Trường thu phí “ngoại khóa”, sao cho đúng?

15/10/2024 - 05:44

PNO - Nhiều phụ huynh có con học ở các trường tiểu học tại TPHCM phản ánh việc trường thông báo thu hàng loạt khoản “ngoại khóa” tự chọn như giáo dục STEM, kỹ năng sống, công dân số, toán tư duy, kỹ năng tư duy… mà không lấy ý kiến phụ huynh, phiếu thu tiền hằng tháng được in sẵn.

Quá nhiều khoản “ngoại khóa”

Phản ánh với Báo Phụ nữ TPHCM, anh N.T. - có con học tại Trường tiểu học Lương Thế Vinh (TP Thủ Đức) - cho biết, nhận phiếu thu đầu tháng, nhiều phụ huynh của trường “choáng” với hàng loạt khoản thuộc chương trình do nhà trường tổ chức như: giáo dục kỹ năng sống 79.000 đồng/tháng; Câu lạc bộ (CLB) STEM robotics 120.000 đồng/tháng; tổ chức hoạt động công dân số 90.000 đồng/tháng; CLB kỹ năng tư duy 100.000 đồng/tháng, giáo dục STEAM 90.000 đồng/tháng… Trường còn tổ chức dạy bơi trong giờ ra chơi và thu 200.000 đồng/tháng. Như vậy, riêng các khóa kỹ năng này, mỗi tháng học sinh (HS) phải đóng 479.000 đồng; nếu thêm cả học bơi tổng tiền phải đóng là 679.000 đồng/tháng.

Phiếu thu của Trường tiểu học  Lương Thế Vinh với 5 khoản ngoại khóa  lên tới 479.000 đồng/tháng - ẢNH: N.L
Phiếu thu của Trường tiểu học Lương Thế Vinh với 5 khoản ngoại khóa lên tới 479.000 đồng/tháng - Ảnh: N.L

Anh T. bức xúc nói: “Nhà trường, giáo viên không hề tư vấn hoặc cho phụ huynh đăng ký mà ra sẵn phiếu thu. Điều đáng nói, những hoạt động này được xếp tiết xen kẽ với các môn học chính khóa nên phụ huynh nào cũng phải cho con học. Ví dụ, tiết học bơi nhưng xếp vào tiết 3-4 buổi sáng và giờ ra chơi. Tiết học kỹ năng tư duy, STEAM, STEM, công dân số… xếp vào tiết 3 buổi chiều. Trong khi đó, đi học về con kể những tiết học này chơi là chính. Nhà trường, giáo viên cũng không có bất kỳ thông báo nào về nội dung chương trình, bài học những tiết này”.

Một phụ huynh khác là anh Q.A. - có con học tại Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận 12, TPHCM) - phản ánh: trường không thông báo đăng ký nhưng trong phiếu thu của HS có sẵn mục: tổ chức kỹ năng sống 69.000 đồng/tháng, tổ chức giáo dục STEM 90.000 đồng/tháng, tin học quốc tế (IC3) 150.000 đồng/tháng… Các tiết học cũng được xếp lịch xen kẽ cả buổi sáng và chiều trong thời khóa biểu của HS. Cũng ở quận 12, Trường tiểu học Thuận Kiều thu tiền tổ chức dạy kỹ năng sống 69.000 đồng/tháng, tổ chức dạy CLB toán tư duy 100.000 đồng/tháng, giáo dục STEM 90.000 đồng/tháng… Phụ huynh không được thông báo đăng ký, các khoản thu này có sẵn trong phiếu thu tiền đầu tháng.

Chị Hồng Nhung - có con học lớp Ba tại một trường tiểu học ở quận Bình Tân - cho biết: Đầu năm học, trường xin ý kiến phụ huynh đăng ký cho con học các môn STEM, kỹ năng sống, tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, tin học tăng cường… “Tôi thấy một số môn không cần thiết nên không đăng ký. Sau đó, cô chủ nhiệm gọi điện thoại năn nỉ đăng ký để cả lớp cùng học. Nhưng tôi phản đối việc nhà trường xếp các môn học này vào giữa buổi học để ép phụ huynh phải đăng ký. Cả lớp chỉ mình con tôi không đăng ký học. Vì vậy, những tiết này được xếp vào cuối buổi chiều và tôi phải đón con về sớm” - chị nói.

Sẽ có biện pháp chấn chỉnh

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, với bậc tiểu học, số tiết quy định mỗi tuần với khối Một, Hai là 25; khối Ba là 28; còn khối Bốn, Năm là 30. Hầu hết trường tiểu học ở TPHCM dạy 2 buổi/ngày với 7 tiết (35 tiết/tuần) nên các trường “dư” 5-10 tiết/tuần.

Trường được phép sử dụng số tiết “dư” này tổ chức dạy tăng cường ngoại ngữ, tin học, STEM, công dân số… Tuy nhiên, chương trình nhà trường bắt buộc phải lấy ý kiến phụ huynh, HS nào đăng ký mới học. HS không đăng ký, các trường phải tạo điều kiện, môi trường để các em tham gia các hoạt động khác. Việc tự động ra sẵn phiếu thu, ép phụ huynh tham gia, hoặc cố tình tư vấn qua loa là sai. Phụ huynh có quyền hủy đăng ký nếu thấy chương trình không hiệu quả.

Xác nhận các khoản thu mà phụ huynh phản ánh, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức - khẳng định, Trường tiểu học Lương Thế Vinh tổ chức học bơi trong giờ ra chơi, đưa hoạt động CLB tư duy và dạy kỹ năng vào thời khóa biểu chính khóa, chưa lấy ý kiến phụ huynh các khoản thu thỏa thuận là chưa hợp lý. Trường có thể dạy STEM trong lớp kết hợp với môn toán, khoa học, những tiết này không được thu tiền. Còn nếu tổ chức CLB STEM, kỹ năng…, HS yêu thích có thể đăng ký tham gia và đóng tiền. “Nhà trường không có chuyện thu đều theo từng tháng với tất cả HS. Trường phải ký hợp đồng theo số tiết thực dạy từng lớp, sau đó mới chia ra số tiền cần thu mỗi em. Nếu trường nào thu các khoản dạy kỹ năng, sắp xếp thời khóa biểu chưa hợp lý chúng tôi sẽ có biện pháp chấn chỉnh” - ông nhấn mạnh.

Bà Đào Ngọc Minh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai - khẳng định, đây là những khoản thu thỏa thuận và khá “nhạy cảm” nên trường đã lấy ý kiến phụ huynh trước đó. Trong một số hoạt động trường triển khai có môn tin học tăng cường (IC3) học phí khá cao nên tỉ lệ phụ huynh đăng ký ít. Các tiết kỹ năng sống, STEM không có lớp nào đạt tỉ lệ 100% HS tham gia. “Chúng tôi cố gắng xếp lịch học phù hợp nhất cho tất cả khối lớp. Những tiết nào có chương trình nếu HS không đăng ký có thể ở lại lớp tự học” - bà cho biết.

Tương tự, bà Lê Thị Thoa - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thuận Kiều - cũng khẳng định, trường đã lấy ý kiến phụ huynh và tỉ lệ đăng ký học gần như đạt 100%. Bà nói: “Ngay đầu vào lớp Một, chúng tôi đã tư vấn rất kỹ chương trình nhà trường và phát phiếu cho phụ huynh đăng ký. Đầu mỗi năm học, chúng tôi cho đăng ký lại. Tuy nhiên, có thể có trường hợp cha hoặc mẹ đi họp và đăng ký nhưng không báo lại cho người kia, hoặc phụ huynh không đọc kỹ khi đăng ký nên có sai sót”.

Về các khoản thu dịch vụ, ông Khưu Mạnh Hùng - Trưởng phòng GD-ĐT quận 12 - cho hay, quận có đưa ra mức thu tối đa. Các trường phải lấy ý kiến phụ huynh và thỏa thuận mức thu hợp lý, nhưng không được cao hơn khung quy định. Phòng GD-ĐT quận cũng đã có chỉ đạo các trường thực hiện thời khóa biểu hợp lý, đúng quy định. Nếu trường nào làm sai, cố tình đưa các hoạt động này vào phiếu thu tiền mà chưa thông qua ý kiến phụ huynh thì quận sẽ có kiểm tra, chấn chỉnh.

Theo ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - chương trình nhà trường được xây dựng bảo đảm sự tham gia tự nguyện của HS, sự đồng thuận của phụ huynh và phù hợp với điều kiện tổ chức của nhà trường. Khi lấy ý kiến đồng thuận phải bảo đảm tính cá nhân, tự nguyện tham gia của người học (không lấy ý kiến đại diện). Để thực hiện chương trình nhà trường, hiệu trưởng cần phân tích nhu cầu, xác định mục đích và mục tiêu, thiết kế chương trình… Đặc biệt, cần quan tâm đến tính hiệu quả để nhận được sự đồng thuận và phối hợp từ cha mẹ HS.

Nguyễn Loan

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Hoàng Đức Nam Cách đây 17 giờ

    Trường hợp của Trường Tiểu học Lương Thế Vinh trong việc tổ chức học bơi trong giờ ra chơi liệu là thông tin thực tế và chính xác hay không? Thời gian ra chơi của học sinh bao lâu? Một ngày có bao nhiêu lần ra chơi? Số lượng học sinh đóng tiền và tham gia bơi với số lần ra chơi và thời lượng ra chơi có hợp lý hay không? Từ những vấn đề trên cần xác minh chính xác thời gian học bơi là ra chơi hay là tiết chính khóa của học sinh. Thời gian học sinh thay đồ bơi, khởi động tắm tráng trước khi bơi và thời gian thay đồ học chín khóa đã không dưới 10 - 15 phút thì liệu thời gian còn lại đủ cho một hoạt động giáo dục bơi lội. Ngành giáo dục Thành phố cần xem lại tất cả những "Thời khóa biểu thực học" của học sinh chứ không nên dựa vào "TKB báo cáo" của các trường. Ở Thành phố Thủ Đức không riêng trường TH Lương Thế Vinh mà một số trường tổ chức hoạt động bơi, ngoại khóa trong giờ chính khóa.

  • chau Cách đây 19 giờ

    Các khoản hoạt động của trường cần báo cáo lên, chứ sao buộc phụ huynh phải đóng góp. Phụ huynh họ đã gặp quá nhiều khó khăn trong cuộc sống rồi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI