Tại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Linh diễn ra sáng nay (25/6), có lẽ bị ngợp trước rừng ống kính của giới truyền thông, bị cáo Linh đã bỏ chạy. Thế nhưng, không ít phóng viên đã rượt theo để ghi hình, kể cả khi ông Linh chạy lên cầu thang và vào nhà vệ sinh.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ và luật sư Nguyễn Văn Hậu đã gửi cho Phunuonline những dòng cảm nhận của mình về vụ việc này.
|
Ông Linh chạy từ sân vào khu vực xử án... |
|
... chạy lên cầu thang bộ nhưng phóng viên vẫn đuổi theo quay phim. |
Báo động về văn hóa ứng xử chốn pháp đình
Hình ảnh Nguyễn Hữu Linh (bị cáo trong vụ ôm hôn bé gái trong thang máy ở chung cư Galaxy 9, quận 4, TP.HCM) phải chạy vào nhà vệ sinh để trốn ống kính truyền thông sáng 25/6 khiến tôi sững sờ.
Cũng như những anh chị luật sư ở Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, tôi đã theo sát vụ án này ngay từ những ngày đầu đến nay.
Không chỉ quan tâm, chúng tôi còn mất ăn, mất ngủ, thấp thỏm chờ từng quyết định của cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát, đến TAND quận 4.
Khi biết vụ án sẽ được đưa ra xét xử, thật lòng chúng tôi rất vui mừng. Có thể nói, nếu truy được tội danh của Nguyễn Hữu Linh, sẽ mở ra một con đường cho nhiều vụ án dâm ô với trẻ em khác nữa; những bằng chứng từ hình ảnh trích xuất từ các camera công cộng, từ đây sẽ có giá trị là một phần chứng cứ quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em.
Hơn nữa, việc đưa vụ án ra xét xử khi không có yêu cầu của gia đình hay bản thân người bị hại là minh chứng công lý đang được thực thi, bảo vệ.
Là một luật sư của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, tôi chỉ mong mọi vụ xét xử liên quan đến trẻ em - đặc biệt là các vụ án xâm hại tình dục trẻ em - được xét xử kín tại các tòa án gia đình và trẻ em thân thiện, an toàn cho trẻ.
Khi nghe phiên xử Nguyễn Hữu Linh được tòa đưa ra xử kín, chúng tôi đã tạm an tâm. Chỉ hơn một tuần trước thôi, từng xảy ra vụ người nhà nạn nhân nhào vào đánh vợ bị cáo đổ máu ngay tại tòa.
Thế nhưng, sự việc diễn ra ở TAND quận 4 sáng nay khiến tôi quá bàng hoàng. Dù không chứng kiến, cứ mường tượng cảnh bị cáo phải chạy vào nhà vệ sinh để trốn ống kín truyền thông cũng đủ buồn.
Phải chăng, đã đến lúc báo động về văn hóa ứng xử chốn pháp đình. Thậm chí, phải báo động rằng, việc “thay trời hành đạo” không phải là quy tắc ứng xử đúng pháp luật.
Chúng ta cần nhắc nhau tinh thần tôn trọng con người, tôn trọng và thực thi pháp luật mọi lúc mọi nơi.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ
(Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM)
Dường như mọi người đã bỏ quên quyền con người
Những dòng tin tường thuật về hình ảnh bị cáo Nguyễn Hữu Linh phải chạy vào nhà vệ sinh để trốn ống kính phóng viên khiến tôi bàng hoàng, dẫu biết rằng vụ án này được dư luận rất quan tâm, người dân bức xúc, nhiều chuyên gia pháp luật cũng kiến nghị xem xét nó như án lệ về xét xử tội dâm ô với người dưới 16 tuổi…
Bản thân tôi cũng cho rằng, việc truy tố trách nhiệm hình sự với Nguyễn Hữu Linh trong trường hợp này là cần thiết. Tuy nhiên, theo quy định của Hiến pháp Việt Nam, khi một công dân chưa bị tòa tuyên án có tội thì vẫn là một công dân với đầy đủ quyền con người của họ.
Việc “truy đuổi” một người chưa bị tòa tuyên án ngay ở một phiên xử kín như vậy là hình ảnh vô cùng phản cảm.
Tuy ban đầu, cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 4 ra quyết định truy tố Nguyễn Hữu Linh về tội “dâm ô người dưới 16 tuổi” hơi chậm, nhưng theo tôi, cho đến lúc này, các cơ quan tố tụng vẫn đang làm đúng nhiệm vụ, chức năng của mình. Tôi chưa nhìn thấy dấu hiệu vi phạm tố tụng hay bao che tội phạm.
Nguyễn Hữu Linh bị truy tố với tội danh trên theo khoản 1, điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù. Do tính chất của vụ án, phiên tòa trên được xét xử kín.
Theo tôi, việc tòa ra quyết định xét xử kín đối với trường hợp này là đúng quy định của pháp luật. Bởi thứ nhất, nguyên tắc tòa án phải xét xử kịp thời, công bằng, công khai; trong trường hợp đặc biệt cần bảo vệ bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi thì tòa án có thể quyết định xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai (điều 25 và khoản 2, điều 423 Bộ luật Tố tụng hình sự).
Dường như mọi người ở trước sân tòa hôm nay đã quên tinh thần thượng tôn pháp luật, quên quyền con người, quên luôn chức năng bảo vệ và thực thi pháp luật của các cơ quan tố tụng.
Không thể biện minh rằng, việc truy đuổi Nguyễn Hữu Linh để gí ống kính vào bị cáo ngay trước phiên xét xử là hành vi phải có để bảo vệ nạn nhân của vụ dâm ô.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
(Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM)
Bạn đọc có thực sự cần những clip phi nhân văn?
Sáng 25/6, nhiều báo, trang tin điện tử tổng hợp, trang Facebook cá nhân đưa clip cảnh báo chí đuổi theo ông Nguyễn Hữu Linh (nguyên Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP.Đà Nẵng) lên cầu thang, vào tận toilet... khi ông này đến phiên tòa tại TP.HCM.
Cũng là người làm báo, cũng nhiều lần chạy theo thông tin đến quên mất nhiều thứ, nhưng khi xem đoạn clip ấy, tôi thấy báo chí quá bất nhẫn. Ngay cả với tội phạm (đã bị tuyên án), cũng cần phải ứng xử nhân văn. Vì đơn giản, họ cũng là một con người.
Do chạy theo tin tức đến “say máu” để đáp ứng nhu cầu thông tin một cách liên tục của bạn đọc nên anh em báo chí nhiều khi quên mất những thứ cần thiết khác, cũng là điều dễ hiểu. Nhưng, hãy thử đặt mình vào vai bạn đọc để tự vấn. Bạn đọc có thực sự cần những đoạn clip phi nhân văn và thừa bất nhẫn ấy?
Trong một xã hội mà chúng ta luôn đòi hỏi sự dân chủ, văn minh thì không thể dùng một hành vi man rợ để trừng phạt một hành vi man rợ khác. Trong xã hội dân chủ, văn minh thì mọi hành vi phải dựa trên pháp luật.
Nhà báo Nguyên Khôi
|
Nghi Anh