Trường thiết kế giáo trình riêng, học sinh nhẹ đầu, thầy cô thêm sáng tạo

24/10/2023 - 18:15

PNO - Nhiều trường THPT tại TPHCM đã biên soạn và đưa vào sử dụng nguồn học liệu riêng khi giảng dạy Chương trình GDPT 2018.

Không còn khư khư cuốn sách giáo khoa (SGK) khi lên lớp như trước đây, từ năm học trước (năm học 2022-2023), thầy Phạm Đức Minh - giáo viên toán, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) lên lớp với cuốn tài liệu riêng do tổ bộ môn thiết kế. Với cuốn tài liệu này, thầy mạnh dạn thiết kế tiết học thoát ly ngoài SGK, tiết chế ở các nội dung khó. 

“Kiến thức môn toán trong chương trình mới khá nặng. Riêng ở khối 11, một số kiến thức lớp 10 và 12 cũ được đưa vào lớp 11. Việc tiếp thu kiến thức của học sinh nếu không có sự định hướng của giáo viên thì sẽ rất đuối”- thầy Minh nhận định. 

Theo thầy Minh, vai trò định hướng của giáo viên là cần thiết phải ngồi xuống để cùng biên soạn tài liệu riêng trong môn học. Trong đó, giáo viên trong tổ sẽ thống nhất về các phần kiến thức trong SGK, đánh giá nội dung nào cần phải đi sâu, nội dung nào nặng nề cần phải giảm tải bớt để học sinh giảm áp lực khi học tập.

Việc biên soạn tài liệu riêng giúp giáo viên mạnh dạn thoát ly ngoài sách giáo khoa
Việc biên soạn tài liệu riêng giúp giáo viên mạnh dạn thoát ly ngoài sách giáo khoa

“Khi thống nhất một tài liệu chung môn học cũng giúp giáo viên không quá ôm đồm, sa đà đào sâu vào các phần kiến thức nâng cao, tránh tạo thêm áp lực cho học sinh”. 

Từ 2 năm nay, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, một số tổ bộ môn Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12) đã mạnh dạn biên soạn và phát hành tài liệu riêng môn học. 

Cô Đỗ Thị Việt Phương - Phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản thông tin, tài liệu môn học được giáo viên biên soạn dựa trên khung chương trình môn học và tham khảo từ các bộ SGK được phê duyệt. Việc xây dựng được thực hiện trong hè, thầy cô phải đầu tư, nghiên cứu chương trình, nghiên cứu các bộ sách, phân công để thực hiện. Khi soạn mỗi tổ sẽ thống nhất “sườn” tài liệu. Nhà trường giao quyền cho tổ bộ môn, việc thẩm định tài liệu sẽ do tổ trưởng bộ môn phụ trách.

“Chương trình GDPT 2018, SGK chỉ là tài liệu để tham khảo. Trong quá trình giảng dạy, nếu giáo viên chỉ căn cứ vào riêng 1 bộ sách thì không trọn vẹn, không đảm bảo cho học sinh tiếp cận nhiều thông tin. Do vậy, việc biên soạn tài liệu môn học riêng trước hết sẽ giúp học sinh tiếp cận được đa dạng ngữ liệu ở các bộ sách khác nhau. Nhiều bộ SGK khi thiết kế thì không tách riêng phần bài tập, như vậy phần nào gây khó khăn cho học sinh. Với tài liệu riêng giáo viên thiết kế, những môn có bài tập, giáo viên sẽ thêm phần tóm tắt lại kiến thức, cùng phần bài tập để học sinh có thêm cơ hội luyện tập”.

Ngoài ra, theo cô Việt Phương, tài liệu bộ môn được giáo viên xây dựng sẽ mang màu sắc riêng năng lực đối tượng học sinh nhà trường, được xem như một cuốn giáo trình để học sinh không chỉ đạt được các yêu cầu cần đạt của môn học mà còn đáp ứng nhu cầu mở rộng, nâng cao của học sinh, tuỳ vào năng lực học sinh. 

Tài liệu riêng giúp giảm tải bớt áp lực cho học sinh khi học
Tài liệu riêng giúp giảm tải bớt áp lực cho học sinh

“Khi triển khai Chương trình GDPT 2018, bản thân giáo viên soạn bài dạy sẽ phải cực hơn khi phải một mình “ôm” 3-4 đầu sách. Giáo viên nào chịu đầu tư thì sẽ chủ động nghiên cứu, đọc thêm, còn giáo viên mà chưa thích ứng kịp thì sẽ vẫn chỉ “ôm” 1 đầu SGK được lựa chọn. Trên thực tế, ngay cả khi nhà trường trang bị thêm các đầu sách được phê duyệt ở thư viện thì cũng chỉ rất ít giáo viên đến mượn để tham khảo, nghiên cứu. Như vậy, khi có tài liệu riêng do tổ bộ môn biên soạn sẽ hỗ trợ, thúc đẩy giáo viên sáng tạo, đa dạng các nguồn tư liệu trong bài dạy, giáo viên sẽ cùng “dìu nhau” thoát ly tư tưởng bám SGK, giúp học sinh phát huy được năng lực nhiều hơn”- cô Việt Phương đánh giá.

Thành lập Hội đồng khoa học 

Trường THPT Trưng Vương (quận 1) thành lập Hội đồng khoa học để thẩm định tài liệu môn học do tổ bộ môn xây dựng. Hội đồng gồm Ban giám hiệu cùng tổ trưởng chuyên môn sẽ có nhiệm vụ góp ý, phê duyệt học liệu sử dụng trong nhà trường.

Cô Lê Tường Quyên - Phó hiệu trưởng nhà trường nhận định, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, việc biên soạn tài liệu riêng môn học là hết sức cần thiết, hỗ trợ thầy cô đổi mới và học sinh tiếp cận môn học một cách dễ dàng.

Học sinh phát huy được năng lực nhiều hơn khi nhà trường thiết kế học liệu riêng
Học sinh phát huy được năng lực nhiều hơn khi nhà trường thiết kế học liệu riêng

Bước sang năm thứ 2 thực hiện đổi mới chương trình, một trong những rào cản mà thầy cô vẫn còn đang gặp phải đó là chưa mạnh dạn thoát ly ra ngoài SGK. Giáo viên chưa dám sử dụng các ngữ liệu ngoài bộ SGK được nhà trường lựa chọn. Do vậy, với bộ tài liệu môn học được tổ chuyên môn xây dựng sẽ hỗ trợ thầy cô đa dạng các nguồn ngữ liệu chứ không chỉ còn lệ thuộc vào một bộ sách.

“Để đảm bảo nguồn học liệu sử dụng trong nhà trường là chính thống và đảm bảo về yếu tố học thuật, sau khi các tổ biên soạn thì Hội đồng khoa học của trường sẽ thẩm định kỹ càng, thậm chí phần ngữ liệu chưa phù hợp còn được trả về thay thế. Phần bài tập ở tài liệu do giáo viên thiết kế sẽ có những quy định riêng để phù hợp với từng đối tượng học sinh. Ví dụ, giáo viên sẽ có các ký hiệu riêng dành cho học sinh muốn nâng cao, hoặc mở rộng hơn. Như vậy, học sinh sẽ tuỳ theo năng lực của mình để tiếp cận phù hợp, qua đó phát huy được năng lực nhiều hơn...”.

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI