Chuyển từ trường “tốp dưới” đến trường “tốp trên”
Khi xem danh sách tiếp nhận học sinh có nguyện vọng xin chuyển đến tại một trường THPT có tiếng khu vực trung tâm TPHCM trong năm học này, phóng viên đã cực kỳ ngạc nhiên khi trong số gần 20 trường hợp chuyển đến trường đều đến từ các trường THPT thuộc “tốp dưới”. Tức là, nếu so sánh điểm chuẩn đầu vào tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023 thì để thi tuyển vào trường này những học sinh đó sẽ “rớt ngay từ vòng gửi xe”.
“Việc học sinh xin chuyển đến là nguyện vọng của các em, nếu nhà trường còn khả năng tiếp nhận và trường THPT nơi các em theo học giải quyết cho các em chuyển đi thì nhà trường sẽ nhận. Khi nhận các em vào học, nhà trường đều phải xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho các em mới đủ khả năng theo học…”- đại diện nhà trường chia sẻ.
|
Nhiều trường THPT "phát sốt" khi học sinh chuyển trường (hình minh hoạ) |
Phó hiệu trưởng một trường THPT ở quận 5 chia sẻ, năm học nào cũng vậy, ngay sau khi kết thúc học kỳ 1 nhà trường luôn nhận được hàng chục trường hợp học sinh lớp 10 đề nghị chuyển trường. Các trường THPT học sinh có nguyện vọng chuyển đến cũng không quá cách xa trường đang học, thậm chí là cùng trong một quận.
“Trường hợp phụ huynh học sinh có nguyện vọng chuyển trường, nhà trường sẽ mời vào làm việc. Theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT, nếu lý do phụ huynh đưa ra xét thấy hợp lý, chính đáng thì sẽ giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Thế nhưng, thực tế đôi khi nếu không giải quyết phụ huynh sẵn sàng “ăn vạ”, nhờ đủ cách can thiệp song nếu chỉ cần giải quyết 1 trường hợp thì có khi chỉ sau 1 học kỳ trường sẽ mất đi 1 lớp 10, tương đương với 45 học sinh”- vị này ngậm ngùi.
Bà đánh giá, theo tìm hiểu thì việc chuyển trường chủ yếu tập trung ở những trường có điểm tuyển sinh lớp 10 thấp. Còn ở các trường tốp trên, tình trạng này rất hiếm…
“Phát sốt” với vấn đề học sinh xin chuyển trường giữa học kỳ 1, ông Vũ Quốc Phong - Giám đốc, Hiệu trưởng Phân hiệu THPT Lê Thị Hồng Gấm chia sẻ, vào những thời điểm nóng ông thậm chí phải tắt điện thoại để tránh những cuộc gọi xin chuyển trường, nhờ can thiệp…
“Từng có thời điểm trường được xem là “sân sau” của một số trường THPT lân cận có mức điểm chuẩn đầu vào cao hơn. Cứ học xong một học kỳ, phụ huynh học sinh ồ ạt làm đơn xin chuyển đi đến các trường THPT lân cận. Thời đó, giải quyết xong là “rỗng” cả trường, có khi chuyển đi những 2 lớp trong khi sĩ số cả trường chỉ có hơn 1.000 học sinh” - ông Phong nhớ lại.
Theo hiệu trưởng này, đa phần các trường hợp học sinh xin chuyển đi đều có nguyện vọng xin chuyển đến những trường THPT có điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào cao hơn. Trong khi đó, điểm chuẩn đầu vào của trường lại thuộc tốp cuối của thành phố. “Sự chênh lệch về điểm số này liệu rằng khi nhà trường giải quyết nguyện vọng cho phụ huynh học sinh thì các em có đủ năng lực để theo học đường dài hay không, như vậy là phụ huynh đã đảm bảo quyền lợi cho các em hay chưa?...” - ông Phong đặt vấn đề.
“Siết” chuyển trường để loại bỏ tư duy chọn nguyện vọng “lót” khi thi tuyển sinh 10
Ông Nguyễn Thanh Tòng - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc (huyện Bình Chánh) - thừa nhận có thực trạng phụ huynh học sinh ngay từ ban đầu thi tuyển sinh 10 có quan niệm rằng đăng ký nguyện vọng vào trường cho dễ đậu, sau đó học một học kỳ xin chuyển đến trường THPT có điểm chuẩn cao hơn, ở những khu vực được đánh giá là tốt hơn… Có những học sinh ở tận nơi xa mà đặt nguyện vọng thi tuyển sinh vào trường và làm đơn xin chuyển trường với lý do nhà xa, gây rất nhiều khó khăn cho đơn vị.
“Sở GD-ĐT TPHCM cần phải quyết liệt hơn nữa về vấn đề học sinh chuyển trường, khắc phục ngay từ khâu đầu vào, gạt tên những học sinh ở nơi xa khi đăng ký tuyển sinh không phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận giáo viên chủ nhiệm lớp 9 cũng có quan điểm, tư duy như vậy, gây khó khăn cho nhiều trường THPT. Cần phải làm thế nào đó để phụ huynh không nghĩ rằng cho con em mình học tạm ở trường đó trong một học kỳ rồi xin chuyển” - ông Tòng kiến nghị.
|
Các trường sẽ siết chuyển trường để hạn chế việc phụ huynh học sinh chọn nguyện vọng "lót" trong thi tuyển sinh lớp 10 |
Ông Vũ Quốc Phong - Giám đốc, Hiệu trưởng Phân hiệu THPT Lê Thị Hồng Gấm - cho biết, hiện nay trường cũng đang “tự cứu mình” bằng cách siết mạnh việc chuyển trường của học sinh khối 10. Trong hầu hết các trường hợp, nhà trường kiên quyết không giải quyết nếu không phải thực sự xuất phát từ những khó khăn chính đáng của phụ huynh, học sinh theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT, không cả nể…
“Vài năm nay, từ con số hàng chục học sinh xin chuyển đi đến nay mỗi năm chỉ còn lác đác vài trường hợp. Việc ổn định sĩ số học sinh giúp việc dạy và học của trường ngày càng đi vào nền nếp, giáo viên cũng không còn quá tâm tư, chất lượng giáo dục của trường được từng bước nâng cao”- ông Phong đánh giá.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - xác nhận có tình trạng phụ huynh học sinh khi đăng ký nguyện vọng trong thi tuyển sinh vào lớp 10 thì đăng ký nguyện vọng “lót” vào những trường có điểm chuẩn thấp để dễ trúng tuyển. Sau đó học một học kỳ thì làm đơn xin chuyển trường đến những trường có điểm chuẩn cao hơn…
Thời gian qua, Sở luôn có chỉ đạo để hạn chế thực trạng này. Trên bản đồ GIS - bản đồ số về đăng ký nguyện vọng liên quan đến khoảng cách di chuyển, nếu Sở muốn khoá có nguyện vọng xa nhà thì rất dễ song liên quan đến các vấn đề xã hội…
“Hàng năm, Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Sở luôn hướng dẫn các trường yêu cầu phụ huynh học sinh phải làm bản cam kết không được chuyển trường trong quá trình học khi đăng ký nguyện vọng vào các trường THPT cách xa nhà. Trường hợp học sinh lớp 10 có nguyện vọng chuyển trường, các trường THPT có thể liên hệ với trường THCS trước đó học sinh theo học để tìm hiểu về vấn đề này, trao đổi với phụ huynh, xem xét giải quyết nếu phụ huynh, học sinh gặp khó khăn thực sự” - ông Nguyễn Bảo Quốc gợi ý.
Quốc Trung