Khó tìm được trường phù hợp
Dự kiến năm nay, Hà Nội có khoảng 102.349 học sinh lớp Chín tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp Mười công lập. Sở GD-ĐT Hà Nội giao cho 113 trường THPT công lập 71.020 chỉ tiêu. Còn lại 31.329 học sinh sẽ phân bổ vào các trường THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường nghề.
Như vậy, học sinh có 4 lựa chọn cho hướng học tập sau THPT. Tuy nhiên, anh Nguyễn Trung Thống (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) cho biết, nếu con gái anh không đậu lớp Mười công lập, muốn được học gần nhà thì ở huyện chỉ có trung tâm giáo dục thường xuyên, muốn theo học ngoài công lập thì phải qua học ở huyện Thanh Oai hoặc huyện Thanh Trì mới có trường, mà các trường này đều cách xa nhà.
|
Trường THPT Phùng Hưng là trường THPT ngoài công lập duy nhất trên địa bàn huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Trường đã phải dừng tuyển sinh từ năm 2023 do không đảm bảo về cơ sở vật chất |
Gia đình anh Trần Nhật Minh (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) cũng đang lo lắng về kỳ thi vào lớp Mười và cả những phương án “nếu trượt” cho con trai.
Anh Minh chia sẻ: “Các trường quốc tế là chắc chắn gia đình tôi không dám nghĩ đến. Nhóm trường ngoài công lập có mức học phí khoảng 2-3 triệu đồng/tháng và các khoản đóng góp khác phù hợp với thu nhập thì đến nay gia đình tôi vẫn chưa chọn được. Lý do là chất lượng giáo dục và cả cơ sở vật chất ở một số trường nhóm này chưa thuyết phục được gia đình tôi.
Còn những trường ngoài công lập có tiếng ở nội thành thì mức học phí 4-6 triệu đồng/tháng lại là quá sức so với thu nhập của 2 vợ chồng, vì ngoài học phí còn nhiều khoản phải đóng, phải chi khác. Nếu có 2-3 đứa con đang đi học là rất khó khăn”.
Theo mức học phí và những khoản thu khác được các trường ngoài công lập có chất lượng tốp đầu đăng tải trên trang web của trường, mức “đầu tư” của cha mẹ cho việc học của 1 đứa con từ 8-10 triệu đồng/tháng.
Năm học 2024-2025, học phí của Trường THPT Marie Curie là 60 triệu đồng/năm, phí ăn uống 12 triệu đồng/năm, tăng cường tiếng Anh quốc tế 1.200 USD/năm; hỗ trợ cơ sở vật chất 2 triệu đồng/năm…
Học phí hệ chuẩn của Trường THCS - THPT Tạ Quang Bửu trong năm học 2024-2025 là 42 triệu đồng/năm, hệ tiếng Anh là 61 triệu đồng/năm, hệ toán - tin là 65 triệu đồng; các năm học sau, mức học phí sẽ tăng lên (45-71 triệu đồng đối với lớp Mười một, 49-78 triệu đồng đối với lớp Mười hai…).
Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh có mức học phí 45,5 triệu đồng/năm, phí nhập học 15 triệu đồng, phí phát triển trường 9-11 triệu đồng, học phí chương trình bổ trợ 5 triệu đồng/năm; chưa kể học phí bán trú (tăng cường các môn chuyên đề, chương trình tin học văn phòng quốc tế chứng chỉ M.O.S, phí dịch vụ xe, ăn trưa…).
Học phí bậc THPT của Hệ thống giáo dục M.V.Lômônôxốp là 40 triệu đồng/năm học, lớp chuyên là 43,5 triệu đồng, lớp tăng cường tiếng Anh là 65 triệu đồng, lớp bổ trợ tiếng Anh 2 tiết/tuần là 44,5 triệu đồng, lớp ngoại ngữ 2 là 43,5 triệu đồng. Ngoài ra còn các khoản đóng góp khác như tiền hỗ trợ xây dựng và phát triển trường 2,5 triệu đồng/năm, tiền bán trú 13,1 triệu đồng/năm…
Cần nâng cao chất lượng giáo dục
Hà Nội hiện có hơn 100 trường THPT ngoài công lập. Năm học 2024-2025, Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ giao cho 88 trường ngoài công lập tuyển 30.961 học sinh.
Bởi còn khoảng 20 trường chưa đủ điều kiện tuyển sinh (không hoàn thiện hồ sơ về cấp phép hoạt động giáo dục; điều kiện cơ sở pháp lý về hợp đồng thuê mượn địa điểm; cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đảm bảo đúng quy định; nhiều trường chưa hoàn thiện hệ thống tuyển sinh trực tuyến) như trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Chương Mỹ), Lê Hồng Phong (quận Hà Đông), Trần Thánh Tông (Nam Từ Liêm), Đặng Thai Mai (Sóc Sơn), Đa Trí Tuệ (Cầu Giấy)…
Nhiều ý kiến cho rằng đang có sự chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các trường công cũng như trong hệ thống các trường ngoài công lập. Chúng ta không thể xóa bỏ sự chênh lệch nhưng có thể rút ngắn dần khoảng cách và nâng cao chất lượng các trường.
Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đánh giá kết quả giáo dục (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) - nhận định: Hà Nội không thiếu chỗ học, nhưng có những năm phụ huynh phải xếp hàng từ tờ mờ sáng để xếp hàng nộp hồ sơ cho con là vì sự chênh lệch chất lượng.
Để lấp đầy khoảng trống này, không thể chỉ bằng cách dồn sức vào dạy và học để thi. Điều cần sự cải tổ ở cả trường THCS và THPT, đặc biệt là sự quản trị chất lượng toàn diện, minh bạch.
Theo bà Đoàn Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Phenikaa - để rút ngắn khoảng cách giữa trường công và trường tư, phát triển trường ngoài công lập, giảm áp lực về chi phí học tập cho phụ huynh, Nhà nước có thể có những chính sách hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho học sinh, nhất là với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc thành tích xuất sắc.
Bà cũng mong muốn Nhà nước có thể cung cấp các gói hỗ trợ tài chính để các trường ngoài công lập có vốn xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Các trường ngoài công lập cũng cần đảm bảo liên tục cải thiện chương trình dạy học, phương pháp giảng dạy - chất lượng giáo dục phải được đặt lên hàng đầu.
Bên cạnh đó cần tạo môi trường học tập sáng tạo, tích cực; cần có những chương trình, hoạt động ngoại khóa, dự án nghiên cứu để phát triển tài năng và kỹ năng cho học sinh. Bởi chỉ bằng cách cung cấp chất lượng giáo dục tốt, đội ngũ giáo viên chất lượng và môi trường học tập tích cực mới có thể nâng cao uy tín của trường.
Ngọc Minh Tâm