Trường vùng cao tiết kiệm 2 năm, thưởng tết giáo viên 300.000 đồng

15/01/2024 - 06:46

PNO - Với nhiều trường ở vùng cao không có nguồn thu, việc thưởng tết cho giáo viên khó khăn bội phần.

Dạy học ở nơi non cao hẻo lánh đã gần 20 năm, thầy Lê Quỳnh Lưu - Trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú tiểu học và THCS Hướng Lập (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) - đã chứng kiến khoản thưởng tết của thầy cô thay đổi qua từng thời kỳ. Bắt đầu từ chiếc bánh chưng, cân thịt, cân gạo… đến tiền mặt vài trăm ngàn đồng. Với thầy, đó đều là nguồn động viên mỗi dịp 
xuân về. 

Dạy học ở vùng khó khăn, nhiều giáo viên ở Nghệ An thường không trông chờ tiền thưởng tết - ẢNH: PHAN NGỌC
Dạy học ở vùng khó khăn, nhiều giáo viên ở Nghệ An thường không trông chờ tiền thưởng tết - Ảnh: Phan Ngọc

“Tại buổi họp hội đồng sư phạm, thầy hiệu trưởng thông báo cố gắng tết năm nay tặng các thầy cô 200.000-500.000 đồng. Đây là tiền trích từ nguồn tiết kiệm chi tiêu và xin được các mạnh thường quân. Vậy là quý lắm rồi” - thầy Lưu trải lòng. Tại một số trường vùng đặc biệt khó khăn thuộc huyện Hướng Hóa, việc thưởng tết cho giáo viên (GV) tùy vào mỗi trường. Sau khi chi các khoản, cuối năm nếu còn dư ít nhiều thì chia cho GV, nếu không thì thôi.  

Hơn 5 năm làm Hiệu trường Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), ông Nguyễn Hữu Tâm cũng đã tìm mọi cách để có món quà tết cho GV nhưng lực bất tòng tâm. “Năm nay, lần đầu tiên trường dự kiến tặng 44 thầy cô tiền thưởng tết từ 300.000-500.000 đồng. Số tiền này nói thật lòng là trường tiết kiệm gần 2 năm mới có được, nghe tin các thầy cô rất vui” - ông chia sẻ.  

Tại Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Bá - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Trà Don (huyện Nam Trà My) - cho hay: “Tết Nguyên đán được 500.000 đồng, tết dương lịch không có, mức đó là cao lắm rồi”. Ông Trần Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Phước Kim (xã Phước Kim, huyện Phước Sơn) - thì cho biết: “GV làm gì có thưởng tết, chỉ có tiết kiệm chi tiêu để hỗ trợ phần nào, năm đến bảy trăm ngàn để có cái gọi là dưa, mứt, kẹo đón tết. Xã ở vùng cao, không có doanh nghiệp nào đóng trên địa bàn nên cũng không được hỗ trợ”.

Nói là “thưởng tết” GV, song nhiều lãnh đạo nhà trường ở vùng cao Nghệ An cho hay thực chất chỉ là một phần quà nhỏ như nước mắm, mì chính, dầu ăn… Ông Đinh Văn Từ - Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THCS (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) - nói rằng, với đặc thù trường dân tộc nội trú, nguồn ngân sách được cấp đủ để chi tiêu cho hoạt động nhà trường nên muốn tiết kiệm để dành quỹ thưởng tết cho GV cũng không được. Ông cho biết: “Thấu hiểu vất vả của thầy cô, nhiều phụ huynh thường góp gạo nếp, mổ heo, lên rừng hái lá dong, nhà trường trích kinh phí mua thêm đậu xanh để gói bánh chưng tặng cho mỗi GV 1 cặp bánh về ăn tết. Món quà tuy rất nhỏ nhưng lại rất ấm cúng mỗi dịp tết”.

Ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Nghệ An - cho biết, năm nay, Công đoàn ngành phối hợp với Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An đã kêu gọi hơn 400 triệu đồng để trao quà tết khích lệ GV, học sinh 6 huyện vùng cao. Hiện quỹ tiền thưởng của viên chức theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 chưa được triển khai nên GV là viên chức sẽ không được thưởng tết. “Phải đến 1/7/2024 thì mới áp dụng, lúc đó các trường mới có quỹ tiền thưởng được cấp từ tiền ngân sách. Chỉ khi đó, việc khen thưởng GV mới kịp thời hơn” - ông Đặng Văn Hải nói. 

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI