Trường xoay xở để học sinh Mười hai không học “lệch”

05/10/2024 - 06:34

PNO - Để học sinh lớp Mười hai hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, các trường THPT đã xây dựng phương án giảng dạy riêng. Theo đó, có 2 hướng chủ yếu gồm: cho học sinh đăng ký sớm môn thi tốt nghiệp hoặc vẫn để học sinh tập trung học theo tổ hợp môn.

“Nếu xác định môn thi tốt nghiệp sớm để tập trung học tập, học sinh có thể không có đủ kiến thức tham dự kỳ đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM (thường vào tháng Mười hai). Vì kỳ thi đánh giá tổng quan nhiều môn học” - ông Lương Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM) - nói. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng nếu không cho chọn và học môn thi sớm, học sinh sẽ khó đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

2 hướng đi

Trường THPT Thạnh Lộc hiện vẫn chưa cho học sinh đăng ký môn thi tự chọn kỳ thi tốt nghiệp THPT. Học sinh vẫn đang học theo tổ hợp môn từ năm lớp Mười. Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hết học kỳ I, khi Bộ GD-ĐT công bố quy chế thi tốt nghiệp THPT thì trường sẽ cho học sinh chọn lựa môn thi. Lúc này, giáo viên cơ bản đánh giá được năng lực học sinh. Các em cũng đã chắc chắn hơn về mong muốn nghề nghiệp nên dễ đưa ra quyết định hơn. Hiện chưa có quy chế chính thức nên nếu làm sớm, khi có thay đổi lại phải “chữa cháy”. Mặc dù vậy, trường vẫn có khung chương trình nâng cao để học sinh chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp.

Học sinh lớp Mười hai Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12) trong một tiết học “chạy” 2 môn thi tự chọn
Học sinh lớp Mười hai Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12) trong một tiết học “chạy” 2 môn thi tự chọn

Tương tự, dù đã khảo sát môn thi tự chọn của học sinh từ cuối năm lớp Mười một nhưng Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) vẫn chưa vội cho học sinh học theo định hướng môn thi. Đại diện nhà trường thông tin, kết thúc học kỳ I, trường sẽ cho học sinh đăng ký môn thi tự chọn, sau đó tổ chức “học chạy” để đáp ứng nhu cầu. “Chúng tôi không lo học sinh không đủ lực để thi tốt nghiệp THPT, vì kiến thức nền tảng phải được bảo đảm trước hết. Học sinh muốn dùng điểm thi tốt nghiệp để xét vào đại học thì phải chờ trường đại học công bố phương án tuyển sinh, căn cứ vào đó để chọn môn thi. Nhất là khi năm học này có những tổ hợp môn mới như công nghệ, tin học, giáo dục kinh tế và pháp luật” - đại diện nhà trường cho biết.

Trái lại, Trường THPT Tân Phong (quận 7) đi theo định hướng của đa số trường THPT khác là cho học sinh chọn 2 môn thi tự chọn và “học chạy” buổi 2 ngay từ đầu năm học. Ông Trần Công Bình - Hiệu trưởng nhà trường - cho rằng, học sinh sẽ khó lòng “học lệch” vì trường vẫn phải dạy đủ nội dung chương trình của Bộ GD-ĐT, đáp ứng kỳ thi đánh giá năng lực và các kỳ thi riêng của trường đại học. Trường cũng quán triệt giáo viên dạy theo định hướng phát triển năng lực, kiểm tra đánh giá đúng quy trình, không vì học sinh không chọn môn mà lơ là, bất cẩn. Ngoài ra, thầy cô phải nghiên cứu thêm những thông tin mới từ các trường đại học và đề thi để hướng dẫn, hỗ trợ học sinh.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Trúc - Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức) - cho biết, trường đã cho học sinh đăng ký và xếp lớp theo các môn thi tốt nghiệp từ đầu năm học. Ở các môn thi còn lại, trường vẫn tăng tiết ôn để học sinh đăng ký thêm nếu muốn. Bà nói: “Vì nhiều học sinh muốn lấy kết quả học bạ để xét vào đại học nên trường vẫn phải dạy đủ, tuyệt đối không dạy sớm, dạy trước chương trình. Trường cũng định hướng cho giáo viên nghiên cứu các đề đánh giá năng lực để bổ trợ thêm cho học sinh”.

Học sinh cần học đều, học đủ

Ông Lương Văn Định lý giải, mỗi trường sẽ có định hướng khác nhau vì còn phụ thuộc vào năng lực của học sinh. Tuy nhiên, đây là thời gian để học sinh xem xét nên chọn 2 môn thi nào để tăng khả năng được vào trường đại học mong muốn. “Đầu năm, trường cũng đã họp phụ huynh và nói rõ định hướng. Thầy cô hiện đang nghiên cứu các môn tự chọn để học sinh “rộng cửa” vào các trường đại học. Nhiệm vụ của học sinh là học đều, học đủ và nghiên cứu ngành nghề mong muốn, thà chậm mà chắc” - ông nói. Theo ông, Bộ GD-ĐT nên sớm công bố quy chế thi, trường đại học cũng sớm công bố phương án tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển để các trường THPT tư vấn, hỗ trợ học sinh tốt hơn.

Ông Trần Công Bình thì nhận định: “việc dạy và học không chỉ để đáp ứng kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi tốt nghiệp THPT mà còn để học sinh vào đời”. Hiện tại, trường vẫn cho phép học sinh đổi môn thi tự chọn sau khi tư vấn kỹ mặt lợi, mặt hại với phụ huynh và học sinh. Việc này có thể khiến công tác quản lý và việc dạy học vất vả hơn, nhưng vì quyền lợi của học sinh trường phải chấp nhận. Ông nhắn nhủ đến học sinh: “Điều quan trọng là học sinh phải bình tĩnh và cố gắng học tập. Lưu ý, chương trình của Bộ GD-ĐT đi theo hướng phát triển năng lực nên các em phải nắm vững kiến thức, hình thành năng lực phân tích, giải quyết vấn đề. Tuyệt đối tránh học tủ vì có đến 3 bộ sách khác nhau”.

Theo giáo sư Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT - đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ bổ sung một số dạng thức câu hỏi thi mới đối với các môn thi trắc nghiệm và tăng cường tính phân hóa ở tất cả các môn. Thay đổi này sẽ hạn chế xác suất đoán mò, đánh giá chính xác hơn năng lực của thí sinh. Để khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc học thuộc tài liệu có sẵn, đề thi không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa. Đặc biệt, đề thi yêu cầu học sinh phải vận dụng được các kiến thức, kỹ năng đã được học vào trong thực tế, bối cảnh được cung cấp. Do đó, học sinh phải tập trung học tập và rèn luyện các kỹ năng, kiến thức thầy cô dạy trên lớp và căn cứ vào năng lực, sở trường để chọn môn thi phù hợp.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI