Truy xuất nguồn gốc bơ để người tiêu dùng mua đúng bơ ngon

03/07/2018 - 12:13

PNO - Do không nắm được địa chỉ, xuất xứ nguồn gốc bơ nên người tiêu dùng mua phải bơ kém chất lượng, khi người ta hái bơ non, cuốn héo nhanh, ăn đắng.

Nhiều người tiêu dùng (NTD) phản ánh mua bơ ngoài thị trường về thì chỉ ăn được chừng 3 – 5/10 trái, làm thế nào để hiệu quả sử dụng đạt ít nhất 8/10 trái? Chưa kể, nhiều trái bơ không đạt độ béo ngậy mà đắng ngắt khiến không ít người lo ngại bơ nhúng thuốc.

Truy xuat nguon goc bo de nguoi tieu dung mua dung bo ngon
Người tiêu dùng nên chọn mua bơ có truy xuất nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo chất lượng bơ ngon.

Tại chương trình “Đắk Nông – Mùa bơ chín năm 2018” diễn ra tại TP.HCM sáng 3/7, ông Lê Văn Một – Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Đăk Nông, giải thích, do không nắm được địa chỉ, xuất xứ nguồn gốc bơ nên NTD mua phải bơ kém chất lượng, khi người ta hái bơ non, cuốn héo nhanh, ăn đắng. Bơ non bị đắng, NTD nhầm tưởng bơ nhúng thuốc, nhưng bơ Đắk Nông không có tình trạng nhúng thuốc.

“NTD nên chọn mua bơ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và mua quả bơ có màu sắc đậm thì bơ già. Chúng tôi đang đẩy mạnh kết nối cung cầu, tìm hiểu nhu cầu người dân, mở rộng phân phối giúp NTD mua bơ đạt chất lượng.

Đăk Nông chọn lựa giống tốt, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để thị trường có nhiều quả bơ đạt chất lượng cao hơn.

Đặc biệt, chúng tôi đi theo hướng bến vững và áp dụng truy xuất nguồn gốc bơ, vừa tìm hướng đi cho bơ Đăk Nông, vừa tạo cơ hội cho NTD thưởng thức bơ ngon”, ông Một khẳng định.

Truy xuat nguon goc bo de nguoi tieu dung mua dung bo ngon
"Đắk Nông trồng được nhiều giống bơ cho trái quanh năm từ tháng 1 – 11 hằng năm" - bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch tỉnh Đăk Nông cho biết.

Theo các chuyên gia, cây bơ dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí chăm sóc chỉ bằng 1/3 các loại cây lâu năm khác. Giá bơ ổn định như nhiều năm qua, mỗi ha sẽ cho thu hoạch từ 300 – 500 triệu đồng/năm.

Đắk Nông hiện là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng bơ lớn của cả nước, với diện tích gần 2.600 ha, trồng chuyên canh hơn 700 ha, trồng xen canh gần 1.900 ha và năng suất bình quân từ 10-15 tấn/ha, chiếm khoảng 20% tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh. Bơ trồng tập trung chủ yếu ở các huyện: Đắk Mil, Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa.

Hiện nay, trên thị trường nhiều giống bơ cho quả ngon, chất lượng, năng suất cao được nông dân trồng nhiều như: bơ Cu Ba, bơ 034, bơ Booth, bơ Hass, bơ sáp, …

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch tỉnh Đăk Nông, cho biết: với đặc điểm địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng khác hơn so với các tỉnh nên Đắk Nông trồng được nhiều giống bơ cho trái quanh năm từ tháng 1 – 11 hằng năm.

Bơ Đắk Nông đang được NTD trong và ngoài nước ưa chuộng, bởi trái to hơn, dẻo hơn, màu vàng sậm hơn, mẫu mã đẹp hơn và chín kéo dài so với bơ các địa phương khác.

Đây là loại cây ăn trái có giá trị dinh dưỡng cao, giàu năng lượng, chứa khoảng 25 loại vitamin và khoáng chất tự nhiên có lợi cho sức khỏe, được xem là một loại quả “siêu thực phẩm” ít nơi nào có được.

Truy xuat nguon goc bo de nguoi tieu dung mua dung bo ngon
"Đăk Nông cần đầu tư cơ sở hạ tầng và đưa các món ăn từ nguyên liệu bơ để quảng bá đến du khách", bà Nguyễn Thị Khánh - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM khuyến nghị.

Đây là chương trình tôn vinh trái bơ lần đầu tiên tổ chức tại Đắk Nông nhằm giới thiệu, quảng bá trái Bơ Đắk Nông đến NTD và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu bơ trong và ngoài nước. Đồng thời, UBND tỉnh Đắk Nông sẽ tổ chức chương trình “Đắk Nông - Mùa bơ chín” năm 2018 để quảng bá, kết nối cung cầu bơ và các sản phẩm nông nghiệp.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế của cây bơ, giữa tháng 3/2018, tại chuyến thăm New Zealand, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn đã ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển quả bơ tỉnh Đắk Nông với các bên gồm Cơ quan hợp tác Chính phủ New Zealand, Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm, Công ty cổ phần SAM nông nghiệp công nghệ cao.

“Tuy có lợi thế lớn nhưng giá trị hàng hóa bơ Đắk Nông còn thấp do việc hạn chế trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật; quy mô sản xuất manh mún, tình trạng bà con nông dân trồng tự phát không theo quy hoạch; nguồn vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…); quy trình sản xuất chưa đảm bảo, đầu ra sản phẩm không ổn định; chưa xây dựng thương hiệu hàng hóa…”, bà Hạnh nhìn nhận.

Bà Nguyễn Thị Khánh – Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM: Hiệp hội Du lịch TP.HCM từng đưa nhiều lượt khách du lịch đến Đăk Nông để phát triển du lịch Đăk Nông, địa phương cần đầu tư cơ sở hạ tầng và đưa các món ăn từ nguyên liệu bơ để quảng bá đến du khách. Để tạo được thương hiệu bơ Đăk Nông cần đảm bảo chất lượng đầu vào, đầu ra. Chúng tôi sẽ gắn liên tuyến Đăk Nông – Đăk Lăk và hỗ trợ về nguồn nhân lực, cần gắn với du lịch cộng đồng. Phía Hiệp hội sẽ đồng hành với Đăk Nông và có những chương trình dài hơi hơn để cùng phát triển du lịch Đăk Nông – vùng đất có nhiều tiềm năng, sự khác biệt.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch tỉnh Đăk Nông cho biết, đầu tư hạ tầng cho du lịch còn nhiều hạn chế, nhưng vẫn đảm bảo về cơ sở lưu trú, ăn uống cho du khách trong thời gian tổ chức các hoạt động, lễ hội quảng bá nông nghiệp của tỉnh.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI