Trường THPT Thủ Thiêm 'móc túi' phụ huynh, đến giáo viên cũng bất bình!

17/03/2017 - 08:44

PNO - Tổ chức ôn thi với giá cao và vận động phụ huynh (PH) hỗ trợ tiền cho số tiết học chính khóa - là những việc làm đang khiến cả PH lẫn giáo viên (GV) bức xúc ở Trường THPT Thủ Thiêm.

Tổ chức ôn thi với giá cao và vận động phụ huynh (PH) hỗ trợ tiền cho số tiết học chính khóa - là những việc làm đang khiến cả PH lẫn giáo viên (GV) bức xúc ở Trường THPT Thủ Thiêm.

Truong THPT Thu Thiem 'móc túi' phu huynh, den giao vien cung bat binh!
Học sinh Trường THPT Thủ Thiêm

Sáng 12/3, Trường THPT Thủ Thiêm tổ chức họp PHHS khối lớp 12 để công bố kế hoạch luyện thi THPT năm 2017. Từ tháng Năm, mỗi tuần, ngoài 16 tiết học theo phân phối chương trình của Bộ, chín tiết học buổi hai, trường sẽ tăng thêm 16 tiết luyện thi, thu 12.000đ/tiết; với 16 tiết chính khóa thì trường vận động PH hỗ trợ 6.000đ/tiết.

Sang tháng Sáu, cả 41 tiết học mỗi tuần đều tính theo giá luyện thi. Như vậy, tổng số tiền HS phải đóng trong bảy tuần là 2.550.000đ, chưa tính 300.000đ tiền học buổi hai.

Cả PH và GV đều không đồng thuận với kế hoạch này. Một PH cho rằng, mức thu 12.000đ/tiết là đắt hơn cả mức thu tại các trung tâm luyện thi nổi tiếng. Cụ thể, tại Trung tâm luyện thi Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình), một trung tâm có tiếng, giá cũng chỉ khoảng 10.000đ/tiết luyện thi, GV giảng dạy đều là những người có tên tuổi, HS được chọn GV để học.

Đại diện một trung luyện thi phân tích: “Trường không phải thuê phòng ốc, lại có sẵn hàng trăm học sinh (HS) phải học, không tốn tiền quảng cáo, trả thù lao cho GV thấp, mà thu 12.000đ/tiết là quá đắt”. 

Nhiều PH đã đặt thẳng vấn đề là có thể cho con ôn luyện tại một trung tâm bên ngoài, không luyện thi ở trường có được không; đồng thời yêu cầu trường giải thích tại sao PH lại phải hỗ trợ 6.000đ/tiết cho những tiết chính khóa? Ông Nguyễn Hoàng Phụng - Hiệu phó chuyên môn cho biết, đến hết tháng Tư thì chương trình chính khóa đã hoàn tất, 16 tiết theo phân phối chương trình được chuyển sang ôn thi, nên hiệu trưởng mới đề nghị PH hỗ trợ. 

Tiền ôn thi 12.000đ/tiết là theo khung giá được thành phố cho phép (từ 6.000 - 12.000đ/tiết) và PH chọn. Nhưng, nhiều PH cho biết: “Trường hoàn tất trước chương trình là vì có dạy thêm buổi hai, tương đương với 9 tiết/tuần, PH đã phải trả thêm 300.000đ/tháng cho số tiết tăng thêm đó; giờ xin thêm là không hợp lý”.

Về chuyện có bắt buộc HS phải học luyện thi, ông Phụng nói, trường sẽ phát phiếu để HS mang về cho PH tham khảo, PH đồng ý cho con học môn nào thì đăng ký chứ trường không ép. 

Chính các GV cũng bức xúc với kế hoạch của trường. Thầy Trần Quang Huy, GV văn, nói: “Dù muốn hay không thì chúng tôi cũng phải dạy và dạy nghiêm túc. Chúng tôi không hiểu dựa trên cơ sở nào mà trường xin PH hỗ trợ 6.000đ/tiết học chính khóa. Chúng tôi không muốn bị mang tiếng”.

Một GV khác cũng không đồng tình với mức thu luyện thi cắt cổ và việc thu hỗ trợ 6.000đ: “Với mức thù lao cho GV 140.000-180.000đ/tiết (năm ngoái) thì chỉ cần thu từ 7.500-8.500đ/tiết là đủ. Thu 12.000đ/tiết là còn hơn đi buôn. Về khoản xin hỗ trợ 6.000đ, nói thật GV chúng tôi đâu đến mức đã nhận lương của Nhà nước rồi còn đi xin thêm tiền của PH”. 

Truong THPT Thu Thiem 'móc túi' phu huynh, den giao vien cung bat binh!

Trường THPT Thủ Thiêm

 

Các GV còn bất bình vì họ không hề được bàn bạc gì về chuyện luyện thi và xin PH hỗ trợ. Trường đưa ra lý do “xin cho GV” nhưng thực sự là GV không hề xin, cũng không được hỏi ý kiến. Thầy Lương Văn Thanh - một GV của trường, thẳng thắn: “Nếu đưa việc này ra Hội đồng sư phạm thì tôi sẽ phản đối, vì cách tổ chức ôn  thi như năm ngoái là không đạt kết quả”. 

Ông chứng minh: kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 của HS thê thảm, dù trường đã luyện thi cho các em 10 tuần với mức thu hơn bốn triệu đồng. Cụ thể, ở môn tiếng Anh, cả 8/8 lớp có tỷ lệ HS dưới trung bình ở mức 60-98%, trong đó tỷ lệ HS dưới điểm 3 rất cao, nhiều lớp chỉ có một-hai HS đạt trung bình. Ở môn toán, 5/9 lớp có tỷ lệ dưới trung bình từ 75-86%...

Thầy Huy cũng khẳng định: “Sau 10 tuần ôn tập, lấy hơn bốn triệu đồng của HS mà có những lớp chỉ vài em đạt điểm 5 là không thể chấp nhận”.

Thực tế, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường vẫn lên đến 98,43% (tỷ lệ chung của thành phố là 95,39%) là nhờ điểm trung bình chung các môn năm lớp 12 cao (điểm trung bình chung các môn năm lớp 12 chiếm 50%, điểm trung bình bốn môn thi THPT quốc gia chiếm 50%).

“Vậy thì chỉ cần tìm cách “đẩy” kết quả học tập trong năm lên cao là sẽ có tỷ lệ tốt nghiệp đẹp”- thầy Thanh nói. 

Tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi nhận ra, sự thay đổi điểm số của HS các lớp 12 ở Trường THPT Thủ Thiêm năm 2015-2016 là cực kỳ… ngoạn mục. Ví dụ, lớp 12A5, ở HK I có 22/44 HS dưới trung bình môn toán (trong đó có bảy HS điểm từ 2,5 đến dưới 4,0); nhưng sang HK II, kết quả lên cao chót vót với 42 HS trên 7,0, trong đó 18 HS trên 8,0 và bốn HS trên 9,0. Hai HS có kết quả thấp nhất là 6,8. Không có HS dưới trung bình. Ở môn tiếng Anh và các môn khác, lớp khác, tình hình cũng tương tự.

Trong buổi làm việc với PH, ông Phạm Văn Nghĩa - Hiệu trưởng trường nói: “Những HS thi rớt sẽ được trả lại tiền”. Theo một số PH, điểm 5 là điểm trung bình, sao trường không cam kết con em họ sẽ đạt điểm 5 trong kỳ thi quốc gia, mà chỉ dám cam kết đậu tốt nghiệp?

Còn nhớ, đầu năm học 2016-2017, Trường THPT Thủ Thiêm từng ấn định những khoản thu vô căn cứ như: hiện đại hóa phòng học (300.000đ/tháng), giấy thi (60.000đ/HK), học chuyên đề 340.000đ (khối 12) và 180.000đ (khối 10), chứng chỉ tin học (805.000đ)…

Sau khi bị PH phản đối, báo chí lên tiếng, trường ngừng thu. Giờ lại đến hai khoản thu luyện thi, đặc biệt là khoản vận động PH “hỗ trợ” 6.000đ/tiết dạy chính khóa, đã tiếp tục khiến PH và cả GV cũng bất bình. 

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI