Vẫn chưa thấy giảm học phí
Tuy phải chờ HĐND TP.HCM “gật đầu” thông qua chủ trương này nhưng nhiều phụ huynh đã khấp khởi mừng thầm vì nếu được hỗ trợ 100% học phí của con thì gánh nặng mùa dịch sẽ đỡ hơn. Phụ huynh lập tức liên lạc với nhà trường để biết tình hình. Cha mẹ có con đang theo học các chương trình học tiếng Anh triển khai trong các trường công lập và trường công lập theo mô hình tiên tiến hội nhập có học phí cao hơn trường thường cũng thắc mắc rằng con em có được miễn học phí?
Nhiều phụ huynh cho biết, hiện nay, các trường công lập vẫn chưa thu tiền đầu năm như thông lệ hằng năm. Còn hầu hết trường ngoài công lập đã thu học phí từ trước khi năm học mới bắt đầu nên chưa nghe thông báo sẽ hoàn học phí như thế nào.
|
Trường ngoài công lập gặp khó khăn nếu phải hỗ trợ người học 100% học phí. Ảnh chụp tại Trường THPT Lý Thái Tổ (Q.Gò Vấp) năm học 2020-2021 - ẢNH: PHÚC TRẦN |
Chị Ngọc Hương, phụ huynh lớp Chín Trường tiểu học - THCS - THPT Sao Việt (Q.7), cho biết đến thời điểm này vẫn chưa nghe trường thông báo về chính sách học phí mới sau quyết định của UBND TP.HCM. Trước đó, gia đình tham gia chương trình vàng của nhà trường đóng trọn gói học phí nguyên năm là 130 triệu đồng, thay vì 170 triệu đồng như nguyên giá.
Tương tự, một số phụ huynh của Trường Vinschool (Q.Bình Thạnh) cho hay học phí đã đóng từ trước khi vào năm học mới. Nếu phụ huynh chọn đóng cả năm thì giảm 10%, còn đóng theo từng học kỳ thì giảm 5%. Ngoài ra, chưa có thông báo về việc có miễn học phí học kỳ I hay không.
Theo các nhà giáo lâu năm, chính sách hỗ trợ học phí học kỳ I rất hay, giúp giảm gánh nặng cho người dân. Với trường công lập được ngân sách cấp trả lương và đảm bảo các hoạt động thường xuyên, đồng thời có mức học phí theo quy định khá thấp sẽ dễ dàng thực hiện chính sách miễn giảm này. Tuy nhiên, sẽ rất khó để yêu cầu các trường ngoài công lập, và kể cả trường công tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên hỗ trợ 100% học phí. Những trường này về cơ bản là tự lo kinh phí, vì thế mức học phí cũng cao hơn nhiều, nếu muốn miễn thì họ cần có nguồn tài chính khác hỗ trợ để duy trì hoạt động.
Trường tư gặp khó
Đúng như các nhà giáo dự đoán, hiện các trường ngoài công lập tại TP.HCM vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể mới biết khả năng giảm học phí đến đâu.
Ông Nguyễn Thuyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thái Tổ (Q.Gò Vấp), cho rằng nếu miễn 100% học phí học kỳ I thì trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì tiền trả lương cho giáo viên, nhân viên, mặt bằng để duy trì hoạt động không biết lấy ở đâu ra. Lâu nay, trường tư hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn thu học phí của người học là chính. Nếu thành phố không hỗ trợ kinh phí thì điều đó gần như là không thể. Hiện, phụ huynh cũng nôn nóng nhưng các trường đang trong trạng thái chờ hướng dẫn chính sách hỗ trợ cho các trường ngoài công lập rồi mới tính được. Hiện trường có khoảng 720 học sinh và nhà trường đã hỗ trợ người học tối đa bằng mức học phí thấp nhất có thể là 1,2 triệu đồng/tháng cho chương trình học hai buổi. Nếu thành phố hỗ trợ bao nhiêu thì trường sẽ giảm tiếp cho phụ huynh học sinh.
Theo một nguồn tin, công ty EMG đã thông tin đến hiệu trưởng các trường có triển khai chương trình tiếng Anh tích hợp cho biết sẽ điều chỉnh mức thu học phí xuống còn 8,1 triệu đồng/quý (thay vì 10,8 triệu đồng) cho học sinh từ lớp Một đến lớp Chín trong thời gian học trực tuyến. Để có được mức thu này, chương trình vẫn duy trì thời lượng 8 tiết/tuần, trong đó, 6 tiết học với giáo viên bản ngữ và 2 tiết với giáo viên Việt Nam. Phần học phí thu được tính trên 6 tiết học với giáo viên bản ngữ.
|
Còn ông Bùi Gia Hiếu, chủ hệ thống Trường Hội nhập quốc tế Bamboo School, thông tin: Hiện hệ thống có khoảng 2.000 học sinh từ tiểu học đến THPT và khoảng 200 giáo viên đang đứng lớp tại nhiều cơ sở nên không thể miễn toàn bộ học phí học kỳ I. Lý do: lương giáo viên nếu dạy online vẫn hưởng đủ 100%, và giáo viên không có tiết vẫn phải trả lương theo mức tối thiểu vùng; nhân viên văn phòng làm việc online cũng phải đảm bảo 70% thu nhập, cộng với khấu hao cơ sở vật chất, thuế… cho thấy nguồn chi rất lớn.
Trong khi đó, nguồn thu đang giảm đáng kể, từ đầu năm học trường đã giảm 30% học phí và khi chuyển sang hình thức dạy online phải giảm thêm 10% nữa. Đó là chưa kể, vì trường đóng trên địa bàn Q.Tân Phú, Q.12 và H.Hóc Môn, chủ yếu là phụ huynh khó khăn nên với những phụ huynh không có tiền trong mùa dịch, trường cũng không hối thúc đóng học phí, khi nào có thì đóng hoặc kéo dãn ra thành nhiều kỳ… Chính vì vậy, trong mùa dịch, các trường ngoài công lập vô cùng căng thẳng để duy trì hoạt động. Nếu TP.HCM có hỗ trợ bao nhiêu trên mỗi học sinh thì nhà trường sẽ gửi lại cho phụ huynh bấy nhiêu.
Học phí của trường ngoài công lập là thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh nên đơn vị quản lý nhà nước cũng khó yêu cầu các trường hỗ trợ 100% học phí trừ khi nhà nước cấp bù kinh phí. Thực tế lâu nay, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM hầu như không thể can thiệp vào việc thu học phí của loại hình trường này, thay vào đó, chủ yếu là kêu gọi sự chia sẻ.
Không chỉ trường ngoài công lập gặp khó khăn trước chính sách hỗ trợ 100% học phí học kỳ I cho học sinh, mà ngay đến các trường công lập theo mô hình tiên tiến hội nhập, có mức thu học phí khoảng 1,5 triệu đồng/tháng cũng ở trong tình trạng tương tự. Theo hiệu trưởng một trường THPT mô hình này (đề nghị giấu tên), trường phải tự đảm bảo nguồn chi trả lương cho giáo viên và cơ sở vật chất nên không thể miễn 100%. Trường đang làm dự toán và đề xuất sẽ hỗ trợ ở mức 500.000 đồng mỗi tháng cho học sinh trong thời gian học tập online. Nhưng nếu khi tổ chức dạy và học trực tiếp thì không thể duy trì mức thu này vì sẽ không thể đảm bảo đầy đủ các hoạt động.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM vừa có hướng dẫn thực hiện giãn thu và hỗ trợ học phí năm học 2021-2022. Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập và cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên, thực hiện chủ trương của UBND TP.HCM hỗ trợ học phí học kỳ I cho toàn bộ trẻ mầm non và học sinh phổ thông bằng định mức học phí đang áp dụng theo Quyết định số 34/2016/QĐ-UBND về quy định cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập trên địa bàn TP.HCM. Sau khi HĐND thông qua mức hỗ trợ học phí, thành phố sẽ tổ chức hỗ trợ theo quy định.
Cụ thể, mức thu theo quyết định này là: nhà trẻ ở các quận thuộc nhóm 1 (TP.Thủ Đức, quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân) là 200.000 đồng/tháng và nhóm 2 (các quận, huyện còn lại) là 140.000 đồng. Mẫu giáo nhóm 1 là 160.000 đồng/tháng và nhóm 2 là 100.000 đồng. THCS là 100.000 và 85.000 đồng/tháng/học sinh. THPT là 120.000 và 100.000 đồng/tháng. Riêng bậc tiểu học không thu.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho biết sở cũng đề nghị các cơ sở giáo dục ngoài công lập có vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh mức học phí và các khoản thu khác trong năm học 2021-2022 phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là đối với các trường có học sinh tiểu học. Đảm bảo không để một học sinh nào nghỉ học vì điều kiện kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh.
“Đây là lúc cần thiết cần có sự đồng hành, chia sẻ của các cơ sở giáo dục đối với phụ huynh học sinh gặp khó khăn trong dịch COVID-19. Các đơn vị cần thiết huy động các nguồn dự phòng, tài trợ, vận động để hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh có gia đình gặp khó khăn để ổn định học tập và sinh hoạt trong năm học mới”, ông Lê Hoài Nam nhấn mạnh.
|
Gia Tuệ