Trường THPT Gò Vấp tùy tiện thu vượt hàng tỷ đồng của học sinh

31/07/2014 - 06:30

PNO - PN - Trường THPT Gò Vấp thực hiện mô hình dạy học hai buổi nhưng lại cố tình lập lờ thành một buổi để thu nguồn lợi “khủng” từ tiền tăng tiết của học sinh.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nguồn thu khổng lồ

Báo Phụ Nữ nhận được phản ánh, Trường THPT Gò Vấp vốn là trường dạy theo mô hình thí điểm hai buổi/ngày từ nhiều năm nay. Dù chưa được Sở GD-ĐT TP.HCM cho phép chuyển sang hình thức dạy một buổi, nhưng hiệu trưởng trường là bà Chu Thị Phước Mỹ đã tự ý thông báo giảng dạy và thu tiền theo hình thức một buổi.

Trong suốt năm học 2012-2013 cho đến hết học kỳ I năm học 2013-2014, hiệu trưởng tự “biến” trường thành trường dạy một buổi và thu học phí một buổi. Thế là buổi học còn lại trở thành thời gian dạy tăng tiết và thu tiền bồi dưỡng văn hóa (BDVH) ngoài giờ mà Sở GD-ĐT TP.HCM không biết, phụ huynh cũng chẳng hay.

Trong thông báo các khoản thu hàng tháng cho phụ huynh học sinh (PHHS) trong năm học 2012-2013, nhà trường chỉ thu học phí theo quy định của trường dạy một buổi là 30.000đ/tháng/HS; PHHS không phải đóng học phí buổi thứ hai. Nhưng số tiền tăng tiết ở buổi thứ hai trở thành tiền BDVH lên đến 300.000đ/tháng/HS đối với HS khối 10 và 11; 350.000đ/tháng/HS đối với HS khối lớp 12.

Truong THPT Go Vap tuy tien thu vuot hang ty dong cua hoc sinh

Học sinh trường THPT Gò Vấp từng bị thu tiền tăng tiết trong năm học 2012 - 2013

Năm học 2013-2014, UBND TP.HCM có quyết định tăng học phí. Theo đó, học phí buổi thứ nhất với HS bậc THPT khu vực nội thành là 90.000đ/tháng và học phí buổi thứ hai là 120.000đ/tháng. Như vậy, tính luôn cả hai buổi học, mỗi HS chỉ phải đóng 210.000đ/tháng.

Thế nhưng, Ban giám hiệu Trường THPT Gò Vấp thu học phí chính thức 90.000đ và kèm theo số tiền BDVH như năm trước. Thành ra, mỗi HS khối 10 và 11 phải đóng 390.000đ/tháng, cao hơn quy định 180.000đ/tháng. Tương tự, HS lớp 12 phải đóng 440.000đ/tháng, cao hơn quy định đến 230.000đ/HS.

Làm một phép tính đơn giản, nếu mỗi HS chỉ cần đóng vượt quy định 200.000đ/tháng thì mỗi năm học (chín tháng) trường sẽ thu dư 1.800.000đ/HS. Trường THPT Gò Vấp có hơn 1.800 HS (số liệu năm học 2012-2013 là 1.881 em) thì số tiền thu vượt lên đến hàng tỷ đồng.

Làm thế nào để phân biệt được trường một buổi và hai buổi?

Trả lời thắc mắc của nhiều phụ huynh phản ánh với Báo Phụ Nữ: Làm thế nào để phân biệt trường tổ chức giảng dạy theo hình thức hai buổi với trường một buổi và các khoản tiền phải đóng giữa hai loại hình trường này, ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM tư vấn: Trước khi phụ huynh đăng ký chọn trường cho con, sẽ được phát miễn phí bảng giới thiệu hệ thống trường lớp tại TP.HCM. Phụ huynh có thể tham khảo, tìm hiểu thông tin.

Trong đó, hiển thị rõ thông tin mỗi trường là công lập hay ngoài công lập, trường dạy hai buổi hay một buổi, có tăng cường tiếng Anh không… Ngoài ra, thông tin học phí cũng được thể hiện rõ trong bảng hệ thống trường lớp.

Một giáo viên (GV) của trường bức xúc: “Không hiểu sao trường đang theo mô hình hai buổi lại chuyển thành một buổi, giải thích với PH xong thì đến giữa năm học 2013-2014 lại chuyển về thu theo kiểu hai buổi. PH lại thắc mắc, chúng tôi lại phải giải thích. Làm công tác chủ nhiệm mới hiểu hết, có những em đóng thêm vài ba trăm nghìn là chuyện thường, nhưng có nhiều em chỉ cần thêm vài chục nghìn đồng là cả vấn đề”. Một GV khác cho biết, do trường bị Sở GD-ĐT phát hiện làm sai nên phải quay về thu theo đúng mô hình hai buổi.

Thế nhưng, việc tùy tiện thu học phí chưa dừng ở đây. Khi đã “thừa nhận” là trường dạy hai buổi, ngoài khoản thu học phí công lập và học phí buổi thứ hai theo quy định thì trường này vẫn “đẻ” ra khoản BDVH là 230.000đ/tháng (mức thu với HS lớp 12). Vị chi, mỗi HS khối 12 vẫn đóng 440.000đ/tháng như trước.

Theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm học thêm của Bộ GD-ĐT thì các trường không được tổ chức dạy thêm đối với HS đã được nhà trường tổ chức dạy học hai buổi/ngày. Vấn đề khiến nhiều người bức xúc là trường đã cố tình lập lờ mô hình hai buổi thành một buổi để “tăng thu”. Với số tiền thu từ BDVH quá lớn, các khoản chi sẽ được sử dụng như thế nào?

Cán bộ quản lý hưởng gần 100 triệu đồng/năm?

Một GV dạy toán của trường cho biết: “Năm học 2012-2013, trường trả 158.000đ/tiết đối với số giờ dạy ngoài quy định. Đối với chương trình lớp 12, mỗi tuần có khoảng bốn tiết toán, cộng với tăng tiết thành ra mỗi lớp sẽ học khoảng bảy tiết toán/tuần. Số giờ dạy quy định với GV THPT là 17 tiết, dạy tăng tiết giỏi lắm chỉ được bốn lớp nữa là coi như kín lịch, khoảng 28 tiết/tuần, tối đa mỗi GV môn chính như toán có thêm 6-7 triệu/tháng từ tiền tăng tiết. Thế mà không hiểu sao khi kết toán cuối năm, kế toán lại cho biết là hiệu trưởng nói xin lại một khoản, chỉ trả 150.000/tiết”.

Với những GV “môn phụ” thì thù lao sẽ càng ít hơn. Những người trực tiếp đứng lớp thực hiện việc dạy tăng tiết chỉ được hưởng một phần không lớn. Vậy mà “thu nhập” của cán bộ quản lý từ nguồn BDVH lại rất “khủng”. Nhìn vào bảng thu nhập của một vị trong ban giám hiệu, khoản thu nhập có tên gọi “quản lý BDVH” trong vòng bốn tháng (tương đương một học kỳ) đã lên đến hơn 46 triệu đồng.

Trong khi, tổng số lương cả năm mà vị này được hưởng từ ngân sách chỉ trên dưới 60 triệu đồng. Điều này có nghĩa là khoản “thu nhập” từ công tác BDVH một năm học (chín tháng) nhiều gần gấp đôi so với lương một năm hành chính (12 tháng).

Ngoài ra, GV của trường còn “tố” bà hiệu trưởng Chu Thị Phước Mỹ chỉ đạo kế toán không đưa khoản tiền quản lý BDVH của ban giám hiệu trong năm học 2012-2013 và giảng dạy hè vào tính thuế thu nhập cá nhân.

Trước những thông tin trên, chúng tôi nhiều lần liên lạc đề nghị được làm việc với hiệu trưởng, ban giám hiệu nhà trường để tìm hiểu thêm về vụ việc mà các GV của trường phản ánh, nhưng đều bị từ chối với nhiều lý do không thuyết phục.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI