Các trường đại học (ĐH) ở tỉnh chủ yếu được thành lập khi có “trào lưu” mở mới hoặc nâng cấp từ trường cao đẳng (CĐ) tỉnh nhà. Khi đó, tỉnh nào cũng muốn sở hữu ít nhất một trường ĐH. Nhưng qua một thời gian, nhiều trường hoạt động không hiệu quả, ngân sách tỉnh đổ vào chẳng thấm vào đâu, các trường lại bắt đầu tìm phương án sáp nhập…
Ngân sách địa phương chịu không thấu
Trường ĐH An Giang là ví dụ điển hình của trào lưu nâng cấp. Trường được thành lập trên cơ sở Trường CĐ Sư phạm An Giang và là một trong những trường ĐH tỉnh được đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất hoành tráng nhất nước. Ông Đỗ Văn Xê khi còn làm Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ đã từng chạnh lòng khi nói Trường ĐH An Giang được UBND tỉnh An Giang cấp mảnh đất 40 héc-ta, đầu tư cơ sở vật chất khang trang đến mức “Trường ĐH Cần Thơ phải mất 30 năm mới xây dựng được như vậy”.
|
Liên kết theo chương trình 2+2 là hướng lựa chọn của một số đại học tỉnh trong giai đoạn tuyển sinh khó khăn - Ảnh: Trương Mẫn |
Không lâu sau khi nâng cấp, Trường ĐH An Giang gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi năm, nguồn thu của trường chỉ đáp ứng 30% nhu cầu hoạt động, ngân sách tỉnh phải bù đắp phần còn lại (do trường thuộc tỉnh). Tình trạng này kéo dài nhiều năm, do ngân sách khó khăn nên An Giang từng đề nghị chuyển giao trường về Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng không được. Thậm chí có thông tin một công ty đề nghị mua lại hoặc nếu trường cổ phần hóa thì sẽ tham gia với tư cách là cổ đông lớn nhất nhưng không được chấp nhận.
Tương lai cho Trường ĐH An Giang sau đó được định đoạt khi ngày 13/8/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1007/QĐ-TTg về chuyển Trường ĐH An Giang về ĐH Quốc gia TP.HCM - cột mốc đánh dấu một giai đoạn mới của trường. Thực tế, tuy Trường ĐH An Giang có nền tảng từ trường CĐ (40 năm) nhưng ở bậc ĐH là trường non trẻ (16 năm), vì vậy đội ngũ giảng viên của trường không bằng những trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Chung cảnh ngộ như Trường ĐH An Giang, ngày 22/7 vừa qua, UBND tỉnh Thái Bình cũng có văn bản đề nghị Ban giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội nghiên cứu, xem xét chuyển Trường ĐH Thái Bình trở thành trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội. Trường ĐH Thái Bình tiền thân là Trường Tài chính được thành lập năm 1960. Năm 2000, trường được nâng cấp thành Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Thái Bình. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Trường ĐH Thái Bình trên cơ sở nâng cấp Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Thái Bình. Năm 2014, Trường ĐH Thái Bình tiếp nhận cơ sở phía Bắc của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề sáp nhập trường, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Lý, Hiệu trưởng Trường ĐH Thái Bình, cho hay: “Hiện nay, nhà trường còn một số khó khăn về công tác tuyển sinh, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo… Tuy nhiên, tôi nghĩ đó là khó khăn chung của tất cả các trường ĐH hiện nay chứ không riêng gì Trường ĐH Thái Bình. Vì nếu xét về tuyển sinh thì Trường ĐH Thái Bình tuyển sinh vẫn ổn so với các ĐH khác tại địa phương. Còn về chất lượng đào tạo thì mình phải luôn luôn nỗ lực để có chất lượng tốt hơn. Nếu được sáp nhập vào ĐH Quốc gia Hà Nội thì nhà trường rất phấn khởi”.
|
Tuy nhiên, trong thời gian qua, Trường ĐH Thái Bình cũng gặp phải không ít khó khăn như chưa thu hút được đông đảo sinh viên, đặc biệt là sinh viên từ tỉnh ngoài. Đội ngũ giáo viên của trường mặc dù đã có sự chuyển biến về chất lượng nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo. Thêm vào đó, những ngành nghề trường đang đào tạo chưa thỏa mãn được hết nhu cầu của tỉnh về nguồn nhân lực chất lượng cao…
Nhập vào đại học quốc gia không phải là giải pháp hay
Ở hướng khác, một số trường ĐH ở tỉnh lại chọn cách tồn tại theo hướng liên kết với trường ĐH lớn. Mới đây, ngày 13/8, Trường ĐH Kiên Giang ký kết hợp tác với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM để đào tạo chương trình 2+2 (hai giai đoạn). Theo đó, hai năm đầu, sinh viên học tại Trường ĐH Kiên Giang; hai năm sau sinh viên chuyển lên học tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Trước đó, Trường ĐH Kiên Giang còn liên kết với Trường ĐH Nha Trang để đào tạo những ngành mà Trường ĐH Nha Trang có thế mạnh như: quản lý thủy sản, khoa học hàng hải, công nghệ kỹ thuật tàu thủy… Ở những ngành này, sinh viên học hai năm đầu tại Trường ĐH Kiên Giang, hai năm sau học tại Trường ĐH Nha Trang.
Kiểu liên kết này mang đến lợi ích cho nhà trường và cả người học, từ đó giải quyết được nhiều vấn đề trong tuyển sinh ở đại học tỉnh. Thứ nhất, theo phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, việc hợp tác trong tuyển sinh, đào tạo này nhấn mạnh đến khía cạnh chia sẻ nguồn lực, từ nguồn lực giảng viên đến việc đầu tư trang thiết bị. Với sự hợp tác này, sinh viên của Trường ĐH Kiên Giang vẫn có thể được học với giảng viên của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM theo phương thức học online và truyền thống, được sử dụng trang thiết bị mà Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã đầu tư…
Thứ hai, sinh viên của tỉnh Kiên Giang hoặc các tỉnh lân cận vẫn có cơ hội học tại TP.HCM, trải nghiệm môi trường kinh tế năng động, thậm chí có thể tìm việc làm tại TP.HCM khi đang học hoặc sau khi ra trường.
Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, cho rằng: “Hiện nay, nhiều trường ĐH địa phương mong muốn được sáp nhập vào ĐH lớn để tận dụng uy tín trong tuyển sinh, đào tạo nhưng theo tôi đây không phải là một lời giải hay. Kể cả khi tuyển được người học, sáp nhập được trường lớn nhưng lại đào tạo không có chất lượng thì cũng không thể tồn tại được”.
Để giải quyết bài toán về khó khăn tuyển sinh, theo ông Nhĩ, tự thân các ĐH địa phương phải nâng cao chất lượng đầu vào, đào tạo thực sự nghiêm túc, bài bản để người học sau khi tốt nghiệp tìm được công việc phù hợp, thu nhập cao, từ đó sẽ tạo nên thương hiệu và học sinh sẽ tìm đến.
Vì sao học sinh chê đại học tỉnh?
Khi còn học lớp 12, Nguyễn Quang Mạnh (H.Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, hiện là sinh viên năm thứ hai Trường ĐH Thương mại), đã tham dự buổi tư vấn hướng nghiệp do trường kết hợp với Trường ĐH Thái Bình tổ chức. Trong đó, Trường ĐH Thái Bình giới thiệu rất kỹ các ngành nghề mà trường này đào tạo, cả mức học phí và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ đắn đo, Mạnh đã quyết định không chọn học ĐH địa phương.
“Mặc dù Trường ĐH Thái Bình cũng có khá nhiều điểm cộng nhưng tôi mong muốn được tiếp cận với môi trường năng động, trau dồi thêm khả năng ngoại ngữ và tập sự tại các công ty ngay khi còn là sinh viên. Tôi mong muốn được học ĐH tại thủ đô để có cơ hội tiếp cận với những giảng viên giỏi nhất, học những gì mới nhất, hiện đại nhất. Tư duy nhanh nhạy, khả năng sử dụng ngoại ngữ, cọ xát với môi trường thành thị sẽ là điểm cộng rất lớn khi tôi ra trường và tìm việc”, Mạnh cho hay. ĐH địa phương thiếu cơ hội cọ xát với thị trường lao động rộng lớn nên không chỉ Mạnh mà nhiều bạn học cũng quyết đầu quân về ĐH ở thủ đô.
Cùng suy nghĩ với Mạnh, Nguyễn Anh Hùng (H.Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), sinh viên năm thứ nhất Trường CĐ Công nghệ và Thương mại Hà Nội, cũng “ngoảnh mặt” với Trường ĐH Thái Bình vì nếu học ở đây sẽ khó kiếm được việc làm thêm để trang trải chi phí suốt quá trình học.
Hùng kể: “Bố mẹ tôi làm nông, nhà lại bốn anh chị em nên học ĐH hay CĐ tôi đều phải xác định tinh thần là tự tìm việc làm thêm để trang trải học phí, chi phí sinh hoạt… Ở tỉnh Thái Bình, vấn đề kiếm việc làm thêm đối với sinh viên khá khó khăn, nếu kiếm được việc thì mức lương cũng không đáng là bao. Năm 2019, do điểm thi THPT quốc gia thấp nên tôi quyết định xét học bạ vào một trường nghề tại TP.Hà Nội. Đúng như dự tính, sau khi nhập học tại trường nghề, tôi nhanh chóng xin được việc phục vụ tại quán cà phê gần trường với tiền công 3 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, tôi có thể trang trải được tiền thuê nhà, đóng học phí. Nói chung, tôi yên tâm với lựa chọn của mình”.
|
Trương Mẫn - Đại Minh