Trường tiên tiến - hội nhập quốc tế nhưng mức thu chưa xứng tầm

19/05/2021 - 16:25

PNO - Mức thu học phí được xây dựng từ năm 2015 khiến đời sống của giáo viên chưa cao trong môi trường đầy áp lực. Các trường lo lắng khó giữ chân nhân tài và nâng cao chất lượng dạy học.

Tại hội thảo “Tổng kết và lấy ý kiến dự thảo quyết định về mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế tại TPHCM”, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết mô hình trường tiên tiến hội nhập được thực hiện từ năm học 2015-2016 với 3 trường đầu tiên là Trường THPT Lê Quý Đôn, Nguyễn Du và Nguyễn Hiền. Đến nay, thành phố có 40 trường từ mầm non đến THPT thực hiện.

Sĩ số học sinh trong lớp thấp, chỉ có 30 học sinh/lớp; tạo thuận lợi để thầy cô sâu sát, quan tâm, triển khai thành công những phương pháp dạy học tích cực, đúng định hướng dạy học cá thể. Tất cả các trường này đều được tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Mức thu đã lạc hậu

Theo Quyết định số 3968/QĐ-UBND của UBND TPHCM, mức thu học phí của mô hình trường tiên tiến được xác định gồm 3 khoản thu: thu theo quy định hiện hành; các khoản thu thỏa thuận để thực hiện mô hình trường tiên tiến không quá 1,5 triệu đồng học sinh/tháng; và các khoản thu thỏa thuận khác (bán trú, xe đưa rước…) thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của liên ngành giáo dục - tài chính.

Tuy nhiên, theo các trường, mức thu 1,5 triệu đồng/tháng được phê duyệt từ năm 2015 đến nay đã nảy sinh nhiều bất cập. Một phần do vật giá tăng, phần lớn đến từ những yêu cầu ngày càng cao đối với các hoạt động giáo dục, khiến cho thu nhập, đời sống giáo viên không cao hơn so với các trường bình thường, khó giữ chân được giáo viên giỏi...

Một tiết học thủ công của học sinh trường Tiểu học Lê Đức Thọ - Gò Vấp
Một tiết học thủ công của học sinh Trường tiểu học Lê Đức Thọ - Gò Vấp

Cô Trần Bé Hồng Hạnh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1) - cho biết, sau 5 năm thực hiện mô hình này, học sinh có điều kiện kinh tế tốt và được học trường tương đương với trường chuẩn quốc tế nhưng với mức học phí thấp. Ban đầu trường chỉ có bốn lớp thực hiện mô hình tiên tiến hội nhập, đến nay đã có 28 lớp. Tuy nhiên, với mức thu 1,5 triệu đồng/học sinh với một trường ở quận 1 là khó thực hiện được trong mô hình trường bán trú, học sinh học 2 buổi/ngày, học tiếng Anh theo mô hình tích hợp chuẩn quốc tế...

Hầu hết phụ huynh yêu cầu cao, giáo viên Tiếng Anh phải tuyển từ những trung tâm chất lượng cao, phải là người Anh... nên chi phí chi trả cho giáo viên cao, học sinh luyện nghe nói trên phần mềm rất tốn kém. Học vi tính theo chuẩn quốc tế cũng phải in ấn tài liệu, ôn luyện. Các hoạt động ngoại khóa, tiền thuê âm thanh lễ hội... nhà trường đã phải chi trả gấp đôi, gấp ba so với trước. Năm học 2019-2020, phụ huynh phải đồng thuận với nhà trường tăng mức thu từ 1,5 triệu đồng lên 1,650 triệu đồng. Do đó, lãnh đạo thành phố và Sở GD-ĐT cần đưa ra chủ trương tăng mức thu cho phù hợp với thị trường, vật giá gia tăng để tăng mức chi trả cho giáo viên xứng đáng.

Theo các hiệu trưởng, mặc dù trường tiên tiến hội nhập thu phí cao hơn các trường thường nhưng đời sống của giáo viên cũng không cao hơn so với các trường. Ở trường bình thường, mức thu học phí 120.000 đồng/học sinh, nhưng sĩ số lớp là 50 học sinh. Trường tiên tiến thu học phí 250.000 đồng/học sinh/tháng, mỗi lớp 30 học sinh, cũng thu 7,5 triệu đồng. Tiền thu học phí bằng nhau, nhưng ngân sách cấp trên đầu số học sinh trường tiên tiến ít học sinh hơn nên ngân sách nhà nước rót ít hơn là một thiệt thòi cho các trường tiên tiến. Chưa kể, nếu nhìn lại, đưa lên bàn cân thì giáo viên của các trường tiên tiến sẽ lựa chọn các trường bình thường vì sẽ đỡ áp lực hơn. 

Ông Trịnh Vĩnh Thanh - Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp - đề xuất: Chất lượng của các trường tiên tiến hội nhập thực tế không thua kém gì các trường quốc tế tư nhân, tuy nhiên, mức học phí thu còn quá thấp. Trong khi các trường quốc tế tư nhân thu trên 20 triệu đồng/tháng, mỗi năm thu ngày càng tăng. Chất lượng tương đương nhau mà trường công lập chỉ thu 1,5 triệu đồng/tháng là quá thấp. Do đó, sẽ rất khó cho các trường đang hoạt động phát triển toàn diện. Các trường cần có cơ chế thu để trả lương và khuyến khích lao động cho giáo viên, để tái tạo sức lao động và tái tạo lại cơ sở vật chất của trường...

Theo ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - mức thu thêm 1,5 triệu đồng/tháng/học sinh chi trả cho 7 hoạt động chính của trường hiện nay đã lỗi thời, bởi mỗi năm vật giá trượt giá 10%. Do đó, các trường nên xây dựng lại khung giá đề xuất lên sở và UBND thành phố để thu/chi cho hiệu quả các hoạt động của mình.

Không để trẻ em thiệt thòi

Ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TPHCM - cho rằng khi mô hình trường tiên tiến - hội nhập quốc tế được ứng dụng thử nghiệm ở một số trường, dư luận đã nổi lên vấn đề có phân biệt đối xử với học sinh nghèo, nhiều ý kiến nghi ngại. Lúc đó, mức học phí 800.000 đồng/học sinh. Chương trình có những lúc phải đặt câu hỏi tiếp tục hay dừng lại? Tuy nhiên, mô hình được rất nhiều phụ huynh đồng tình, ủng hộ. Đến nay, thành phố đã có 40 trường áp dụng thành công.

Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) có rất nhiều hoạt động cho học sinh
Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) có rất nhiều hoạt động cho học sinh

“Do đó, xã hội phải tôn trọng quy luật tồn tại khách quan, nếu có mô hình hay, cần phát triển thì phải tuân theo quy luật phát triển và điều chỉnh chính sách sao cho mô hình đó phát triển tốt hơn. Lãnh đạo ngành và trường cần xem lại mô hình này hoàn hảo chưa, để mở rộng, phát triển tiếp. Đặc biệt, cần mở rộng hành lang pháp lý, chi phí thu chi cho trường hoạt động... Phí thu còn thấp chưa đủ đáp ứng để chi cho các hoạt động thì Sở GD-ĐT cần xây dựng lại để đáp ứng mô hình đào tạo, chế độ đãi ngộ cho giáo viên cống hiến và làm việc hiệu quả”, ông Đức nói.

Phó chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu Sở GD-ĐT chỉ đạo, nghiên cứu đầy đủ mô hình để đưa ra chi phí hợp lý và có lộ trình thu tăng sao cho phù hợp với đời sống kinh tế xã hội. Các cấp phải ngồi lại với nhau để làm một đề án hoàn chỉnh, khả thi và đề xuất UBND TP.

Hoàng Nhung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI