Trường vùng cao tìm cách gỡ khó cho năm học mới

18/08/2022 - 06:24

PNO - Cùng với khó khăn chung của toàn ngành là thiếu giáo viên, các trường vùng cao còn có những khó khăn riêng như: cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập hạn chế, không đủ đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới; giáo viên phải dạy liên trường trong điều kiện đường sá xa xôi, khó khăn đi lại…

Cơ sở vật chất chưa đáp ứng

Năm học mới sắp bắt đầu, nhưng đến nay, bài toán thiếu giáo viên (GV) dạy các môn học lựa chọn (âm nhạc, mỹ thuật) ở nhiều trường THPT của tỉnh Hòa Bình vẫn chưa tìm được lời giải. 
Trường THPT Lạc Thủy đã có kế hoạch cho mô hình sáu lớp học dành cho khối Mười. Cũng như nhiều trường THPT khác trong tỉnh, dù muốn triển khai giảng dạy các môn âm nhạc, mỹ thuật để chương trình mới đạt được hiệu quả; nhưng trường THPT Lạc Thủy lại không có GV dạy hai môn này. Trường THPT Yên Thủy có sáu lớp học, nhưng chỉ thiết kế được bốn tổ hợp môn để lựa chọn. Trong đó, có một lớp thiên về khoa học tự nhiên, một lớp thiên về khoa học xã hội, bốn lớp dành cho học sinh trung bình, không có nguyện vọng xét tuyển đại học. Trường cũng thiếu GV môn âm nhạc, mỹ thuật, nên hai môn này không nằm trong thiết kế tổ hợp môn của nhà trường.

Đây sẽ là khó khăn trong nhiều năm tới của tỉnh, nên kế hoạch trước mắt của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hòa Bình là GV các môn nghệ thuật sẽ dạy liên trường. Ông Nguyễn Quang Minh -  Phó Giám đốc sở - cho biết năm học này, các trường ở thành phố cũng không kịp dạy các môn mỹ thuật, âm nhạc. Nhưng GV và trang thiết bị để dạy môn tin học và công nghệ thì các trường đáp ứng đủ. Còn đa số các trường miền núi không thể đưa tin học và công nghệ vào giảng dạy, vì nếu không thiếu GV thì cơ sở vật chất, thiết bị cũng không đủ đáp ứng chương trình mới. Đây là thiệt thòi lớn của cả thầy và trò ở những huyện khó khăn của tỉnh.

Với địa phương còn nhiều khó khăn như tỉnh Yên Bái, phòng học, máy tính phục vụ môn tin học, thiết bị thí nghiệm vật lý, hóa học… của đa số trường mới chỉ ở mức cơ bản chứ không đủ đáp ứng chương trình mới. Thiếu GV, cơ sở vật chất, thiết bị không đủ đáp ứng chương trình mới cũng là bài toán khó đối với Trường THPT Trần Quốc Tuấn (H.Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên). Đây là bài toán không thể tháo gỡ trong một vài năm, nên trường chọn phương án nâng cao chất lượng giảng dạy, tăng cường bồi dưỡng kiến thức, phương pháp dạy học mới cho GV. Như với môn tiếng Anh, các buổi chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, cập nhật kiến thức thường xuyên được trường tổ chức - đây là cách để trường “bù” lại những thiếu thốn về cơ sở vật chất cho học sinh.

Giáo viên tiếng Anh Trường THPT Trần Quốc Tuấn (H.Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) trong buổi chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy
Giáo viên tiếng Anh Trường THPT Trần Quốc Tuấn (H.Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) trong buổi chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy

Nhân viên trường học cũng thiếu

Thiếu GV là vấn đề chung của các địa phương. Song với miền núi kinh tế khó khăn, địa hình trắc trở, câu chuyện này càng nan giải. Xín Mần, huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang có 20 trường tiểu học, nhưng chỉ có năm trường có GV tiếng Anh, mà mỗi trường cũng chỉ có một GV môn này. Chuẩn bị cho chương trình mới, Xín Mần còn cử 13 GV đi học văn bằng hai môn tin học. Các GV này đến cuối năm mới ra trường, không kịp dạy môn tin học cho năm học 2022-2023. Ông Tô Văn Trọng - Trưởng phòng GD-ĐT H.Xín Mần - cho biết để khắc phục những khó khăn đó, trước mắt huyện bố trí để GV dạy liên trường, huy động GV tiếng Anh, tin học ở bậc THPT xuống bậc học dưới hỗ trợ. “Có thể một GV sẽ phải dạy 2-3 trường. Vất vả, nhưng chúng tôi cùng nhau cố gắng để dần tháo gỡ những khó khăn”, ông Trọng nói.

Để chuẩn bị cho chương trình mới, năm 2021, tỉnh Yên Bái có nhu cầu tuyển 638 GV nhưng chỉ tuyển được 298. Huyện vùng cao Mù Cang Chải thiếu đến 262 GV trong năm học 2022-2023. Đặc biệt, cấp tiểu học từ nhiều năm nay vẫn đang “trắng” GV tiếng Anh. Ông Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GD-ĐT Yên Bái - cho biết để giải quyết tình trạng thiếu GV, đặc biệt là GV tiếng Anh ở các huyện miền Tây Yên Bái, sở đã tăng cường GV tiếng Anh từ các huyện, thị xã, thành phố lên hỗ trợ. Sở cũng đề nghị tỉnh tiếp tục tuyển dụng GV, đồng thời đặt hàng đào tạo GV, xây dựng chính sách thu hút GV đến công tác ở vùng cao, vùng khó khăn như Trạm Tấu, Mù Cang Chải…

Một trong những mục tiêu của chương trình mới là giáo dục toàn diện. Các vấn đề về sức khỏe, tâm lý học đường… đang được quan tâm. Song, với các huyện, tỉnh miền núi, để đáp ứng được những yêu cầu này là điều không dễ. Trường THPT Cẩm Nhân (H.Yên Bình, tỉnh Yên Bái) vừa thiếu GV, vừa thiếu nhân viên thư viện, y tế. Ông Lưu Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Nhân - cho hay: Từ nhiều năm nay, trường đã thiếu nhân viên thư viện, nhân viên y tế. Cũng nhiều năm qua, GV của trường phải kiêm luôn nhiệm vụ của thủ thư”. 

Thời gian qua, giáo dục vùng cao đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt. Hệ thống trường, lớp đã thực sự được “thay áo mới”. Thay các điểm trường lẻ, lớp ghép bằng mô hình bán trú cũng đã giúp nhận thức của cả học sinh và phụ huynh thay đổi. Tuy nhiên, bài toán về GV, cơ sở vật chất, thiết bị để đáp ứng được chương trình mới thực sự khó giải.  

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI