Trương Nhuận, 'thuyền trưởng' đa tài đã ra đi

15/01/2020 - 07:41

PNO - nhiều đồng nghiệp nghĩ về Trương Nhuận như một người luôn trăn trở làm sao để các vở diễn của nhà hát luôn đi được bằng hai chân là nghệ thuật và thị hiếu, tìm lối đi riêng để thuyết phục một lượng khán giả lớn của miền Bắc

Thông tin nguyên giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ Trương Nhuận đã ra đi sau bốn năm chiến đấu với bệnh ung thư phổi đã khiến giới sân khấu, văn chương, hội họa vô cùng tiếc nuối. Cánh nhà báo gắn bó với các hoạt động văn hóa văn nghệ cũng cảm thấy buồn, bởi họ vẫn luôn dành cho anh những ấn tượng thật đẹp về người đứng đầu đầy tài năng của một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp.

Nhưng có lẽ buồn nhất là những nghệ sĩ, cán bộ của Nhà hát Tuổi Trẻ. NSƯT Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, người coi Trương Nhuận như anh ruột cho biết, Trương Nhuận là người lãnh đạo nhân hậu, tận tụy, khiêm nhường, luôn hết lòng ủng hộ những sáng tạo, những ý tưởng mới mẻ của anh em. 

Trong thời gian lãnh đạo nhà hát, ông Trương Nhuận có nhiều đóng góp ở mảng đối ngoại, là người khởi xướng nhiều chương trình hợp tác nước ngoài với các tổ chức của Đức, Đan Mạch, Na Uy, Mỹ, Nhật Bản… giúp nhà hát có được nhiều vở diễn gây tiếng vang như Vòng phấn Kavkaz, Tất cả đều là con tôi, Ông lão đánh cá và con cá vàng, Mẹ ơi con sắp lớn… Thời kỳ ông làm giám đốc cũng là giai đoạn nhiều vở diễn của Lưu Quang Vũ được dựng lại và được giới thiệu với công chúng trong những “mùa” kịch Lưu Quang Vũ hằng năm. 

Bùi Hồng Quế, cán bộ biên tập và truyền thông của Nhà hát Tuổi Trẻ dùng từ “thâm trầm, sâu sắc và đương đại” với Trương Nhuận, bởi ông là người lãnh đạo khá đặc biệt đối với các nghệ sĩ, cán bộ, nhân viên nơi đây. Mỗi vở diễn của nhà hát từng được ông rất cân nhắc khi thực hiện. Vì thế mà nhiều đồng nghiệp nghĩ về Trương Nhuận như một người luôn trăn trở làm sao để các vở diễn của nhà hát luôn đi được bằng hai chân là nghệ thuật và thị hiếu, tìm lối đi riêng để thuyết phục một lượng khán giả lớn của miền Bắc. 

Với những người làm nghệ thuật biểu diễn, Trương Nhuận là một tấm gương về vai trò quản lý đơn vị nghệ thuật. Ông đã kết nối toàn bộ các bộ phận, các cán bộ, nghệ sĩ để tạo nên sức mạnh tập thể, tạo nên thương hiệu riêng cho Nhà hát Tuổi Trẻ. Suốt thời gian ở vị trí người đứng đầu nhà hát, ông luôn muốn thay đổi cách làm nghệ thuật, làm sao để công chúng cùng hòa mình vào những vở diễn mới có lối tư duy văn minh, hiện đại hơn.

Bởi thế mà bây giờ, ở mảng đối ngoại của nhà hát, lớp người sau cũng đã chịu ảnh hưởng cách làm việc của ông, nhất là sự khéo léo với các đối tác nước ngoài, để từ đó nhà hát được giao thoa với nhiều loại hình nghệ thuật thế giới, các nghệ sĩ được trau dồi về chuyên môn và kỹ thuật biểu diễn, để đem vào những tác phẩm nhiều màu sắc tươi trẻ khác nhau. 

Trương Nhuận và các đồng nghiệp Nhà hát Tuổi Trẻ - Ảnh: Facebook nhân vật
Trương Nhuận và các đồng nghiệp Nhà hát Tuổi Trẻ - Ảnh: Facebook nhân vật

Với những nhà báo chuyên theo dõi văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là lĩnh vực sân khấu, hẳn sẽ khó quên được lá thư như một lời chào chia tay báo giới, khi Trương Nhuận về nghỉ hưu theo chế độ. Ông gửi lời cảm ơn sự hợp tác của các báo với Nhà hát Tuổi Trẻ; và gửi gắm ước mong báo giới sẽ tiếp tục ủng hộ người kế nhiệm anh là NSƯT Chí Trung. Thái độ trân trọng nhà báo, trân trọng người kế nhiệm mình của Trương Nhuận, đã thể hiện một cách ứng xử vô cùng văn hóa, cũng như tâm huyết vì sự nghiệp phát triển của đơn vị nghệ thuật này. 

Có lẽ, cũng chỉ có một giám đốc “thức thời” như Trương Nhuận mới biết cách xây dựng thương hiệu cho Nhà hát Tuổi Trẻ bằng chính các gương mặt nghệ sĩ của nhà hát mình. Từ thời Trương Nhuận, Nhà hát Tuổi Trẻ đã duy trì chủ trương rất mở, khi tạo mọi điều kiện cho các nghệ sĩ của nhà hát tham gia các chương trình truyền hình, giải trí, điện ảnh… miễn sao việc đi diễn, làm chương trình không ảnh hưởng tới lịch biểu diễn của đơn vị. Điều này đã giúp cho Nhà hát Tuổi Trẻ luôn giữ được nghệ sĩ và giúp nghệ sĩ ý thức hơn trách nhiệm đối với đơn vị mà mình đang hoạt động.

Và với tư duy quản lý tổ chức biểu diễn, Trương Nhuận cũng đã mạnh dạn tổ chức bán vé xem nghệ thuật trên các kênh mua bán như Hotdeal, Mua chung, Nhóm mua… Giá vé bán được giảm nhiều so với bán vé trực tiếp, điều này đã khiến nhiều đối tượng khán giả tìm đến với thương hiệu Nhà hát Tuổi Trẻ hơn. 

Sau khi nghỉ hưu, bạn bè thấy Trương Nhuận chia sẻ những hình ảnh ông đang nỗ lực chiến đấu với bệnh ung thư bằng một tinh thần rất lạc quan và mạnh mẽ. Đến lúc đó, nhiều người mới biết ông bị ung thư phổi, mặc dù ông đã mắc căn bệnh này từ năm 2016 - khi vẫn còn đương chức Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ.

Thời gian gần đây, bạn bè thấy ông chia sẻ nhiều hình ảnh vui vẻ, say mê và dường như rất khỏe mạnh khi tham gia các sinh hoạt hội họa cùng anh em nghệ sĩ và các nhà đấu giá. Bẵng đi một tháng nay, không thấy ông xuất hiện nữa… để rồi ngỡ ngàng nhận được tin ông đã vĩnh viễn ra đi.

NSƯT Chí Trung sẽ làm trưởng ban tang lễ ông Trương Nhuận diễn ra từ 15g15, ngày 15/1, tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Chắc chắn sẽ có rất nhiều văn nghệ sĩ và cả các nhà báo tới tiễn đưa người đồng nghiệp, người bạn của họ, để ông có thể thanh thản đi vào cõi nhớ… 

Thúy Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI