Trường THPT Thủ Thiêm, Q.2, TP.HCM: hai năm ba bộ đồng phục

31/05/2017 - 09:27

PNO - Năm học cũ chưa kịp hết, trường THPT Thủ Thiêm đã tính chuyện đổi đồng phục học sinh mới, dù bộ đồng phục đang sử dụng cũng vừa đổi hồi đầu năm.

Ban giám hiệu trường còn manh nha đưa việc đổi đồng phục vào nghị quyết của trường cho năm học tới. 

Truong THPT Thu Thiem, Q.2, TP.HCM: hai nam ba bo dong phuc
Váy tím, áo trắng thắt nơ tím là niềm tự hào của HS Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai

Đồng phục học sinh vào nghị quyết của trường?

Nhiều giáo viên (GV) và phụ huynh (PH) Trường THPT Thủ Thiêm bức xúc cho biết: “Học sinh (HS) chưa kịp nghỉ hè, trường vẫn còn ôn tập cho khối 12, nhưng ban giám hiệu đã “nhanh nhảu” đưa vấn đề thay đồng phục vào Nghị quyết hoạt động của trường cho năm học 2017-2018 sắp tới. Trong khi bộ đồng phục đang xài cho năm học này chỉ vừa đổi hồi đầu năm. Chúng tôi không hiểu vì sao quần áo chưa kịp cũ đã đổi đồ mới? Nhà nghèo sao chịu nổi, mỗi bộ đồng phục đến vài trăm nghìn, mà mỗi em đâu chỉ mua một bộ là đủ”.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, vào tháng 9/2016, bước vào đầu năm học 2016-2017, Trường THPT Thủ Thiêm đã thay đổi bộ đồng phục cũ bằng bộ đồng phục mới. Mỗi bộ quần áo HS có giá trên trời, đồ thể dục giá 220.000đ, đồng phục thường từ 360.000-395.000đ. Chưa kể, đồng phục lại chia theo size nên em nào mặc size lớn phải mua với mức giá 405.000đ/bộ.

Trong khi, với chất lượng quần áo và chất liệu vải tương tự, ngoài thị trường có giá rẻ hơn khoảng 100.000đ. “Tôi chấp nhận giá đắt hơn bên ngoài để mua đồ trong trường. Đã bấm bụng mua giá cao thì nên để cho chúng tôi xài được vài năm. Cớ sao năm học chưa kết thúc lại nghe lấy ý kiến đòi đổi đồng phục?” - một chị PH bức xúc.

Trong buổi họp lấy ý kiến về đồng phục vào sáng 22/5 vừa qua, Trường THPT Thủ Thiêm đưa ra ba nhà cung cấp đồng phục HS cho năm học 2017-2018. Cụ thể, đồng phục nữ (bao gồm áo trắng và váy) có giá từ 255.000-275.000đ/bộ; đồng phục nam (gồm áo trắng và quần tây) có giá 255.000- 285.000đ/bộ; đồng phục thể dục có giá dao động từ 160.000-220.000đ/bộ. 

Về chuyện đồng phục cứ thay đổi xoành xoạch, không chỉ PH ngao ngán mà ngay cả GV của trường cũng bất bình. Một GV giảng dạy lâu năm tại trường THPT Thủ Thiêm băn khoăn: “Dư luận râm ran liệu việc hai năm mà đổi đến ba bộ đồng phục thì có phải vì mục tiêu lợi nhuận? Chúng tôi nghi ngờ ba đơn vị cung cấp mà trường đưa ra thực chất chỉ là một. Nếu chúng tôi không lên tiếng, nghị quyết thông qua thì chắc chắn năm học tới, PH lại phải tốn tiền mua đồng phục mới cho con”.

Dư luận GV nghi vấn về mục đích của ban giám hiệu khi liên tục thay đổi đồng phục cũng là điều dễ hiểu. Bởi trường này là một trường lớn, với tổng số HS lên đến khoảng 1.500 em, chỉ cần mỗi HS mua tối thiểu ba bộ (một bộ thể dục) thì con số chiết khấu cho những người “có trách nhiệm” là không hề nhỏ.

Hoa hồng đồng phục là tiền túi phụ huynh

Đồng phục truyền thống của HS Việt Nam xưa nay là quần xanh/ đen - áo trắng. Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, việc ăn mặc của HS nếu có thay đổi cũng là hợp lẽ. Thế nhưng mọi sự thay đổi đồng phục cho HS nhất thiết phải giúp các em thoải mái trong mọi sinh hoạt, học tập, vui chơi của lứa tuổi; thiết kế phải đẹp, hiện đại và có khác biệt giúp dễ nhận diện HS trường mình và quan trọng hơn là sử dụng được lâu dài; chất liệu vải phải thông dụng, thiết kế dễ cắt may khi cần. 

Thế nhưng chẳng có mấy trường suy nghĩ thấu đáo những nội dung ấy khi quyết định thay đổi đồng phục, dẫn đến tình trạng đồng phục mới đổi còn xấu hơn đồng phục cũ. Tệ hại hơn, tại nhiều trường, việc thay đổi đồng phục không vì điều gì khác ngoài chuyện “hoa hồng” mà cá nhân ông hiệu trưởng được hưởng.

Vì thế mà đồng phục HS cứ liên miên thay đổi. Mẫu mã thì “ma chê quỷ hờn” nhưng “độc” đến mức không thể mua hoặc may ở đâu ngoài nhà trường cung cấp; chất lượng vải và đường kim mũi chỉ còn thua cả hàng chợ nhưng giá bán thì không hề rẻ, đôi khi đắt hơn giá thị trường đến 25%. 

Giá cả đồng phục từng là vấn đề gây bức xúc cho PH, bởi từng có chuyện đồng phục ở trường A đẹp hơn (nhà cung cấp đến tận trường lấy số đo của từng HS về cắt may), chất liệu vải tốt hơn, may kỹ hơn… nhưng giá cả lại rẻ hơn từ 15-20% so với trường B bán đồng phục may sẵn, chất lượng tệ hơn hàng chợ. Tại sao lại có sự chênh lệch quá lớn như vậy?

Theo những nhà cung cấp sản phẩm đồng phục HS thì tỷ lệ hoa hồng được chiết khấu cho các trường có thể “co giãn” từ 5-30%. Nếu trường nào không đòi hoa hồng thì giá bán sẽ được giảm tương ứng. Như đã đề cập, với số lượng 1.500 HS như Trường THPT Thủ Thiêm, mỗi HS mua tối thiểu ba bộ (gồm hai bộ thường và một bộ thể dục) thì việc thay đồng phục sẽ tạo ra một hợp đồng với 4.000-5.000 bộ quần áo. 

Hàng bán được càng nhiều thì hoa hồng càng lớn. Nhưng những khoản “hoa hồng” ấy không phải là tiền của nhà cung cấp mà chính là tiền từ túi PH. Đáng tiếc là các cơ quan quản lý các trường là Sở GD-ĐT và phòng GD-ĐT các quận huyện chẳng có biện pháp cụ thể nào! 

Sở GD-ĐT quy định hạn chế tối đa việc thay đổi đồng phục và có văn bản nhắc nhở hàng năm, các trường không được cứ hết năm học lại đổi đồng phục, trừ khi có sự đồng thuận của cha mẹ HS thống nhất mới được đổi. Chúng tôi yêu cầu đồng phục trường học phải đảm bảo tiện lợi cho HS, giá cả phù hợp, dễ may, dễ mua, nghĩa là không nhất thiết phải mua trong trường mà PH có thể tìm mua bên ngoài dễ dàng. Đồng phục cho các em phải có chất lượng vải tốt, thuận tiện cho HS trong đi đứng, sinh hoạt và học tập ở trường. Ngoài ra, áo dài cũng là đồng phục cần triển khai đến học sinh mặc một-hai buổi/tuần.

Trường THPT Thủ Thiêm: Hiệu trưởng "bí mật" ký hợp đồng độc quyền cung cấp đồng phục trong 10 năm

Ngoài chuyện “hai năm ba bộ đồng phục”, phóng viên báo Phụ nữ còn phát hiện hiệu trưởng trường này là ông Phạm Văn Nghĩa đã “bí mật” ký hợp đồng cho phép Công ty TNHH Thương mại và đầu tư thiết bị y tế và hỗ trợ giáo dục Tuyết Xanh độc quyền cung cấp đồng phục cho HS của trường trong vòng 10 năm.

Theo hợp đồng số 01/05/2016/HĐCCĐP-TX-TT mà ông Nghĩa đã ký với đối tác ngày 14/5/2016, trường THPT Thủ Thiêm đồng ý cho Công ty TNHH Thương mại và đầu tư thiết bị y tế và hỗ trợ giáo dục Tuyết Xanh cung cấp các sản phẩm may mặc học đường bao gồm: áo sơ mi nam, nữ; quần tây nam, nữ; váy nữ; áo quần thể dục nam, nữ; giầy nam, nữ; ba lô, túi xách và các sản phẩm khác cho HS của trường trong thời gian 10 năm, từ năm 2016 đến 2025.

Số lượng, mẫu mã, đơn giá sẽ được hai bên thống nhất trước ngày 30/6 hàng năm để phía đối tác có thời gian chuẩn bị đủ hàng cung cấp cho HS trước ngày nhập học, 15/8.

Trường THPT Thủ Thiên cam kết trong suốt thời hạn của hợp đồng, trường sẽ không thỏa thuận về việc mua những sản phẩm như đã ký kết với bên thứ ba.

Hiện tại, khi bản hợp đồng “bí mật” này bị lộ ra, nhiều CBGV của trường vô cùng bức xúc. CBGV thắc mắc: tại sao ông Phạm Văn Nghĩa không bàn bạc với tập thể, không thông báo và tổ chức đấu thầu công khai, mà lại lén lút ký một mình?

Tiêu Hà - Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI