Nhiều ngành mới theo xu hướng "số"
Không chỉ dừng lại ở các ngành kỹ thuật, kinh tế cơ bản…, nhiều trường trung cấp, cao đẳng đã mạnh dạn mở những ngành mới theo xu hướng của thị trường. Có thể thấy trong khi nhóm ngành liên quan đến dệt may và một số ngành truyền thống tuyển sinh khá khó khăn thì những ngành mới mở như digital marketing, truyền thông đa phương tiện… đã thu hút được người học.
|
Học sinh tham gia Ngày hội tuyển sinh, hướng nghiệp giáo dục nghề nghiệp năm 2024 do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM và Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức ngày 19/10 để tìm hiểu các chương trình đào tạo nghề |
Ông Nguyễn Duy Tiến - Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường cao đẳng Công nghệ TPHCM - cho biết, với ngành truyền thông đa phương tiện (hệ cao đẳng), trường dành 70% thời lượng để sinh viên thực hành. Các sinh viên được “cầm tay chỉ việc” từ cách viết báo, thiết kế website, biên tập, viết kịch bản quay video, phim ảnh… đến các kỹ năng xử lý hình ảnh, âm thanh, video, làm quảng cáo, marketing.
Chương trình còn đi sâu vào việc phân tích và thiết kế nội dung phù hợp trên từng nền tảng mạng như Facebook, Zalo, YouTube, TikTok… “Thời đại số, các nền tảng mạng xã hội phát triển mạnh mẽ nên nhu cầu nguồn nhân sự lĩnh vực này rất lớn, sinh viên ra trường không lo thiếu việc làm” - ông Nguyễn Duy Tiến nói.
Với ngành digital marketing, sinh viên được đào tạo các kỹ năng cần thiết như: Google Analytics (GA) - công cụ phân tích website miễn phí của Google, Facebook Ads (nền tảng quảng cáo trên Facebook), Google Ads (nền tảng quảng cáo trực tuyến của Google), các công cụ hỗ trợ quản lý và phân tích hiệu quả các hoạt động marketing trên mạng xã hội, công cụ hỗ trợ tối ưu hóa website SEO (Search Engine Optimization)…
Trường trung cấp Kinh tế - Du lịch TPHCM cũng có ngành mới là quản lý sản xuất truyền thông, hiện rất thu hút người học. Bà Phan Hồng Diễm Linh - Phụ trách Ban Hướng nghiệp tuyển sinh của trường - thông tin: “Đây là một chuyên ngành trong nhóm truyền thông.
Điều khác biệt của chúng tôi là không đào tạo dàn trải mà tập trung vào các kỹ năng và đào tạo tới khi các em thành thạo, đạt chuẩn. Ra trường, học sinh làm được việc luôn, không phải đào tạo lại”. Cụ thể, khi ra trường, học sinh thành thục các kỹ năng như: vẽ kỹ thuật, thiết kế ngoại vi đồ họa, kỹ thuật đồ họa (Corel CB), tổ chức sản xuất (kỹ thuật in), kỹ thuật quay camera, chụp ảnh, dựng video, tạo các bản vẽ kỹ thuật (Cad 2D), công nghệ multimedia…
Bà Diễm Linh cũng cho biết thêm, sau dịch COVID-19, một vài ngành liên quan đến du lịch, nhà hàng - khách sạn tuyển sinh chậm. Nhằm giữ chân người học, trường đổi mới chương trình, cập nhật những kỹ năng mới. Ví dụ, với ngành F&B (Food and Beverage - dịch vụ ẩm thực), trường đào tạo thêm kỹ năng bán hàng online. Trong những mô hình quản lý nhà hàng - khách sạn, trường cập nhật các phần mềm công nghệ mới để theo kịp xu hướng phục vụ du lịch.
Ngoài ra, nhiều trường cũng đã bắt kịp xu thế phát triển của công nghệ, mở nhiều ngành mới theo nhu cầu thị trường lao động nên thu hút được người học như: logistics, kế toán số, thương mại điện tử…
Học phí thấp, "bao" đổi việc làm cho sinh viên
Tiến sĩ Lê Ngọc Trung - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại - khẳng định, bậc cao đẳng, trung cấp có mức học phí khá thấp. Như ở Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại có ngành chỉ khoảng 8,5-10 triệu đồng/năm. Chương trình đào tạo sát với thực tế yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp… là lợi thế của các trường đào tạo nghề.
“Với hệ cao đẳng, sinh viên chỉ cần học 2,5 năm ra trường là có doanh nghiệp nhận với mức lương 12-15 triệu đồng/tháng. Thậm chí, một số ngành như xuất nhập khẩu, logistics… nếu có thêm kỹ năng tiếng Anh, một số em đạt đến mức thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng” - ông Lê Ngọc Trung nói và chia sẻ thêm, chính những lợi thế này giúp trường luôn tuyển sinh đủ chỉ tiêu ngay đợt đầu tiên.
Ngoài lợi thế trên, các trường còn tập trung đào tạo nghề với những kỹ năng thực tế. Như tại Trường cao đẳng Công nghệ Sài Gòn, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Tiến - Phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết, sinh viên có 1 học kỳ học trực tiếp tại doanh nghiệp, được đào tạo bởi các chuyên gia, kỹ sư xem như học việc. Các em có thời gian tìm hiểu từng vị trí việc làm để biết mình phù hợp với vị trí nào.
Khi tốt nghiệp, sinh viên ít nhiều đã có kinh nghiệm làm việc. Đồng thời, nhà trường cũng đào tạo theo mô hình kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, sinh viên được đảm bảo đầu ra. Nhờ chính sách này, những năm qua, 100% sinh viên của trường học xong đều có việc làm đúng ngành nghề, mức lương khởi điểm khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Không chỉ vậy, để người học an tâm, Trường trung cấp Kinh tế - Du lịch TPHCM còn thực hiện chính sách “bao” đổi, trả công việc. Theo đó, ngoài kết nối việc làm cho 100% sinh viên, nếu sinh viên cảm thấy vị trí công việc chưa phù hợp, trường sẽ “bao” đổi, kết nối giới thiệu công việc mới cho người học tới khi hài lòng.
Theo ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - thành phố hiện có 400 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cung ứng cho thị trường lao động hằng năm hơn 30.000 lao động có trình độ, tay nghề cao. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần kết nối với doanh nghiệp theo đúng chuyên ngành để đảm bảo sinh viên được học nghề và làm việc đúng mong muốn.
Về nguồn tuyển sinh, trường phải chủ động tư vấn, định hướng nghề cho học sinh phổ thông để các em sớm có kế hoạch chọn nghề. “Về phía doanh nghiệp, muốn có nguồn tuyển nhân sự chất lượng và bền vững cần bắt tay đào tạo với các trường. Có thể đặt hàng nhân sự cũng như đưa ra yêu cầu trình độ, kỹ năng cần đạt để trường có cơ sở xây dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu. 2 bên tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả” - ông Lê Văn Thinh nhấn mạnh.
Nhu cầu lao động trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm gần 50% Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu - Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM - nhu cầu nhân lực đối với lao động có tay nghề tăng trưởng mạnh mẽ qua từng năm. Trung tâm dự báo trong quý IV năm nay, thành phố cần từ 78.120-83.328 chỗ làm việc. Trong đó, lao động đã qua đào tạo cần khoảng từ 68.324-72.879 chỗ làm việc, chiếm 87,46% tổng nhu cầu (trình độ đại học trở lên chiếm 20,66%; cao đẳng chiếm 22,56%; trung cấp chiếm 24,77%; sơ cấp chiếm 19,47%. Nhu cầu tuyển dụng ở trình độ lao động phổ thông tỉ lệ khá thấp với 12,54%). |
Nguyễn Loan