heo không được truy xuất không được vào chợ. Tuy nhiên, điều này rất khó vì theo quy định đối với mặt hàng thịt heo vẫn được lưu thông khi có đầy đủ sự kiểm soát của lực lượng thú y.

Truy xuat nguon goc thit heo: Vi sao chua duoc huong ung?
Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm là việc cần làm. Nhưng cách làm như Tổ đề án đang làm hầu như không nước nào trên thế giới áp dụng. 

Một cách khác, là đưa quy định vào quy chế các chợ đầu mối cũng đang được sở tính tới, nhưng suy cho cùng nếu một quy định nhận được sự đồng thuận của nhiều người sẽ không cần đến quá nhiều những giải pháp đối phó.

Một số đơn vị làm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu chia sẻ, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm là việc cần làm. Nhưng cách làm như Tổ đề án đang làm hầu như không nước nào trên thế giới áp dụng. Vì như vậy là làm thay vai trò của doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh thịt heo hay bất cứ mặt hàng thực phẩm nào. Thay vì đó, cơ quan quản lý chỉ nên đặt ra tiêu chuẩn.

Chẳng hạn, đơn vị tham gia kinh doanh thịt heo đáp ứng điều kiện về cơ sở giết mổ, thịt heo về thành phố phải có nguồn gốc, thậm chí là tem truy xuất… Cơ quan chức năng có thể kiểm tra đột xuất, nếu sản phẩm của đơn vị nào có vấn đề (nhiễm vi sinh, không đủ tem mác…) có thể xử phạt, thậm chí rút giấy phép kinh doanh.

Nếu làm theo cách này, đầu mối kinh doanh thịt tại TP.HCM có thể rút gọn còn một vài doanh nghiệp, nhưng là những doanh nghiệp có quy mô và cơ quan chức năng cũng dễ bề quản lý.

Có thể ban đầu, rất ít doanh nghiệp đủ điều kiện để thực hiện quy mô như vậy, nhưng thành phố có thể thực hiện hỗ trợ về vốn, cơ sở vật chất… thông qua các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư. 

Kết quả kiểm tra rạng sáng 1/8

Các trang trại đeo vòng nhận diện cho 6.774 con heo, chiếm gần 70% lượng heo cung ứng cho thành phố, tăng gấp 2 lần so với ngày trước.

Tại các cơ sở giết mổ còn 4.861 con heo có vòng nhận diện, so với ngày hôm trước tăng 244% nhưng so với số lượng heo có đeo vòng từ các trang trại đã giảm 20%, xuống còn 50% tổng lượng heo về thành phố.

Như vậy, 20% lượng heo có đeo vòng giảm đi chủ yếu do cơ quan thú y tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh khác như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre… không thực hiện kiểm tra, kích hoạt vòng niêm phong xe.

Tại hệ thống phân phối kênh truyền thống của thành phố: tổng lượng heo cung cấp ngày 1/8/2017 là 8.578 con, trong đó chỉ có 3.614 con heo có đeo vòng nhận diện, có đầy đủ thông tin TXNG, giảm 13% xuống còn 37% trên tổng số heo đưa về tiêu thụ tại thành phố. So với đêm trước đó, số lượng heo có thông tin truy xuất đưa về tới hệ thống phân phối truyền thống đã tăng 341%.

Tại hệ thống phân phối kênh hiện đại, toàn bộ 1.247 con heo vòng nhận diện và có đầy đủ thông tin TXNG.

Lượng heo đeo và kích hoạt vòng từ trang trại từ 35% tăng lên 70%. Lượng heo có đeo vòng và truy xuất được thông tin tại cơ sở giết mổ tăng từ 21% tăng lên 50% và về đến các chợ đầu mối, tỷ lệ đã tăng từ 9% lên 37%. Song tỷ lệ heo đeo vòng vẫn còn rất thấp so với chỉ tiêu đặt ra.

Nguyễn Cẩm

Sẽ chế tài mạnh tay

Trong đêm kiểm tra đầu tiên, 100% heo tại chợ Bình Điền không đeo vòng truy xuất nguồn gốc (TXNG). Liệu có tình trạng các thương nhân đồng lòng với nhau không hay vì chưa có chế tài xử phạt nào được áp dụng nên mới có tình trạng này?

“Ban quản lý đề án sẽ xử lý những trường hợp vi phạm, như tạm giữ lô hàng heo không được đeo vòng TXNG và hướng dẫn thương nhân thực hiện đúng quy định”, ông Hòa nhấn mạnh. 

Sáng 1/8, tại buổi làm việc của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai với các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, hiện nay nhiều thương lái chỉ mua heo có đeo vòng TXNG. Muốn bán được heo, các hộ chăn nuôi phải đeo vòng TXNG cho heo. Tuy nhiên, ông Đoán lo ngại: “Thương lái sẽ vịn vào quy định này để ép giá thu mua heo. Lúc này, các công ty nước ngoài và nguồn heo ngoại nhập có cơ hội vào Việt Nam nhiều hơn”. 

Ông Hòa cũng cho rằng: “Nhà nước đã hỗ trợ kinh phí, tập huấn, các hộ chăn nuôi, thương nhân chỉ việc thực hiện. Ai không làm thì tự đặt mình ra ngoài quỹ đạo của cơ chế thị trường”. 

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Trung Thu - Trưởng phòng Thanh tra, Ban An toàn thực phẩm TP.HCM, cho rằng: “Ban đầu việc thực hiện TXNG heo chưa có hiệu quả nhưng dần dần sẽ điều chỉnh, nâng cao nhận thức cho thương nhân”.

“Làm sao giống như khi doanh nghiệp xuất hàng đi các nước, hàng không đạt chuẩn thì sẽ bị trả lại. Nếu TP.HCM có biện pháp chế tài mạnh đến mức thịt heo không TXNG sẽ không tiêu thụ được thì may ra họ mới chuyển biến. Chúng tôi đã kiến nghị Ủy ban có chế tài mạnh hơn”, ông Hòa nói.

Nguyễn Cẩm


Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI