Ở đó có một ngôi trường, mà có lúc tôi hình dung nó đong đưa như phận học trò là khách thương hồ tạm ghé qua kiếm chữ rồi đi, là vật vạ áo cơm, là sống trong nhấp nháy số phận cùng cực. Nhưng như điều muôn thuở, nghèo áo cơm chưa bao giờ át nổi nghĩa thầy trò, để không ít lớp học trò qua sông và trở lại, nối nghiệp trồng người.
Chạy mãi đến cuối đường Tôn Thất Thuyết, tôi nhận ra ngôi trường nơi góc khuất, hẻo lánh của Q.4, TP.HCM nhờ những bộ đồng phục màu lam nhạt. Con đường ven kênh được ngày rộn rã vì buổi lễ khai giảng của Trường tiểu học Khánh Hội B. Bấm đốt ngón tay, giọng cô Trần Thị Nhân trầm xuống, như tải ra rồi gói lại ký ức của hơn 30 năm bảng đen phấ n trắng tại ngôi trường nằm trên bờ kênh Tẻ. “Tám đời hiệu trưởng chứ ít gì…”.
Kênh Tẻ. Địa danh không đặc sắc nhưng gây nhớ, bởi ở đó là xóm nước đen, là nhà lá, là khách thương hồ nhấp nhô bao phận đời, giang hồ tứ chiếng có, tận cùng bi ai có, lý lịch trên bờ dưới kênh có… là vùng đất hội tụ sớm nhất những người đến khai phá, lập nghiệp, tranh đấu để góp phần dựng một Sài Gòn hôm nay.
|
Cô giáo Nhàn (bìa phải) năm đầu tiên về trường |
Ở nơi được coi là nghèo nhất thành phố này, Trường tiểu học Khánh Hội B, số 2 Tôn Thất Thuyết, P.18, Q.4 lại là nơi lưu dấu câu chuyện giáo dục qua bao biến thiên thời cuộc.
Nó được hình thành từ năm 30 của thế kỷ XX. Đến thời cô Nhân bắt đầu nghiệp gõ đầu trẻ vào năm 1985, thì nó vẫn còn hoang sơ lắm. “Cổng sau ngôi trường nằm sát mé nước, có những cọc bê-tông ghim xuống đất để mắc vài ba sợi dây kẽm gai làm thành hàng rào. Lúc đó trường có trồng một hàng dừa. Lúc nào cũng xanh mướt và cứ nghiêng mình về phía dòng kênh”.
Nói xong, như chợt nhớ, cô loay hoay lục trong tủ ra một bọc mấy album ảnh đủ loại để tìm cho tôi xem bức hình cô chụp dưới hàng dừa. Những bức hình đen trắng đã phai màu nhưng vẫn còn nhìn thấy rõ bức tường xi măng loang lổ và những chiếc cọc lởm chởm bên bờ kênh. “Phải tận mắt nhìn thấy mới hình dung ra được”, cô Nhân kéo tôi ra phía sân sau trường, chỉ một góc xéo, nay là vựa ve chai.
Cô nói rằng trước đây, đó là vị trí của một bến đò ngang tự phát để người dân đi chợ, hoặc thỉnh thoảng dân Nhà Bè từ bên kia bờ kênh qua lại với những chiếc ghe bán mắm, hay đôi ba thứ hàng xén tấp vào. Tôi không ngờ, có những kiểu học, những lớp học một thuở như phim: “Có những đứa học trò của cô, sau giờ học lại ra bến đò, đứa thì theo những chiếc xuồng qua bên kia bờ buôn bán, đứa thì chênh vênh trên chiếc xuồng nhỏ xíu giữa dòng vớt ve chai”, giọng cô buồn rớt…
Ngày ấy, đói nghèo hắt bóng hai bên bờ kênh. Trong dòng xoáy đó, những đứa trẻ sau giờ học, theo cha mẹ mưu sinh trên những chiếc xuồng con, hoặc cũng có những đứa trẻ xem việc lênh đênh trên sông nước là hành trình của cuộc đời mình. Trường học chỉ là một chốn tạm dừng để chúng có thể ghé lại, học lấy vài ba con chữ rồi cứ thế mà đi, tha phương kiếm sống ở nơi nảo nơi nào.
Có những nỗ lực kiếm tìm thành tựu, thầy cô đã kéo được chúng quay trở lại bờ để tiếp tục hành trình đi tìm con chữ, để đỡ cực tấm thân. Nhưng cũng có những nỗ lực bất thành, các thầy cô không một lần được biết gì về tin tức những học trò của mình.
Rồi như chợt tỉnh, cô chỉ lên bức tường cao chắn ngang dòng kênh: “Vì an toàn của mấy đứa nhỏ mà chặt dừa đi để xây bức tường này. Sân trước, sân sau cũng được nâng nền cho sạch, còn phòng ốc thì trước sao giờ vậy, chẳng thay đổi gì”.
***
Bức tường đã che khuất tầm nhìn hướng ra dòng kênh, ngăn cách hoàn toàn không gian trường học với bên ngoài. Qua bức tường, tôi chỉ nhìn thấy được những tòa nhà bên kia bờ cao vượt lên mà tự nhiên thèm một chuyến đò, thèm nghe tiếng nước chảy trên kênh, thèm nhìn thấy hàng dừa nghiêng mình ra mé nước.
“Tiếc lắm, đẹp nhất hàng dừa, nhớ năm chín mấy ghé đây, nhìn thấy hàng dừa mà mê mẩn. Chưa có ngôi trường nào như vậy”, thầy hiệu trưởng Lê Ngọc Phong tâm trạng, “nhưng vì an toàn, không cách nào khác. Giờ ra chơi, những cậu học sinh nghịch ngợm cứ thích chạy ra chơi mé kênh, có đứa đu toòng teng trên cây dừa, cứ sợ trượt chân sẩy tay, thầy cô phải canh suốt. Cũng sợ dừa rơi trúng đầu tụi nhỏ…”.
Thế rồi hàng dừa bị đốn. “Buồn ghê lắm. Hơn ba mươi năm đi dạy ở đây, vui buồn gắn với hàng dừa”. Cô Nhân cười mà không giấu được bồi hồi. Ngày đó nghèo, tết đến, mỗi giáo viên được thưởng 15 trái dừa đủ loại. Vui nữa là cứ ba đến bốn tháng một đợt, thương lái theo những chiếc xuồng xuôi bờ kênh tấp vào thu mua dừa. Thế là thầy cô người bẻ người chặt, rộn cả khúc kênh. Vậy mà tiền bán dừa cũng lên đến vài ba trăm. Số tiền ấy gây quỹ dành cho các hoạt động của trường, hỗ trợ học sinh chứ trường nghèo quá, toàn con lao động cả”.
Cô Tôn Thị Tuyết Hằng ngậm ngùi: “Cha mẹ quần quật kiếm ăn, có để ý gì con cái. Có những học sinh nghèo đến nỗi, chẳng dám đến trường vì không đóng nổi 70.000đ tăng tiết mỗi năm. Lương giáo viên ngày ấy bèo bọt, nhưng thương học trò, các thầy cô đã không ngại bỏ tiền túi để giữ những đứa trẻ ở lại trường học”.
Đồ dùng học tập, thiết bị dạy học đều tự chế. Cả chuyện sinh hoạt như để giữ lấy những nụ cười hồn nhiên thơ trẻ sau những mưu sinh nhọc nhằn như chỉ chực chờ dập tắt của chúng, thầy hiệu trưởng đã sắm vai ông già Noel, sẵn sàng diễn hài để các em có được những giây phút được làm trẻ nhỏ. Các thầy cô giáo tự mình làm lấy những bộ trang phục cho các em diễn kịch, văn nghệ…
Vậy đó, mà ngôi trường đã đưa bao nhiêu chuyến đò an toàn qua non thế kỷ. Tôi nghe mà ngỡ ngàng, rưng rưng xúc động. Giữa trung tâm một thành phố lớn, ai ngờ rằng từng có một ngôi trường như vậy. Một bước làm học trò, bước nữa là xuống kênh lênh đênh áo cơm. Để giữ học trò không cho con chữ đánh tõm xuống kênh, sa vào những hố vực cám dỗ, cần cơm chứ không cần học, các thầy cô ở đây hẳn đã vật lộn để học trò mình không bỏ trường bỏ lớp mà đi.
Những chuyến đò qua sông, đâu phải không có người trở lại, khi lòng thầy cô nặng trĩu tình thương đã níu giữ bao tâm hồn con trẻ. Là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cô Ngô Thị Kim Liên, giờ là giáo viên Trường tiểu học Bạch Đằng, chia sẻ: “Ước mơ trở thành cô giáo của tôi cũng từ ngôi trường này mà ra. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, dưới sự giúp đỡ, yêu thương của thầy cô, tôi đến trường mà không phải đóng một khoản gì. Tôi nhận ra một điều rằng, những đứa trẻ dù yếu hay giỏi, có điều kiện hay không có điều kiện cũng cần được yêu thương, và nếu được như thế, nó sẽ phát triển”.
***
Ngày khai giảng năm học mới, Trường tiểu học Khánh Hội B vẫn nhỏ bé nép mình bên dòng kênh, khiêm nhường và lặng lẽ. Chỉ vỏn vẹn 13 lớp học trong khuôn viên hẹp với 10 phòng học và thêm ba phòng tận dụng chạy dọc dài theo sân trường, không có lấy một tầng lầu. 439 đứa học trò đang theo học ở nơi này.
|
Ngày khai giảng của thầy trò trường tiểu học Khánh Hội B |
Theo bức ảnh cũ chụp ngôi trường trước đây nhiều năm, tôi thấy mọi thứ vẫn vậy. Nhưng câu chuyện dạy và học không bao giờ cũ, khi tâm huyết của thầy cô không suy suyển theo tháng năm.
Trường chỉ hơn 20 cán bộ, giáo viên, trong đó 13 giáo viên chủ nhiệm với hai giáo viên bộ môn, còn lại làm công tác tổ chức hoạt động đội, nhưng chưa một lần mụctiêu chất lượng giáo dục bị lơ là. Đáng mừng là những đứa trẻ không còn bỏ học vì nghèo đói nữa. Phụ huynh tuy hoàn cảnh còn khó khăn nhưng đã quan tâm nhiều hơn đến việc học tập của con cái.
Tôi theo chân các thầy cô qua bãi đất trống phía đối diện cổng trường, thầy Lê Ngọc Phong cởi mở: “Ngày khai giảng đã mang lại cho tôi một cảm xúc hết sức đặc biệt. Có gì đó vừa bồn chồn, nhưng cũng vừa rạo rực, phấn khởi”. Rạo rực, phấn khởi vì ngày 5/9 không chỉ là ngày khai trường, mà còn là ngày đặc biệt đối với riêng thầy trò Trường tiểu học Khánh Hội B, và với cả cư dân P.18. Đó là ngày khởi công xây dựng ngôi trường mới. Hình như hình dung tương lai về ngôi trường khang trang đang choáng ngợp trong họ. Trên nền đất rộng 6ha này, sẽ mọc lên ngôi trường ba tầng lầu với 26 phòng học, chưa kể các phòng chức năng.
Nhưng, học trò muôn thuở vẫn là học trò, với bao mơ ước không hề khác. Khi được hỏi đến trường có vui không, Lê Quỳnh Như, cô bé học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của lớp 5/2 nở nụ cười thật hiền: “Dạ thích. Con đến trường được học, được các cô thương, được chơi cùng các bạn tốt. Con thích đi học hơn”.
Còn cô bé Phạm Hoàng Mỹ Trinh thì nói: “Trường con xây mới nhưng con lớp 5 nên chắc sẽ không được học”, rồi cười tít mắt, nói thêm: “Con vẫn vui vì em con sẽ được học”. Nắng ngập lối đi. Gió từ dòng kênh thổi lên mát rượi. Bộ phim ngày cũ trôi qua, lãng đãng ký ức buồn. Ngày mai, ngày kia khi trường không nằm trên bờ kênh nữa, liệu có cậu học trò nghèo nào năm xưa nào về đây đứng ngó, giật mình nhì n lại tuổi tác. Để thấy hoa niên xưa giờ là kỷ niệm, mà ở đó sự nhẫn nại của thầy cô, ngôi trường cũ như chiếc nôi ru họ vào đời, nghèo nhưng tình thầy trò có nghèo bao giờ đâu.
***
Những năm 1930-1940 thời Pháp thuộc, trường Khánh Hội B là Trường tiểu học Tôn Thất Thuyết.
Thời này, bậc tiểu học Pháp - Việt gồm năm lớp: đồng đẳng tiểu học - 11 tuổi. Trường nào có đủ năm lớp gọi là trường tiểu học toàn cấp. Bấy giờ, trường chỉ có ba lớp đầu.
Những năm 1950-1960, trường có đủ các lớp học.
Đến năm 1968, trường trở thành một trung tâm giáo dục cộng đồng với tên gọi Trường tiểu học cộng đồng Tôn Thất Thuyết.
Kể từ năm 1975, do yêu cầu phát triển giáo dục, trường đổi tên thành Trường phổ thông cơ sở Khánh Hội vì vừa có cấp I và cấp II.
Đến năm 1984, trường được tách thành hai cấp riêng biệt và chính thức có tên Trường tiểu học Khánh Hội B.
Thu Lê