Tận dụng mọi nguồn
Điểm trường mầm non Văn Tiên (xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên bái) cách trường mầm non trung tâm hơn 10km. Những ngày cuối tháng 8, các cô giáo của điểm trường đã hoàn thành việc vệ sinh, trang trí lớp học để đón 56 cháu. Nhà cấp bốn lợp mái tôn, không được khang trang như điểm trường chính, song các cô giáo mầm non Văn Tiên đã cắt dán tranh ảnh, cây hoa để lớp học thêm sinh động.
|
Các cô giáo ở điểm trường Văn Tiên đã hoàn thành việc trang trí lớp học |
Sân Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học An Lương (xã An Lương, huyện Văn Chấn) mới được lát gạch. Đây là công trình do cán bộ, giáo viên, nhân viên trường tiểu học An Lương và phụ huynh học sinh chung tay xây dựng. Anh Bàn Văn Lành ở bản Khe Trấu tích cóp được 174.000 đồng, anh mang đến trường nhờ thầy hiệu trưởng “cho mình góp tiền lát sân, để trời mưa các con đỡ ngã”. Trên rẻo cao này, đóng góp một vài trăm ngàn đồng cũng đã là cố gắng, nỗ lực không nhỏ.
|
Khuôn viên khang trang của Trường PTDTBT Tiểu học An Lương |
Trường mầm non các xã Chế Cu Nha, Khau Phạ, Khao Mang... của huyện miền núi xa xôi, đầy khó khăn - Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) cũng đã “khoác áo mới để chào đón học sinh. Hoa được trồng, sân chơi được vệ sinh và bổ sung cơ sở vật chất, những mái lán lợp lá cọ ngoài trời được dựng lên làm chỗ vui chơi cho trẻ.
| Sửa sang, bổ sung sân chơi cho các cháu mầm non. |
|
Sùng Thị Lía tay xách cặp lồng cơm, tay dắt con đến lớp. Sau lưng bà mẹ trẻ những mênh mông là núi. Lía bảo “hôm các cô giáo dọn vệ sinh trường lớp, mình với các chị trong bản cũng đến tham gia. Dọn dẹp sạch sẽ cho con mình học mà. Con mình thích đi học lắm, đi học - được cô giáo dạy hát, dạy múa, được chơi. Ở bản mình không có cái sân chơi nào đẹp thế kia cả. Trường trên Xéo Mả Pán (cùng xã Khao Mang) bao nhiêu năm là nhà nứa, nhưng bây giờ còn mới hơn trường dưới này rồi. Trên đấy có hai lớp học, hai phòng để ngủ, có hẳn hai cái nhà vệ sinh nữa”.
Cô giáo Vương Thị Phượng (Trường mầm non Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) thì khoe, mấy hôm trước, nhóm thiện nguyện gồm những kỹ thuật viên của sân bay Nội Bài (Hà Nội) đã lên Bản Máy để khảo sát xây nhà vệ sinh cho điểm trường Mã Tẻn. Hôm ấy trời mưa, đường trơn, cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Bản Máy cùng phụ huynh mấy bản phải hỗ trợ để đoàn có mặt tại điểm trường. Các cô giáo điểm trường Bản Máy và bà con vui lắm, vì không lâu nữa, các em sẽ có nhà vệ sinh khang trang, sạch đẹp.
Dành điều tốt nhất cho các em
Hầu hết học sinh các xã Bản Máy, Tả Sử Choóng, San Sả Hồ... là con em các cộng đồng thiểu số. Ngoài rèn nếp ăn ở, sinh hoạt bán trú, các thầy cô giáo của trường PTDTBT Tiểu học - THCS Bản Máy còn phải dạy các em lớp 1 nói tiếng phổ thông. Thầy Mã Văn Diễn cho biết, từ ngày 22/8/2022, trường đã tập trung và tổ chức cho 70 em học sinh lớp 1 học tăng cường tiếng Việt để chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho các em khi bước vào năm học mới.
|
Tăng cường tiếng Việt cho các em lớp 1 trước khi bước vào năm học mới |
Trường PTDTBT Tiểu học và THCS La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) vừa tổ chức hội nghị phụ huynh lần thứ nhất. Sau khi nghe thầy hiệu trưởng Nông Đức Viễn phổ biến các văn bản, nhiệm vụ và chế độ cho học sinh xong, ông Vàng A Sủng nói: “Đầu năm học cũng lo tiền đóng góp chứ. Nhưng các con được nhà nước cấp gạo, được các thầy cô giáo nuôi nấng nên đỡ nhiều mà”.
Ngoài công việc chăm nuôi trẻ như bao giáo viên mầm non trong huyện, các cô giáo của Trường mầm non Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) có phần bận rộn hơn khi tiếp tục xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”. Ngoài giờ trên lớp, các cô còn tham gia sinh hoạt câu lạc bộ “Người chăm sóc trẻ”. Các cháu được các cô hướng dẫn trò chơi, giao tiếp và chăm sóc theo phương pháp “đánh thức tiềm năng não bộ”.
|
Niềm vui đến trường |
Cô Nguyễn Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường mầm non Thượng Bằng La cho biết, sau mỗi buổi sinh hoạt câu lạc bộ, các cô giáo còn xuống từng bản, đến từng nhà, tư vấn giúp các ông bố, bà mẹ có kiến thức để đồng hành cùng các cô trong việc nuôi dạy trẻ. Ở trường, ngoài các khu vui chơi, khu rèn luyện thể chất, trường còn xây dựng các góc chợ quê, góc văn hóa, ẩm thực để trưng bày các đồ dùng, dụng cụ, trang phục, món ăn dân tộc. Câu lạc bộ vừa giúp giáo viên có thêm kỹ năng quản lý, chăm sóc trẻ theo hướng nâng cao thể chất, trí tuệ, lại vừa giúp các bé mạnh dạn, tự tin và nhanh nhẹn hơn.
Trên điểm trường Văn Tiên, nhà hai trong ba cô giáo cách trường hơn 40km, hai cô phải ở lại nhà công vụ của giáo viên dưới trường trung tâm. Xa gia đình, nhưng nhiều năm qua các cô vẫn bám lớp, bám bản, gắn bó với bà con nơi này để làm tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.
|
Phụ huynh mang theo đồ dùng để "gửi con cho các thầy cô giáo nuôi" |
Huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cũng mới đón học sinh trở lại trường. Đặc biệt nhất là học sinh lớp 1 của các trường phổ thông bán trú, các em sẽ có 5 ngày ở trường với bạn bè, thầy cô, 2 ngày cuối tuần về với gia đình. Ở nhà, các em lớn lên tự nhiên như cái cây, ngọn cỏ. Nên khi các em vào học bán trú, các thầy cô sẽ mất khoảng 1 tháng để rèn các em từng nết ăn, nết ngủ và hướng dẫn các em từ những điều nhỏ nhất như rửa mặt mũi, tay chân. Nuôi học trò bán trú đồng nghĩa với việc khó khăn, vất vả của thầy cô nhân lên gấp nhiều lần. Song các thầy cô đã và vẫn đang từng ngày cố gắng uốn nắn, dạy dỗ để tương lai các em - ít nhất sẽ tươi sáng hơn thế hệ bố mẹ, ông bà.
Minh Tuệ