Trường vận động tài trợ đúng nhưng phụ huynh vẫn phản ứng, vì sao?

01/06/2023 - 06:31

PNO - Vừa qua, một số trường học tại TPHCM thực hiện kế hoạch vận động tài trợ đúng theo quy định nhưng vẫn bị dư luận, phụ huynh phản ứng. Điều này đặt ra câu hỏi xã hội hóa giáo dục thế nào để thực sự hiệu quả, tạo đồng thuận.

Cứ đụng đến tiền là bị phản ứng

Mới đây, Trường tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12) thực hiện kế hoạch quyên góp, vận động tài trợ của phụ huynh, mạnh thường quân để tiến hành sửa chữa một số cơ sở vật chất. Trường dự kiến thay cửa chính của 30 lớp học (chi phí 7,2 triệu đồng/cửa), sơn lại tường bên ngoài và bên trong của 35 lớp học (chi phí 8 triệu đồng/phòng). Tổng kinh phí thực hiện dự kiến 496 triệu đồng.

Qua hơn 20 năm sử dụng, cơ sở vật chất Trường tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12) đều đã cũ và xuống cấp - ẢNH: P.T.
Qua hơn 20 năm sử dụng, cơ sở vật chất Trường tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12) đều đã cũ và xuống cấp - Ảnh: P.T.

Theo nhà trường, do nguồn kinh phí từ ngân sách cấp, nguồn thu sự nghiệp tại đơn vị chỉ đáp ứng chi thường xuyên, nguồn kinh phí để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất năm 2023 cũng hạn hẹp. Do đó, trường vận động phụ huynh, thầy cô giáo, các nhà hảo tâm, cựu học sinh, cơ quan, doanh nghiệp để thực hiện việc sơn, sửa lại lớp học. Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở thống nhất với ban đại diện cha mẹ học sinh và trình Phòng GD-ĐT quận 12 phê duyệt theo đúng trình tự tại Thông tư 16 của Bộ GD-ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Thế nhưng, ngay sau khi phổ biến kế hoạch này trong cuộc họp phụ huynh cuối năm học vừa qua, một số phụ huynh đã phản ứng bằng cách đưa lên mạng xã hội. Phụ huynh cho rằng, lãnh đạo nhà trường áp đặt mức vận động trung bình mỗi lớp là 10 triệu đồng. Điều này gây khó cho những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn, chưa kể từ đầu năm học, phụ huynh đã phải đóng nhiều khoản tiền như thay bóng đèn, thay quạt, gắn màn che...

Bà Nguyễn Hoàng Yến - hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ, trường đã xây dựng trên 20 năm, lại ở vùng trũng, thường xuyên bị mưa ngập, thủy triều nên xuống cấp rất nhanh. Hiện nay, phòng học cũ kỹ, tường bong tróc, cửa lớp lung lay, hoen gỉ, mất an toàn và thiếu thẩm mỹ. Thời gian qua, để tránh mưa tạt vào lớp, trường đã khắc phục tạm bằng cách chắp vá các cánh cửa đã hư hỏng. Thế nhưng, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, rất cần nguồn kinh phí để sửa chữa triệt để hơn.

Cũng theo nữ hiệu trưởng, trường đã nêu rất rõ quan điểm trong cuộc họp với phụ huynh là việc vận động tài trợ hoàn toàn dựa trên nguyên tắc tự nguyện, công khai, không ép buộc và không quy định mức bình quân, mức tối thiểu đóng góp. Hoàn toàn không có chuyện “ép” mỗi lớp phải vận động được 10 triệu đồng. Thực tế, có lớp quyên góp được 1 triệu đồng, có lớp hơn 2 triệu đồng và có một lớp cao nhất khoảng 6 triệu đồng. Nhưng sau khi một số phụ huynh phản ứng, trường đã ngưng kế hoạch vận động và tiến hành hoàn trả lại cho các phụ huynh đã đóng góp.

Tại Trường tiểu học Kim Đồng (quận 12), một số phụ huynh cũng bày tỏ sự không đồng tình khi nhà trường đưa ra kế hoạch vận động quyên góp mua ti vi 65 inch. Phụ huynh cho rằng mỗi lớp đều đã có ti vi, hơn nữa đã hết năm học mà nhà trường lại đề xuất mua ti vi. Chưa kể, dù mang danh nghĩa tự nguyện, nhưng ban đại diện cha mẹ học sinh lại chia theo đầu người, mặc định mỗi phụ huynh đóng 210.000 đồng.

Bà Phạm Thị Kim Ngân - hiệu trưởng nhà trường - khẳng định, việc vận động tài trợ đã được Phòng GD-ĐT quận 12 phê duyệt và thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Tuy các phòng học của trường đã được trang bị ti vi 32 inch nhưng qua hơn 11 năm sử dụng nên đã cũ và hư hỏng. Nhiều học sinh cũng mong muốn lắp ti vi lớn hơn để dễ quan sát.

Cần sự thấu hiểu giữa nhà trường và phụ huynh

Bà Nguyễn Hoàng Yến cho rằng nhà trường thực hiện đúng quy định và cũng có nhiều phụ huynh đồng tình, ủng hộ việc đóng góp để sửa chữa trường lớp cho con em mình. Tuy vậy, một số phụ huynh chưa hiểu đúng, có phản ứng gay gắt nên trường quyết định ngưng vận động xã hội hóa. Nhà trường sẽ đề xuất quận cấp kinh phí sửa chữa. Trong khi chờ đợi, nhà trường chỉ có thể vun vén nguồn chi thường xuyên để sửa chữa tạm những chỗ đã quá hư hỏng.

Theo bà, thực tế vẫn có một số người nhận thức chưa đúng về việc vận động tài trợ giáo dục, cứ cho rằng vận động như vậy là trường có lợi ích gì trong đó. Nhưng đối với công trình vận động này, trường không được phép đứng ra làm mà giao cho ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra quyên góp, làm và bàn giao cho nhà trường theo hình thức “chìa khóa trao tay”. Ban đại diện có trách nhiệm đảm bảo thủ tục tài chính theo đúng quy định và công khai, minh bạch đến phụ huynh. 

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - nhìn nhận dù Nhà nước rất quan tâm đầu tư cho giáo dục song vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy tại các trường học, do đó rất cần sự chung tay đóng góp của phụ huynh, xã hội. Theo ông, đôi khi chưa có sự thấu hiểu giữa nhà trường và phụ huynh trong vấn đề xã hội hóa giáo dục, từ đó gây nên những dư luận không hay.

Chẳng hạn, phụ huynh có suy nghĩ cơ sở vật chất trong trường đã có ngân sách đầu tư nên cảm thấy khó chịu khi được vận động đóng góp. Còn ở phía nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh đưa ra kế hoạch vận động đôi khi chưa quan tâm đến điều kiện tài chính của mỗi phụ huynh. Bởi có những phụ huynh khá giả nhưng cũng có nhiều người rất khó khăn, việc phải đóng thêm một vài trăm ngàn đồng cũng là gánh nặng. 

Do đó, việc vận động tài trợ cần thực sự đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, không tạo áp lực hoặc có sự phân biệt với những phụ huynh không có điều kiện đóng góp. Đồng thời, khi xây dựng kế hoạch vận động cũng phải lưu ý đến tính khả thi, chẳng hạn ở những vùng kinh tế khó khăn, mặt bằng thu nhập người dân thấp mà đưa ra những con số vận động quá cao, quá xa vời thì cũng gây bức xúc. 

Theo ông, cần có thêm sự chia sẻ giữa các bên để phụ huynh thấu hiểu với khó khăn của nhà trường, tính cần thiết của việc xã hội hóa. Song song đó, cần giám sát và có xử lý nghiêm đối với các trường hợp thu sai, chi sai, lạm thu. Khi phụ huynh cảm thấy đồng tiền đóng góp cho giáo dục được sử dụng đúng mục đích, minh bạch thì việc xã hội hóa sẽ đạt đồng thuận cao. 

Xã hội hóa giáo dục không chỉ là tiền  

Một cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, đối với các trường THPT trực thuộc sở, khi làm hồ sơ kế hoạch vận động tài trợ gửi lên đều được phản hồi đúng quy định trong 15 ngày. Trong đó, sở rất chú trọng việc thẩm định tính cần thiết, khả thi, hiệu quả của kế hoạch vận động. Không phải trường đưa ra kế hoạch thế nào là được phê duyệt thế ấy, mà căn cứ tính phù hợp với Thông tư 16, nhu cầu của trường và điều kiện thực tế thì mới được duyệt hoặc chỉ duyệt một phần. 

Có những kế hoạch vận động mua sắm, sửa chữa quá lớn thì sở cũng không duyệt, chỉ cân đối ở mức độ vừa phải. Việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch phải tính toán đến điều kiện thực tế, chẳng hạn khu vực khó khăn khác với khu vực có điều kiện kinh tế tốt. Đồng thời, các trường chỉ được vận động không vượt quá mức tiền cho phép, trên cơ sở tinh thần tự nguyện, không bình quân và phải tuân theo đầy đủ các quy định về mua sắm, đấu thầu...

Theo vị cán bộ này, với một số trường hợp gặp phản ứng như vừa qua, đôi khi nhà trường làm đúng, nhưng do ban đại diện cha mẹ học sinh khi triển khai xuống lớp lại chia bình quân đầu người là chưa phù hợp, trong đó chỉ cần có một người không đồng thuận gây dư luận xấu. Ngoài ra, một số trường có cách hiểu và vận dụng chưa đúng, còn cứng nhắc. Thực tế, quy định vận động tài trợ không chỉ là tiền mà có rất nhiều cách như hiện vật, công trình... Các trường có thể vận động cả các hoạt động tài trợ phi vật chất, chẳng hạn, tài trợ về bản quyền, quyền sở hữu các tài sản trí tuệ, đóng góp ngày công lao động, cung cấp dịch vụ đào tạo, tham quan, khảo sát, chuyên gia tư vấn miễn phí...  

Bên cạnh đó, cần mở rộng đối tượng vận động tài trợ trên địa bàn, có thể là doanh nghiệp, mạnh thường quân, nhà hảo tâm chứ không nên chỉ tập trung vào một đối tượng là phụ huynh học sinh.

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI