Trường THCS Lam Sơn, Q.6: Hàng tỷ đồng tiền tập thể chảy vào túi cá nhân?

16/04/2014 - 15:57

PNO - PN - Theo tố cáo của tập thể giáo viên-công nhân viên Trường THCS Lam Sơn, hiệu trưởng trường này cùng “nhóm lợi ích” đã qua mặt tập thể, thu lợi hàng tỷ đồng từ nhiều khoản quỹ của trường suốt thời gian dài.

edf40wrjww2tblPage:Content

“Bí mật” được “bật mí”

Dạy Anh văn bản ngữ (AVBN) là một hoạt động được đưa vào trường THCS Lam Sơn từ năm học 2012-2013. Vì giờ học được xếp vào giờ hành chính (ban ngày) và chéo buổi so với học chính khóa nên đã thu hút nhiều học sinh (HS) của trường tham gia, doanh thu không nhỏ. Theo thống kê vào tháng 2/2014, trường có 1.625 HS (37 lớp) theo học AVBN, chiếm 84,6% HS toàn trường. Với mức học phí 160.000đ/HS/tháng, tổng thu từ hoạt động này vào khoảng 260.000.000đ/tháng.

Theo tài liệu do chính trường cung cấp, tháng 11/2013, trường đã chi 51.328.000đ cho “công tác quản lý quỹ AVBN”. Có 10 người được hưởng khoản tiền này gồm bà Hiệu trưởng Kha Lệ Thanh: 8,4 triệu, hai hiệu phó là Trần Nguyên Nhứt và Từ Thị Thu Trang mỗi người 6,3 triệu, kế toán: 5 triệu, thủ quỹ và bốn giám thị mỗi người 4,2 triệu.

Theo những tài liệu thu thập được, dù hoạt động rất rầm rộ nhưng liên quan việc dạy AVBN, nhà trường chỉ quy định bằng một dòng duy nhất trong quy chế chi tiêu nội bộ (QCCTNB) năm 2013 của trường: “Từ nguồn thu hộ học tiếng Anh với người nước ngoài: 20% quản lý, số còn lại chuyển trả cho trung tâm và trợ giảng”. Thông tin này khiến mọi người hiểu: AVBN là hoạt động của một trung tâm ngoại ngữ nào đó, trường chỉ đứng ra thu học phí giúp và hưởng 20%, và 20% đó chính là khoản tiền 51.328.000đ chi cho “công tác quản lý quỹ AVBN”.

Điều lạ là hoạt động trên chỉ mang lại lợi ích cho riêng nhóm kể trên, gần 100 con người còn lại của trường chẳng những không được hưởng lợi mà còn phải gánh chịu những hao tổn về cơ sở vật chất, điện, nước, kể cả sự ồn ào. Tại QCCTNB năm 2014, dù được biên soạn lại nhưng đối tượng hưởng lợi vẫn không thay đổi.

Truong THCS Lam Son, Q.6: Hang ty dong tien tạp thẻ chảy vào túi cá nhan?

Học sinh trường THCS Lam Sơn (Q.6)

Tháng 2/2014, khi một số giáo viên-công nhân viên (GV-CNV) của trường đi tìm sự thật về khoản tiền trên, trường phải ban hành… dự thảo QCCTNB năm 2014 vào đầu tháng 3/2014 để lấy ý kiến góp ý (dù đã được hoàn thiện từ 10/2013 và áp dụng từ đầu 2014). Lúc đó, tập thể GV-CNV mới vỡ lẽ: năm nào trường cũng xây dựng QCCTNB nhưng họ không được đóng góp ý kiến!

Sau khi lấy ý kiến, tháng 3/2014 cơ cấu thu chi từ nguồn AVBN được điều chỉnh như sau: 2% cho công tác thu, 10% cho điện nước, 10% trích lập quỹ phúc lợi, 12% cho công tác quản lý, 3% cho GV chủ nhiệm, với tổng cộng 37%, thành tiền là 94.128.000đ. “Phần còn lại (160.272.000đ) chuyển trả trường ngoại ngữ theo thực tế hóa đơn” (trích bảng kê số tiền thu trong tháng 3/2014 do bà Kha Lệ Thanh ký).

Cứ tạm chấp nhận mức điều chỉnh trên là hợp lý, thì số tiền tập thể nhà trường bị thất thoát trong gần hai năm học vừa qua cũng đã lên đến khoảng 900 triệu đồng.

Vấn đề đặt ra là tại sao lại có sự thay đổi tỷ lệ thu chi nguồn quỹ AVBN từ 20% (lâu nay) lên 37% hiện nay một cách dễ dàng như vậy? Phải chăng, lâu nay chẳng có một trường/trung tâm ngoại ngữ đối tác nào cả mà chính một nhóm người trong trường đã lợi dụng sự tin tưởng của tập thể GV-CNV, đứng ra tổ chức hoạt động AVBN để hưởng lợi mà không phải tốn xu nào cho việc thuê mặt bằng, điện, nước? Nếu có một trường hay trung tâm ngoại ngữ nào đứng ra tổ chức hoạt động AVBN thì họ phải là người trả lương GV, sao nhà trường lại đứng ra “chi lương GV dạy bản ngữ tháng 1+2/2014: 271.191.250đ” (trích “Báo cáo quyết toán thu chi quỹ AVBN tháng 1 và 2/2014”)!

Điều chỉnh thu nhập nhóm lợi ích: Tiết kiệm tiền tỷ

Không chỉ ở hoạt động AVBN mà sự bất minh tài chính còn thể hiện ở nhiều khoản thu chi khác như: lương ngoại khóa, quản lý bán trú, quản lý nghề tin học-vi tính… Theo đó, hiệu trưởng, hiệu phó và nhóm “lợi ích” được hưởng những khoản tiền rất “khủng”. Ví dụ vào tháng 11/2013, từ khoản quản lý bán trú, hiệu trưởng hưởng sáu triệu đồng, hiệu phó 4,5 triệu, kế toán 3,6 triệu, thủ quỹ và giám thị 3 triệu. Hay như khoản ngoại khóa: hiệu trưởng 5,2 triệu, hiệu phó 3,9 triệu, kế toán 3,1 triệu, thủ quỹ 2,6 triệu, văn thư 2,3 triệu, thư viện 1,8 triệu... Trong khi đó, GV dạy đến 60 tiết dạy thêm/tháng (nhiều nhất trường) như cô Phan Thị Thanh Vân cũng chỉ nhận được 2,7 triệu đồng; còn GV dạy ở mức trung bình, 32 tiết, như thầy Trần Triệu Quốc Thái, được 1,4 triệu đồng.

Theo thống kê, vào tháng 11/2013, ngoài lương và các khoản phụ cấp, bà Hiệu trưởng Kha Lệ Thanh còn hưởng từ bốn khoản ngoài lương nói trên khoảng hơn 23 triệu đồng; hai hiệu phó Nhứt và Trang cũng được hưởng khoảng 17,5 triệu đồng/người; kế toán Lê Thị Ngọc Thảo: 14 triệu; sáu nhân viên gồm thủ quỹ và năm giám thị cũng được hưởng 12,5 triệu (chưa kể đến các khoản thưởng khác).

Có thể thấy những khoản thu nhập nói trên là thiếu minh bạch, vì sau khi sự việc bị phát hiện vào tháng 2/2014, ngay trong tháng 3/2014, các khoản thu nhập nói trên của nhóm “lợi ích” này đã sụt giảm đáng kể. Cụ thể: hiệu trưởng giảm từ hơn 23 triệu còn 7,7 triệu, hiệu phó từ 17,5 triệu còn 6,5 triệu, kế toán từ 14 triệu còn 4 triệu, những người còn lại giảm từ 12,5 triệu còn 2,7 triệu. Việc điều chỉnh các khoản thu nhập ngoài lương này của riêng nhóm “lợi ích” đã tiết kiệm cho tập thể nhà trường 147 triệu đồng/tháng và hơn 1,3 tỷ đồng/năm.

Theo tập thể GV-CNV của trường THCS Lam Sơn, nguyên nhân chính của tình trạng trên là do QCCTNB bao năm nay (từ năm 2007) được hiệu trưởng làm khống, sai quy định, để lừa dối cấp trên và tập thể.

 Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI