Mồ hôi tuôn vì cảm xúc căng thẳng. Lông ngựa. Cỏ cùng bùn đất ẩm ướt sau cơn mưa. Hợp chất lưu huỳnh của thuốc súng. Một thứ hương thảo mộc ngọt lẫn chát nhẹ, phảng phất trong không khí, như pha trộn giữa lá hương thảo và cam đắng. Kèm theo đó là sự ẩn hiện của mùi da thuộc.
Đây rất có thể là tổ hợp những loại mùi khó quên đã xuất hiện ở trận chiến Waterloo nổi tiếng, diễn ra tại Bỉ ngày 18/6/1815 – cuộc giao tranh khốc liệt đánh dấu sự sụp đổ của đế chế Napoleon.
|
Tác phẩm nến độc đáo chứa tổ hợp mùi hương do đội ngũ dẫn dắt bởi giáo sư Caro Verbeek nghiên cứu phát triển. “Mùi” đặc trưng của chiến tranh: thuốc súng, lông ngựa, đất ẩm, da thuộc và mồ hôi giữa chiến trường căng thẳng – giúp phác họa khung cảnh tàn khốc ở Waterloo, ngày “ông hoàng” Napoleon bị đánh bại. - Ảnh: NYTimes |
Caro Verbeek, nhà sử học kiêm chuyên gia nghiên cứu về khứu giác công tác tại đại học Vrije Universiteit (Amsterdam, Hà Lan), đang nỗ lực tái tạo chúng và nhiều nhóm mùi hương khác nữa, vì một mục đích vô cùng lý thú.
Tái dựng những giá trị đã mất
Cộng tác cùng đồng hương – nữ nghệ nhân nước hoa Birgit Sijbrands, chuyên gia điều phối hương liệu Bernardo Fleming người Argentina, cùng đội ngũ nghiên cứu viên từ Bảo tàng Quốc gia Hà Lan, Verbeek muốn hiện thực hóa một ý tưởng độc đáo. Cô kỳ vọng có thể hồi sinh những quang cảnh đặc sắc đã bị “chôn vùi” giữa dòng chảy lịch sử, thông qua kích thích khứu giác.
“Chẳng hạn như trận đánh Waterloo nổi danh”, giáo sư Verbeek phân tích. “Chiến tranh gây ra đủ loại mùi hỗn loạn. Điều khá kỳ lạ là, trong nhật ký lưu lại cho đời sau, thay vì nói về thương tích hay nơi chốn đã đi qua, người lính nhắc nhiều nhất đến âm thanh và mùi của chiến tranh”.
|
"Trận chiến Waterloo" của họa sĩ gốc Ireland, William Sadler II, là một trong những tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu nhất, mô tả sống động cảnh tượng khốc liệt và hỗn loạn của cuộc giao tranh đã khiến lịch sử châu Âu “sang trang”. - Ảnh: Wikipedia |
Đây chính là nguồn “tư liệu” nghiên cứu dồi dào mà đội ngũ của Verbeek muốn khai thác triệt để. Cô nói: “Nhờ mô tả chi tiết qua trang viết còn tồn tại tới nay, chúng tôi phát hiện không ít khía cạnh chưa được công khai trong sách lịch sử. Các người lính đề cập, trước trận chiến ở trấn Waterloo một ngày, trời đổ mưa lớn, thời tiết ẩm thấp, binh lính hai bên đều căng thẳng đến mức thường xuyên túa mồ hôi. Vì để tăng cường binh lực, còn có sự xuất hiện của hàng ngàn con ngựa chiến mang theo thứ mùi đặc trưng”.
Nhóm Verbeek còn điều tra được loại hương nước hoa Napoleon sử dụng mỗi lần dẫn binh ra trận. Cựu Hoàng đế Pháp mang rất nhiều nước hoa theo các cuộc chinh phạt. Tương truyền, ông luôn thích giấu một chai nước hoa nhỏ trong đôi ủng chiến đấu.
Toàn bộ số mùi hương gợi nhắc tới khung cảnh Waterloo ác liệt vào ngày trọng đại ấy, nay trở thành một dự án nghiên cứu – giáo dục thú vị triển khai bởi Verbeek. Nữ giáo sư gọi nó là “Cuộc truy tìm những mùi hương đã mất”.
|
Chuyên gia về khứu giác Caro Verbeek trong một buổi trò chuyện với khách thăm quan Bảo tàng văn hóa nghệ thuật Stedelijk (Amsterdam, Hà Lan). Cô cầm trong tay một bình truyền hương độc đáo, ẩn chứa mùi hương cổ xưa nay đã biến mất. - Ảnh: StedelijkAmsterdam |
Vài năm trở lại đây, nhờ nghiên cứu kỳ công của nhóm Verbeek, du khách có cơ hội thưởng thức một trải nghiệm thăm quan mới lạ khi đến Bảo tàng Quốc gia Hà Lan.
Mỗi vị khách sẽ được phát một mảnh giấy thử mùi hương hoặc một thiết bị tỏa hương tạo hình như vòng đeo tay. Trong chuyến đi, không chỉ quan sát bằng mắt những mẫu vật, tranh ảnh, giờ đây bạn có thể dùng mũi để trực tiếp cảm nhận bầu không khí của những ngày tháng lịch sử khó quên.
Khoa học nghiên cứu mùi hương
Nghiên cứu về những tiềm năng khác biệt của khứu giác là một lĩnh vực ngày càng hấp dẫn giới khoa học, nghệ sĩ, chuyên gia lịch sử cũng như các nhà xã hội học. Tương tự những gì Verbeek và đội ngũ của cô đang làm, không ít dự án phản ánh nỗ lực đầy tham vọng của con người: bảo tồn lịch sử thông qua một trong những giác quan khó nắm bắt nhất.
Đã tạo ra loạt bước tiến ấn tượng gần đây phải kể đến Odeuropa – một tổ chức nghiên cứu quốc tế với mục tiêu lạ kỳ: xây dựng một “bảo tàng di sản khứu giác” đồ sộ chưa từng có trước nay. Hoài bão lớn nhất Odeuropa muốn hoàn thành là “tái hiện những câu chuyện hấp dẫn đã bị thời gian "chôn vùi" bằng cách khích lệ mọi người “khám phá quá khứ dựa vào khứu giác”.
Tổ chức tiếp nhận nguồn vốn từ EU (Liên minh châu Âu), vừa được trao khoản tài trợ trị giá 2,8 triệu euro (hơn 73 tỉ VND), giúp họ triển khai các hoạt động nghiên cứu sâu hơn.
|
Mùi hương trong cây nến kỳ lạ hình chú bò sữa nhóm Verbeek sáng tạo, hòa trộn giữa hương thanh mát của khí trời buổi sớm mai, cỏ non còn đẫm hơi sương, mùi của những chú bò được chăn thả trên đồng và mùi bùn đất tơi xốp. Thứ hương vị bình dị ở quá khứ tại nhiều miền đồng quê phương Tây, đã biến mất trên diện rộng bởi quá trình công nghiệp hóa. - Ảnh: NYTimes |
“Chúng ta đang đánh mất đi rất nhiều giá trị lịch sử, đặc biệt liên quan đến mùi hương”, giáo sư chuyên ngành Di sản văn hóa - Inger Leemans, người dẫn đầu một dự án nghiên cứu trọng điểm tại Odeuropa - bày tỏ.
“Giống như một thành phố cổ dần xuống cấp theo năm tháng, rất nhiều hương vị từng là một phần của đời sống con người trong quá khứ dần biến mất khi thời cuộc thay đổi. Và bởi thời gian sẽ mãi trôi về trước, tôi nghĩ điều hợp lẽ chính là cố gắng giữ gìn hoặc tái dựng những dấu ấn quan trọng ta đã quên lãng”.
Thế nhưng, làm cách nào để mang các “mảnh quá khứ” thú vị đến với công chúng hiện đại bằng đường…mũi? Lời giải cho băn khoăn này, theo một số chuyên gia tâm huyết như Leemans và Verbeek, không dễ đạt.
Verbeek cho biết: “Lịch sử ẩn chứa đầy các loại mùi hương chúng ta không tài nào tái dựng chuẩn xác 100% được. Trừ phi là một người lính hay nhân chứng từng có mặt ở chiến trường hôm ấy, bằng không, bạn sẽ không thể chắc chắn cuộc chiến Waterloo có mùi ra sao. Hay, thủ đô London của Anh thời Trung Cổ tràn đầy hương vị gì? Hay, New York vào thập niên 1930? Cảnh tượng phố phường vẫn sầm uất nhưng bầu không khí và nhịp sống thời bấy giờ sản sinh các mùi hương rất khác thời nay.
"Hồi sinh" chúng tới mức chân thật là rất khó. Hãy liên tưởng tới mùi hương ấn tượng nhất, nhắc nhớ về tuổi thơ của bạn. Đương nhiên mỗi chúng ta sẽ có một đáp án khác nhau. Đồng thời, không có đáp án nào thật sự rõ ràng, rành mạch chỉ dựa vào mô tả bằng lời”.
|
Nhà ở gần kênh đào, từng phổ biến vào thế kỉ XVIII tại châu Âu, có thứ mùi dị biệt – pha trộn giữa mùi nước thủy triều lên xuống, hương thảo mộc chủ nhà đốt để giảm mùi hôi mốc khó chịu trong phòng, và cả hương thoang thoảng của nhiều giống cây hoa phổ biến gần vùng sông nước. Ngày nay, phần lớn các kiến trúc cổ này chỉ được xem là địa điểm du lịch, không còn mang đậm hơi thở cuộc sống. - Ảnh: NYTimes |
Mùi của những món đồ cổ, sản phẩm tiêu dùng cũ kĩ đã biến mất vĩnh viễn trên thị trường. Mùi giấy tỏa ra từ những trang sách cổ. Hương thơm một món ăn đường phố không còn được bày bán. Nhiều tổ hợp mùi hương “làm nên một không gian đặc trưng”, chịu ảnh hưởng bởi các giai đoạn lịch sử khác nhau, “không dễ tái dựng” – Verbeek thừa nhận.
Linh hoạt để bảo tồn văn hóa
Nếu lưu giữ “hương vị” quá khứ thuần túy dựa vào mô tả là rất khó, Cecilia Bembibre - chuyên gia nghiên cứu công tác tại Viện bảo tồn Di sản (trực thuộc Đại học College London, Anh) - đang mở ra một hướng tiếp cận khác. Cô sử dụng hỗn hợp chất hóa học giúp phân tách mùi, cùng những công cụ định lượng đặc biệt để “bóc tách” và lưu trữ một số mùi hương gần như đã biến mất hoàn toàn.
Ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện có, Bembibre muốn tạo nên “một dạng biểu mẫu tái dựng mùi hương”. Giống như công thức nấu ăn, chúng sẽ biến thành công cụ trợ giúp hữu ích cho giới nghiên cứu, nhất là các nhà lịch sử học.
|
Một khu chợ nổi tiếng cho du khách tại Amsterdam vào những năm 1610, có mùi thế nào? Nhờ thiết kế nến của nhóm Verbeek, bạn có thể ngửi được hương không khí bấy giờ còn rất trong lành, mùi sóng nước từ con sông gần đó, mùi mồ hôi người mua bán tấp nập trong chợ, lẫn với mùi gỗ, và cả hương thơm nồng của đủ loại gia vị được trao đổi phổ biến lúc ấy. - Ảnh: NYTimes |
Nữ khoa học gia chia sẻ ghi nhận kỳ thú của mình, khi tiến hành thử nghiệm mùi hương với một nhóm tình nguyện viên. “Khác với giác quan dễ thấu hiểu hơn như nghe, nhìn, nếm, chúng ta có những lý giải lắm lúc rất khác nhau về thứ mình ngửi được. Làm việc cùng các tình nguyện viên khiến chúng tôi nhận rõ điều này”, cô nói. “Mỗi người trong số họ đưa ra một mô tả khác biệt về mùi họ ngửi thấy, và thích sử dụng các liên tưởng dựa trên trải nghiệm cá nhân của từng người”.
Tuy nhiên, thay vì xem đây như trở ngại, Bembibre mong rằng giới khoa học có thể nhìn nhận vấn đề bảo tồn văn hóa – lịch sử bằng khứu giác theo cách cởi mở, linh hoạt hơn.
“Chúng ta đã thừa nhận nhiều di sản phi vật thể như các điệu múa dân gian, món ăn cổ điển nổi tiếng hay nghi lễ truyền thống ngàn năm tuổi,.. vì sao không thể tìm ra cách tái hiện và công nhận một loại mùi hương là ‘di sản’?”, cô đề xuất.
|
Cây nến được tạo hình nghệ thuật, “tái dựng” mùi của pomander – loại túi thơm hình cầu phổ biến trong tầng lớp quý tộc thời Trung Cổ. Đội ngũ nghiên cứu đã tham khảo một cuốn sách cổ, quý hiếm để làm nên tổ hợp hương nước hoa cổ xưa chứa bột nhục đậu khấu, đinh hương, hoa hồng và tinh chất cầy hương. - Ảnh: NYTimes |
Ở Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan (New York, Mỹ) - một trong những bảo tàng nghệ thuật tổng hợp lớn nhất thế giới - ý tưởng khám phá lịch sử bằng mùi hương đang tiến gần đến hiện thực hơn bao giờ, với các chương trình thăm quan tương tự như tại Hà Lan.
Nhà nghiên cứu giáo dục Marie Clapot - làm việc cho bảo tàng Metropolitan - luôn ủng hộ ý tưởng này: “Con người đã bảo tồn rất nhiều giá trị quan trọng liên quan đến các giác quan căn bản. Nhưng đáng ngạc nhiên là chúng ta lại bảo vệ được rất ít thứ liên hệ trực tiếp với khứu giác”, cô nhận xét. “Góc nhìn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật có thể được đổi mới toàn diện, nếu mỗi người có khả năng ‘ngửi’ thấy quá khứ và nảy sinh các liên tưởng thú vị của riêng họ”.
Từ những tấm giấy thử mùi, nến thơm, cho đến nước hoa đậm dấu ấn quá khứ, chúng ta đang “nắm bắt” lịch sử theo cách vô cùng mới mẻ. Đồng thời, cái đẹp của toàn bộ trải nghiệm lạ thường này cũng gợi lên cảm xúc ngậm ngùi.
Như Ý (theo NewYorkTimes)