Trường Sa, giấc mơ thi sĩ

13/07/2016 - 10:07

PNO - Tàu đến đảo Sinh Tồn Đông vào khoảng 9g sáng. Nắng rát chát chúa. Từ trên tàu nhìn vào, đảo dài ra bởi có một doi cát trắng nối dài như lưng con cá trắng khổng lồ nổi lên giữa xanh ngắt của biển…

Truong Sa, giac mo thi si

Gió nóng ràn rạt như lùa lửa vô mặt. Nếu không có những cây phong ba, bàng vuông trên đảo, chắc ở đây là chảo lửa. Khi tôi về đất liền, nhiều người kinh ngạc “sao đen dữ vậy?”, thực ra có nhằm nhò chi với những người lính đã sống và trụ bám ở giữa hơi nước biển, nắng và gió này. Mùa này đang rát, từ tháng Hai đến tháng Tám là nắng cháy, từ đó đến qua Tết, là mưa và gió mùa Đông Bắc. Tôi hỏi Đại tá Nguyễn Phong Cảnh, Chính ủy Bộ Tư Lệnh Vùng 2 Hải quân, là đảo này có chi đặc biệt, tức thì ông đọc “Mưa đi mưa đi chúng tôi cần mưa”.

Khốn khó chưa gỡ hết, nhưng suốt dặm dài qua các đảo, tôi chưa từng nghe một lời thở than. Thiếu úy Nguyễn Xuân Phương ở Sinh Tồn Đông dẫn tôi ra chỗ anh em trồng rau. Nước quý như vàng, nhưng nhìn rau ngăn ngắt xanh đủ loại, mới thấy nước đã được người lính nâng niu ra sao. Rau muống, cải, mồng tơi, dền, sam… bám chặt vô những thẻo đất, cũng là đất từ đất liền mang ra, chứ địa hình cát và san hô, sao sống nổi. Phân, giống, cũng từ đất liền. Nhưng ở đây còn đỡ vì đảo rộng, chứ ở đảo chìm Len Đao, Đá Nam, lấy đâu ra đất, anh em trồng rau trên thùng nhựa, gỗ, sắt, tận dụng mọi chỗ để có rau xanh.

Cuối hành trình, khi leo lên nhà giàn Tư Chính DK 1.14, giữa khối thép khổng lồ nằm trơ trọi giữa biển, mọi người trố mắt khi rau mơn mởn bám suốt chiều dài hành lang nhà giàn được xây từ năm 1995, rồi ở đầu cầu nối từ nhà giàn cũ sang nhà mới, tôi đếm được 11 chậu rau được khoanh lại, như bàn chân thò ra giữa chênh vênh biển. Khiêm nhường nép bên giữa chằng chéo đông đặc những trụ, khối thép to bằng người ôm, màu xanh của đủ thứ rau cùng tiếng kêu nhốn nháo của heo, gà, vịt khi bất thần thấy người, thoáng chốc, tôi thấy thép như mềm đi.

***

Tôi theo một nhóm người đi tìm ốc biển. Ít lắm. Đó là lời của anh em chiến sĩ trên đảo, bởi khách đất liền ra đây, ai cũng có ước nguyện tìm con ốc, viên đá và ít cát trắng Trường Sa, như là “chiến lợi phẩm” không dễ có được. Ốc tìm không ra, nhưng tôi tìm ra một thứ khác. Từ hào công sự sát mép biển, doi cát nổi lên dài 100m, rộng hơn chừng 50m và hẹp dần, vẩn vơ trong tôi ý nghĩ, với đảo Sinh Tồn Đông này, sau giờ huấn luyện, sinh hoạt, doi cát hiếm hoi không cây không bê tông, trở thành khoảng sân cho nghỉ ngơi, ngẫm ngợi bao điều.

Thiếu tá Trương Xuân Thái cười như thể nó là “gia bảo” độc nhất ở Trường Sa, là nếu gió Tây Nam thì cát như có chân dạt về hướng Đông Bắc, và gió mùa Đông Bắc thì nó lại quay về hướng Tây Nam. Tôi vốc cát lên. Trắng phau, đậm đà vị biển. Trường Sa là bãi cát dài, Hoàng Sa là dải cát vàng. Cát hay là xương, là cốt, là máu, là tóc tổ tiên không bao giờ thành tro bụi. Cát không len qua kẽ tay mà bám chặt như cái nắm tay không rời của anh Thái. Có luồng điện chạy qua người tôi. Một tiếng nói xa xôi nào đó vang vọng từ sâu thẳm, thuở những cơn gió chưa cuồng nộ, thuở cha ông xưa đi biển độc hành với trang bị thô sơ, gió không nỡ làm hại người, nhưng không thể để người quay về đất liền, được giữ lại đây vì lời dặn dò từ cốt tủy, và ngàn năm sau, con cháu phải cảm ơn cơn gió đó, bởi đó là di chúc của cha ông để lại, rằng, đất này là của chúng ta.

Truong Sa, giac mo thi si
Sức sống của Trường Sa là môi trường dân sinh, đó không chỉ là đảo của bộ đội, mà còn là chỗ để người dân bám biển, sinh sống

Tôi đi qua đảo nổi đảo chìm, đọc trong cát thông điệp của tiền nhân, đọc trong cát cả cái nhìn hiền lành mà cương nghị của người lính biển, sao tôi không hề thấy bất cứ điều gì mang hơi thở nặng nề của súng đạn và cảnh giác, mà chỉ thấy nỗi ưu tư thi sĩ được khoác dưới chiếc áo chiến binh. Tôi đã đọc thơ trên báo tường của lính Trường Sa, phần nhiều chân chất và trào lộng. Kẻ hài hước bao giờ cũng là người thông minh và bền chí lẫn rộng rãi tấm lòng. “Dải cát này hay lắm, nhìn nó dịch chuyển như mình đẩy cái gối mà nằm vậy”. Nghe anh Thái nói, tôi sững sờ. Đích thị thi sĩ rồi, hỡi người lính biển! Khi tàu hú còi chào Sinh Tồn Đông, tôi nhìn lại lần nữa, và đã tìm ra cái điều tôi tự tra vấn, rằng, nếu đảo với sắt thép và cây phong ba như đốc kiếm, thì doi cát đó chính là lưỡi kiếm, lúc chuyển bên này, lúc múa bên kia, nhưng tuyệt đối không tra cất vào bao và giữa mênh mông biển xanh, lưỡi kiếm đó mềm mại nhưng sắc và bền bỉ như cát.

***

Vẫn nắng kinh hoàng. Nhựa trên đường băng đảo Trường Sa Lớn như tan chảy, bốc lên. Tối, nghe nói có một người trong đoàn bị xỉu vì say nắng. Đi để trải nghiệm. Cụm từ này xem ra không đúng nếu ra với Trường Sa, nếu xem đó không là bài học lớn ở đời. Bộ đội canh đảo, là chuyện bình thường. Ở những nơi đi qua như Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Lớn, Đá Tây, các khu hậu cần cho nghề cá, là chỗ dựa của bà con đi biển, phát triển dân sinh, đang được xây dựng.

Sức sống của Trường Sa là môi trường dân sinh, đó không chỉ là đảo của bộ đội, mà còn là chỗ để người dân bám biển, sinh sống. Nhiều thế hệ ngư dân đã sống, làm ăn ở đó. Bước lên đảo, tôi như lạc vào những làng chài ven biển miền Trung rộn ràng lưới, cá, những lời tâm tình lành hiền trước sóng to gió cả, họ nói về nghề cá lúc được lúc mất, bao nỗi buồn vui khi sống với biển. Con cá làm ra, đâu có ăn một mình, mà chia cho hàng xóm, cho bộ đội, bộ đội lại nhường khẩu phần rau thịt cho bà con. Cái nhìn, cảm nghĩ của bao người khi chưa được ra Trường Sa, hẳn là thiếu sót dễ thương, và mong một ngày, những ai là con dân nước Việt, đều được một lần đặt chân lên đảo, để thấy tổ quốc đâu chỉ có trời xanh, đất liền một dải, mà còn có trong mềm mại giữa nước sâu bão dữ với bao điều không ngờ được.

Tôi chưa nghe những lời ca thán từ lính đến sĩ quan, đã đành, nhưng ngay cả ngư dân cũng vậy. Anh Trần Minh Thôi, chồng của chị Dương Thị Ngọc Hiền, quê ở Cam Ranh, nói về chuyện sinh sống trên đảo, cứ như đất liền, dẫu khốn khó còn nhiều lắm. “Bình thường mà anh, ở quê em cũng đi làm biển mà, con em cũng đi học, mình với bộ đội như trong nhà, quen biết, thăm hỏi, động viên nhau, cá mắm đều cùng chung”. Lạc quan mà sống, bởi ở đâu cũng sống, và trong gian nan, sự dịu dàng mềm mại khi nói, khi làm, khi nghĩ, là liều thuốc bổ khiến ta bước tiếp.

Ý nghĩ đó đến lần nữa khiến tôi sững sờ khi đứng xem chiếc thủy phi cơ cất cánh. Tiếng các sĩ quan hét to khi mấy anh lính trẻ băng qua đường băng. Hai bên đường, cây dương liễu tán rộng, mọc thấp, trở thành chỗ tránh nắng. Tiếng động cơ ầm ầm, nhưng kỳ lạ thay, một chú chim bồ câu của lính đảo cứ thản nhiên ra đường băng kiếm ăn và chỉ đi tránh vào bụi rậm chứ không hề vụt bay khi máy bay đến gần. Không ai kịp chụp ảnh được chú, vì tất cả không được đứng sát đường băng. Tiếc vô cùng. Nhưng màu trắng gật gù với đôi mắt đen tuyền hiền như trẻ nhỏ của chú chim dẫu trong thoáng chốc giữa cái nơi được coi là vị trí chiến lược hiểm yếu nhất trên Biển Đông, ám ảnh tôi suốt hành trình.

Truong Sa, giac mo thi si
Học trò trên đảo Sinh Tồn Đông

Dân tộc mình chưa một lần bình yên, khát khao hòa bình là cháy bỏng. Chuyện đó bao người đã nói. Nhưng, như một sự an nhiên giữa sấm sét, chú chim như tiếng cười, như cái chống cằm trầm ngâm không trĩu nặng mà đang dạt về một vùng viễn mơ nào đó. Và tôi đã gặp, giữa phút giải lao của lính đảo Trường Sa Lớn, anh lính trẻ 20 tuổi Nguyễn Văn Doanh, quê Thái Thụy-Thái Bình, mỉm cười với chú chim đội mũ mang từ đất liền ra, rồi cùng nô đùa với hai chú chó con đen tuyền. Hình ảnh bình yên khác chi quê nhà. Mọi gian truân được xếp lại, được hóa giải, chỉ còn chỗ cho sự an lành của những người thực sự đang sống trong căn nhà của mình, không bị chèn cưỡng bởi bất kỳ yếu tố ngoại cảnh nào.

***

Lính Trường Sa có thói quen sưu tầm đá và ốc, để tặng đất liền, như là món quà thơm thảo tình lính. Tôi đã thấy những bộ sưu tập hàng trăm viên đá, nhưng không dám xin, mà tự mình đi tìm quanh đảo khi chiều xuống, với ý nghĩ được cầm nắm sức trĩu nặng qua bao thiên niên kỷ địa chất đằm trong tay mình. Tôi không phải là kẻ thích đá, mê đá, chỉ muốn gọi tên đá giữa tim mình để thấy cơn hồi sinh lắng lại bồi hồi sau những mệt mỏi phận người. Đi Trường Sa cũng là cơ hội để trút phiền muộn và được tưới tắm giữa sẻ chia, yêu thương và thấu hiểu, và để trong phút chốc như hạnh ngộ trời ban, nhận ra rằng, còn đó bao điều gieo cho ta niềm hy vọng.

Phút chia tay với giàn khoan như lực sĩ khổng lồ cuồn cuộn cơ bắp đứng tấn trên biển, chỉ khiến người ta kinh ngạc, trầm trồ, tôi chợt thấy, trên cao kia, nơi đỉnh đầu của giàn khoan ấy, một cánh hải âu chao nghiêng rồi đậu xuống ống thép. Chim trắng giữa ngút ngàn xanh của trời và nước, giữa màu vàng nặng nề của sắt thép, như một dấu chấm điểm xuyết đầy thần thái của bức tranh phong cảnh. Đôi cánh bé nhỏ cứ dập dờn trong gió như cánh tay của người lính nhà giàn vẫy chào tiễn biệt khách. Nỗi hân hoan tột độ ập đến, tôi cuống quýt đưa tay vẫy như lời cảm tạ từ sâu thẳm lòng mình, rằng ơi chú chim đã dạy tôi giấc mơ sống hơn vạn trang sách…

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI