Truy xuất nguồn gốc hàng khô: thua!

07/01/2017 - 12:01

PNO - Hiện nay, tại các tỉnh miền Tây, mặt hàng khô được niêm yết thông tin rõ ràng, khách có thể mua tận gốc từ các chủ xưởng.

Còn tại TP.HCM, các loại khô ngoại đổ bộ ngày càng nhiều vào các chợ truyền thống và được lòng người tiêu dùng, nhưng cả khô nội lẫn khô ngoại đều đang bị buông lỏng quản lý, người mua hoàn toàn không biết được thông tin về sản phẩm, không thể biết mặt hàng có nhiễm hóa chất, kháng sinh không.

Đến tận lò để… mua khô

Năm nay, thị trường khô đặc biệt sôi động trên mạng, các facebooker bán khô niêm yết rõ ràng về giá cả từng mặt hàng. Từ đây, khách hàng có thể mua tận gốc những sản phẩm khô từ các chủ xưởng thủ công, các lò khô gia truyền được chăm chút sạch sẽ, tươm tất.

Theo chị Nguyễn Thị Việt Hà, chủ xưởng khô Nhan Sắc ở TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau, từ tháng tám - chín năm nay, các đầu nậu Trung Quốc đã ruồng mua nguyên liệu làm khô nên giá cá, tôm tươi tăng cao, lại ít hàng, vì vậy giá khô cũng tăng theo. Giá xuất xưởng của tôm khô loại nhất của tháng tết này khoảng 1,2 triệu đ/kg, tăng so với những tháng trước 200.000đ/kg.

Ngoài các loại khô phổ biến như khô sặc, khô cá kèo, cá lóc của xưởng khô Nhan Sắc còn có sản phẩm đặc biệt là chà bông tôm đất, tôm bạc các loại, giá từ 800.000 đến một triệu đồng/kg. Theo chị Việt Hà, khô Cà Mau thường có vị ngon, ngọt đậm đà vì đây là vùng biển phù sa, nguyên liệu không nhiều nhưng “chất” hơn các nơi khác.

Truy xuát nguòn góc hàng kho: thua!

Nắm bắt thị trường, nhiều người còn sáng tạo ra giỏ quà tết gồm từ năm - bảy loại khô khác nhau. Chị Nguyên Vi, người có tiệm khô tại nhà ở TP.Cần Thơ cho biết, năm nay, mặt hàng chị bán chạy nhất là tôm khô nguyên vỏ.

Để làm được loại tôm khô này, nguyên liệu đầu vào chắc chắn là phải tươi nên khách có thể yên tâm về chất lượng sản phẩm, 1kg tôm khô nguyên vỏ thường khá nhiều và nặng tay nên dễ tặng, loại ngon nhất cũng chỉ 650.000đ/kg.

Tại thời điểm này, chị Vi đã có hàng chục đơn hàng làm giỏ quà tết, với giá khoảng 1,2 triệu đ/giỏ, các gia đình có thể đổi món với năm loại khô khác nhau gồm tôm khô, khô cá lóc rút xương, khô cá sặc bổi lạt, khô cá sặc bướm, khô cá lóc bống.

Miệt thượng nguồn huyện An Phú, tỉnh An Giang hiện cũng rộn ràng với các sản phẩm khô bằng nguồn nguyên liệu chủ yếu được nhập về theo đường tiểu ngạch từ Campuchia hoặc Thái Lan.

Những người làm khô ở đây luôn tự tin rằng so với các loại khô cùng loại thì cá nhập về ngon và ít tanh hơn, bởi đây là nguồn cá thiên nhiên. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, cá vừa về đến nơi là được sơ chế và ướp muối ngay trong đêm để sáng hôm sau đưa lên giàn phơi. Bí quyết để có những con khô có vị mặn vừa phải, thịt thơm là phải dùng muối trắng Bạc Liêu để tẩm ướp.

Qua vài năm thăm dò, năm nay khô nhái “vũ nữ chân dài” đã mạnh dạn góp mặt trên thị trường. Để mua được khô nhái ngon, người dùng cần kỹ năng phân biệt khô nhái được chế biến từ nhái đồng miệt Vĩnh Tế hay nhái từ Campuchia về, khô nhái ngon là loại khô có thịt màu hồng tươi, đùi nhiều thịt chứ không khô quắt. Hiện tại, khô nhái có giá khoảng 700.000đ/kg. 

Ít và lạ là nhóm khô được làm từ cá sông như cá trê, cá ngát, cá vồ đém, cá hú hay cá cóc. Người sành ăn thường chuộng loại khô này bởi vị thơm, ngon và giá rẻ hơn so với các loại khô biển thông thường. Hiện tại, các cơ sở sản xuất khô từ cá sông cũng khá rụt rè khi bung sản phẩm ra thị trường vì đang trong giai đoạn thăm dò.

Tuy nhiên, dù làm ít hay nhiều, các xưởng làm thủ công và cả người sản xuất nhỏ lẻ cũng đã chú trọng hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Người làm với số lượng nhiều thì đầu tư dây chuyền sản xuất, phơi, sấy theo đúng quy trình, người sản xuất thủ công thì cũng làm giàn, lựa chỗ phơi phóng cho được nắng để sản phẩm vừa ngon, vừa sạch.

Không chỉ vậy, năm nay, họ còn hướng tới cái “đẹp” để quảng cáo và tạo niềm tin cho khách qua mạng xã hội.

Tại các chợ trên địa bàn TP.HCM, mặt hàng khô mực Campuchia chỉ tăng khoảng 30.000đ/kg, các loại khô khác vẫn giữ giá. Riêng với khô nội, hiện tôm khô loại vừa có giá 700.000đ/kg nhưng đang khan hiếm, nhiều chợ không có hàng; các loại tôm khô lớn hơn thì tăng 20.000đ/kg, riêng khô mực loại 14 con giá 830.000đ/kg, tăng ở mức 60.000đ/kg so với ngày thường.

Đặc điểm chung của các loại khô Việt Nam là mặn nên khó thu hút khách bằng khô ngoại. Bà Nguyễn Thị Ánh Lan, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) thủy sản Tương Lai (ấp Cây Trôm, xã Phước Hiệp, H.Củ Chi, TP.HCM) đã sản xuất ra mặt hàng khô cá lạt, được chế biến từ cá tươi sống do HTX tự nuôi nên đảm bảo không hóa chất, kháng sinh; khi cầm cá khô đưa lên ánh sáng, sẽ thấy được độ trong của cá, cầm không rít tay (do không chứa nhiều muối).

Toàn bộ sản phẩm của HTX đưa ra thị đường đều được đóng gói, hút chân không, có đầy đủ thông tin về sản phẩm để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Khách có thể đến HTX tham quan quy trình chế biến, đặt sản xuất theo đơn đặt hàng.

Bó tay với chất lượng sản phẩm

Trong năm 2016, qua kiểm tra các cơ sở kinh doanh, cơ quan chức năng tại TP.HCM đã phát hiện 41/143 mẫu (gần 29%) thủy hải sản chứa dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm.

Hiện khô tại các chợ trên địa bàn TP.HCM là mặt hàng bán xá, người mua không có cách nào nhận biết có nhiễm hóa chất, chất kháng sinh hay không. Tại chợ Lê Hồng Phong, một số gian hàng khô đặc sản Campuchia được bày bán lộ thiên, kê ngay đường ra vào chợ.

Chỉ trừ lạp xưởng được đóng gói, có nhãn mác, trên sản phẩm có tiếng Campuchia, tất cả còn lại được bày trên bàn, rổ, khay inox, không có nhãn mác, thông tin sản phẩm.

Tại sạp H. (chợ Lê Hồng Phong, Q.10), chủ sạp cho biết, các loại khô đều được đánh bắt tại Biển Hồ (Tonle Sap - Campuchia) nhưng có nhiều nguồn lấy như thương lái Việt sống tại Campuchia, thương lái Chăm hoặc thương lái Campuchia. Khi hỏi, người mua khô tại sạp có được cấp hóa đơn để làm căn cứ truy xuất khi có ngộ độc thực phẩm do mặt hàng khô gây ra không, chủ sạp… lắc đầu, rồi khẳng định “cá khô làm sao gây ngộ độc, gây bệnh được”.

Một tiểu thương tại chợ Tân Định, Q.1 cho biết, bằng mắt thường không thể biết khô có hóa chất gì không nên chị luôn lấy mối từ những thương lái quen, tin tưởng. “Nếu cơ quan chức năng kiểm tra mà phát hiện sản phẩm có chất cấm, chúng tôi buộc thương lái đóng phạt và không lấy hàng của họ nữa” - tiểu thương này nói.

Nhưng thật sự, ngay cả bản thân thương lái cũng không biết cá mình thu mua về làm khô có chứa chất cấm hay không, bởi họ cũng chỉ là người thu mua từ người nuôi rồi phân phối lại cho tiểu thương.

Cá sặc và tôm khô tại sạp S. (chợ Bình Tây, Q.6) được giới thiệu nhập từ các tỉnh miền Tây. “Cá sặc do hai thương lái tại Châu Đốc cung cấp, còn tôm khô do hai cơ sở tại Cà Mau bỏ mối”.

Chủ sạp cho biết, luôn yêu cầu thương lái cung cấp sản phẩm đảm bảo an toàn, vệ sinh, cẩn thận ghi rõ ngày nhập để tiện theo dõi, quản lý. Tuy nhiên, cá sặc và tôm khô tại đây nói riêng đều được trộn chung, bày bán lộn xộn ngoài trời, nếu phát hiện sản phẩm “có vấn đề”, ngay cả chủ sạp cũng không biết thương lái nào mà đền.

Không dễ để truy xuất nguồn gốc cá khô tại các chợ bởi tiểu thương lấy từ nhiều mối, ngay cả người bán cũng không biết nơi sản xuất chính xác từ đâu, nhất là những người bán xá, bán dạo. Tại các chợ chiều phục vụ công nhân, chợ lề đường, không khó để bắt gặp các sạp khô “di động”.

Mặc dù bán ngoài trời nhưng điều lạ là các sạp này không hề có ruồi nhặng bám, đậu. Chị K, tiểu thương chợ chiều ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc thừa nhận không biết khô đang bán có nguồn gốc từ đâu, bởi chị lấy khô từ chợ Bà Điểm (H.Hóc Môn), nghe đâu tiểu thương này lấy ở chợ Bình Tây (Q.6), còn tiểu thương chợ Bình Tây lấy từ bao nhiêu mối nữa thì không biết.

Ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM cho biết, chi cục được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM giao nhiệm vụ quản lý các chợ đầu mối, riêng các chợ lẻ thì do các cơ quan chức năng khác quản lý.

Chợ Bình Điền là nơi tập trung mặt hàng thủy hải sản, khô các loại nhiều nhất. Tại đây, chi cục có đặt một trạm kiểm soát, mỗi ngày đều lấy mẫu kiểm tra khi có hàng hóa tập kết về; chủ hộ kinh doanh phải cập nhật thông tin người bán, người mua hàng ngày để dễ truy tìm nguồn gốc khi xảy ra sự cố.

Chi cục sẽ phạt nếu hộ kinh doanh không thực hiện yêu cầu trên. Trước đây, chi cục xử phạt rất nhiều về mặt hàng khô các loại do nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm, chất chống kiến. Thời điểm giáp tết, chi cục tăng cường tần suất lấy mẫu kiểm tra tại địa bàn phụ trách, nhưng gần đây không còn phát hiện sai phạm liên quan đến mặt hàng khô nữa.

Được biết, tại các chợ nhỏ lẻ, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM thường xuyên tổ chức kiểm tra, trong đó có mặt hàng khô các loại nhưng chỉ dừng lại ở việc kiểm soát nguồn gốc sản phẩm, hàng giả, hàng nhái, không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc chứ không có chức năng kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Điều đáng lo ngại là, khô bán tại các chợ nhỏ được lấy từ nhiều mối chứ không chỉ ở chợ Bình Điền, nên nguồn gốc khô từ đâu, có nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm, thuốc chống ruồi, kiến hay không thì khách hàng… bó tay!

                                                                                              Hiền Dung - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI