Trường phổ thông có cần thêm chủ tịch hội đồng trường?

21/02/2022 - 06:43

PNO - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Theo đó, dự kiến sẽ có thêm một vị trí lãnh đạo trong trường phổ thông công lập là chủ tịch hội đồng trường. Điểm mới này gây nhiều ý kiến trái chiều bởi có thể gây mâu thuẫn giữa hiệu trưởng và chủ tịch hội đồng trường.

Thông tư này dự kiến sẽ thay thế cho Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017. Dự thảo thông tư cho thấy, vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý trong trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông gồm: chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Đây là lần đầu tiên vị trí chủ tịch hội đồng trường được dự kiến là cán bộ quản lý, lãnh đạo đứng trước cả hiệu trưởng. Chủ tịch hội đồng trường do một thành viên hội đồng trường là cán bộ quản lý hoặc giáo viên kiêm nhiệm. 

Dễ nảy sinh mâu thuẫn

Như vậy, tuy quy định là vị trí cán bộ quản lý, lãnh đạo nhưng cũng là vị trí kiêm nhiệm, đó có thể là hiệu trưởng, cũng có thể là giáo viên. Theo các nhà giáo thì rắc rối cũng có thể phát sinh từ đây. Bởi theo các hiệu trưởng hiện nay, khi xác định vị trí này là lãnh đạo thì phải bổ sung phụ cấp chức vụ cho chủ tịch hội đồng trường, có khi bố trí cả phòng làm việc. Trong trường hợp giáo viên làm chủ tịch hội đồng trường thì nhiều bất cập sẽ phát sinh. Khi đó, chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng thì ai sẽ có phụ cấp chức vụ và quyền hạn cao hơn? Vì vậy, nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng với tình hình hiện nay, việc phát sinh thêm chức danh chủ tịch hội đồng trường làm lãnh đạo là không cần thiết, chồng chéo về quản lý và điều hành, có thể dẫn đến những mâu thuẫn.

Hiệu trưởng hay chủ tịch hội đồng trường sẽ giữ vai trò cao nhất trong trường học? Trong ảnh: Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) điều hành cuộc họp của nhà trường
Hiệu trưởng hay chủ tịch hội đồng trường sẽ giữ vai trò cao nhất trong trường học? Trong ảnh: Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) điều hành cuộc họp của nhà trường

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), cho rằng trường phổ thông công lập thêm chủ tịch hội đồng trường là rất thừa. Từ nhiều năm nay, chức danh chủ tịch hội đồng trường thực chất là “hữu danh vô thực”.

Ông chỉ rõ: “Hiệu trưởng sẽ là cán bộ quản lý đứng đầu nhà trường hay là chủ tịch hội đồng trường? Nếu giáo viên trúng cử chức danh chủ tịch hội đồng trường thì cũng cần phải làm rõ tiêu chuẩn của giáo viên làm chủ tịch hội đồng trường như thế nào? Nếu chủ tịch hội đồng trường là người hoạch định chính sách, chiến lược phát triển cho nhà trường, còn hiệu trưởng chỉ là người thực hiện, vậy khi triển khai để xảy ra sai sót thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Thông thường, hiệu trưởng đang làm theo các nghị quyết của chi bộ, nếu có thêm chủ tịch hội đồng trường thì khi đó hiệu trưởng sẽ làm theo bên nào?... Sẽ có rất nhiều hệ lụy phát sinh khi áp dụng thực tế, bởi vậy cần làm rõ ai là người hoạch định chính sách, chiến lược phát triển cho nhà trường”.

Một hiệu trưởng trường THPT ở Q.1 chỉ ra, nếu hiệu trưởng kiêm chủ tịch thì không khác gì hiện nay, vậy thì không cần thiết bổ sung một chức danh lãnh đạo nữa. Còn nếu đó là người khác hiệu trưởng thì chẳng qua là thay quyền lãnh đạo từ vị trí hiệu trưởng sang chủ tịch hội đồng trường. “Tôi cho rằng không cần phải “vẽ” ra thêm một vị trí lãnh đạo nữa, chỉ cần chọn đúng người là sẽ phát triển được nhà trường”, vị này nói. 

Ai nên là người đứng đầu nhà trường?

Chính những người trong cuộc, kể cả giáo viên đã chỉ ra rằng, về cơ cấu tổ chức, công tác tuyển dụng và bổ nhiệm hiện nay thì giáo viên vẫn dưới quyền hiệu trưởng. Nếu chủ tịch hội đồng trường là giáo viên thì không mâu thuẫn về lợi ích cũng dễ dẫn tới việc họ không dám lên tiếng. Từ đây, họ không thể hiện được trách nhiệm và quyền hạn của mình. Đó là chưa kể, tầm nhìn của giáo viên về các vấn đề quản lý, lãnh đạo, định hướng cũng có thể không phù hợp với vị trí này.

Với nhiều năm nghiên cứu giáo dục, tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, nguyên Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trường đại học Sư phạm TP.HCM, cho rằng: Hội đồng trường có chức năng quan trọng trong việc định hướng sự phát triển của nhà trường, đồng thời phải mang được những sức sống từ bên ngoài vào trong trường. Hay nhất, chủ tịch hội đồng trường nên là người ngoài trường, để họ chỉ tập trung đưa ra các định hướng, sự phát triển của trường. 

Ở nhiều nước, nhà trường thường mời những người bên ngoài làm chủ tịch hội đồng trường và người đó phải có uy tín về giáo dục, có tầm nhìn về sự phát triển của nhà trường và giáo dục nói chung. Vị trí chủ tịch hội đồng trường thường là vị trí danh dự, họ không bị phụ thuộc vào quyền lợi, sẽ tránh dẫn đến lợi ích nhóm. Tại một số nước, chủ tịch hội đồng trường đến từ các phòng giáo dục địa phương hoặc những người liên quan như trong hiệp hội nghề nghiệp... Họ có thể nhận được khoản phúc lợi, lương tượng trưng, bởi trường công gắn với Nhà nước. 

Đối với mô hình hội đồng trường phổ thông ở Việt Nam, theo tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, nếu áp dụng thì cũng nên chọn người ở bên ngoài trường và có mối quan hệ mật thiết với trường, vừa đủ sự am hiểu nhà trường vừa có tầm nhìn, định hướng. Họ có thể là phụ huynh, lãnh đạo phòng giáo dục, lãnh đạo địa phương, nhân sự từ các trường đại học... những người có thể mang tiếng nói từ bên ngoài góp phần giúp nhà trường phát triển. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI