Nhiều học sinh lớp 12A9 Trường THPT Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh, TP.HCM) “tố” thầy chủ nhiệm thường xuyên phạt các em đứng ở cuối lớp cho đến khi phụ huynh vào làm việc, xin lỗi thầy. Ngoài ra, các em còn cho rằng, thầy hay áp đặt suy nghĩ lên học sinh, dùng giờ dạy vật lý để sinh hoạt lớp, khiến các em cảm thấy nặng nề, nhiều em phải xin chuyển lớp.
|
Học sinh Trường THPT Lê Minh Xuân |
Gây ức chế cho học sinh
Vừa tỉnh lại sau ca phẫu thuật cắt bỏ lá lách sau tai nạn giao thông, em L., học sinh (HS) lớp 12A9 than với gia đình: “Con buồn quá mẹ ơi, lớp 12 rồi mà con phải chứng kiến hết bạn này đến bạn kia xin chuyển lớp. Thầy Giang (Nguyễn Đức Trường Giang) chủ nhiệm hay áp đặt suy nghĩ lên tụi con. Khi thầy nói sai, HS có ý kiến hay yêu cầu thầy giải thích thì thầy cho là vô lễ.
Mỗi lần gặp thầy là con căng thẳng, mất tập trung. Bị tai nạn là lỗi do con, nhưng thật tình là trong lúc chạy xe, đầu con cứ lan man nghĩ đến chuyện của thầy, của lớp nên mất tập trung dẫn đến lạc tay lái, bị xe tải đụng. Con không muốn nhìn thấy cảnh bạn bè phải chuyển lớp nữa, mà tiếp tục học thầy thì con sợ quá”.
Theo phản ánh của một số HS lớp 12A9, vào năm học 2017-2018, thầy Giang phát cho mỗi HS một tờ giấy nội dung đề cập vấn đề xử lý vi phạm do thầy đề ra và lớp cũng thống nhất. Theo quy ước, mỗi HS trong lớp có 0 đồng. Từng tháng, mỗi vi phạm của HS sẽ bị trừ 10đ; mỗi lần được điểm 8 trở lên, hoặc được giáo viên (GV) tuyên dương, hoặc tham gia hoạt động của trường lớp sẽ được cộng 10đ.
Cứ sau mỗi tháng, HS nào bị trừ 10đ sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm. Nhưng sau đó, thầy đưa ra một hình thức xử lý khác. Cứ mỗi lần vi phạm, HS sẽ bị phạt đứng các tiết trong ngày tới khi nào phụ huynh vào làm việc với thầy và HS nhận lỗi với thầy thì thôi.
Vào chiều thứ Năm ngày 7/9/2017, em T.T. nghỉ học và sáng hôm sau đã nộp đơn xin phép theo đúng quy định nhưng vẫn bị thầy Giang phạt đứng và mời phụ huynh vào làm việc ngày 12/9. Khi phụ huynh vào làm việc, thầy Giang không đưa ra được lý do phạt T. nhưng sau đó, T. vẫn chưa được ngồi vì lý do ra sân thể dục trễ.
|
Trường THPT Lê Minh Xuân |
Sau khoảng hai tuần, phụ huynh em T. lại lên làm việc với thầy Giang. Do thầy không giải thích được lý do phạt HS trong thời gian dài nên phụ huynh yêu cầu được chuyển lớp. Nhưng phải sau hơn một tháng đi tới đi lui, em T. mới được chuyển lớp.
Chị T.H., phụ huynh em Đ., kể: “Con tôi từ một đứa ngoan, học khá giỏi, được bầu làm lớp phó học tập nhưng chỉ sau nửa năm lớp 12 tôi thấy nó cứ ngồi lẩm bẩm một mình. Hỏi ra mới biết nó sợ thầy, trước khi vào lớp phải tưởng tượng ra các tình huống có thể xảy ra và cách đối phó.
Đ. được bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn lo âu. Tôi là thành viên Ban Đại diện cha mẹ HS lớp 12A9 nhưng không thể giải quyết được vấn đề của con mình sau nhiều lần gặp thầy chủ nhiệm, cho nên tôi quyết định xin chuyển lớp cho con. Nhưng nói thiệt là thấy thương tụi nhỏ còn lại”.
Còn Đ. thì cho rằng, mâu thuẫn giữa em và thầy Giang bắt đầu từ năm lớp 11, lúc đó thầy là GV dạy vật lý. Vào ngày 24/10/2016, thầy Giang có lên lớp và cho lớp kiểm tra đột xuất. Vì Đ. là lớp phó học tập nên đã thay mặt các bạn ý kiến rằng, thầy đã hứa với lớp hôm nay không làm kiểm tra do mới đi ngoại khóa về. Nhưng thầy Giang vẫn cho cả lớp kiểm tra và đọc đề nhanh đến mức HS viết không kịp. Và thầy không chịu đọc lại lần hai.
Khi làm bài, HS thấy có quá nhiều vấn đề mà thầy chưa dạy nên Đ. đã thay mặt các bạn phản ánh lại với thầy. Sau đó, thầy Giang cho dẹp hết bài kiểm tra và yêu cầu lớp trưởng làm bản tường trình vụ việc Đ. vô lễ với thầy. “Sau lần đó, có đôi lần em phản bác lại ý kiến của thầy, em cũng đã xin lỗi” - Đ. cho biết.
Do nóng lòng muốn răn dạy học sinh
Cuối tháng 12/2017, thầy Giang cho lớp tự xét hạnh kiểm học kỳ I sau khi thầy đã tự quyết hạnh kiểm và đưa GV bộ môn thống nhất. “Em được loại khá. Bạn K. loại trung bình. Nhưng đến buổi họp phụ huynh thì hạnh kiểm của tụi em được tăng một bậc. Thầy Giang nói rằng, thầy đã năn nỉ hội đồng trường để nâng hạnh kiểm tụi em lên. Trong khi thực tế là do thầy hiệu trưởng có triệu tập GV trong hội đồng trường yêu cầu xếp lại hạnh kiểm cho lớp tụi em”, Đ. nói.
K., một HS hay có ý kiến và phản ứng với thầy Giang, kể: “Ban đầu hạnh kiểm của em bị hạ xuống trung bình vì tội nhiều lần “vô lễ”. Quá bức xúc nên mẹ em đã lên trường nộp đơn xin chuyển lớp”.
Cũng theo phản ánh của HS, thầy Giang còn thỉnh thoảng lấy giờ dạy môn vật lý để sinh hoạt các nội dung chủ nhiệm. Trong thư phản ánh, một HS kể: trong tiết vật lý ngày 7/9, thay vì dạy chuyên môn thì thầy dùng để giải quyết vấn đề của một HS nghỉ học nhiều lần.
Tại đây, thầy yêu cầu tịch thu điện thoại và đôi co qua lại với HS. Đến giờ ra chơi thì lại bắt HS ngồi lại học bù. Ngoài ra, HS còn phản ánh trong xử phạt thầy Giang đã thiên vị với những HS có học thêm với thầy.
Làm việc với chúng tôi, thầy Nguyễn Đức Trường Giang thừa nhận do nóng lòng muốn răn HS lớp chủ nhiệm nên có đặt ra hình phạt bắt HS đứng nếu các em không ngoan, hay vi phạm… và có nhờ giáo viên một số bộ môn khác như văn, Anh văn thực hiện như vậy. Tuy nhiên, theo thầy Giang, thời gian chịu phạt không kéo dài nhiều tuần liền mà chỉ kéo dài vài ngày và cũng đã ngừng không xử phạt theo cách này nữa. Và thầy chỉ lấy khoảng 5 phút giờ dạy lý để sinh hoạt khi đã dạy xong bài.
Ông cho biết, ông không có trung tâm dạy thêm như HS nói mà chỉ là người dạy thuê tại trung tâm. Đối với việc thiên vị với những HS đi học thêm (không phạt khi nhuộm tóc, vi phạm nội quy trường), thầy Giang lý giải là vì những em này đã bị giám thị nhắc nhở, xử phạt và có khắc phục.
Thầy Giang cho rằng, những vấn đề xảy ra tại lớp 12A9 đều xuất phát từ HS tên K.: “Em này thường xuyên để ý những gì GV nói để bắt bẻ, tỏ vẻ chống đối và lôi kéo các em khác. Em K. hiện đang xin chuyển lớp nhưng nếu em tiếp tục ở lại học, tôi vẫn sẽ đối xử bình thường”.
Thật quá vô lý khi cho rằng, mọi sự rắc rối của lớp đều xuất phát từ sự lôi kéo của một HS. Vậy thì vai trò quản lý, giáo dục của GV chủ nhiệm ở đâu? Đó là chưa kể, trong lớp 12A9 do thầy Giang chủ nhiệm, không phải chỉ một mà có đến 3-4 trường hợp xin chuyển lớp chỉ vì mâu thuẫn với thầy. Thiết nghĩ thầy Giang hãy coi lại mình trước khi trách cứ hay đổ lỗi cho học trò.
Ông Hồ Xuân Phúc - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Minh Xuân - quả quyết: “Tôi khẳng định, trường không có quy định phạt HS đứng khi vi phạm. Khi nghe GV bộ môn cho biết và có HS xin chuyển lớp, nhà trường đã lập tổ kiểm tra để xử lý vụ việc, thậm chí đem ra nhắc nhở, giải quyết vấn đề này tại cuộc họp của hội đồng trường. Bản thân thầy Giang đã hứa sửa chữa.
Thầy trò trong quá trình dạy học cũng có lời qua tiếng lại, các em HS đôi khi đã có lời lẽ không đúng, nhưng thầy có khi lại để bụng mới thành ra chuyện. Chúng tôi đang cân nhắc hướng giải quyết làm sao để ổn thỏa chứ không thể để HS chuyển lớp hoài được, nhất là đã vào học kỳ II”.
Còn ông Lê Việt Cang - Tổ trưởng bộ môn sử, chi ủy viên phụ trách mảng pháp chế của trường - nói: “Hội đồng cũng cân nhắc đến phương án hoặc giải quyết cho những HS có yêu cầu chuyển lớp hoặc đổi GV chủ nhiệm. Tuy nhiên, muốn vậy phải sắp xếp lại lịch của hầu hết GV dạy khối 12, nên cần thời gian.
Việc xếp hạnh kiểm HS không thể một mình GV chủ nhiệm tự quyết, chính hội đồng trường đã họp riêng về trường hợp lớp 12A9, yêu cầu thầy Giang xem xét lại đánh giá trước đó”.
|
Gia Tuệ