PNO - PN - Báo Phụ Nữ ngày 16/4 đăng bài Trường THCS Lam Sơn, Q.6, TP.HCM: Hàng tỷ đồng tiền tập thể chảy vào túi cá nhân? phản ánh những bất hợp lý trong công tác thu chi tài chính của Ban giám hiệu. Sau bài báo, nhiều bạn...
edf40wrjww2tblPage:Content
Sau hoạt động giảng dạy Anh văn bản ngữ (đã phân tích trong bài báo trước), tại trường THCS Lam Sơn còn có một hoạt động khá rầm rộ là dạy-học bán trú (BT). Trường có tổng cộng 1.094 học sinh (HS) học BT (theo bản thu ngày 25/3/2014), chiếm 57% HS toàn trường. Theo quy định thể hiện trong quy chế chi tiêu nội bộ (QCCTNB) 2013, phí phục vụ quản lý BT: 30.000đ/HS/tháng, tổng cộng 32.820.000đ, được chi cho quản lý gián tiếp; còn học phí BT (không phải học phí buổi 2 theo quy định của UBND TP): 120.000đ/HS/tháng, tổng cộng 131.280.000đ, được chi cho hoạt động giảng dạy - thực chất là dò bài cho HS BT. Thực tế thì sao?
Theo tài liệu mà chúng tôi có được, số tiền chi cho công tác dò bài BT trên thực tế là quá nhỏ so với số tiền đã thu. Theo bảng lương giáo viên (GV) dạy lớp BT, tháng 11/2013 trường phải chi trả tổng cộng 1.006 tiết BT cho 33 GV với số tiền 35.210.000đ (35.000đ/tiết). Như vậy số tiền dư của quỹ trong tháng này là khoảng 96.000.000đ. Hay như tháng 2/2014, với tổng số tiết dò bài toàn trường là 732 tiết, số tiền chi trả là 25.620.000đ, số tiền dư vào khoảng 105 triệu đồng. Khoản tiền này chạy đi đâu, vì cho đến tháng 2/2014, hoạt động này không để lại một đồng nào cho phúc lợi cũng như cơ sở vật chất?
Sẽ phải có những giải trình cụ thể của ban giám hiệu cho câu hỏi trên với cơ quan thanh tra, nhưng từ những tư liệu được cung cấp, có thể thấy việc chi từ nguồn quỹ BT (và cả nhiều nguồn quỹ khác) của Hiệu trưởng Kha Lệ Thanh là… vô tội vạ. Ví dụ, trường gồm tám CNV phục vụ BT (cấp dưỡng), đã hưởng lương theo quy định với mức lương tối thiểu 1.150.000đ, nhưng thực tế, họ còn được lĩnh thêm một khoản khác ở một bảng lương khác.
Trường hợp bà Ngô Ngọc Tươi là một ví dụ: trong tháng 11/2013, ngoài lương chính thức với công việc cấp dưỡng: 2.560.245đ, bà Tươi còn được nhận thêm một khoản gọi là “công nhân viên bán trú - cấp dưỡng” với mức 4.700.000đ. Đáng nói, ở bảng lương chính thức, bà Tươi được hưởng phụ cấp chức vụ là 2.2, nhưng bên bảng lương “CNV bán trú” lại được hưởng phụ cấp chức vụ 1,5 triệu đồng. Tương tự, bà Kha Lệ Hương (em ruột bà Kha Lệ Thanh) là giám thị nhưng kiêm nhiệm và hưởng thêm bảy đầu lương khác gồm: BT, Anh văn bản ngữ, ngoại khóa, tiếng Anh tăng cường, tin học-vi tính, thủ kho BT, thu học phí, với tổng mức lương cộng thêm là trên 14 triệu đồng. Từ sự bất hợp lý này, nhiều GV ở trường đã giễu cợt: bỏ dạy học, xin qua làm giám thị!
Học sinh trường THCS Lam Sơn phải đóng tiền dò bài cho nhà trường
Ngoài ra, tập thể GV cũng phát hiện bà Kha Lệ Thanh đã tự “thưởng” cho “nhóm lợi ích” của mình nhiều khoản tiền riêng mà đa số tập thể GV-CNV không được hưởng, như tiền hoàn thành học kỳ I, tiền 20/11, 30/4-1/5, 2/9, lì xì đầu năm… Trong báo cáo tồn quỹ hàng năm, “khen thưởng” là khoản tiền rất đáng kể, cụ thể như năm 2007: 94 triệu, 2008: hơn 331 triệu, 2009: hơn 334 triệu, 2010: hơn 758 triệu, 2011: hơn 265 triệu, 2012: hơn 376 triệu, 2013: hơn 149 triệu và tháng 1/2014 hơn 175 triệu…
Nhiều GV cho rằng, hiệu trưởng trường đã tự tổ chức hoạt động dịch vụ BT, sử dụng “chùa” cơ sở vật chất, điện nước của nhà trường để hưởng lợi riêng, trong khi các thầy cô giáo, những người trực tiếp dạy dỗ HS phải chịu thiệt thòi. Minh chứng rõ rệt là vào tháng 11/2013, trong khi 33 thầy cô giáo trực tiếp hướng dẫn học bài cho HS BT chỉ nhận được hơn 35 triệu đồng thì 11 người trong “nhóm lợi ích” gồm hiệu trưởng, hiệu phó, kế toán, thủ quỹ và các giám thị lại được hưởng lên đến gần 40 triệu đồng. Vô lý hơn, một GV như thầy Giang Phi Hùng phải tham gia dạy BT 16 tiết/tuần, 64 tiết/tháng, chỉ nhận được thù lao khiêm tốn: 2.240.000đ (35.000đ/tiết), trong khi hiệu trưởng nhận 6 triệu, hiệu phó: 4,5 triệu/người, kế toán: 3,6 triệu, kế toán bán trú và thủ quỹ: 3 triệu/người, giám thị: 3 triệu/người.
Trong bảng lương ngoại khóa tháng 11/2013 của trường THCS Lam Sơn, có đến ba “vai” kế toán: cô Lê Thị Ngọc Thảo (kế toán), cô Huỳnh Kim Hoa (kế toán BT) và cô Huỳnh Kim Hoa (làm thay công tác kế toán cho cô Ngọc Thảo nghỉ hộ sản). Cả hai kế toán cùng tham gia và hưởng quản lý ngoại khóa (tăng tiết) đã lạ, lạ hơn là khi nghỉ hộ sản, có người làm thay việc, nhưng cả người “thế vai” và “được thế vai” đều được trả lương. Ngoài bốn-năm khoản lương kiêm nhiệm, cô Lê Thị Ngọc Thảo còn được trường cho hưởng cả lương chính, trong khi cùng thời điểm tháng 11/2013 hai GV khác là cô Nguyễn Thị Hiệp và Lê Võ Ngọc Thảo cũng nghỉ hộ sản lại không được hưởng (!?). Một câu hỏi không thể không đặt ra: phải chăng bà hiệu trưởng muốn ban phát tiền bạc cho ai thì ban phát?
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.