Liên quan đến việc truy nã quốc tế ông Trịnh Xuân Thanh và dẫn độ ông này về nước, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) đã có những phân tích cụ thể.
Thiếu tướng Trần Thế Quân cho biết, Việt Nam đã có Văn phòng Interpol Việt Nam (C55), trực thuộc Tổng Cục Cảnh sát. Đơn vị này là một bộ phận của Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế và là đầu mối trong hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm.
Chính vì vậy, Interpol Việt Nam có trách nhiệm thực hiện đưa các hồ sơ thông tin của người bị truy nã tới Interpol Quốc tế sau khi nhận các hồ sơ có liên quan từ phía cơ quan điều tra. Interpol Việt Nam chắc chắn đã nhận được lệnh từ phía cơ quan điều tra về các hồ sơ của bị can Trịnh Xuân Thanh.
"Vụ việc đã được công khai thì chắc chắn đã được tiến hành chuyển gửi các hồ sơ, bằng chứng liên quan", Thiếu tướng Quân khẳng định.
|
Bộ Công an truy nã quốc tế ông Trịnh Xuân Thanh |
Những khó khăn vấp phải
Về những vấn đề được coi là gặp khó khăn trong việc dẫn độ ông Trịnh Xuân Thanh về nước, Thiếu tướng Trần Thế Quân cho rằng, hiện đang có nhiều người nhầm lẫn giữa tương trợ tư pháp và dẫn độ giữa các hiệp định xuyên quốc gia.
Về các Hiệp định tương trợ tư pháp gồm có 3 loại: Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, liên quan tới các vấn đề về điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ. Thứ hai là Hiệp định tương trợ tư pháp về dẫn độ, đây là một hiệp định riêng tách biệt với Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự. Thứ ba là Chuyển giao người bị kết án phạt tù.
Như vậy, trong trường hợp cảnh sát hình sự ở quốc gia nào đó có thể bắt được đối tượng truy nã của Việt Nam nhưng có dẫn độ hay không lại là một tình huống thủ tục khác, hiệp định khác. Vì vậy, dù Việt Nam đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự nhưng chưa ký Hiệp định về dẫn độ thì việc đưa đối tượng truy nã về nước cũng có thể gặp khó khăn.
''Thông thường, hai Hiệp định này đi song song với nhau'' - ông Quân nói.
Ngoài ra, theo Thiếu tướng Quân, việc phối hợp để bắt và dẫn độ đối tượng truy nã cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp phân tích, do hệ thống pháp luật của các quốc gia khác nhau. Cảnh sát sở tại bắt được đối tượng truy nã nhưng để xem xét khả năng có dẫn độ hay không thì lại phụ thuộc vào Tòa án, tài liệu, chứng cứ của đối tượng trong vụ việc theo luật của quốc gia đó. Vì thế, việc cảnh sát của nước bạn bắt được đối tượng truy nã rồi thì vẫn phải chờ đợi Tòa án nước bạn thực hiện các thủ tục theo đúng luật pháp nước bạn mới được dẫn độ về nước.
Cũng có những trường hợp tài liệu chứng cứ không đủ thuyết phục để buộc tội thì việc dẫn độ cũng sẽ gặp vướng mắc. Tòa án ở nước bạn khi đó không thể buộc tội đối tượng truy nã của Việt Nam và đối tượng này vẫn sẽ thuộc sự kiểm soát của cơ quan thực thi luật pháp tại quốc gia này.
Vướng mắc khi dẫn độ đối tượng truy nã quốc tế còn ở chỗ khi bắt được đối tượng truy nã, đối tượng này có nhiều quốc tịch khác nhau và phải xem xét dẫn độ phụ thuộc vào pháp luật của các quốc gia này.
Thêm vào đó, yêu cầu của các nước lớn, ảnh hưởng chung bởi quan hệ quốc tế khác cũng có thể gây ra các vướng mắc trong việc dẫn độ đối tượng về Việt Nam. Ví dụ, đối với mức án tử hình, việc dẫn độ sẽ khó khăn hơn nhiều bởi các quốc gia như phương Tây không áp dụng hình thức này.
"Đây là trong trường hợp chúng ta đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp với các quốc gia khác còn nếu với các quốc gia khác mà chưa ký Hiệp định thì sẽ có các khó khăn hơn", Thiếu tướng Quân nói.
Không quá lo lắng
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách lạc quan về vụ việc, Thiếu tướng Trần Thế Quân cho biết, dù Việt Nam chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều nước, khả năng chúng ta được giúp đỡ để dẫn độ vẫn rất cao.
"Điều này tùy thuộc vào các quan hệ hợp tác lâu nay giữa chúng ta và nước bạn. Nếu chúng ta đã giúp đỡ bắt các đối tượng của quốc gia đó và giao lại thì phía quốc gia kia khi gặp tình huống này cũng sẽ tạo điều kiện để dẫn độ đối tượng truy nã của Việt Nam về nước", Thiếu tướng Quân nhận định.
Với khả năng đối tượng truy nã lẩn trốn tại quốc gia mà Việt Nam chỉ ký kết một trong hai Hiệp định tương trợ về hình sự hay Hiệp định tương trợ dẫn độ, trong Hiệp định đó sẽ quy định một số trường hợp tương trợ qua đường ngoại giao và việc dẫn độ cũng trở nên dễ dàng hơn. Trong nhiều trường hợp chưa có một Hiệp định giữa hai nước thì vẫn có thể sử dụng kênh liên lạc trực tiếp, qua kênh Interpol.
Thiếu tướng Trần Thế Quân nhận định: "Trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh là trường hợp tội phạm về kinh tế, mức án này cũng không cao. Tội cố ý làm trái ở Việt Nam cũng như trên thế giới đều không quá phức tạp nên không cần quá lo lắng về những vướng mắc có thể xảy ra".
Ngày 16/9, Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can số 363/C46 (P12) đối với Trịnh Xuân Thanh về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (quy định tại điều 165 Bộ luật hình sự); đồng thời ra lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.
Tuy nhiên, sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn, căn cứ các điều 34, 82, 161, 169, 187, 256 và 260 Bộ luật tố tụng hình sự, Cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.
Theo truy nã của cơ quan điều tra, ông Trịnh Xuân Thanh có đặc điểm nhận dạng: cao 1,72 m, da vàng, tóc đen, lông mày ngang, sống mũi thẳng, dái tai chúc, mắt đen. Ông Thanh được xác định bỏ trốn ngày 16/9/2016.
4 cựu lãnh đạo Tổng công ty PVC cũng bị khởi tố, bắt tạm giam. Gồm các ông Vũ Đức Thuận (nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc), Nguyễn Mạnh Tiến (Phó Tổng Giám đốc), Trương Quốc Dũng (nguyên Phó Tổng Giám đốc), Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng) để điều tra cùng hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Trung Dũng