Truy thu thêm gần 2.500 tỷ đồng tiền thuế từ Sabeco: Vì sao thu nhiều lần?

11/11/2016 - 15:00

PNO - ''Để xảy ra tình trạng thanh tra nhiều lần và phát hiện nhiều sai phạm khác nhau, tôi cho rằng có thể cách làm việc không thật sự khoa học, không kỹ càng nên bị lọt...''

Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động thanh, kiểm tra, chống thất thu ngân sách Nhà nước với Cục thuế TPHCM.

Đáng chú ý trong thông báo này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng Cục thuế, Cục thuế TP.HCM truy thu hơn 2.479 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Đây là số tiền thuế phát sinh tăng phát hiện qua thanh tra từ năm 2010 đến 2014 do thay đổi giá tính thuế từ Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn sang Công ty Cổ phần Thương mại khu vực của Sabeco.

Truy thu them gan 2.500 ty dong tien thue tu Sabeco: Vi sao thu nhieu lan?
Truy thu thêm gần 2.500 tỷ đồng tiền thuế từ Sabeco

Không riêng Sabeco

Trước thông tin này, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng việc này hết sức bình thường và đây là động thái tích cực từ phía Thanh tra Chính phủ.

Theo ông, khi doanh nghiệp chuyển đổi từ công ty này sang công ty khác thì giá tính thuế khác nhau dẫn đến nhiều chênh lệch có thể phát sinh. Vì vậy việc tiến hành truy thu là phù hợp với các quy định của pháp luật và thẩm quyền của các cơ quan nhà nước.

''Sabeco không thể từ chối quyết định đó. Bởi lẽ Thanh tra Chính phủ làm đúng theo Luật và các quy định cũng như nhiệm vụ được phân công. Thuế TTĐB đóng góp nguồn thu lớn đối với ngân sách nhà nước vì vậy không thể có những ưu tiên, ưu đãi, nhất là đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực nước giải khát, bia rượu'', TS. Hồ nhận định.

Theo TS. Lưu Bích Hồ, cách thức kinh doanh như Sabeco, Habeco không hiếm và hầu hết các doanh nghiệp khác đều thực hiện theo mô hình này. Vì vậy sau khi tiến hành truy thu thuế TTĐB đối với Sabeco, Tổng cục thuế cần rà soát và lên kế hoạch cụ thể đối với các doanh nghiệp khác để đảm bảo công bằng.

Đáng chú ý, Chính phủ và Quốc hội vừa qua đã có chỉ đạo, trong năm 2016 và 2017 các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát, kiểm tra để truy thu đủ thuế, tránh lãng phí. Đó là một nhiệm vụ rất quan trọng trong bối cảnh ngân sách hiện nay của Việt Nam đang căng thẳng, nợ công tăng cao và đời sống người dân còn khó khăn.

''Vừa rồi Ban Kiểm tra Trung ương cũng nhấn mạnh phải tiếp tục phải rà soát kỹ hơn trong vấn đề hải quan và thuế. Tôi nghĩ chúng ta cần phải đi sâu hơn trong vấn đề kiểm tra tài chính, truy thu các khoản thuế TTĐB nhằm tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.

Việc này không chỉ riêng với Sabeco hay Habeco mà sẽ làm toàn diện với tất cả các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có nguồn thu lớn.'' - TS. Hồ nói.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ngoài ra, vị chuyên gia lưu ý, năm 2015 khi kiểm tra thì cơ quan quản lý nhà nước cũng yêu cầu truy thu thêm Sabeco 408 tỷ đồng tiền thuế TTĐB. Đến tháng 1/2016, theo thông báo Sabeco đã nộp tổng cộng hơn 1.400 tỷ đồng tiền thuế.

Số tiền thuế trên gồm hơn 400 tỷ đồng bị truy thu theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và 1.000 tỷ đồng truy thu các khoản thuế tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp khác từ các năm trước đó.

“Để xảy ra tình trạng thanh tra nhiều lần và phát hiện nhiều sai phạm khác nhau, tôi cho rằng có thể cách làm việc không thật sự khoa học, không kỹ càng nên bị lọt. Thứ hai, cũng không thể nói chắc chắn là không có chuyện gì bên trong.

Ở đây, tôi nghĩ trách nhiệm một phần thuộc về Chi cục thuế TP.HCM. Đáng ra họ cần phải đôn đốc làm ngay từ sớm cho xong. Nhưng bây giờ để TTCP thanh tra ra có thể do thiếu sót của cơ quan nhà nước chứ không hẳn là sự trốn thuế của Sabeco.

Nhưng dù gì, khi quyết định được đưa ra họ cũng cần phải chấp hành nghiêm. Nhất là theo lộ trình đến cuối năm nay, Sabeco sẽ lên sàn và tiến hành thoái vốn” - TS. Lưu Bích Hồ nêu quan điểm.

Ngoài ngành nước giải khát bia rượu, TS. Hồ lưu ý, cần phải mở rộng sang các lĩnh vực, ngành nghề khác, trong đó có thuốc lá, đất đai, kinh doanh bất động sản hay dịch vụ ăn uống, nhà hàng khách sạn.

“Tôi cho rằng nhà nước cần làm trọng điểm, những chỗ nào phát hiện thấy có những dấu hiệu, biểu hiện tiêu cực cần phải thanh tra ngay thì sẽ làm trước. Cần  phải yêu cầu tất cả các cơ quan thuế tự triển khai kiểm tra, kiểm soát và giám sát lại. Việc này không chỉ là nhiệm vụ của TTCP hay Chính phủ mà bản thân ngành thuế, những ngành có liên quan phải làm.

Ngoài ra cũng cần chú trọng chấn chỉnh lại công tác cán bộ của các đơn vị, để tránh hiện tượng tiêu cực, lợi ích nhóm. Những việc này cũng góp phần làm lành mạnh hóa hệ thống tài chính, tiền tệ của Việt Nam, trong đó có vấn đề thuế và ngân sách”, TS. Hồ đề xuất.

Hà Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI