PNO - PN - Suốt tuần qua, các trường phổ thông ngoài công lập như ngồi trên lửa khi nghe tin sẽ bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2008 đến nay.
TRỐNG ĐÁNH XUÔI, KÈN THỔI NGƯỢC
Nguồn cơn của sự việc như sau: theo Nghị định 53/2006/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ 24/6/2006) quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa (XHH) đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), tất cả các trường ngoài công lập (NCL) thành lập theo quy định của pháp luật sẽ được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% (thay vì 25% như những doanh nghiệp khác) trong suốt thời gian hoạt động. Thế nhưng, chính sách ưu đãi này chỉ kéo dài được đúng hai năm. Ngày 30/5/2008, Chính phủ lại ban hành Nghị định 69/2008/NĐ-CP (có hiệu lực từ 24/6/2008), trong đó đặt ra một số điều kiện để được hưởng ưu đãi về thuế như: diện tích đất tối thiểu phải đạt là
8m2 / trẻ (đối với bậc mầm non), 6m2/học sinh (HS) (bậc phổ thông từ tiểu học đến THPT), 30m2/HS (trung cấp) và 55m2/sinh viên (SV) (CĐ và ĐH). Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, các trường vẫn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là 10% và ngành thuế TP.HCM vẫn thu 10%, không xét đến điều kiện vừa nêu.
Đột ngột, vào nửa đầu năm 2013, ngành thuế đã kiểm tra và truy thu thuế đối với các trường NCL. Cụ thể, để được hưởng thuế suất 10% thì các trường phải đạt được một số điều kiện, trong đó có điều kiện 6m2 đất/HS; nếu không, phải đóng 25% và bị truy thu từ năm 2008. Nếu tính theo cách đó, Trường THCS và THPT Việt Thanh (Q.Tân Bình) sẽ bị truy thu thuế và phạt vi phạm hành chính về thuế khoảng 1,8 tỷ đồng cho bốn năm (từ năm 2008 đến 2011). Tiến sĩ Phạm Thanh Tâm - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Hồng Đức (Q.Tân Phú) - cho biết, với cách tính của ngành thuế, trường ông sẽ bị truy thu xấp xỉ bốn tỷ đồng. Một trường khác có quy mô lớn hơn tại Q.Tân Bình cũng sẽ phải đóng khoảng sáu tỷ đồng, nếu bị truy thu.
Nhiều trường tiểu học TP.HCM nhỏ hẹp, không đạt tiêu chuẩn 6m2 đất/HS. Vì vậy, đòi hỏi các trường phải đạt chuẩn này là làm khó những nhà đầu tư, đi ngược chủ trương XHH GD - Ảnh: P.Huy
Về quy định 6m2 đất/HS, ông Tâm nói: theo Nghị định 69 và Thông tư hướng dẫn 135 ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính, các trường NCL sẽ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho thuê nhà dài hạn với mức giá ưu đãi. Nghĩa là, Nhà nước đặt điều kiện song song với việc tạo điều kiện cho các trường. Bất công là trên thực tế, gần như tất cả các trường đều không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía Nhà nước.
Thêm một sự thiếu công bằng nữa là vào ngày 6/5/2013, Quyết định 693/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung về tiêu chí, tiêu chuẩn đối với các cơ sở thực hiện XHH trong lĩnh vực GD-ĐT, trong đó “diện tích đất tối thiểu” phải đạt ở bậc trung cấp là 30m2/HS được đổi thành “diện tích sàn xây dựng tối thiểu” 1,5m2/HS, “diện tích đất tối thiểu” ở bậc ĐH-CĐ là 55m2 được đổi thành “diện tích sàn xây dựng tối thiểu” là 2m2/SV, trong khi tiêu chuẩn về diện tích đất xây dựng ở bậc mầm non và phổ thông (PT) vẫn giữ nguyên! Sự thay đổi “đột ngột” (ở bậc trung cấp, CĐ và ĐH) và không thay đổi gì (ở mầm non và PT) vừa nêu khiến dư luận băn khoăn: khó khăn về đất như nhau, vì sao các tiêu chí lại ưu ái cho trung cấp, CĐ và ĐH?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, với quy định 6m2/HS thì ngay cả nhiều trường công lập như các trường THCS Nguyễn Du (Q.1, Q.Gò Vấp), Cầu Kiệu (Q.Phú Nhuận), Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình) và các trường THPT như Trần Phú, Tân Bình (Q.Tân Phú), Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình)… cũng không đạt. “Đỉnh” như Trường THCS Phan Tây Hồ (Q.Gò Vấp) - ngôi trường được UBND TPHCM cấp chứng nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ ba (cao nhất trong các cấp độ đánh giá) cũng không đạt tiêu chuẩn 6m2 đất/HS.
ƯU ĐÃI CÓ CŨNG NHƯ KHÔNG!
Định ra mức thuế TNDN là 10% đối với các cơ sở XHH trong lĩnh vực GD-ĐT là một chính sách ưu đãi và khuyến khích của Nhà nước đối với việc đầu tư vào GD-ĐT. Thế nhưng, theo đánh giá của Tiến sĩ Phạm Thanh Tâm - người được các trường NCL cử làm đại diện - có đến 95% số trường NCL ở TP.HCM không đạt được chuẩn về diện tích đất, không được hưởng ưu đãi về thuế, thì chính sách sẽ chẳng còn tác dụng gì nữa! GS-TSKH Lưu Duẩn - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Việt Thanh - thẳng thắn: “Thà cứ đặt điều kiện trước, ai làm được thì làm, không làm được thì thôi. Nếu ban đầu có điều kiện phải đạt 6m2 đất/ HS thì chúng tôi đã không dám mở trường. Cả thành phố chắc cũng chỉ có vài trường dám mở, vì đất thành phố là đất vàng”. Cũng theo GS Duẩn, “Hô hào XHH giáo dục nhưng lại đánh thuế trường học đến 25% cho thấy sự không nghiêm túc trong việc làm chính sách, gây bất an cho các nhà đầu tư!”. Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc “bổ sung” điều kiện 6m2 đất/HS là sự “không nhất quán” về chính sách, khiến các trường NCL chới với.
Các trường NCL cho biết, trước hết sẽ kiến nghị lên thành phố với nội dung: giữ nguyên thuế suất 10%, bỏ điều kiện 6m2 đất/HS. Việc chuẩn hóa các điều kiện cho môi trường GD-ĐT là cần thiết, là vì quyền lợi của HS, nhưng để đạt chuẩn bằng cách thu thuế cao thì liệu có vì HS? Chưa kể, để đạt chuẩn thì vốn đầu tư sẽ rất lớn và HS phải chịu chi phí rất cao! Vì vậy, theo đề xuất của các trường, các tiêu chí đặt ra cần thực tế, phù hợp với điều kiện - hoàn cảnh cụ thể, và quan trọng là phải có lộ trình để các trường thực hiện hoặc bỏ đi nếu không phù hợp.
Minh Nhật
“Trước khi lập Trường Hồng Đức, tôi đã liên hệ với ba quận thì Q.Bình Thạnh và Q.8 trả lời dứt khoát là “không có đất”. Riêng Q.12 có tổ chức một buổi làm việc với tôi nhưng câu trả lời vẫn là không được”. Ngoài ra, tôi cũng liên hệ với UBND TP.HCM xin được giúp về đất để xây dựng một trường ĐH, UBND TP chỉ sang các Sở Kiến trúc và Tài nguyên môi trường, nhưng hai nơi này cũng trả lời “không có đất”. Đây là thực trạng chung đối với hầu hết các trường. Để có đất xây trường, các trường buộc phải đi thuê hoặc mua với giá thị trường rất đắt. Vì thế, chuẩn 6m2 đất/HS cho các trường phổ thông NCL có lẽ chỉ có ở trong mơ”.