Mặc dù bị cán bộ, giáo viên (GV) phản ứng kiểu ký hợp đồng bất lợi cho trường, nhưng tháng 9/2017, ông Đào Phi Trường, Hiệu trưởng Trường THPT Long Trường tiếp tục ký hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ THT.com cung cấp suất ăn bán trú cho 350-450 học sinh với nhiều điều khoản có lợi cho đối tác, bất lợi cho trường.
Hợp đồng… lạ lẫm
Các GV chỉ rõ, ở hợp đồng cung cấp suất ăn này, trường “giành” nắm phần lưỡi. Cụ thể, Công ty THT.com được sử dụng địa điểm của trường làm nơi nấu nướng cung cấp suất ăn cho học sinh mà suốt thời gian dài không phải đóng góp cho trường, trừ tiền điện, nước. Các GV dẫn chứng, hầu hết các trường khác khi cho thuê bãi xe, căng-tin hay hợp đồng suất ăn đều phải đóng góp chi phí cho công tác quản lý, phục vụ của cán bộ - nhân viên nhà trường. Số tiền này thường được góp vào quỹ phúc lợi. Đằng này, trường đã làm không công mà còn có khả năng “ôm nợ”.
|
Địa điểm của trường làm nơi nấu nướng cung cấp suất ăn cho học sinh mà suốt thời gian dài công ty không phải đóng góp cho trường. |
Khả năng ôm nợ nằm ở điều khoản “lạ lùng”: nếu hết hạn hợp đồng mà không tiếp tục ký lại thì trường phải “bồi thường” bằng cam kết mua lại hoặc sang nhượng cho bên thứ ba toàn bộ tài sản mà công ty này đã đầu tư sau khi đã khấu hao. Giá trị tài sản mà công ty đầu tư được ghi trong hợp đồng là 387 triệu đồng và khấu hao từ ngày 10/12/2015, theo công thức mỗi năm trừ 10%.
GV đặt nghi vấn: do hiệu trưởng không hiểu hay cố tình không hiểu để tư lợi khi đặt bút ký một hợp đồng bất lợi như vậy? Giả sử vì lý do nào đó, chẳng hạn phụ huynh không chấp nhận suất ăn của công ty này, hoặc công ty vi phạm điều khoản trong hợp đồng, đến đầu năm 2020 hiệu trưởng hết nhiệm kỳ thì nếu hiệu trưởng kế nhiệm không chịu ký tiếp, trường sẽ phải gánh thiệt hại? Khi đó, lấy tiền ở đâu để đền?
Trả lời Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Đào Phi Trường cho rằng: “Phụ huynh chỉ mua suất ăn 26.000 đồng, không thể cấn trừ vào khoản đó nữa. Sau khi phía công ty thấy họ có lời đã tự nguyện đóng góp 8 triệu đồng/năm cho nhà trường, điều này thể hiện trong phụ lục hợp đồng 2019. Trước đó, họ đóng góp theo hình thức trao học bổng cho học sinh 4 triệu đồng/học kỳ. Chứ nói họ không đóng góp gì cho trường là không đúng”.
Thực tế, điều khoản ràng buộc Công ty THT.com đóng góp 8 triệu đồng/năm cho trường chỉ có từ phụ lục hợp đồng ký ngày 27/10/2019 và khi đó giá suất ăn được điều chỉnh thành 26.000 đồng/suất. Còn trước đó, trong hợp đồng chính thức lẫn phụ lục hợp đồng ký tháng 10/2018 điều chỉnh giá suất ăn lên 25.000 đồng không có điều khoản nào thể hiện như vậy.
Khi thủ quỹ đưa chứng từ phiếu thu để minh chứng cho việc Công ty THT.com đóng góp học bổng 4 triệu đồng/học kỳ cho trường thì chỉ có: phiếu thu ngày 5/10/2017 đóng 4 triệu đồng với nội dung đóng góp quỹ khuyến học; phiếu thu ngày 20/11/2018 đóng 4 triệu đồng, nội dung đóng tiền cho trường đợt 1 năm học 2018-2019. Khi chúng tôi thắc mắc tại sao có năm họ chỉ đóng 4 triệu đồng? Thủ quỹ cho biết, vì không ràng buộc nên họ muốn đóng góp bao nhiêu thì tùy.
Chúng tôi thắc mắc nhà trường có chứng từ hay biên bản thẩm định chứng minh giá trị cơ sở vật chất mà phía Công ty THT.com đầu tư đúng với số tiền gần 387 triệu đồng mà hiệu trưởng ký vào hợp đồng không? Ông Trường trả lời: “Tôi đâu có dại gì giữ giấy tờ chứng từ đó. Họ có giấy tờ, mình thấy nhưng không lưu, trả về để phía công ty giữ. Còn khi nào cảm thấy có vấn đề thì kêu họ đem ra, khi đó sẽ thẩm định…”. Như vậy, chưa có cuộc định giá, nghiệm thu chính thức về giá trị cơ sở vật chất mà phía đối tác đầu tư thì hiệu trưởng đã ký vào hợp đồng.
“Gu” thích làm trễ?
Theo phản ánh của GV, từ khi ông Trường về trường này đến nay, hầu như năm nào cũng tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức trễ so với quy định. Trả lời vấn đề này, ông Trường thừa nhận đúng là trường tổ chức họp trễ so với quy định.
Như năm học này, ngành quy định hạn chót phải họp là ngày 15/11 nhưng trường đến ngày 23/11 mới tổ chức là do lịch công tác của trường không khớp với Sở GD-ĐT nên bị trễ. GV cho biết, đây là năm trễ ít nhất trong 5 năm ông Trường về trường này. Có năm đến tận giữa năm học, thậm chí có năm đến gần cuối năm học. Khi đó, mọi hoạt động đã xong thì còn bàn bạc, đề ra phương hướng gì nữa.
Trễ hạn dường như là “gu” điều hành của vị hiệu trưởng này khi mà căng-tin hoạt động từ ngày 1/1/2018 nhưng đến ngày 11/4/2018 mới ký hợp đồng. Theo phản ánh của GV, việc trễ ký hợp đồng bốn tháng sẽ gây thất thoát cho nguồn quỹ của trường. Hợp đồng cung cấp suất ăn cũng khó hiểu không kém, dù ngày ký là tháng 9/2017 nhưng ngay trong hợp đồng lại thể hiện có hiệu lực kể từ ngày 14/8 cùng năm. Mà ngày ký hợp đồng thực ra chỉ có thể tìm thấy trong các phụ lục sau đó, chứ trong hợp đồng cũng để trống ngày, tháng.
Ngoài ra, GV còn cho biết: “Theo báo cáo tài chính, năm học 2018-2019, quỹ 20% của tiền thu buổi hai được dành chi cho các hoạt động khác đã bị âm gần 90 triệu đồng nhưng lãnh đạo nhà trường không giải trình được”. Về vấn đề này, ban đầu ông Trường nói sẽ để kế toán giải thích. Tuy nhiên, sau đó ông cho biết về tài chính, ông không dám phát ngôn, phải đưa lên cơ quan chủ quản là Sở GD-ĐT TP.HCM (?!).
Gia Tuệ