Trường trung cấp-cao đẳng chuyển chủ quản, thực tế càng tối tăm!

13/05/2017 - 10:22

PNO - 18 trường CĐ và 32 trường TCCN (trừ các trường/ngành sư phạm) trước đây được UBND TP.HCM giao cho Sở GD-ĐT quản lý đã chính thức chuyển đổi cơ quan chủ quản. Sự thay đổi này có hứa hẹn một ngày mai tươi sáng hơn?

Ngày 9/5, Sở GD-ĐT TP.HCM chính thức bàn giao chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cho Sở LĐ-TB-XH. 18 trường CĐ và 32 trường TCCN (trừ các trường/ngành sư phạm) trước đây được UBND TP.HCM giao cho Sở GD-ĐT quản lý đã chính thức chuyển đổi cơ quan chủ quản. Sự thay đổi này có hứa hẹn một ngày mai tươi sáng hơn?

Nhiều nỗi lo

Tại hội nghị bàn giao, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Sở LĐ-TB-XH phải tạo mọi điều kiện cho các trường chuẩn bị tuyển sinh năm học mới, không để việc bàn giao ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ của các trường. Khi nhận bàn giao, không phát sinh thêm các thủ tục gây khó cho các trường. Trong công tác điều hành, nếu có vấn đề bất cập, sở phải tham mưu cho UBND TP để có những điều chỉnh tốt hơn cho các trường…

Truong trung cap-cao dang chuyen chu quan, thuc te cang toi tam!

Trường CĐ Bách Việt

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, sở chỉ có chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp nên sẽ quản lý trên cơ sở chương trình, kế hoạch Sở GD-ĐT đã đặt ra, thậm chí sẽ giảm những thủ tục không cần thiết để tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động thoải mái hơn.

Tuy nhiên, những “hứa hẹn” của “nhà quản lý” cũng không giúp các trường yên tâm hơn là bao, nhất là khi có nhiều chính sách khiến các trường thật sự bỡ ngỡ. ThS Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức lo lắng: Cái khó nằm ở đội ngũ giáo viên. Theo quy định mới, thời gian đào tạo bậc CĐ rút ngắn từ ba năm còn 2-2,5 năm, TC còn 1-1,5 năm nhưng vẫn phải đảm bảo trang bị đủ kiến thức, kỹ năng, thực hành nghề nghiệp cho người học. Để đáp ứng đòi hỏi phải xây dựng lại chương trình và đội ngũ phù hợp, là thách thức không nhỏ trong bước đầu chuyển giao. Chính sách học phí cũng góp phần khiến nhiều trường TC đang tuyển được người học cũng “chết dở”.

Theo quy định, học sinh (HS) sau khi tốt nghiệp THCS nếu chịu “tách nhánh” đi học TC sẽ được miễn học phí 100%. Với trường công lập, HS chỉ cần đăng ký vào học. Nếu chọn học ở trường tư thục, HS phải ứng tiền đóng học phí, sau đó sẽ được địa phương hoàn lại, nhưng chỉ theo mức quy định của nhà nước. Vì thế, hàng loạt HS đang học trường tư đã… bỏ chạy. Trường TC Bách khoa TP.HCM tuyển được 100 em tốt nghiệp THCS vào học nhưng số lượng cứ rơi rụng dần vì nguyên nhân này. 

Tuyển sinh không đủ để cầm cự

ThS Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt giải thích: Tuyển sinh ngày càng khó hơn vì hai nguyên nhân. Thứ nhất, hồ sơ dự thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH đã bỏ hoàn toàn thông tin của các trường CĐ (trừ CĐ Sư phạm vẫn thuộc Bộ GD-ĐT).

Thí sinh hầu như không biết phải đăng ký vào các trường CĐ như thế nào. Bộ LĐ-TB-XH có tập hợp những thông tin tuyển sinh các trường CĐ và TC nhưng không phát hành, chỉ đăng trên website của Tổng cục Dạy nghề và của bộ nên nhiều người không biết. Chưa kể, năm nay thi trượt đại học còn khó hơn là thi đậu thì trường CĐ còn đâu nguồn tuyển?

Quy chế tuyển sinh của Bộ LĐ-TB-XH đã mở hơn cho các trường là cho phép tuyển sinh quanh năm (năm rồi Bộ GD-ĐT giới hạn đến tháng 11) nhưng tuyển quanh năm cũng chẳng có ý nghĩa gì khi không có nguồn tuyển, không có người học. Theo ThS Thành, cao điểm tuyển sinh của các trường CĐ cũng không thể thay đổi, sau khi có kết quả thi ĐH, em nào trượt thì vào CĐ, tuyển được hay không là ở thời điểm đó, qua rồi thì đâu còn gì để nói.   

Cô Đào Thị Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường TC Phương Nam chia sẻ, nỗi lo lớn nhất của trường hiện nay là làm sao để duy trì đội ngũ trong cảnh tuyển sinh bết bát. “Giờ này năm ngoái, tôi có 200 HS nhưng năm nay mới có 70 em. Trường TC tuyển sinh phải né trường ĐH nên chủ yếu là tìm nguồn HS tốt nghiệp THCS, nên giờ đang phải chờ kết quả tuyển sinh lớp 10 mới biết các em có vào trường mình không. Năm nay, trường phải đầu tư rất nhiều chi phí cho việc tuyển sinh. Trường công không có người học vẫn có ngân sách trả lương cho đội ngũ, duy trì hoạt động, nhưng trường tư phải tự lo từ viên phấn đến tờ giấy. Với số HS quá ít, chúng tôi chẳng biết lấy tiền ở đâu để trả lương giáo viên. Dù yêu trường đến mấy mà không có HS thì giáo viên cũng bỏ đi hết thôi”. 

Từ khi Bộ GD-ĐT không còn quản các trường TC-CĐ cũng đồng nghĩa với việc không cần phải “lo” chuyện tuyển sinh của bậc học này nữa. Cũng từ đây, các trường TC-CĐ càng chịu sức ép tuyển sinh từ những trường chiếu trên nặng nề. Các trường ĐH mở ngành, nở chỉ tiêu càng lớn. Lại được tự chủ việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh nên “vơ vét sạch sẽ” HS tốt nghiệp THPT khiến các trường phía dưới cạn nguồn tuyển.

“Dân mình vẫn thích con vào ĐH dù năng lực không theo được, học đến bảy-tám năm mới lết được ra trường, nhưng lại không thể… kiếm được việc làm. Dù vậy, trước mắt cứ phải ép con vào ĐH đã, chuyện gì khác tính sau”, cô Ngọc nói. Những ngành vốn là thế mạnh của trường TC-CĐ như dược, điều dưỡng càng không tuyển sinh được vì thông tư 18 quy định các đơn vị không tuyển học viên TC. 

Tất cả những khó khăn trên các trường TC-CĐ đều thấy rõ và hàng năm đều tìm mọi cách ứng phó để thu hút người học. Tuy nhiên, những khó khăn do tâm lý người học, định kiến xã hội về bằng cấp, sự cạnh tranh giữa các trường thì còn ít nhiều ứng phó được; còn với khó khăn đến từ chính sách thì các trường đành “bó tay”.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI