edf40wrjww2tblPage:Content
Trường Bình Phú, Q.6 còn nhiều điều chưa rõ ràng trong thu chi
Hội đồng trường: làm lấy có!
Theo Điều lệ trường THPT, Hội đồng trường (HĐT) là tổ chức chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động, huy động, giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường nhằm đảm bảo mục tiêu giáo dục. HĐT có nhiệm vụ quyết nghị về chủ trương sử dụng tài chính, tài sản; giám sát việc thực hiện các quyết nghị, việc thực hiện quy chế dân chủ và các hoạt động của nhà trường. Một năm, HĐT họp thường kỳ ít nhất ba lần nhưng khi cần và có 1/3 thành viên HĐT đề nghị thì Chủ tịch HĐT có quyền triệu tập họp để giải quyết những vấn đề phát sinh.
Vai trò và quyền hạn của HĐT là tối quan trọng, vậy mà lâu nay, tại trường THPT Bình Phú, cán bộ - giáo viên - công nhân viên không hề biết đến tổ chức này. Cho đến ngày 8/11/2014, trong đại hội công nhân viên chức của trường, khi giáo viên (GV) thắc mắc: “Có HĐT hay không, nó như thế nào, được thành lập khi nào, gồm những ai và hoạt động ra sao?” thì ông Trần Văn Việt - Hiệu trưởng nhà trường, trả lời: có HĐT và được thành lập năm 2008. GV ngớ ra vì không ai biết đến cái hội đồng ấy là gì, gồm những ai. Ông hiệu trưởng đưa ra danh sách chín thành viên HĐT, nhưng nhiều người nằm trong danh sách như thầy Hoàng Hoa Thám, cô Phạm Thị Mỹ Dung cũng không hề biết mình là thành viên. Ngoài ra, hai trong chín thành viên là thầy Thế Phi đã chuyển công tác năm 2009 và ông Tô Văn Phải (đại diện CMHS) đã nghỉ từ lâu.
Tại sao GV không biết đến HĐT và tại sao thành viên HĐT cũng không biết mình là thành viên? Theo quy định, cơ cấu HĐT bao gồm các đại diện Đảng, Ban giám hiệu, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, các tổ chuyên môn, đại diện CMHS... Các đại diện này phải được bầu chọn và giới thiệu từ cấp dưới lên trường, trường làm tờ trình đề nghị để Giám đốc Sở GD-ĐT ra quyết định thành lập. Thế nhưng tại trường THPT Bình Phú, CB-GV không ai biết quy định này, họ cũng chưa từng bầu chọn hoặc ứng cử vào HĐT. Ban giám hiệu tự ý hợp thức hóa HĐT như thế nào GV không biết.
Cũng theo quy định, HĐT có nhiệm kỳ hoạt động 5 năm. Nếu 2008 thành lập thì đến 2013 phải bầu lại, nhưng việc này cũng không được thực hiện. Tại hội nghị nói trên, ông Nguyễn Tấn Lộc - hiệu phó chuyên môn, phó bí thư chi bộ của Trường THPT Bình Phú, khẳng định: “Trường có HĐT nhưng không bầu bán và hoạt động chưa hiệu quả”.
Tập thể CB-GV-CNV Trường THPT Bình Phú cho rằng, việc Nhà nước quy định có HĐT là để giám sát, chế tài các hoạt động trong trường công lập được đúng đắn, minh bạch khi các trường được trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 43/2006. Thế nhưng hiệu trưởng đã cố ý làm trái quy định trong việc thành lập HĐT nhằm giành hết quyền kiểm soát mọi hoạt động của nhà trường để thực hiện ý đồ riêng.
Kiên quyết không công khai!
Ngoài ngân sách nhà nước cấp thì học phí buổi hai (thực chất là tiền dạy thêm - học thêm) là nguồn thu lớn nhất tại các trường THPT hiện nay. Theo thông tư liên bộ GD-ĐT và Tài chính số 16/TT-LB ngày 13/9/1993 cũng như Hướng dẫn liên sở GD-ĐT và Tài chính TP.HCM số 634/GDĐT-TC ngày 10/4/2008, việc thu học phí buổi hai nhằm phục vụ chủ yếu cho việc dạy học, cho nên hai văn bản trên quy định rõ: chi 80% nguồn thu cho thù lao GV trực tiếp giảng dạy, 15% chi quản lý, tổ chức học thêm, mua sắm tài liệu phục vụ; 5% trả tiền điện, nước, hao mòn tài sản phục vụ việc dạy thêm.
Dù mức thu theo quy định trên (từ 8.000-10.000đ/tháng/HS) là không còn phù hợp, nên những năm gần đây tại TP.HCM đã có thay đổi mức thu-chi, nhưng Sở GD-ĐT đã hướng dẫn rõ: chi cho GV trực tiếp giảng dạy không quá 65%, 15% chi cho bộ phận gián tiếp (gồm ban giám hiệu, giám thị, bảo vệ, nhân viên vệ sinh...), còn lại để chi cho cơ sở vật chất, phúc lợi. Ấy vậy mà, lâu nay, lãnh đạo Trường THPT Bình Phú đã không thực hiện theo chỉ đạo nói trên mà tự ý đem chia chác nguồn tiền này.
Cụ thể, trong năm học 2013-2014, học phí buổi hai được chi hỗ trợ công tác kiêm nhiệm cho 18 chức danh không liên quan đến hoạt động dạy thêm - học thêm, như: chủ tịch - phó chủ tịch - UV Ban chấp hành Công đoàn, trợ lý - phó trợ lý thanh niên, phụ trách Đảng vụ, trưởng ban - UV thanh tra nhân dân cho đến cả nhân viên quản lý hồ sơ GV, chủ tịch cựu chiến binh… với tổng số tiền lên đến 103 triệu đồng (chiếm 6,2% nguồn thu).
Kế tiếp, trường trích học phí buổi hai chi cho những hoạt động như: ngoại khóa - hướng nghiệp (hơn 45 triệu đồng), văn thể mỹ (hơn 47 triệu đồng), đoàn thanh niên (hơn 40 triệu đồng), cho dạy nghề (125 triệu đồng, chiếm 7,5%)… Những khoản chi nói trên là hoàn toàn không đúng mục đích. Nếu biết, đương nhiên phụ huynh cũng không bằng lòng.
Ngoài chi không đúng mục đích, việc chi tiêu nguồn học phí buổi hai cũng rất mập mờ. Ví dụ, học nghề là môn học trong chương trình chính khóa, lẽ ra ngân sách phải chi trả thì người ta lại dùng học phí buổi hai để trả lương cho GV dạy nghề. Khi tham gia hoạt động ngoại khóa - hướng nghiệp, cụ thể là đi nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ hay khu du lịch Vinh Sang, HS đã phải đóng tiền trọn gói cho công ty du lịch, vậy thì trường chi hơn 45 triệu đồng cho ngoại khóa - hướng nghiệp là chi vào đâu?
Mập mờ hơn, trong những khoản chi không đúng mục đích có các khoản “ngoại khóa - hướng nghiệp”, “đoàn thanh niên”, “văn thể mỹ” và “chi trả tiền cho nghiệp vụ chuyên môn” (theo báo cáo thu chi nguồn học phí buổi hai năm học 2013-2014), nhưng tại báo cáo quyết toán tài chính năm 2013, cụm từ “chi trả tiền cho nghiệp vụ chuyên môn” lại được giải thích là “ngoại khóa - hướng nghiệp, đoàn thanh niên, văn thể mỹ và chi khác” (?).
Vô lý hơn, người ta đã “vẽ” ra một khoản chi gọi là “phụ cấp thu chi”: 35 triệu đồng. GV đặt vấn đề: thu, chi là việc của kế toán và thủ quỹ, hai cán bộ này đã được hưởng thù lao qua khoản “chi cho bộ phận gián tiếp” (204 triệu đồng), vậy thì khoản “phụ cấp thu chi” là dành cho ai?
Đáng nói hơn, khi tập thể CB-GV đấu tranh, yêu cầu công khai toàn bộ các khoản chi cho bộ phận gián tiếp và quản lý (với tổng số tiền của năm 2013-2104 lên đến 335 triệu đồng, chiếm 20% tổng học phí buổi hai), thì hiệu trưởng nhà trường kiên quyết không công khai.
Như đã nói ở trên, các văn bản nhà nước quy định rõ: chi 80% nguồn thu cho thù lao GV trực tiếp giảng dạy, 15% chi quản lý, tổ chức học thêm, mua sắm tài liệu phục vụ; 5% trả tiền điện, nước, hao mòn tài sản phục vụ việc dạy thêm. Thế nhưng sau khi “hào phóng” chi cho nhiều đối tượng và chi cho nhiều mục, số tiền mà GV trực tiếp giảng dạy tại trường THPT Bình Phú được hưởng chỉ còn khoảng 46,7%, tương đương với 85.000 - 90.000đ/tiết, năm học 2013-2014.
Năm học 2014-2015, mức thu học phí buổi hai tăng lên 200.000đ/HS/tháng (mức trần theo quy định), Trường THPT Bình Phú dự kiến thu được gần ba tỷ đồng, trả cho GV trực tiếp giảng dạy từ 115.000 - 120.000đ/tiết (tỷ lệ chi cho GV giảm còn 43,7%), trong khi chi cho bộ phận quản lý là 296 triệu đồng (10%) và bộ phận gián tiếp là 296 triệu (10%). Bộ phận quản lý đương nhiên là Ban giám hiệu. Còn bộ phận gián tiếp là ai? Theo một tài liệu mà GV có được thì bộ phận gián tiếp gồm sáu người gồm hiệu trưởng, hai hiệu phó, hai kế toán và thủ quỹ. Nghĩa là, nếu kế hoạch này được tập thể thông qua thì nhóm sáu người này hưởng trọn 20% nguồn học phí buổi hai năm học 2014-2015 với 592 triệu đồng, đó là chưa kể khoản “phụ cấp thu chi” lên đến 45 triệu đồng.
Trước những bất công vừa nêu và rất nhiều những khuất tất khác, đến nay tập thể CB-GV-CNV Trường THPT Bình Phú đã không thông qua dự toán thu chi nguồn học phí buổi hai năm học 2014-2015, đồng thời đã có đơn kiến nghị đến Sở GD-ĐT, Thanh tra TP và UBND TP.HCM để yêu cầu các cơ quan kiểm tra, thanh tra làm rõ.
MINH NHẬT