Liên tục hụt chỉ tiêu
Trong hệ thống giáo dục chuyên tại TPHCM, ngoài 2 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, TPHCM có thêm 4 trường THPT thường có tuyển lớp chuyên là THPT Mạc Đĩnh Chi, THPT Nguyễn Thượng Hiền, THPT Gia Định và THPT Nguyễn Hữu Huân. Hàng năm, số chỉ tiêu lớp 10 chuyên ở 4 trường này dao động ở mức trên 700 chỉ tiêu.
Nhiều năm nay, việc tuyển sinh lớp chuyên ở các trường thường gặp khó khi liên tục thiếu chỉ tiêu. Theo quy định, mỗi lớp chuyên được tuyển không quá 35 học sinh, song hầu hết đều tuyển không đủ chỉ tiêu.
|
Việc tuyển sinh lớp chuyên ở các trường thường gặp khó khi liên tục hụt chỉ tiêu |
Năm học 2023-2024, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) tuyển 175 chỉ tiêu lớp 10 chuyên ở 5 lớp chuyên: văn, toán, lý, hóa và tiếng Anh. Dù là trường dẫn đầu điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 tại TPHCM suốt nhiều năm, song ở cả 5 lớp chuyên vẫn thiếu đến 21 chỉ tiêu. Thiếu nhiều nhất là lớp chuyên toán với 10 chỉ tiêu. Năm học trước, trường cũng thiếu 23 chỉ tiêu ở 3 lớp chuyên toán, lý, hóa.
Năm học 2023 - 2024, Trường THPT Gia Định tuyển sinh 6 lớp chuyên là: văn, toán, lý, hóa, tiếng Anh và tin học. Tuy nhiên, cả 6 lớp đều không tuyển đủ chỉ tiêu. Trong đó, chuyên hóa tuyển được cao nhất là 33 học sinh, chuyên tin học tuyển được 30 học sinh, còn lại mỗi lớp đều thiếu từ 9-11 chỉ tiêu. Riêng năm học 2022-2023, trường tuyển 210 chỉ tiêu nhưng thiếu đến 40 chỉ tiêu.
Đây cũng là thực tế tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6). Năm học 2023-2024, trường có 6 lớp chuyên là: văn, toán, lý, hóa, sinh và tiếng Anh với 210 chỉ tiêu, nhưng chỉ tuyển được 155 chỉ tiêu. Các lớp đều thiếu từ 10-12 chỉ tiêu.
“Hụt” nhiều nhất là Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức). Năm học 2023-2024, ở lớp chuyên lý trường chỉ tuyển được 8/35 chỉ tiêu. Ở 4 lớp chuyên khác là văn, toán, hóa, tiếng Anh, dù tuyển được nhiều hơn so với chuyên lý nhưng cũng không đủ chỉ tiêu.
Thầy Phùng Nhật Anh - Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân - cho biết, năm học 2023-2024, do lớp chuyên lý chỉ tuyển được 8 chỉ tiêu, không đủ để mở lớp nên trường phải xếp dồn các học sinh này vào lớp chuyên hóa. Khi đến giờ học môn chuyên lý thì 8 học sinh này được tách ra để giáo viên dạy chuyên, điều này khiến công tác dạy và học của trường gặp khó.
Cần đánh giá lại mô hình
Thầy Lâm Triều Nghi - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền - cho biết, trường có điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 hàng năm cao nhất thành phố song nhiều năm trước đã phải dừng tuyển sinh lớp chuyên sinh do không tuyển được học sinh. Theo thầy Nghi, thực tế việc tuyển sinh lớp chuyên ở trường thường đang gặp khó, việc mở lớp chuyên có thể bị dừng nếu trường không tạo được sức hút với học sinh.
“Các trường thường có lớp chuyên đang chịu sức cạnh tranh lớn trong tuyển sinh từ trường chuyên và cả trường THPT thường, đặc biệt khi sắp tới 2 trường THPT chuyên dừng tuyển sinh lớp thường. Điều này đòi hỏi các trường THPT có lớp chuyên phải vận động, xây dựng chiến lược mới, tạo bản sắc riêng cho mình nếu không sẽ “tự đào thải”. Trong chiến lược đó, rất cần sự hướng dẫn, tháo gỡ từ cấp quản lý, về cả chuyên môn lẫn môi trường” - thầy Lâm Triều Nghi cho biết.
|
Theo các chuyên gia giáo dục, TPHCM cần đánh giá lại mô hình lớp chuyên trong trường thường sau 15 năm thí điểm |
Thầy Phùng Nhật Anh - Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân - cho rằng, đề thi tuyển sinh chuyên cần có sự đổi mới gắn nhiều hơn với thực tiễn do Chương trình GDPT 2018 đã triển khai gần “phủ” hết cả 3 cấp học…
“Thực tế, nhiều học sinh thậm chí dư điểm chuẩn vào trường nhưng vẫn không trúng tuyển lớp chuyên do điểm chuyên dưới 2 điểm. Trong bối cảnh thực hiện đổi mới theo Chương trình GDPT 2018, đề thi chuyên cũng cần theo hướng tiếp cận thực tế hơn” - thầy Phùng Nhật Anh nói.
Theo Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - mô hình trường THPT thường tuyển sinh lớp chuyên tại TPHCM được khởi xướng từ năm 2008. Xuất phát từ mong muốn tạo thêm môi trường để những học sinh có năng lực, đam mê ở các lĩnh vực chuyên được phát triển, các học sinh giỏi ở ngoại thành không phải thi tuyển vào các trường THPT chuyên trong trung tâm thành phố.
Thời điểm đó, ngoài 2 trường THPT chuyên là Lê Hồng Phong và Trần Đại Nghĩa, TPHCM thí điểm tuyển sinh lớp 10 chuyên tại 7 trường THPT, gồm: Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn), Củ Chi và Phú Trung (huyện Củ Chi), Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức), Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình), Mạc Đĩnh Chi (quận 6) và Gia Định (quận Bình Thạnh).
Đến năm học 2018-2019, dừng tuyển sinh lớp 10 chuyên tại 3 trường ngoại thành do việc tuyển sinh kém hiệu quả, không đảm bảo chỉ tiêu đặt ra, không thu hút được học sinh, chất lượng đầu vào không đảm bảo. Đến nay, thành phố chỉ còn 4 trường THPT thường tuyển sinh lớp 10 chuyên là Gia Định, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Thượng Hiền và Nguyễn Hữu Huân.
Nhìn lại chặng đường 15 năm TPHCM thực hiện đào tạo hệ thống lớp chuyên trong trường THPT thường, ông Nguyễn Văn Ngai đánh giá, hệ thống này đã tạo sức bật so với trường thường, song dường như chưa “ghi dấu ấn” về đào tạo mũi nhọn so với hệ thống chuyên. Đặc biệt, trong vài năm gần đây, dấu ấn trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế rất thiếu vắng.
“Theo tôi, ngành giáo dục TPHCM cần tổng kết, đánh giá lại qua 15 năm thực hiện thí điểm mô hình lớp chuyên trong trường thường. Đánh giá từ hiệu suất đào tạo chuyên đến mục tiêu của các lớp chuyên này, nhìn ra những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ. Đặc biệt, hiện nay khi Chương trình GDPT 2018 đang được triển khai, việc đánh giá còn nhằm xây dựng lại chiến lược phát triển của mô hình này, để làm sao vừa phát huy được nguồn lực hiện có, vừa đảm bảo hài hòa với chương trình…” - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai góp ý.
Q.Trung