Thông tin được ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nêu ra tại hội nghị tổng kết giáo dục trung học năm học 2022-2023 chiều 22/8.
Theo ông, quy định Nghị quyết 04 của HĐND là mức thu tối đa, không phải trường nào cũng đẩy lên khung này, mà phải xây dựng kế hoạch về chuyên môn, dạy 2 buổi/ngày là làm gì, mấy tiết. Đặc biệt kế hoạch sử dụng Nghị quyết 04 phải chi tiết, phải dự toán trước các nội dung trong lớp này cần học môn gì, bao nhiêu tiết/tuần mới tính ra số tiền. Trường nào không làm thì phải tuýt còi.
“Sai phạm trong trường học chủ yếu liên quan đến tài chính. Các trường cần có kế hoạch. Cho thu không quá 300 ngàn/học sinh khi dạy buổi 2 mà trường thu 300 ngàn là sai rồi. Kế hoạch buổi 2 phải phù hợp với từng học sinh. Buổi 2 phải thực hiện không theo lớp, mà đáp ứng nhu cầu học sinh, học sinh yếu môn nào dạy môn đó, học sinh giỏi rồi thì dạy các câu lạc bộ thêm. Không rập khuôn áp dụng lớp buổi sáng áp vào lớp buổi 2. Khó cũng phải làm” - ông nêu rõ.
|
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, trường nào không làm đúng Nghị quyết 04 HĐND TP thì sẽ "tuýt còi" |
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, với cách thức tổ chức dạy buổi 2 như thế này cũng sẽ đáp ứng được những khó khăn trong dạy môn tự chọn ở bậc THPT. Từ số tiền phụ huynh học sinh đóng, nhà trường có thể mời huấn luyện viên, giảng viên nhạc viện về dạy để đảm bảo giờ học chất lượng, phù hợp.
Sẽ xây thêm trường THPT
Thông tin về công tác tuyển sinh lớp 10, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, nhiều năm nay TP đều đạt tỉ lệ 70% vào công lập. Việc năm nào cũng có trường THPT không tuyển đủ chỉ tiêu đã nằm trong tính toán của sở. Riêng năm nay là con số lớn với gần 4.000 học sinh trúng tuyển không nộp hồ sơ, đã tuyển bổ sung với 1.014 học sinh nộp hồ sơ vào công lập.
“Sở sẽ rút kinh nghiệm bởi dù tuyển 70% thì 95-97% học sinh phải nộp hồ sơ mới tối ưu. Các trường THCS cũng cần phải xem lại xem có tính toán thi đua lớp nào đậu công lập nhiều không, cho nên tư vấn học sinh đặt nguyện vọng 3 đăng ký cho chắc ăn thôi, nhưng trúng lại không học được. Địa phương cần rà soát nghiêm túc để có điều chỉnh phương án tuyển sinh trong năm học tới”- ông Nguyễn Văn Hiếu thẳng thắn.
Ông cho biết, tới đây TP sẽ xây thêm trường THPT trên địa bàn tuyển sinh tỉ lệ còn thấp, để tuyển sinh đủ 70% chỉ tiêu, nâng hiệu suất đào tạo ở các trường THPT.
Riêng việc tuyển sinh 10,5 điểm 3 môn trúng tuyển vào một số trường THPT, theo ông Hiếu là nhằm mục đích xét gần hết học sinh vùng ven, ngoại thành vào các trường THPT công lập song con số học sinh đạt 10,5 điểm không nhiều.
|
Khen thưởng các trường THPT đạt kết quả cao trong năm học 2022-2023 |
“Điều kiện trang thiết bị dạy học ngoại thành, nội thành không có sự phân biệt, chất lượng đội ngũ ngang nhau. Do vậy cần tập trung thay đổi cách dạy kiểm tra đánh giá để làm sao học sinh học nhẹ nhàng nhưng đạt được kết quả tốt. Thống kê phổ điểm thấy chất lượng giáo dục ngoại thành vẫn còn khoảng cách, cần tiếp tục tổ chức hội hảo, hội nghị chia sẻ kinh nghiệm với giáo viên dạy các môn thi tuyển sinh lớp Mười. Điều này cần kiên trì bởi cách đây 7-8 năm chỉ có trên 30% học sinh trên trung bình môn toán. Quyết tâm học sinh học vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn”- ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị.
Quyết liệt, kiên trì dạy tích hợp Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh, TP sẽ vẫn quyết liệt, kiên trì việc dạy học tích hợp ở bậc THCS hướng đến mục tiêu vì học sinh, đáp ứng mục tiêu Chương trình GDPT 2018. “Bao lâu nay chúng ta than thở rằng học sinh nặng nề kiến thức, giờ tích hợp rồi kiến thức nhẹ nhàng rồi thì cần giữ vững quan điểm đó. Chuyển quá trình dạy học từ chủ yếu trang bị kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Giờ nếu quay ngược lại dạy riêng rẽ từng môn là đi ngược lại xu hướng chung. TPHCM đã đầu tư, chuẩn bị từ sớm, bây giờ phải kiên trì, quyết liệt làm cho có lợi cho học sinh”- ông Nguyễn Văn Hiếu phân tích. Ông lưu ý, thầy cô không cần làm sâu, tách ra xem kiến thức ở bộ môn nào để dạy cho tới tận cùng kiến thức bộ môn đó, vượt quá yêu cầu cần đạt chương trình. Hiệu trưởng cần tạo điều kiện cho đội ngũ, các địa phương cùng làm dữ liệu dùng chung cho toàn quận, ngành, để phụ huynh học sinh cũng có thể lên tham khảo, trao đổi. 21,26% học sinh TPHCM không có hộ khẩu thành phố Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2022-2023, TPHCM đã đưa vào sử dụng 51 dự án với 874 phòng học mới (tăng thêm 518 phòng), tổng mức đầu tư trên 2.261 tỉ đồng. Trong đó khối THCS là 228 phòng (tăng thêm 135 phòng), đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn thành phố có chỗ học. Trong giai đoạn 215-2025, tỉ lệ phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đến trường đã tăng từ 247 phòng trong năm 2015 lên 294 phòng học trong năm 2022, ước tính đến năm 2023 đạt 296 phòng, năm 2025 đạt 300 phòng. Tỉ lệ học sinh không có hộ khẩu thành phố tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm học 2014-2015, tỉ lệ này là 16,98%. Đến năm 2021-2022, tỉ lệ chiếm 21,26%. Trong khi đó, việc đầu tư phát triển hệ thống trường, lớp, nhất là các quận huyện có dân số đông hiện đang gặp khó khăn; tiêu chuẩn định mức diện tích đất tối thiểu/học sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT còn chưa phù hợp với thực tiễn TPHCM; việc phát triển trường ngoài công lập còn hạn chế do khó điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tạm thời để sử dụng cho mục đích giáo dục. |
Quốc Trung