Trường THCS Hồ Văn Long (Q.Bình Tân): Không dạy vẫn thu đủ học phí

22/05/2020 - 07:58

PNO - Sau khi Báo Phụ Nữ TP.HCM có bài về giáo viên Trường THCS Hồ Văn Long (Q.Bình Tân, TP.HCM) bức xúc vì hiệu trưởng không công khai tài chính, giáo viên trường này tiếp tục phản ánh về cách điều hành của hiệu trưởng liên quan đến tài chính, nhân sự…

Không có giáo viên bản ngữ suốt tháng 12

Trong năm học 2019-2020, Trường THCS Hồ Văn Long tổ chức dạy tiếng Anh với giáo viên bản ngữ cho học sinh (HS) khối Sáu, Bảy và một phần khối Tám. Mỗi lớp học hai tiết/tuần với học phí 220.000 đồng/tháng.

Theo các giáo viên, trường có 30 lớp tham gia tiếng Anh bản ngữ với số HS khoảng 1.200, học phí lên đến khoảng 270 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trong tháng 12, HS trường này không học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ nhưng nhà trường vẫn thu đủ tiền. Tuần đầu của tháng 12, giáo viên tiếng Anh của trường ôn tập cho HS, hai tuần kế tiếp cả trường thi học kỳ I, tuần thứ tư làm điểm nên HS nghỉ đến ngày 30/12 mới học lại.

Trong sổ đầu bài của lớp 6/1, hai tiết tiếng Anh bản ngữ vào ngày 5/12 đều do giáo viên Việt Nam đứng lớp. Tương tự, giờ tiếng Anh bản ngữ của lớp 6/8 diễn ra vào ngày 7/12 cũng do giáo viên của trường lên lớp. Và, sổ đầu bài của các lớp 7/1, 7/4, 7/7, 8/2... đều thể hiện tiết tiếng Anh bản ngữ đều do giáo viên Việt Nam dạy.

Theo các giáo viên trường này, trong tháng 12, HS chỉ học 60 tiết tiếng Anh bản ngữ nhưng do giáo viên người Việt dạy. Nếu giáo viên của trường dạy thì chỉ được tính theo tiền lên lớp trợ giảng chưa đến 10 triệu đồng. Trong khi trường vẫn thu đầy đủ học phí của HS mà không cung cấp dịch vụ đã thỏa thuận. “Vậy số tiền còn lại đi đâu? Sao không hoàn lại cho HS? Chưa hết, môn kỹ năng sống cũng thu trọn tháng 80.000 đồng/HS nhưng chỉ dạy có một tuần”, giáo viên đặt vấn đề.  

Bên cạnh đó, giáo viên, nhân viên của trường không hiểu trường thu học phí tin học để chi vào việc gì, bởi lương và phụ trội cho giáo viên dạy tin học đều được trả từ ngân sách. Cụ thể, trường có 13 lớp khối Sáu học tin học, HS đóng 30.000 đồng/tháng (trừ tháng Tám học hai tuần là 15.000 đồng). Tổng thu khoảng 69 triệu đồng. Mỗi lớp học hai tiết/tuần. Trường chỉ có một giáo viên tin học, dạy 16 tiết nghĩa vụ/tuần (vì kiêm nhiệm chủ tịch công đoàn thay vì 19 tiết nghĩa vụ), tính ra, mỗi tuần dạy dư ra 10 tiết. Số giờ dư ra này sẽ được trả theo tiết phụ trội. Tính theo hệ số lương thì mỗi tiết phụ trội của giáo viên tin học này được hưởng là 130.686 đồng. 

Ngoài ra, các giáo viên còn tố các khoản thu phục vụ bán trú, tiền nước uống của HS… đều thu nhiều hơn chi rất nhiều.

Sử dụng lao động không ký hợp đồng?

Phản ánh đến Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông V.B. cho biết đã nhận việc quét trường sáu năm nay nhưng chưa từng được ký hợp đồng. Ông chỉ được nhận lương trực tiếp từ hiệu trưởng, không qua thủ quỹ, không ký nhận lương cũng không có danh sách nhận lương từ kế toán. 

Theo ông B., ông không có bất cứ quyền lợi nào ngoài thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng, gồm: 900.000 đồng cho việc trông trường ban đêm cùng bảo vệ (30.000 đồng/đêm) và 3.600.000 đồng/tháng quét sân trường, tưới cây. Ông thường xuyên nhận lương trễ. Ngoài ra, ông còn bị yêu cầu ở lại trực Tết mà không được trả tiền.

Cách đây hai năm, ông B. có gặp cô hiệu phó để phản ánh thì được cô giải thích là do ông đã lớn tuổi. Nhưng, cô Sương - phục vụ mới được tuyển vào làm năm học này đã 59 tuổi mà vẫn được ký hợp đồng làm việc và được hưởng mọi chế độ. 

Gia Tuệ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Thái 24-05-2020 07:10:01

    Giáo viên công nhân viên nào đứng lên tố cáo thì kể như nằm trong danh sách đen, tội cho những công nhân viên này mạnh dạng đấu tranh cho tập thể , hy vọng phải có hình thức kỷ luật đúng mức để làm gương cho những hiệu trưởng khác, chứ đa số các hiệu trưởng điều có nhà cao cửa rộng so với mức lương của bản thân mình.

  • Thái 23-05-2020 06:25:37

    Công đoàn phải tuyên dương những công nhân viên nào mạnh dạng nêu ý kiến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI